Thay đổi chính sách nhập cư tác động tới du học sinh

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 26/02/2010. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 5921

thay-doi-chinh-sach-nhap-cu

Việc thay đổi chính sách nhập cư của Bộ Di Trú Úc không gây ảnh hưởng tới quá trình xét duyệt visa sinh viên cho những người muốn du học Úc. (Nguồn ảnh: Bay Vút)


Vào ngày 8/2/2010, Bộ trưởng Bộ Di Trú Úc, thượng nghị sĩ Chris Evans đã thông báo bãi bỏ Danh sách Ngành nghề Nhập cư có nhu cầu cao tại Úc (Migration Occupations on Demand List – MODL) và thay đổi Danh sách các ngành nghề ưu tiên (Skilled Occupation List – SOL).

Theo dự kiến, vào ngày 30/4/2010, một SOL mới sẽ được ban hành và có hiệu lực từ giữa năm 2010. Sự thay đổi này không gây ảnh hưởng đến quy trình xét duyệt visa sinh viên cho những người có nhu cầu sang Úc học tập, tuy nhiên, nó lại có tác động đến việc xin thường trú Úc (PR) của du học sinh sau khi tốt nghiệp.

Để có thể xin được PR thì du học sinh phải có đủ 120 điểm theo cách tính của Bộ Di Trú dựa trên cơ sở bằng cấp, độ tuổi, trình độ tiếng Anh… SOL quy định điểm cho từng ngành học cụ thể và MODL giúp các sinh viên có thêm 15 điểm ưu tiên nếu như ngành học của họ nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, hiện nay, việc Bộ Di Trú bãi bỏ MODL và sẽ thay đổi SOL đồng nghĩa với việc con đường xin PR của du học sinh sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bay Vút đã có cuộc trò chuyện với ông Anthony Lee – Giám đốc công ty tư vấn luật OSANA tại Úc xung quanh vấn đề này.

Bay Vút: Theo đánh giá của ông, việc thay đổi chính sách ngày 8/2/2010 của chính phủ Úc có tác động như thế nào đến sinh viên quốc tế nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng trong việc xin PR?

Anthony Lee: Theo tôi, việc thay đổi lần này không gây ảnh hưởng quá lớn như người ta vẫn nói đến hiện nay vì nếu MODL bị bãi bỏ và các sinh viên bị mất đi 15 điểm ưu tiên thì họ vẫn có thể có thêm điểm dựa vào những tiêu chí khác.

Bay Vút: Xin ông có thể nói cụ thể hơn về cách để lấy thêm điểm đó?

Anthony Lee: Ví dụ họ có thể có thêm 5 điểm nếu có bằng cấp tại Việt Nam hoặc nếu học ở những vùng xa xôi, hẻo lánh thì cũng có thể thêm được 5 điểm nữa. Một trong những cách kiếm thêm được 10 điểm là điểm tiếng Anh IELTS tối thiểu của họ phải là 7.0 (không có môn nào dưới 7.0). Ngoài ra, các sinh viên cũng có khả năng xin được bảo lãnh của chính quyền tiểu bang và thay vì cần 120 điểm thì họ chỉ cần có đủ 100 điểm mà thôi.

Bay Vút: Theo như ông nói thì có vẻ như ‘cánh cửa’ PR chưa hoàn toàn đóng sập trước mắt các du học sinh?

