Tìm hiểu Tết Trung thu các nước châu Á

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 19/09/2013. Đăng trong Giải trí. Lượt xem : 4311

Tết Trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 trong Âm lịch, đây là thời gian mặt trăng tròn nhất và sáng nhất, đây cũng là thời gian người Châu Á thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là lễ hội trăng rằm. Và Tết Trung thu – lễ hội trăng rằm mọi người cùng thưởng thức bánh Trung thu với nhiều hương vị khác nhau nhâm nhi cùng một ấm trà.

Nhật Bản

Mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Hội đầu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền “Otsuki-mi” (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu. Kế đến là hội ZYUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10.

Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo.

Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước.

Bánh mặt trăng (Tsukimi Dango)

Theo truyền thống, để chuẩn bị cho đêm ZYUYOGA, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ ngắm trăng gồm: bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác được bày trên một bệ đứng hoặc bàn, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần cửa sổ.

Tại Nhật Bản, người Nhật Bản lại cho rằng có Thỏ Ngọc sinh sống trên mặt trăng, vì vậy khi ngắm trăng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang ăn bánh bao, hoặc đang giã bánh Tsuki-Dango.

Hàn Quốc

Tết Trung thu, hay lễ hội Chuseok ở Hàn Quốc còn có tên gọi Hangawi, là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, cũng diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, hay còn gọi là Rằm tháng Tám. Như một lễ hội mừng mùa bội thu, người Hàn Quốc đi xa đều quay trở về quê hương và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon và rượu sindoju hay dongdongju.

Bánh trung thu của Hàn Quốc có hình bán nguệt được gọi là “Songpyeon”

Ngoài ra, Chuseok còn được xem là ngày lễ tạ ơn của người Hàn. Đây là dịp mọi người tạ ơn với tổ tiên của mình, và cầu mong cho mùa màng bội thu hơn, cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Trẻ em Hàn diện trang phục truyền thống đón tết trung thu

Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, Trung thu được xem như dịp đoàn tụ đại gia đình vô cùng quan trọng, họ trở về nhà và thể hiện lòng thờ kính với tổ tiên. Mọi người bắt đầu nghi lễ cúng tổ tiên từ sáng sớm. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ở Việt Nam. Sau đó, người Hàn dâng thức ăn, đồ uống truyền thống lên tổ tiên.

Mâm cơm cúng dịp Tết trung thu của người Hàn Quốc

Singapore

TTại Singapore, tết Trung thu là một lễ hội rất lớn. Vào dịp này, khu Chinatown rực rỡ với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Nếu đến Singapore vào dịp này, bạn sẽ không thể quên được những hình ảnh sống động và rực rỡ với những chiếc đèn lồng lung linh. Vào tết trung thu, các gia đình ở Singapore sẽ có dịp quây quần bên nhau chia sẻ những niềm vui và sự ấm cúng.

Đèn lồng đủ sắc lung linh trên một con phố

Chị Hằng Nga tuyệt sắc gia nhân được đặt tại trung tâm vui chơi ở Singapore

Lào

Tết Trung thu là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào Trung thu, già trẻ, gái trai đều thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa hát ca thâu đêm.

Thái Lan

Tết Trung thu được gọi là “lễ cầu trăng”, vì vào đêm Trung thu, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng. Mọi người sẽ ngồi cầu nguyện và ban phước lành cho nhau trước một bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên trong truyền thuyết của Trung Quốc. Trên bàn thờ còn quả đào và bánh Trung thu. Theo truyền thuyết của người Thái, nếu làm như vậy, Bát Tiên sẽ mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.

Camphuchia

Vào ngày 15 thượng huyền (trăng lưỡi liềm – từ mồng bảy đến mồng tám âm lịch hàng tháng có thể nhìn thấy trăng lưỡi liềm) người Campuchia tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống. Sáng sớm hôm ấy, người ta bắt đầu chuẩn bị lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.

Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn trước, thảnh thơi ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Bái nguyệt xong xuôi, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhết vào được nữa mới thôi, để cầu viên mãn, điều tốt đẹp.

Việt Nam

Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Tại Việt Nam, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên.

Tết trung thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo nhâm nhi cùng ấm trà

Trẻ em Việt Nam rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích.

Linh Chi (tổng hợp)

Theo www.baomoi.com

Du Học SET xin gửi lời chúc đến quý vị phụ huynh cùng các bạn học sinh sinh viên một đêm trung thu thật ấm cúng bên người thân và gia đình.

 















    Đồng ý chia sẻ thông tin cho Du Học SET, các trường và đối tác để nhận thông tin liên quan đến du học.
    Tôi đồng ý các điều khoản và chính sách bảo mật thông tin của Du Học SET.