Yêu người ‘share’ nhà… dễ hay khó?

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 30/10/2010. Đăng trong Tìm chỗ trọ. Lượt xem : 6745

Tiền và tình

Share nhà là sinh hoạt bình thường của người Úc. Sinh viên Việt Nam sang Úc du học cũng theo trào lưu này. Với một số người, thuê chung nhà để tiết kiệm tiền. Người khác share nhà cốt để có bạn. Ngoài hai mục đích ban đầu, có người còn đạt được mục tiêu thứ ba. Đó là yêu người cùng share nhà và thành vợ chồng sau này. Cưới người cùng địa chỉ là điều ‘hơi’ bình thường ở xã hội Úc. Theo kết quả của cuộc khảo sát do trang web địa ốc domain.com.au tiến hành với câu hỏi “Bạn đã bao giờ yêu người cùng ở trọ hay chưa”, 14% nói rằng họ không những yêu đương, cặp bồ mà còn nên vợ nên chồng; 19% công nhận họ từng quen nhau trong thời gian nhất định, sau đó chia tay vì hai người không hợp tính; 19% thừa nhận tình yêu ‘lên hương’ trong khoảng một tuần, sau đó thì ‘xì hơi nhanh không kịp vớt’; khoảng 48% trả lời rằng không, bao gồm không tình cảm, không chung đụng, không ẩn ý, ai đó share nhà chỉ là bạn, không hơn không kém! Như vậy, tính ra hơn một nửa người Úc tìm được tình yêu (hoặc tiến đến hôn nhân) khi share nhà. Có hơn 4.000 độc giả tham gia cuộc khảo sát này.

Trong bài viết ‘Tình yêu thời share nhà’ đăng trên báo Sydney Morning Herald, blogger Carolyn Boyd từ Sydney viết rằng dân share nhà thường là nhóm người trẻ. Nhiều người đang tự do và muốn tìm tình yêu. Do cùng sở thích, cùng nhóm tuổi, cùng cảnh cô đơn, những người cùng thuê chung nhà đánh và bắt tín hiệu tình yêu rất nhanh. Bên cạnh một số lớn tìm được tình yêu, một số người khác lại khá ‘dị ứng’ với quan điểm ‘lửa gần rơm’ hay “yêu vội” khi ở chung nhà. Họ lo ngại hậu quả khó lường, rủi ro quá lớn nếu tiến xa về mặt tình cảm.

Khả thi

Nhóm “ban đầu chung nhà, về sau lấy nhau” có khá nhiều đại diện. “Tôi cảm mến người con gái cùng ở trọ khi học ở Sydney tám năm trước, giờ thì chúng tôi đã có hai con. Sống cùng nhau có thể nên vợ nên chồng lắm chứ”, anh Nadin Yogini cho biết.

Anh Asim Khan từ Ấn Độ coi chuyện thuê nhà rồi yêu người cùng địa chỉ giống như đã được Thượng đế xếp đặt. “Ban đầu cô ấy chỉ là người mướn phòng, sau trở thành bồ tôi, giờ là vợ tôi, sinh con cho tôi. Sau chín năm sống chung, tình cảm hai đứa vẫn mới như ban đầu.”

Vivian Yao, một sinh viên đến từ Trung Quốc, kể lại: “Đã 12 năm kể từ khi tôi bắt đầu share nhà, chúng tôi sống bên nhau trong 10 năm, thành vợ chồng trong 6 năm và mới mua nhà chỉ cách nơi tôi ở trọ vài căn. Chúng tôi vẫn hạnh phúc như ngày đầu sống bên nhau.”

Bất khả thi

Không thiếu độc giả tham gia cuộc khảo sát theo đuổi thái độ ‘xa cách’ đối với người thuê chung nhà. Cô Kako Takahashi, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Nhật, xem người thuê chung nhà chỉ là một cá nhân cần thuê chỗ ở, không hơn không kém. Nguyên tắc khi chọn người share nhà, theo cô là “chỉ chọn những người có bề ngoài không hấp dẫn lắm”. Thế mà cô cũng đã từng gặp sự cố khi một gã thuê chung nhà theo đuổi và tỏ tình với cô. “Sợ quá tôi phải dọn nhà sang tiểu bang khác. Hắn cũng chuyển chỗ làm, tìm công việc nơi (nghe đâu) tôi mới dọn tới. Cũng may là tôi không gặp hắn ngoài đường. Hắn cũng không biết chỗ ở mới của tôi. Kể từ khi ấy, không bao giờ tôi tìm người share nhà nữa”, cô Kato nói.

Huyền Phạm, công nhân may mới từ Việt Nam sang, nhắc đến rủi ro và chi phí của tình yêu theo lối share nhà: “Rủi ro đối với dân share nhà là người ta yêu nhau… chỉ vì ở gần nhau. Hơi mang tính ‘ăn sẵn’ và ‘lợi dụng nhau’, phải không? Nghĩ cho cùng thì chuyện này không có gì sai, tính ra rẻ hơn so với ra phố, đến quán rượu cưa gái hoặc gạ gẫm bạn trai.”

Wyn Brett, người New Zealand, cho rằng không ít người muốn sống thử cho biết dù trong lòng chưa sẵn sàng về hôn nhân. “Cuộc sống share nhà giống như học trò trung học đi cắm trại mà không có thầy giáo bên cạnh. Tuổi trẻ, lại sống xa gia đình, ai cũng hăng hái muốn thử cái gì đó cho biết”. Wyn kể lại anh cũng có mối tình với người ở chung nhà, tuy nhiên hai người không được thuận hòa cho lắm.

Được và mất

Theo những người từng trải, ưu điểm của việc yêu nhau khi share nhà là cặp uyên ương có cơ hội hiểu hết điểm mạnh điểm yếu của nhau. Điều này giúp họ tránh được những khác biệt về cá tính nếu cưới nhau sau này. Thà biết trước và chia tay nhau còn hơn là yêu gấp, bập vào cưới nhau, vài năm sau trở nên khó chịu với những thói quen, vốn được giấu kỹ, lúc hai người yêu nhau.

Thế nhưng, khi tình cảm đổ vỡ thì người ta có thể mất luôn cả tình bạn. Một trong hai người phải dọn ra ngoài. Từ tình bạn chuyển thành tình yêu là con đường thiên lý với nhạc cảnh du dương. Khi tình yêu phai tàn, quan hệ xuống cấp, mọi thứ trở nên trắc trở và khó đoán. Không ai muốn nói chuyện với nhau khi lòng đang nát tan, nhìn nhau sao khó… khi hai người vẫn sống chung. Khó xử hơn nữa nếu một trong hai người dẫn bạn mới về nhà…

(theo Bayvut)