Tổng quan về dự kiến NỚI LỎNG VISA DU HỌC ÚC

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 30/10/2011. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 4479

Bản Knight Review

Nhằm tìm kiếm giải pháp thực tế hơn và hiệu quả hơn cho việc khuếch trương giáo dục Úc, chính phủ muốn ‘nhìn lại’ các quy tắc xét cấp visa du học, trước giờ có tồn tại một số bất cập. Chính phủ Úc đã nhờ 1 vị có kinh nghiệm thực hiện điều này là cựu bộ trưởng Michaal Knight, người đã thành công trong việc tăng nguồn du khách đến Úc và cũng là người đặc trách tổ chức Thế Vận Hội Sydney 2000 vừa qua.

 

Cựu bộ trưởng Micheal Knight vừa trình kết quả điều tra và đề nghị của mình cho chính phủ Úc. Tường trình này mang tên ‘Strategic Review of the Student Visa Program 2011’. Theo đó, ông Micheal Knight cho rằng thay đổi luật di trú không giải quyết hết sa sút con số sinh viên đến đây nhưng có thể giúp cho đại học Úc thêm phần hấp dẫn với sinh viên và phụ huynh các nước có đông người muốn sang Úc du học.

Úc nhận nhiều thành phần sinh viên và học sinh đến đây qua nhu cầu học nhưng tường trình Knight chú ý đến lớp sinh viên đại học. Còn đối với sinh viên và học sinh không học đại học hay học huấn nghệ (VET), tường trình Knight không đề nghị nhiều. Ngoại trừ cũng cho phép lớp sinh viên và học sinh này có thời gian làm việc tại Úc sau khi học xong.

Nguyên bộ trưởng đặc trách tổ chức thế vận hội năm 2000, ông Micheal Knight khuyến cáo chính phủ 41 điều. Khuyến cáo này có thể tóm tắt trong ba ý chính: đơn giản thủ tục xét đơn du học Úcgiảm bớt điều kiện nộp đơn du học Úc và tăng thêm thời gian sinh viên được làm việc tại Úc sau khi hoàn tất việc học.

Khi chính phủ loan báo sẽ thi hành tất cả 41 đề nghị trong tường trình Micheal Knight, lập tức guống máy ngoại giao Úc phát triển tinh thần của kiến nghị này đối với các nước châu Á. Ông Paul McCormack trưởng ban di trú tại toà đại sứ Úc ở Bắc kinh gặp gỡ quan chức Trung quốc và hàng trăm tổ chức dịch vụ du học tại nước này.

Đơn giản thủ tục du học Úc

Cho đến bây giờ, khi sinh viên xin vào Úc du học thì bộ di trú xét đơn kỹ lưỡng và lâu mau tuỳ theo người nộp đơn đến từ nước nào và xin học trường nào. Bộ di trú Úc phân chia các thứ đơn thành 5 loại. Gọi là ‘Assessment Level’. Assessment Level 1 là dễ dàng và nhanh chóng nhất và Assessment Level 5 thì đòi nhiều điều kiện và kéo dài nhất.

Thí dụ, sinh viên đến từ bất cứ quốc gia nào mà xin vào Úc với học bổng AusAIDS thì được xếp vào loại Assessment Level 2, Sinh viên hay học sinh đến từ Hongkong dù học trường nào cũng được dễ dàng vì Honkong được coi là Assessment Level 1. Trong khi đó, học sinh đến từ Việt Nam thuộc Assessment Level 2. Còn sinh viên xin học nghề thuộc Level 3, học chương trình cử nhân tại đại học thuộc Level 3; học chương trình sau cử nhân thuộc Level 1 và sang Úc học các khoá học không cấp bằng (non-award) thuộc Level 3.

Đề nghị cải cách do cựu bộ trưởng đặc trách tổ chức thế vận hội Sydney 2000 là: dù sinh viên đến từ quốc gia nào mà xin vào Úc để học đại học thì đều được xếp vào Assessment Level 1. Nghĩa là dễ dàng và nhanh chóng hơn trước đây nhiều.

Tuy nhiên, bộ di trú vẫn có quyền phân chia thêm nhiều cấp độ khác trong Level 1. Bộ di trú Úc sẽ tăng thêm điều kiện và xét đơn lâu hơn nếu trong tương lai có trường đại học nhận nhiều sinh viên du học mà không hoàn tất khóa học. Theo những ‘tì vết’ này, có thể bộ di trú làm khó dễ hơn đối với sinh viên xin vào học trường đại học đó.

