Nhà báo Trung Nghĩa: bí quyết chụp ảnh đẹp

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 27/06/2011. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 7542

“Một nghệ sĩ đích thực”

Cuộc triển lãm ảnh báo chí ‘Tương phản Châu Á – Thái Bình Dương’ (Asia Pacific In Contrast) của nhà báo Việt Nam Trung Nghĩa tại Bảo tàng máy ảnh và Nhà triển lãm Michaels, trung tâm thành phố Melbourne (Úc), từ ngày 3 đến 28/6/2011 giúp người dân thành phố thêm một dịp thưởng ngoạn nghệ thuật.

Zara

Zara, cô bé người Nepal sinh ra ở Úc. Có 25.000 người gốc Nepal định cư và gần 24.500 sinh viên Nepal đang học tập tại Úc.

AsiaPacific_1

Một người vô gia cư làm nghề đánh giày tại khu thương mại sầm uất ở Sydney (Australia).

KualaLumpurMalaysiax

Một công nhân vệ sinh làm sạch hồ nước nhân tạo dưới chân tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia).

Trang web của Cục Du lịch tiểu bang Victoria (Tourism Victoria)www.visitvictoria.com giới thiệu ‘Tương phản Châu Á – Thái Bình Dương’ là “cuộc triển lãm từ thiện hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn tại Úc và Việt Nam”.

Trong thư chúc mừng gửi đến triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Australia Hoàng Vĩnh Thành đánh giá: “Những hình ảnh trưng bày giới thiệu và quảng bá những nét văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên đất Úc cũng như những hình ảnh quê hương đất nước đang phát triển, con người Việt Nam đang cần cù, năng động xây dựng đất nước sẽ giúp cho cộng đồng người Úc có thêm thiện cảm và nhận thức đúng đắn về dân tộc và đất nước Việt Nam”.

Ông Mike McCluskey, Giám đốc điều hành Đài Úc (Radio Australia, trực thuộc Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc ABC), một trong những đơn vị bảo trợ cho triển lãm, nhận xét: “Những tác phẩm ảnh trưng bày tại triển lãm cho thấy Trung Nghĩa là một nghệ sĩ đích thực, người đã bỏ ra rất nhiều công sức để chụp được những khoảnh khắc sinh động với nhiều cảm xúc, đam mê, những nét vui buồn từ người dân Châu Á”.

Nhật báo online hàng đầu của Việt Nam VNExpress cho hay cuộc triển lãm của Trung Nghĩa đánh dấu chặng đường mười năm kể từ khi nhà báo này đi tác nghiệp ở các nước trên thế giới: “Mười năm đó cũng chính là thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giai đoạn mà Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung có những chuyển biến quan trọng về mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Các hình ảnh đang triển lãm tại Melbourne bao gồm các ảnh chụp của Trung Nghĩa chụp tại Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Macao, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Nhà báo Trung Nghĩa đã thổ lộ với độc giả Bay Vút bí quyết làm thế nào để lên đường ‘khám phá thế giới’ và chụp nhiều ảnh đẹp qua những chia sẻ dưới đây. Các đầu đề nhỏ là do Bay Vút đặt.

Làm sao để chụp ảnh đẹp?

“Tôi sẽ không nói rằng bạn phải đam mê, có máy ảnh xịn hoặc chịu tốn nhiều tiền đi đó đi đây thì mới chụp được ảnh đẹp. Câu trả lời nằm ở yếu tố khác.

Thực tế, hàng ngày trên khắp thế giới này có hàng triệu thanh niên đang đi du lịch bụi ‘Tây ba lô’ với chi phí rất rẻ mà họ vẫn trải nghiệm được biết bao điều giá trị cho cuộc sống vốn không mua hay đong đếm được bằng tiền.

Điều quan trọng là bạn có sự chuẩn bị và dám bước chân đi, có phải vậy không?

Trên hành trình chụp ảnh này đây mai đó, tôi từng gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần như thế, tôi lại tự động viên mình bằng câu nói của nhà văn Mark Twain: “Hai mươi năm sau kể từ bây giờ, bạn sẽ hối tiếc về những điều bạn chưa làm nhiều hơn là những điều bạn đã làm được. Vì vậy, hãy thoát ra khỏi vòng tròn lẩn quẩn, giong buồm ra khơi từ bến đỗ an toàn. Theo đuổi ngọn gió trên cánh buồm của bạn. Tìm kiếm. Ước mơ. Khám phá”.

Đầu tháng 6/2011, trong cuộc trả lời phỏng vấn với nữ phóng viên Adelaine Ng trong chương trình Radio Australia’s English Language Stream của Đài Úc, tôi có thú thật rằng tôi không lên kế hoạch sẵn hoặc hình dung được rằng mình sẽ chụp những gì trước khi đến một nơi nào đó trên thế giới.

Thật vậy, góc nhìn và những bức ảnh của tôi được tạo ra từ chính những gì tôi trực tiếp nhìn thấy và trải nghiệm thông qua việc đặt chân đến những quốc gia xa lạ và gặp gỡ trực tiếp người dân nơi đó.

Những điều như bạn am hiểu kỹ thuật chụp đến đâu, máy ảnh của bạn đắt tiền cỡ nào… bỗng chốc trở thành yếu tố phụ mà thôi.

