1

Ý thức của người Úc nơi công cộng

Gửi Email bài này

Chính vì người dân có ý thức cao nên những khu vực công cộng ở Úc thường rất ít khi xảy ra lộn xộn mà trái lại, chúng rất quy củ và sạch sẽ.

Người Úc sinh hoạt nơi công cộng rất có ý thức và quy củ. (Bay Vút)

Thói quen xếp hàng

Cũng giống như người dân ở các nước phương Tây phát triển khác, người Úc có thói quen xếp hàng nơi công cộng. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, trước các cửa hàng ăn uống... bạn có thể thấy hàng đoàn người xếp hàng nối đuôi nhau để chờ đến lượt mình mua hàng hoặc thanh toán tiền. Ngoài ra, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, người Úc luôn có ý thức xếp thành hai hàng đứng nép sát hai bên cửa lên xuống và chừa ra khoảng giữa để hành khách đang ở trong xe bước ra ngoài. Điều này cũng được áp dụng khi họ sử dụng thang máy và thang cuốn. Khi đi thang cuốn, một nguyên tắc “bất thành văn” được áp dụng là mọi người sẽ chia thành hai hàng: hàng bên trái dành cho những người thích đứng yên để chờ thang tự cuốn lên, còn hàng bên phải dành cho những người đang trong hoàn cảnh vội vã, họ thường tranh thủ di chuyển hay đi nhanh trên thang cuốn để tiết kiệm thời gian đi lại.

Do luôn biết xếp hàng chờ đợi nên người dân Úc hầu như không xảy ra xô xát, cãi cọ hoặc chen lấn, xô đẩy nhau nơi công cộng mà ngược lại, họ khiến cho nơi công cộng trở nên trật tự và mọi ách tắc giao thông được giải quyết một cách nhanh chóng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, người Úc cũng rất quan tâm và đối xử công bằng với người khuyết tật. Ở bất cứ nơi nào, từ thành phố cho tới những vùng nông thôn người khuyết tật đều có thể được hưởng mọi cơ sở vật chất dành riêng cho mình. Các trung tâm mua sắm, các văn phòng, cao ốc, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng... đều có những khu vực riêng dành cho họ.

Long, một du học sinh trường RMIT tại thành phố Melbourne cho biết: “Hồi mới sang Úc học, em chưa ý thức rõ ràng về vấn đề này nên thỉnh thoảng em và một số người bạn vẫn đi vào lối đi riêng dành cho người khuyết tật cho nhanh. Thế nhưng có một lần em bị một số người Úc nhìn mình như ‘từ trên trời rơi xuống’, có người còn nhíu mày khó chịu nên em rất xấu hổ và ‘cạch đến già’”!

“Một lần khác chúng em lái xe đi siêu thị mua thức ăn. Khi đến nơi thì bãi đỗ xe đã hết chỗ nên em cứ đỗ xe “đại” vào chỗ dành cho người khuyết tật để cho mọi người xuống, còn em ở lại trông xe. Ai ngờ, chỉ một lúc sau em đã thấy một nhân viên cảnh sát đi đến để hỏi giấy tờ chứng nhận khuyết tật và nói rằng em đã phạm luật vì đỗ xe không đúng chỗ. Thật hú vía là họ chỉ cảnh cáo thôi chứ chưa phạt tiền. Từ đó về sau em có ý thức hơn trong việc tôn trọng khu vực dành cho người khuyết tật”.

Không những thế, trên các phương tiện giao thông công cộng, người già và người khuyết tật cũng luôn là đối tượng được ưu tiên. Nếu có dịp sang Úc thì bạn sẽ không khó để được chứng kiến cảnh những đoàn người đang đứng xếp hàng để chờ lên tàu/xe buýt bỗng dạt sang hai bên để nhường đường cho một cụ già bước lên, hoặc cảnh người lái tàu rời buồng lái để dẫn một người khuyết tật đi lên phía đầu tàu và bắc một chiếc cầu nhỏ từ khoang tàu xuống sân ga để người đó có thể dễ dàng di chuyển chiếc xe lăn của họ vào trong khoang rồi sau đó đoàn tàu mới từ từ chuyển bánh.

