Úc công bố dự thảo chương trình giáo dục chuẩn quốc gia

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 06/03/2010. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 4245

Uc-cong_-bo_du-thao

Chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia của Úc áp dụng cho học sinh mẫu giáo cho tới lớp 10. (Nguồn ảnh: ABC)


Niềm mong đợi lớn

Chương trình giảng dạy mới, trong đó có các môn tiếng Anh, Toán, Khoa học và Lịch sử sẽ được đưa lên mạng Internet trong ngày 02/03/2010 để trưng cầu ý kiến của người dân trước khi chính quyền các bang và vùng lãnh thổ Úc bãi bỏ những chương trình giảng dạy riêng của mình.

Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Úc Julia Gillard sẽ công bố bản dự thảo chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia áp dụng cho các học sinh từ lớp mẫu giáo cho tới lớp 10.

Bà cho biết: “Chúng tôi đảm bảo có thể đưa ra được một chương trình giảng dạy chất lượng cao cho tất cả học sinh trên toàn nước Úc. Mỗi năm có khoảng 80 ngàn học sinh chuyển đến các bang khác để sinh sống. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn cho các em rất nhiều nếu như các em được học cùng một chương trình ở ngôi trường mới.”

Giáo sư Barry McGaw, Chủ tịch của ACARA (Australian Cirriculum Assessment and Reporting Authority), nơi xét duyệt các chương trình giảng dạy quốc gia Úc,từ mẫu giáo đến lớp 12, cho biết ông đặt nhiều kì vọng vào chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia mới lần này.

Ông nói: “Tôi mong rằng Úc sẽ có một chương trình giảng dạy mang tầm cỡ quốc tế và có thể là một trong những chương trình giảng dạy tốt nhất trên thế giới. Tôi cũng hy vọng chương trình giảng dạy mới lần này sẽ giúp Úc vươn lên vị trí hàng đầu về giáo dục.”

Ông cũng ủng hộ quyết định dạy ngữ âm cho học sinh vì: “các nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh cần có nền tảng kiến thức tốt mà một trong số đó là nhận thức về ngữ âm. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển khả năng phát âm từ vựng của mỗi học sinh.”

Môn ngữ pháp và ngữ âm

Ngữ pháp và ngữ âm là hai môn học quan trọng trong dự thảo chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia lần này.

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều người Úc sẽ ủng hộ việc đưa hai môn học này vào chương trình giảng dạy bởi trong những năm gần đây, họ lo lắng trước vấn đề khả năng viết, đặc biệt là hiểu ngữ pháp của học sinh đang bị trượt dốc”, Bộ trưởng Julia Gillard chia sẻ.

Đối với vấn đề yếu kém ngữ pháp của các giáo viên dạy tiếng Anh, bà Gillard không muốn đưa ra một kết luận mang tính tổng quát hóa.

“Rõ ràng là việc đưa ra chương trình giảng dạy mới sẽ khiến cho các trường học và hệ thống trường học có những bước chuyển biến tích cực hơn về chuyên môn. Tuy nhiên, cũng giống như những người đã và đang làm việc với đội ngũ giáo viên trẻ hiện nay, tôi cho rằng có lẽ trình độ ngữ pháp của các giáo viên trẻ không được như mong muốn. Vì vậy, chắc chắn là họ sẽ phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về mặt chuyên môn và chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia mới được đưa ra lần này sẽ giúp họ phát triển về chuyên môn”, bà nói.

Theo bà Juilia Gillard, một trong những cơ sở của việc học đọc là phải học ngữ âm, tức là cách phát âm các chữ cái.

Bà đưa ra một ví dụ như khi học từ C-A-T (con mèo), việc dạy ngữ âm là dạy học sinh phát âm đúng từ này. Ngoài ra, các giáo viên còn mong muốn học sinh hiểu được ý nghĩa của từ và sau đó các em có thể viết được cả câu văn có sử dụng từ CAT.