Khi bạn quyết tâm đi, chịu khó quan sát và trải nghiệm, nhất định bạn sẽ chụp được ảnh đẹp. Bởi lúc đó bạn không chụp bằng đầu ngón tay nữa, mà từ chính ánh mắt và trái tim của mình”.

Quảng bá Việt Nam

“Nhiều bạn bè hỏi tôi làm thế nào để tổ chức được những cuộc triển lãm ảnh ở trong và ngoài nước Việt Nam.

VIETNAMs_traditional_dance
Linh Nga, nữ diễn viên múa Việt Nam trong một màn múa với trang phục áo tứ thân truyền thống. (Ảnh nằm trong triển lãm tại Melbourne của Trung Nghĩa).

VIETNAMTomorrow
Các bé múa ballet biểu diễn ở Nhà hát TP HCM.

resize
Bùng binh Ngã Bảy Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) trong ngày Tết nguyên đán cổ truyền.

_DSC2293
Thiếu nữ gốc Việt ở Australia trong trang phục áo dài dân tộc.

Họ cũng hỏi làm sao để theo đuổi và biến thành hiện thực được những dự án như ‘Tương phản Châu Á – Thái Bình Dương’, vốn mất mười năm để chụp ảnh và nhiều tháng ngày chuẩn bị triển lãm nơi trung tâm thành phố Melbourne.

Kinh Thánh nói đại ý ‘khi bạn gõ cửa, cửa sẽ mở’. Ví dụ tôi không thể nào tổ chức được ‘Tương phản Châu Á – Thái Bình Dương’ nếu như không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ rất nhiều đơn vị như Cơ quan Truyền thông Quốc gia Australia ABC, Hội đồng đa văn hóa tiểu bang Victoria, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA), Hội du học sinh Việt Nam tại Melbourne (MOVSA), CLB sinh viên quốc tế AusAID ở đại học Melbourne (UMAC), Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ từ thiện ca sĩ Mỹ Tâm (MyTam Foundation), những người thân, bạn bè… muốn chung tay cùng làm một điều gì đó có ý nghĩa.

Thông qua những bức ảnh tại triển lãm, tôi muốn nhấn mạnh hình ảnh về quê hương đất nước con người Việt Nam xinh đẹp và giàu nghị lực hôm nay.

Triển lãm cũng mang mục đích góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua các tiết mục múa áo dài, nón lá. Các bạn du học sinh Việt Nam ở Melbourne đã đến tham dự triển lãm với trang phục áo dài và áo tứ thân.

Điều tôi tâm đắc nhất là việc trang trí khu vực triển lãm bằng nhiều bụi tre xanh ở ngày khai mạc. Tôi muốn mang đến cho người dự khán cảm giác về một không gian đồng quê Việt Nam với hình ảnh lũy tre làng thân thương, giúp cho bao đời người Việt chống thiên tai, chống ngoại xâm, chống đồng hoá. “Tre xanh, xanh tự bao giờ. Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh. Thân gầy guộc lá mong manh. Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi…”.

Ở Việt Nam, những trẻ em thường được ông bà, cha mẹ và thầy cô kể cho những câu chuyện cổ tích, lịch sử liên quan đến tre. Tôi luôn luôn nhớ chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh giặc ngoại xâm, hay Ngô Quyền đóng cọc tre dưới đáy sông Bạch Đằng tiêu diệt quân Nam Hán.

Việt Nam cũng có câu tục ngữ ‘Tre già, măng mọc’ hàm nghĩa sự tiếp nối muôn đời và trường tồn bất diệt của nền văn hóa truyền thống nước này”.

Tiếp nối một hành trình

“Tôi bén duyên với nhiếp ảnh từ khi được cha tôi tặng món quà sinh nhật ở thuở thiếu thời là chiếc máy ảnh.

Năm 2000, khi cha không may qua đời sớm vì tai nạn giao thông, tôi nhìn linh cữu của ông đặt dưới lòng đất và lòng lặng đi khi nghĩ về sự kết thúc của quãng đời người nơi bốn bề huyệt đạo chật hẹp.

Vì thế, tôi đã lên đường chụp ảnh ở mọi nơi, mọi khi có dịp và tin rằng trên những dặm đường dài ấy, tôi luôn có hình bóng cha đi theo bên cạnh. Nói cách khác, những chuyến đi của tôi là sự tiếp nối cho hành trình của cha mình, dù ông đã yên nghỉ.

Bên cạnh đó, bạn đã biết cha tôi là người đã ban cho tôi cơ hội đến với nhiếp ảnh, nên bây giờ, ước mơ của tôi là có dịp góp phần hỗ trợ cho niềm đam mê nhiếp ảnh của trẻ em Việt Nam.

Cũng như dù ở đâu, làm gì, tôi cũng không cảm thấy mệt mỏi và vơi đi niềm cảm hứng nếu được góp phần nhỏ bé của mình vào việc quảng bá nét đẹp và hình ảnh Việt Nam đối với bè bạn thế giới thông qua các cuộc triển lãm hay sự kiện văn hóa Việt ở nước ngoài.

Đó cũng là điều mà ngày xưa cha tôi trước khi qua đời đã hằng mong muốn tôi thực hiện”.

(theo Bay Vút)