
Ra trường chỉ đi lao động chân tay?
Chắc hẳn phần lớn sinh viên đều muốn tìm được việc làm trong một công ty ở Úc, sáng sáng hòa vào dòng người hối hả đi về phía các công sở. Tuy nhiên, giữa mong ước và thực tế lại là một khoảng cách lớn nên đây vẫn chỉ là niềm ao ước mà thôi.
Mặc dù vậy vẫn có một số người may mắn tìm được công việc phù hợp với ngành học với mức lương khởi điểm tương đối. Nhưng con số này là rất ít ỏi, còn lại phần lớn sinh viên Việt Nam sau khi ra trường ở lại Úc đều rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Có câu nói vui rằng, du học sinh Việt ở Úc cũng như những sinh viên tỉnh lẻ cố gắng bám trụ lại thành phố để tìm việc và thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn vì sự hạn chế về ngôn ngữ. Vì vậy, nhiều người đã đi làm những công việc chân tay để kiếm tiền trang trải cuộc sống trong thời gian chờ đợi cơ hội việc làm.
T đã tốt nghiệp cao học hơn một năm nay nhưng hiện vẫn đang bán quần áo thuê với tiền công 10AUD/h. T tâm sự nếu không tìm được việc trong một thời gian ngắn nữa thì sẽ trở về Việt Nam với số vốn kha khá đã có trong tay.
M thì làm nghề dọn hàng từ khi còn đi học cho đến tận lúc … học xong như bây giờ. Hàng ngày, cứ vào 8h sáng và 3h chiều là M có mặt để dọn hàng cho 3 người chủ. Thời gian nghỉ làm giữa buổi thì M lại theo học một lớp cắt tóc vì tin tưởng vào lời quảng cáo hấp dẫn: “dễ kiếm việc làm và nhập cư”.
Thú vị hơn cả là có những sinh viên theo diện học bổng của Chính phủ Úc (ausAID) cũng tìm cách ở lại sau khi ra trường. Trong thời gian chưa kiếm được việc làm, những sinh viên này cũng gia nhập vào đội quân bán hàng, dọn hàng, bốc vác … ở các chợ. Th, một sinh viên như vậy cho biết đã nộp đơn xin việc một số nơi nhưng đều không có kết quả tốt nên đành đi làm ở chợ để kiếm thêm chút vốn trước khi về nước.
Hạn chế của du học sinh khi về nước làm việc
Những sinh viên như T, M, Th ở trên không phải là hiếm ở Úc. Trong hoàn cảnh không thể kiếm được một việc làm nào tốt hơn ngoài lao động chân tay, không ít người đã quay về nước.
Trong những năm gần đây, số lượng du học sinh trở về Việt Nam làm việc ngày càng nhiều. Trong đó, khá nhiều sinh viên sau một thời gian lăn lộn ở Úc mà vẫn không kiếm được việc làm cũng trở về vì “Việt Nam cần mình hơn!”. Cho dù là bất cứ lý do nào đi chăng nữa thì đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Nhưng có một thực tế mà nhiều nhà tuyển dụng nhận xét về du học sinh là “khả năng hội nhập với môi trường làm việc, kỹ năng linh hoạt trong ứng dụng kiến thức được lĩnh hội từ các nước vào thực tế chưa cao, thậm chí còn yếu” (Theo đánh giá của VinaCapital). Điều này thường xảy ra với những sinh viên học về luật, kế toán … vì họ thường áp dụng kiểu rập khuôn những kiến thức được học vào môi trường làm việc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, phần lớn du học sinh nói chung khi trở về Việt Nam làm việc đều muốn có thu nhập cao mặc dù không hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Những người từng trải thì cho rằng đó là tâm lý nóng vội của thanh niên, còn bản thân một số người trong cuộc đôi khi có suy nghĩ rằng đã đi học nước ngoài về là ‘oách’, là ‘xịn’ hơn dân học trong nước nên họ kỳ vọng vào một mức lương khá cao sau khi ra trường. Chính vì điều này mà không ít sinh viên khi trở về nước làm việc đã tỏ ra thất vọng với tiền lương khởi điểm hàng tháng và tìm cách quay trở lại Úc làm việc, cho dù đó là những việc chân tay trong thời gian đầu kiếm tìm một công việc tốt hơn.