Về môn Lịch sử, việc chọn lịch sử là môn học bắt buộc sẽ là một điều mới mẻ với phần lớn các bang. Các học sinh sẽ được học về lá cờ của Úc và sự kiện Thủ tướng Kevin Rudd gửi lời xin lỗi tới ‘Thế hệ bị đánh cắp’ vào ngày 13/02/2008. ‘Thế hệ bị đánh cắp’ là cách gọi trẻ em có nguồn gốc thổ dân Úc và ở eo biển Torres. Chính phủ Úc đã vi phạm nhân quyền qua việc tách rời các em ra khỏi gia đình và cộng đồng, khiến cho chúng bị đối xử tàn tệ trong suốt giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX tới tận cuối thập niên 60 thế kỉ XX. Bộ trưởng Julia cho rằng ‘Ngày xin lỗi’ là một phần của lịch sử Úc và cho rằng việc giảng dạy vấn đề này không phải là để nhìn nhận nó như một giai đoạn ‘tang thương’ của lịch sử mà đơn giản là khi giảng dạy về lịch sử nước Úc thì không thể bỏ qua lịch sử của thổ dân Úc – những người Úc bản xứ đầu tiên trên đất nước này.

Chính phủ Úc mong muốn chương trình giảng dạy mới sẽ được triển khai trên khắp đất nước trong ngày khai giảng của năm học tới. Việc trưng cầu ý kiến của người dân sẽ được thực hiện trong vòng ba tháng.

Toán và Khoa học

Nhiều người cho rằng khối lượng kiến thức được giảng dạy trong môn toán và khoa học là quá nhiều.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Barry McGaw, chương trình giảng dạy mới đã lược bỏ bớt một số tài liệu mà chỉ giữ lại những ý tưởng cần thiết – được gọi là ‘ý tưởng lớn về Toán học và Khoa học’ để đảm bảo rằng những ý tưởng này được phát triển và sinh viên sẽ có thời gian để trau dồi kiến thức một cách sâu hơn.

Việc chọn lịch sử là môn học bắt buộc sẽ là một điều mới mẻ với phần lớn các bang.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề lớn còn tồn tại mà một trong số đó, theo Giáo sư Barry McGaw, là việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy. Ông cho biết: “Tôi đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ với các giáo viên, tuy nhiên họ không hiểu rõ lắm về chương trình giảng dạy mới cũng như việc họ sẽ được đào tạo lại như thế nào để thích ứng với nó. Vì vậy, các kế hoạch thực hiện cần phải được công bố và các giáo viên có thể yên tâm về chúng.”

Mối quan tâm về tái đào tạo

Các hiệu trưởng và công đoàn nhà trường hiện đang lo lắng rằng vấn đề tái đào tạo vẫn chưa được đề cập một cách chi tiết và vì vậy, họ sẽ không có đủ thời gian để triển khai chương trình giảng dạy mới.

Theo ông Angelo Gavrielatos, Chủ tịch Hội Giáo dục Liên bang Úc, các giáo viên cần nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển kiến thức chuyên môn.

“Cùng với việc đưa ra chương trình giảng dạy mới được bắt đầu thực hiện vào năm học tới, không có một kế hoạch hoặc nguồn ngân sách nào được đưa ra để tài trợ cho việc triển khai cũng như cho các tài liệu giảng dạy. Tất nhiên là không có khoản ngân sách nào dành cho tái đào tạo để giúp đội ngũ giáo viên nâng cấp chuyên môn cần thiết.”

Bà Leonie Trimper, Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng Các Trường Tiểu học Úc, cũng có ý kiến tương tự. Ủng hộ chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia, tuy nhiên, bà lo ngại rằng tiến trình thực hiện có thể bị chậm lại.

Bà nói: “Hãy tìm hiểu xem các trường học và các giáo viên cần gì. Phần lớn chúng tôi cần thực hiện một cuộc kiểm tra. Chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia cuối cùng chỉ có thể được đưa ra vào tháng Tám hoặc Chín. Điều này là quá muộn vì các giáo viên chỉ có ba hoặc bốn tháng để chuẩn bị và nâng cao chất lượng chuyên môn. Vì vậy, chúng tôi muốn biết kế hoạch thực hiện, các nguồn lực hỗ trợ và chuyên môn cụ thể cần nâng cao. Đối với chúng tôi, triển khai thực hiện như thế nào là một vấn đề rất lớn.”

Theo ông Dave Edwards thuộc Hiệp hội Hiệu trưởng Các Trường Tiểu học Úc, chương trình giảng dạy chuẩn quốc gia mới sẽ giúp các giáo viên hiểu rõ hơn về những tiêu chuẩn cần đáp ứng. Ông kết luận: “Thực sự sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho các giáo viên để đánh giá lực học của các học sinh trong việc đạt được mức tiêu chuẩn theo một khung đối chiếu chuẩn được áp dụng trên toàn nước Úc.”

(Theo Bay Vut)