Anthony Lee: Đúng vậy. Trong trường hợp ngành học của các du học sinh không còn nằm trong SOL mới sẽ được đưa ra vào cuối tháng 4/2010 nhưng nếu visa sinh viên của họ vẫn còn thời hạn và họ nộp hồ sơ xin PR trước ngày 31/12/2012 thì vẫn có thể xin được Temporary Resident (TR – visa 485) tức là visa cho phép tạm trú tại Úc trong vòng 18 tháng. Sau khi đã có TR rồi thì họ có thể suy nghĩ xem nên đổi qua ngành học khác hoặc chuyển sang hướng khác như tìm kiếm sự bảo lãnh của các công ty hoặc chính quyền bang. Tất nhiên để được bảo lãnh thì phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Ví dụ như để được công ty bảo lãnh thì du học sinh phải tìm được việc làm đúng chuyên ngành với mức lương thỏa mãn yêu cầu của Bộ Di Trú, hiện nay khoảng là 45,000 đô la/năm. Còn để được chính quyền bang bảo lãnh thì sau khi học xong và có bằng cấp, họ sẽ phải trải qua quá trình thẩm định chất lượng chuyên môn. Nếu đã vượt qua được quy trình này và có thêm điểm tiếng Anh đạt 6.0 IETLTS trở lên theo quy định mới nhất hiện nay (trước đây là 5.0) thì sinh viên có thể nộp hồ sơ xin bảo lãnh của chính quyền bang và sẽ nhận được kết quả rất nhanh, chỉ trong vòng 2 tháng. Sau khi có kết quả rồi thì sẽ tiến hành xin PR. Còn trong trường hợp xấu nhất xảy ra là phải về nước thì các sinh viên có thể đi làm ở Việt Nam để lấy kinh nghiệm rồi nộp hồ sơ xin PR tại Việt Nam (Offshore). Đối với những người học nghề, thực ra, việc này cũng thuận lợi cho họ hơn vì quy trình thẩm định tay nghề tại Việt Nam có thể nói là dễ hơn ở Úc. Ở Úc hiện nay, quy trình này phải trải qua 4 giai đoạn dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức Skills Australia trong khi đó ở Việt Nam, các bạn đó chỉ cần có chứng nhận 900 giờ kinh nghiệm cộng với bằng cấp của Úc và chứng chỉ 6.0 IELTS là đã có thể nộp hồ sơ xin PR tại Việt Nam. Tất nhiên là thời gian đợi chờ sẽ lâu hơn so với nộp hồ sơ tại Úc (Onshore) nhưng các du học sinh vẫn có thể có được PR.

Bay Vút: Với việc đưa ra yêu cầu cao hơn về tiếng Anh, 6.0 IELTS thay vì 5.0 như trước đây mà ông đã đề cập ở trên cùng với việc thắt chặt hơn quá trình thẩm định tay nghề, liệu có phải những sinh viên học nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất vì sự thay đổi chính sách lần này hay không?

Anthony Lee: Câu trả lời là Có và Không. Có là vì rõ ràng việc điều chỉnh tăng điểm IELTS lên 6 khiến cho các sinh viên học nghề rơi vào thế bất lợi. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều sinh viên, thường những người sang Úc học đại học thì tiếng Anh tương đối tốt nhưng rất nhiều bạn sang học nghề như nấu ăn, làm bánh, sửa chữa ô tô, cắt tóc… thì phần lớn họ không có ‘gốc’ về tiếng Anh nên nhiều bạn thi mãi mà không nổi 6 điểm. Hơn nữa, họ cũng có bất lợi hơn những bạn học đại học ở chỗ những sinh viên tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kế toán chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ xin PR ngay nếu có bà con ở Úc bảo lãnh, trong khi đó, sinh viên học nghề tốt nghiệp xong thì bắt buộc phải có ít nhất một năm kinh nghiệm mới được xin PR cho dù có họ hàng tại Úc hay không.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn là chất lượng học tập. Nếu anh học nghề một cách nghiêm túc, có tay nghề thực sự tốt và vượt qua được kì sát hạch tay nghề của tổ chức Skills Australia thì vẫn có khả năng xin được PR.

Bay Vút: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của việc việc không đạt được điểm tiếng Anh theo yêu cầu của Bộ Di Trú vì rõ ràng là các du học sinh đang sống trong môi trường nước ngoài nên cơ hội để nâng cao tiếng Anh là rất nhiều?