“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước…”
Trong những năm trước đây, phần lớn du học sinh Việt ở Úc sau khi học xong đều tìm cách để có thể ở lại làm việc. Tuy nhiên, khi mà Bộ Di Trú Úc có chủ trương hạn chế nhập cư bằng cách ban hành những thay đổi về luật trong việc xin PR có hiệu lực kể từ tháng 9/2007 thì nhiều sinh viên đã dự định trở về nước sau khi học xong.
Có hai lý do chính: thứ nhất, kiếm việc làm ở Úc để có được PR theo luật mới là rất khó, kể cả việc học thêm những nghề ‘hot’. Thứ hai, lộ trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới hiện nay của Việt Nam cũng tạo ra một thị trường lao động đầy hứa hẹn cho du học sinh có đất dụng võ khi trở về. Ngoài ra, cuộc sống ở Việt Nam trong con mắt của nhiều du học sinh thì ‘vui’ hơn và ‘sướng’ hơn Úc vì có nhiều bạn bè và sự chăm sóc của gia đình, người thân. Tuy đây không phải là lý do quan trọng nhưng nó cũng góp phần thúc đẩy những sinh viên đã từng trải nghiệm cuộc sống vất vả nơi xứ người trở về quê hương làm việc.
Phần lớn du học sinh khi trở về đều ‘đầu quân’ cho các công ty liên doanh hoặc nước ngoài vì mức lương cao và họ có cơ hội được sử dụng vốn tiếng Anh trong một môi trường làm việc năng động. Rất hiếm người lựa chọn làm việc ở khu vực Nhà nước, trừ những người theo diện học bổng của Nhà nước, vì theo họ thì mức lương không đủ để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Hơn thế nữa, vốn liếng tiếng Anh cũng sẽ bị mai một và lãng phí nếu không được sử dụng thường xuyên. Thậm chí nhiều du học sinh nhận học bổng Ngân sách Nhà nước sau khi tu nghiệp trở về lại tìm cách ‘chạy’ ra khỏi cơ quan cũ hoặc chỉ làm đúng 2 năm rồi chuyển công tác sang các công ty nước ngoài.
Trong năm 2006 và đầu 2007, sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán và lĩnh vực tài chính-ngân hàng đã thúc đẩy nhiều du học sinh Việt ở Úc trở về nước làm việc. Mức lương khởi điểm từ 300-800USD/tháng do các công ty ‘săn đầu người’ có yếu tố nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế đưa ra là khá hấp dẫn đối với họ. Bên cạnh đó, với những thông tin về vốn đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ và Nhật Bản trong những năm tới cũng khiến cho nhiều du học sinh nóng lòng muốn trở về nước ngay sau khi học xong bởi sự chậm chân cũng đồng nghĩa với mất cơ hội.
Ra đi là để trở về?
Quả thực vấn đề ở lại hay về sau khi ra trường phụ thuộc vào suy nghĩ và quan điểm riêng của mỗi du học sinh. Hơn thế nữa đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm với sự phát triển chung của xã hội vì khi nền kinh tế của đất nước càng phát triển thì càng thu hút được đông đảo du học sinh trở về làm việc. Nhưng có một điểm chung trong suy nghĩ của du học sinh là nơi nào lương cao và môi trường làm việc tốt thì họ sẽ lựa chọn để đóng góp.
Bên cạnh những du học sinh theo diện học bổng Ngân sách khi trở về không xin được việc làm ở các cơ quan Nhà nước như một số trang báo điện tử trong nước đã đưa tin thì đối với sinh viên du học tự túc, việc đó còn khó khăn hơn rất nhiều.
Trong khi đất nước vẫn thiếu nguồn lao động chất lượng cao thì khu vực doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước vẫn chưa thực sự thu hút được đông đảo du học sinh nên phần lớn họ đều ‘đầu quân’ cho các công ty có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là một hình thức ‘chảy máu chất xám’ tại chỗ.
Hơn thế nữa, thiết nghĩ cần có thêm những chế độ ưu đãi đối với du học sinh quay về nước làm việc. Trong đó, những du học sinh theo diện tự túc cũng là đối tượng đáng được quan tâm vì Nhà nước không hề mất kinh phí đào tạo nhưng lại thu về được một nguồn tiềm năng con người đầy hứa hẹn. Nói một cách hình tượng thì Nhà nước không phải mất thời gian, công sức để trồng lúa nhưng vẫn thu hoạch được lúa chín.
Một khi du học sinh có được chế độ đãi ngộ xứng đáng thì việc ‘ra đi là để trở về’ cũng sẽ là điều tất yếu!
(st)