TIếng Anh và nỗi khao khát hòa nhập

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 17/04/2010. Đăng trong Thông tin Anh ngữ. Lượt xem : 7931

 

Tiếng Anh và nỗi khao khát hòa nhập

Trẻ học, cả gia đình cùng học

Tôi đến trung tâm tiếng Anh AMES ở Springvale, thành phố Melbourne vào một buổi trưa giữa tuần. Springvale là một trong những khu vực có số lượng người Việt tập trung sinh sống cao nhất bang Victoria. AMES là trung tâm giáo dục đào tạo của chính phủ, có nhiều chi nhánh trên khắp nước Úc, chuyên cung cấp các chương trình dạy tiếng Anh cho người di dân.

Hương, quê ở Tiền Giang, chân ướt chân ráo đến Melbourne vừa tròn hai tháng theo diện hôn nhân. Hương cho biết cô có 510 giờ học tiếng Anh miễn phí theo chương trình của chính phủ Úc dành cho di dân tại AMES. Cũng từng bập bõm học tiếng Anh khi còn ở Việt Nam nhưng Hương quyết định đăng ký theo học lại từ đầu vì: “học lại cho đàng hoàng chứ trước đây học ở nhà cũng chỉ nửa vời thôi, sang đây cũng chẳng áp dụng được gì. Ở đây, người ta dạy cho mình cách phát âm đúng, những tình huống giao tiếp thực tế hàng ngày và cả những vấn đề văn hóa xã hội Úc để giúp người di dân hòa nhập vào cuộc sống ở đây nhanh hơn.”

Hương kể do ở khu người Việt nên cô cũng đã có dịp tiếp xúc với nhiều người Việt khác nhau. Có người ở Úc đã hơn mười năm nhưng tiếng Anh vẫn còn bập bẹ. Họ vẫn đi làm, sinh con và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Thế nhưng, với Hương, cuộc sống không chỉ đơn giản như thế mà trong cô luôn có khao khát làm sao có thể hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Để đạt được điều đó thì không thể thiếu tiếng Anh. “Không biết tiếng Anh thì làm sao giao tiếp được với những người khác? Chẳng lẽ chỉ sống quanh quẩn trong cộng đồng người Việt cả đời! Huống chi là chính phủ Úc đã tạo điều kiện cho những người di dân như mình học tiếng Anh. Ông xã Hương cũng khuyến khích và ủng hộ Hương học tiếng Anh hết mình.”

Từ Springvale, tôi đi ngược lên trung tâm thành phố để gặp Hải. Tôi biết Hải từ hai năm trước, khi anh cùng mẹ và cô em gái đến Melbourne theo diện đoàn tụ gia đình. Khi mới đến Melbourne, cả gia đình Hải cùng đăng ký tham gia chương trình tiếng Anh dành cho người di dân tại AMES. Hải và cô em gái thì đăng ký vào các khóa học chuyên về IELTS dành cho những người muốn tiếp tục học tập tại các trường nghề và đại học Úc vì anh đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, còn mẹ Hải do chưa biết tiếng Anh nên theo học các lớp cơ bản và giao tiếp hàng ngày.

Hiện giờ, Hải đang học bán thời gian chương trình thạc sĩ ngành Thương mại Quốc tế tại Đại học Victoria do anh vừa đi học vừa phải đi làm. Cô em gái thì đang học ngành Kế toán tại Đại học RMIT. Mẹ Hải cũng đã tìm được công việc bán hàng tại một cửa hàng tạp hóa của người Trung Quốc ở gần nhà. Hải nhớ lại: “Khi mới đến Úc, Hải nghe nói đến chương trình tiếng Anh của AMES là dẫn cả gia đình đến đăng ký ngay. Ước mơ của Hải ngay từ những ngày ban đầu là cải thiện tiếng Anh, nhất là phát âm, để có thể tìm được việc làm và học lên tiếp. Còn mẹ Hải thì mong muốn có thể biết tiếng Anh cơ bản để còn giao tiếp với những người xung quanh và đi làm để chủ động cuộc sống của mình.”

Già cũng học

Chia tay Hải, tôi đến trung tâm tiếng Anh CAE. Không như chương trình 510 giờ miễn phí tại AMES, các khóa tiếng Anh tại đây đều phải đóng tiền. Tuy nhiên, với những người đã có thường trú Úc (PR) hoặc quốc tịch Úc thì học phí ở đây rất rẻ do được chính phủ tài trợ.

Trong lúc đi loanh quanh để tìm hiểu các khóa học, tôi tình cờ gặp bà Olga. Đang trong giờ nghỉ giải lao nên bà Olga cùng một bà bạn khác đang ngồi thư giãn tại thư viện của trung tâm. Bà Olga cho biết năm nay bà 56 tuổi và đến từ nước Nga lạnh giá. Còn bạn của bà là người Uzbekistan. Cả hai đến Úc cùng thời điểm, cách đây hơn mười năm.

Biết tôi là người Việt, bà ngồi rủ rỉ với tôi về nước Nga những năm tháng xa xưa và lồng vào đó là câu chuyện di dân của bà.

“Tôi đến Melbourne do con gái bảo lãnh. Trước đây, khi còn ở Nga, tôi là kỹ sư. Đến Úc, cuộc sống cũng không có gì thay đổi đáng kể ngoại trừ ngôn ngữ. Tôi sống tại khu vực cộng đồng người Nga. Tôi có những người bạn Nga và nói tiếng Nga. Tôi đi chợ cũng tại những cửa hiệu của người Nga. Ở khu tôi ở còn có cả một thư viện toàn sách báo và băng đĩa tiếng Nga. Tôi cũng tham gia vào một câu lạc bộ dành cho những người lớn tuổi người Nga.”

“Nhưng, tôi không muốn cuộc sống của mình chỉ gói gọn trong cộng đồng người Nga. Tôi muốn hiểu những người xung quanh nói gì và tôi cũng muốn người ta nghe mình nói. Tôi muốn đóng góp ý kiến của mình vào những vấn đề văn hóa, xã hội. Bây giờ tôi lớn tuổi rồi nên không đi làm nữa. Thay vào đó tôi tham gia vào những công việc tự nguyện để giúp đỡ cộng đồng. Nhờ vậy mà tôi có thêm những người bạn Úc khác ngoài những người bạn Nga mà tôi đã quen biết trước đó.”

Bà Onga đã miệt mài đến lớp học tiếng Anh được gần hai năm nay và hiện bà vẫn tiếp tục hàng ngày đến lớp…

Theo Bay vút

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115