Nỗ lực giảm bớt tác động của khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 08/03/2010. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 5143

Tổ chức Brotherhood of St Laurence đã nghiên cứu những sự việc xảy ra với 138 người tham gia nghiên cứu tại thời điểm họ bước sang tuổi 18. 25% những người trong số đó xuất thân từ gia đình nghèo khó và bỏ học sớm. Chỉ 44% trong số những người xuất thân từ gia đình nghèo có thể tốt nghiệp trung học tại tiểu bang Victoria và được cấp chứng chỉ VCE. Trong khi đó, tỉ lệ tốt nghiệp trung học ở những học sinh con gia đình giàu có là 98%.

 

Thành phần xuất thân vẫn là vấn đề lớn trong trường học

Bà Janet Taylor, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của tổ chức Brotherhood of St Laurence, người viết bản báo cáo, cho biết tiềm lực kinh tế của gia đình cũng là yếu tố quyết định kết quả học tập ở trường của học sinh nếu họ theo học hết các bậc học.

Bà Janet cho biết: “Thanh thiếu niên xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình học tập. Họ không có đủ khả năng tài chính để tham gia các cuộc cắm trại liên quan đến bài tập định kỳ. Vào năm lớp 12, những học sinh con nhà nghèo không đủ tiền mua tài liệu ôn tập. Hiện nay, việc đóng góp rất nhiều khoản chi phí cho nhà trường đã tạo ra ranh giới phân biệt giữa các học sinh và những học sinh nghèo khó có thể tham gia mọi hoạt động của trường.”

Một số lý do tạo ra rào cản này là tiềm lực kinh tế và hoàn cảnh gia đình. Ở một số gia đình thu nhập thấp, bản thân những người làm cha, mẹ cũng có trình độ học vấn thấp hơn ở những gia đình có thu nhập cao. Một số ông bố, bà mẹ xuất thân của các gia đình tới từ các nước không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, họ đều muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Trên thực tế, khi được hỏi, các bà mẹ có con còn nhỏ cho biết họ hi vọng con cái của họ sẽ tốt nghiệp trung học. Điều này cho thấy các gia đình đều đánh giá cao việc học hành nhưng họ không có đủ tiềm lực kinh tế để nuôi con ăn học.

Với những học sinh đã kết thúc trung học, kết quả học tập của những người thuộc các gia đình có mứcthu nhập khác nhau cũng rất khác biệt. Những học sinh đến từ các gia đình có mức thu nhập cao có điểm đầu vào đại học cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ.

Một số học sinh con nhà nghèo không được học tiếp vì gia đình không thể trang trải được. Bà Janet Taylor cho biết có thể các trường học không biết được việc một số gia đình không đủ khả năng đóng góp mọi khoản chi phí cho con. Đôi khi, trường học yêu cầu học sinh làm bài tập trên máy tính nhưng các gia đình nghèo thường không có máy tính hoặc máy tính hỏng hay không có máy in. Trong nhiều năm, một số vấn đề tương tự đã xảy ra. Một số gia đình không có đủ nguồn lực cần thiết để nuôi con ăn học như họ mong đợi. Nhiều vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh khi các gia đình gặp khó khăn về nhà cửa và phải chuyển chỗ ở nhiều lần khiến cho con cáihọ cũng phải chuyển trường học.

Một câu hỏi đặt ra là liệu có thể loại bỏ vấn đề thu nhập gia đình ra khỏi nhóm yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh hay không? Bà Janet cho rằng các trường cần chú ý đến các khoản phí mà học sinh phải đóng góp như phí sách vở, đồng phục và kinh phí cho các chuyến đi ngắn. Một ví dụ điển hình là ở tiểu bang Victoria, học sinh phải trả tiền mua sách giáo khoa. Trong khi đó, ở Canada, sách thuộc quyền sở hữu của nhà trường và học sinh không phải mua sách. Học sinh chỉ phải đền tiền vào cuối năm học nếu làm mất sách. Về đồng phục, ở một số trường, đồng phục rất đắt nhưng một số trường lại có quy định về đồng phục linh hoạt hơn. Các trường học có thể giải quyết được một số vấn đề liên quan đến kinh phí đóng góp và hệ thống giáo dục của tiểu bang Victoria cũng có thể thực thi một số giải pháp để hỗ trợ học sinh nghèo.

Đã có nhiều cuộc thảo luận về học phí và các khoản đóng góp tự nguyện. Một vấn đề được quan tâm hiện nay là liệu đó có thực sự là những khoản tự nguyện hay là áp lực đè nặng lên gia đình học sinh nghèo? Và một vấn đề thực tế là liệu xã hội có thể cung cấp được một hệ thống giáo dục toàn diện cho tất cả học sinh hay nó chỉ dành cho những học sinh mà bố mẹ họ có thể đóng góp cho trường nhiều khoản tiền khác?

Chính phủ Liên bang Úc tuyên bố phấn đấu đạt tỉ lệ 90% học sinh tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2015. Như vậy, ngành giáo dục cần có một số thay đổi để mục tiêu trên có tính khả thi. Theo bà Janet, một trong những giải pháp là chuyển các học sinh kém hơn sang học các khóa học ứng dụng. Tiếp đó, chính phủ và các trường có thể hỗ trợ cho những gia đình có thu nhập thấp bằng cách điều chỉnh các khoản đóng góp cho nhà trường. Ngoài ra, các trường cũng nên giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc cân đối giữa việc học và đi làm thêm để kiếm tiền.Chính phủ Úc đã thông báo rằng sẽ cung cấp cho mỗi học sinh một số hiệu cá nhân. Tuy nhiên, bà Janet Taylor cho rằng động thái này không cần thiết và nó sẽ không giúp cải thiện được thực trạng giáo dục cũng như xóa bỏ ranh giới giữa học sinh con nhà giàu và học sinh con nhà nghèo.

Theo Bay Vút