Anthony Lee: Nguyên nhân chủ yếu là do các sinh viên học nghề đi làm thêm quá nhiều vì phần lớn gia đình họ không dư giả về tài chính. Tôi biết rất nhiều người vừa học vừa làm, thậm chí vừa bước ra khỏi cổng trường đã lật đật chạy đi làm cho tới khuya, ngày nào cũng vậy. Hơn nữa, các du học sinh Việt thường ở chung với bạn bè người Việt, nói tiếng Việt, lên trường cũng ngồi gần người Việt nên ít tiếp xúc, trau dồi thêm tiếng Anh.

Tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng, cái gì cũng có giá của nó, nếu muốn con học tốt và được ở lại Úc thì hãy hy sinh thêm một chút, đầu tư thêm cho con em họ, giúp các du học sinh giảm bớt gánh nặng lo toan cuộc sống để tập trung vào việc học bởi nếu các bạn mải đi làm thêm kiếm tiền mà sao nhãng việc học thì rốt cục cũng lại ‘xôi hỏng bỏng không’. Cả gia đình lẫn các bạn sẽ đều không đạt được mục đích. Nếu cha mẹ các bạn là ‘đại gia’ thì không có gì để nói nhưng phần lớn các sinh viên không phải như vậy, thời gian của các bạn đó là vàng, là tiền bạc nên phải làm thế nào cho hợp lý, cân đối được giữa việc đi học và làm để đạt được mục tiêu một cách tốt nhất có thể.

Bay Vút: Ông có lời khuyên gì tới các du học sinh Việt Nam hiện đang ‘ngồi trên đống lửa’ vì sự thay đổi chính sách nhập cư?

Anthony Lee: Các bạn không nên quá lo lắng vì chính phủ Úc luôn đưa ra một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị trước khi luật mới được áp dụng. Những ai đã học xong thì nhanh chóng đi thi IELTS để hoàn thành hồ sơ xin PR sớm và đi hỏi luật sư để có được thông tin chính xác, tính toán con đường đi tiếp vì các bạn chưa hoàn toàn mất hy vọng.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng những người chuẩn bị sang Úc du học với mục đích xin PR thì cần phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng về anh văn, tài chính và nên có kế hoạch chọn trường và ngành học một cách thực tế. Ví dụ, với những sinh viên trên 30 tuổi thì nên chọn những bang như Nam Úc, Tây Úc hoặc những vùng xa xôi để học vì sau này có thể dễ xin PR theo dạng bảo lãnh của chính quyền bang hơn. Do đó, việc chọn trường học, ngành học và tiểu bang là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Tôi đã tổ chức một số buổi nói chuyện với du học sinh về sự thay đổi chính sách di trú của chính phủ lần này. Phần lớn các bạn đều rất lo lắng khi nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông. Có bạn còn rầu rĩ nói với tôi: “Chắc con cuốn gói về Việt Nam quá!”. Tôi muốn khuyên các bạn một điều là các bạn hãy coi đó là thử thách cần vượt qua và phải luôn có thêm một phương án dự phòng khác. Có thể các bạn sẽ phải đi theo những con đường dài hơn nhưng miễn là các bạn cố gắng hết sức thì cho dù có đạt được mục tiêu hay không cũng không nuối tiếc.

Không có nơi đâu là ‘thiên đàng’ bởi nếu ở Úc thì các bạn cũng phải làm việc vất vả, thậm chí là vất vả hơn cả ở Việt Nam. Có những người ở Úc đã mấy chục năm nhưng cũng vẫn chỉ làm những công việc lao động phổ thông thuần túy, không đòi hỏi chuyên môn mặc dù họ có chuyên môn. Trong trường hợp xấu nhất là không có được PR thì cũng không phải là ‘ngày tận thế’ bởi quay trở về Việt Nam cũng là một cơ hội tốt cho các bạn phát triển nghề nghiệp sau này.

Bay Vút: Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện hôm nay.

(Nguồn Bay Vút)