Giữ gìn vệ sinh công cộng

Mỗi gia đình và những khu vực công cộng ở Úc đều được trang bị hai loại thùng rác, một loại để bỏ rác tái chế và một loại đựng các loại rác thông thường. Không chỉ có người lớn mà cả trẻ con Úc cũng rất có ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố, họ không vứt rác bừa bãi và luôn thu dọn ‘bãi chiến trường’ do mình tạo ra để môi trường luôn sạch sẽ.

Người viết đã từng được chứng kiến cảnh các em nhỏ, khoảng 4-6 tuổi lăng xăng phụ giúp bố mẹ thu dọn rác và chai lọ sau khi kết thúc bữa tiệc nướng (BBQ-Barbeque) ngoài trời của gia đình. Có bé mới khoảng hơn 3 tuổi cũng biết đưa cho mẹ vỏ chuối sau khi ăn mà không vứt bừa bãi xuống đường.

Một du học sinh Việt Nam kể về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của các em nhỏ người Úc mà cô từng chứng kiến: “Một lần trên đường đi làm về nhà bằng tàu điện, tôi nhìn thấy hai em nhỏ đi cùng với mẹ trên cùng chuyến tàu. Hai bé tỏ ra rất thích thú khi được ngắm nhìn cảnh vật bên đường qua tấm kính. Vì quá hứng khởi nên cô em gái khoảng 3 tuổi bèn đứng lên ghế để vịn vào cửa sổ nhìn cho rõ. Tuy nhiên, ngay lập tức cậu anh trai trạc 6 tuổi đã nhắc nhở ngay: “Em không được đứng lên ghế như thế vì giày của em sẽ làm bẩn ghế đấy. Em phải quỳ xuống thế này này”. Thế là hai anh em cứ thế quỳ gối trên ghế và say sưa ‘bình luận’ về mọi thứ xung quanh. Thực sự điều đó đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp khó phai”.

Ngoài ra, một trong những hành động mà phần lớn những người Úc đều rất “kị” là xả khói thuốc bừa bãi nơi công cộng. Vì vậy, bạn sẽ không phải nhăn mặt khó chịu hoặc phải bỏ đi chỗ khác vì ‘thằng cha bên cạnh’ cứ phì phèo hút thuốc một cách rất thoải mái.

Anh Hải, một nhân viên IT sang Úc gần 10 năm nay cho biết: “Có một lần ngồi đợi vợ đi ‘lượn’ ở khu mua sắm, tôi lôi thuốc ra hút cho đỡ buồn và bị một người khác nhắc nhở là phải vào khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Từ đó về sau tôi không bao giờ hút thuốc bừa bãi nơi công cộng nữa”.

Chấp hành luật lệ giao thông

Người Úc rất có ý thức chấp hành kỉ luật giao thông, cho dù là ban ngày hay ban đêm. Ở Úc, việc người tham gia giao thông đứng đợi khi có đèn đỏ vào lúc nửa đêm mặc dù đường vắng tanh vắng ngắt là chuyện... thường ở huyện. Hơn nữa, họ cũng rất có ý thức trong việc nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường nên hầu như rất ít khi xảy ra tình huống xe nọ chen ngang, ép hoặc tạt đầu xe kia. Đặc biệt người tham gia giao thông luôn ưu tiên cho những người đi bộ nên nếu nhìn thấy người đi bộ đang có ý định qua đường ở một nơi không có đèn giao thông thì người lái xe sẵn sàng dừng xe lại và ra hiệu để cho người đi bộ có thể băng qua đường một cách an toàn.

Không những thế, việc bấm còi inh ỏi trên đường phố được xem là một hành động bất lịch sự ở Úc và thường chỉ được áp dụng đối với một số người tham gia giao thông nào đó cố tình lạng lách, vượt đèn đỏ hoặc gây ách tắc giao thông. Do đó, kể cả những lúc tắc đường ở Úc cũng không mấy khi xảy ra lộn xộn mà trái lại, các đoàn xe cứ thế nối đuôi nhau đi một cách trật tự và có quy củ nên nút ách tắc giao thông cũng nhanh chóng được giải quyết.

Chính điều đó đã khiến cho Úc ít khi xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo thống kế của Bộ Giao thông và Hạ Tầng cơ sở, tính đến cuối năm 2010 thì Úc có khoảng 1259 người chết vì tai nạn giao thông (so với con số hơn 12.000 người ở Việt Nam). Đối với người Úc, tai nạn là một điều rất “kinh hoàng” nên họ rất có ý thức trong việc chấp hành mọi luật lệ giao thông.

Đóng