Giảm bớt điều kiện nộp đơn Du học Úc

Nếu chính phủ Úc thi hành tường trình Knight thì người xin du học Úc phải chứng minh mình chỉ muốn vào Úc tạm thời (genuine temporary entrant). Nghĩa vào Úc, học, rồi về nước — ngoại trừ có những ngả đường khác để ở lại luôn. Đây là đề nghị số 1 và cũng là điều mà bộ di trú Úc xét trước tiên khi cấp chiếu khán cho sinh viên và học sinh du học. Điều kiện kế tiếp để được chiếu khán vào Úc du học là chứng minh được mình đến đây để học. Nói khác không phải để làm việc, để làm hôn thú giả hay ở quá hạn.

Tuy nhiên, tường trình Knight đề nghị giảm bớt điều kiện xin vào Úc để học Anh văn. Các khóa học Anh văn này gọi chung là English Language Intensive Courses for Overseas Students, gọi tắt thành ELICOS. Cho đến nay có nghịch lý là Úc nhận người sang đây học Anh văn nhưng lại có yêu cầu phải biết… tiếng Anh. Tường trình Knight nhận ra ‘điều lạ’ kể trên và khuyến cáo chính phủ Úc bỏ điều kiện khảo sát Anh văn dành cho sinh viên hay học sinh xin vào Úc học tiếng Anh.

Quan trọng hơn hết cho phụ huynh sống tại nước nghèo là Úc giảm bớt điều kiện tài chính. Trước đây sinh viên từ quốc gia bị coi là ‘có nguy cơ (ở lại) cao’ như Trung quốc phải ký thác $75,000 trong ngân hàng khi nộp đơn du học Úc. Trong khi đó, sinh viên tại một số nước khác phải chứng minh đủ tiền chi tiêu ít nhất $18,000 /năm tại Úc. Sắp tới, Úc chỉ đòi phụ huynh hay sinh viên tuyên bố mình có đủ tiền để sống tại Úc khi đi học là đủ.

Tăng thêm thời gian sinh viên ở lại làm việc tại Úc sau tốt nghiệp

Đây là đề nghị mới trong tường trình Knight và gây phấn khởi cùng khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thật ra, Úc chưa thay đổi luật di trú dành cho sinh viên du học mà chính phủ chỉ lên tiếng chấp nhận hết 41 đề nghị ghi trong tường trình Knight.

Tường trình này đề nghị sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp gần hết khoá học tại đại học Úc (thường là cử nhân và thạc sỹ bằng lối theo lớp học — mainly Bachelor and Masters by Coursework degrees) và vẫn còn hội đủ điều kiện như được ghi trong chiếu khán nhập cảnh thì sau khi tốt nghiệp được quyền làm việc hai năm tại Úc.

Đề nghị số 4 từ tường trình Knight như sau:

Tất cả sinh viên lãnh bằng cử nhân tại đại học Úc, đã học văn bằng này ít nhất hai năm tại Úc và vẫn còn hội đủ điều kiện như ghi trong chiếu khán nhập cảnh thì được quyền làm việc tại Úc hai năm.

Cũng được quyền làm việc hai năm, sinh viên học tại Úc và lãnh bằng thạc sỹ dạng coursework mà còn hội đủ điều kiện ghi trong chiếu khán nhập cảnh.

Khi làm việc tại Úc sau khi thành tài, các vị cử nhân hoặc thạc sỹ ấy không bắt buộc làm thứ nghề có liên quan đến môn học.

Sang đến khuyến cáo số 8, tường trình Knight cho rằng: tất cả sinh viên đến Úc học văn bằng hậu cử nhân (thạc sỹ hay tiến sỹ) bằng lối nghiên cứu (by Research) thì được quyền làm việc vô giới hạn khi đi học. Học xong, thạc sỹ được thêm ba năm làm việc tại Úc và tiến sỹ được bốn năm.

Mục đích cho sinh viên có thời gian làm việc tại Úc là giúp họ thu thập kinh nghiệm thực tiễn ngay tại Úc. Nhờ được học tập và được làm việc, văn bằng của sinh viên du học sẽ tăng thêm giá trị khi họ về nước hay sang nước khác làm việc.

Khi những điều kiện dễ dàng hơn và có tính cách tập trung hơn vào đối tượng sinh viên du học thực thụ như thế này được áp dụng, số lượng sinh viên đến Úc trong thời gian tới ước lượng sẽ tăng trong thời gian tới…

Hải Nguyễn Tổng hợp