Úc đề xuất cấp thường trú cho nghiên cứu sinh

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 09/04/2010. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 5728

thuong-tru-NCS

Chủ tịch của Group of Eight, Giáo sư Alan Robson. (AAP: Alan Porritt)


Tám trường đại học hàng đầu của Úc cho rằng trên thế giới hiện nay đang có một cuộc chiến để giành nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu. Nhóm này đã đề nghị Canberra xem xét việc cấp thường trú cho những nghiên cứu sinh hoàn tất bằng tiến sĩ tại nước Úc. Đề nghị này được đưa ra cùng thời điểm chính phủ Kevin Rudd đang tiến hành xem xét lại chương trình di dân Úc theo diện tay nghề.

Quả là điều khác thường khi nền kinh tế của Úc phụ thuộc rất nhiều vào công nghiệp khai khoáng nhưng Úc lại đang phải đối diện với tình trạng sinh viên ngành tài nguyên và địa chất học ở bậc tiến sĩ đang ngày càng thiếu hụt. Thêm vào đó, số lượng các nhà khoa học hàng đầu về toán học, thống kê và cơ khí hiện cũng không đủ và tương lai của một số ngành này được dự đoán sẽ còn xấu đi nhiều.

Như nhiều quốc gia khác, Úc sẵn sàng thu hút những nhân tài từ nước ngoài để lấp vào khoảng trống đang thiếu hụt. Tuy nhiên, theo Giáo sư Max King từ trường Đại học Monash tại Melbourne thì cuộc chiến giành nhân tài đang diễn ra trên toàn cầu và các quốc gia đều mong muốn thu nhận được những nhà nghiên cứu giỏi.

Cấp thường trú cho nghiên cứu sinh là nội dung chính trong đề xuất của Group of Eight, tên mà nhóm tám trường đại học hàng đầu của Úc tự đặt cho mình, tới chính phủ của Thủ tướng Kevin Rudd về việc xem xét lại chương trình định cư Úc theo diện tay nghề.

Theo Giáo sư King thì vấn đề không phải chỉ để bảo hộ cho ngành khai khoáng mà mấu chốt ở đây là tạo được một nền kinh tế tri thức cho nước Úc.

“Nếu giả sử chúng ta tìm ra cách chữa bệnh ung thư và ứng dụng nó trong điều trị thu phí với bệnh nhân thì lợi ích mà nền kinh tế thu lại được từ khám phá này cũng giống như là chúng ta tìm được một mỏ dầu lớn tại Úc”, ông nói.

Thực vậy, các trường đại học đã đưa ra ý kiến mà họ cho là hết sức thẳng thắn này ngay trong phần mở đầu của đề xuất. Theo họ, chính sách nhập cư phải do chính nền kinh tế và các nhu cầu xã hội quyết định cũng như nghĩa vụ quốc gia đối với quốc tế.

Hiện tại các nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ có thể nộp đơn xin Skilled Graduated Visa (visa tốt nghiệp diện tay nghề) như các ứng viên xin visa định cư theo dạng tay nghề khác. Visa này cho phép họ làm việc 18 tháng tại Úc và không chỉ ra rõ ràng cơ hội sẽ có thường trú sau đó. Như vậy, tất cả các ngành nghề sẽ cùng được xét duyệt và cạnh tranh với nhau.

Các trường đại học muốn chính phủ đưa ra một loại visa mới hoàn toàn khác biệt cho nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Theo đề xuất, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ được phép cư trú tại Úc ba năm sau khi hoàn thành khóa học để học hỏi và bồi đắp thêm kinh nghiệm, đồng thời sẽ có một đường hướng rõ ràng để xin được thường trú nếu họ quan tâm.

Một nghiên cứu sinh người Bangladesh, Nazneen Chawdhury, hiện đang làm luận án nghiên cứu về kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Úc ở Canberra cho biết: “Việc thiếu hụt các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là một hiện thực dễ thấy. Do vậy, Úc cũng đang thiếu hụt đội ngũ này. Theo tôi để giải quyết sự thiếu hụt này, chính phủ Úc nên khuyến khích việc nhận thêm những nhà nghiên cứu.”

Mặc dù quyền được thường trú là một điều kiện hấp dẫn đối với một số người nhưng cô Chawdhury cho rằng tính linh hoạt là điều kiện sống còn đối với các nhà nghiên cứu: “Một số bộ môn cần nhiều thời gian hơn để thu thập dữ liệu điều tra. Vì vậy nếu bắt buộc phải hoàn thành chương trình nghiên cứu tiến sĩ của họ trong một thời gian nhất định thì sẽ rất khó khăn cho nghiên cứu sinh. Nếu như có thể linh hoạt thời gian cho việc làm nghiên cứu thì đây sẽ là một thuận lợi lớn.”

Kết quả việc xem xét lại chương trình định cư theo diện tay nghề của chính phủ Úc sẽ được công bố vào tháng Năm tới.

Nguồn Bay Vut