Lao động Châu Á kéo đến Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 27/06/2011. Đăng trong Thông tin định cư. Lượt xem : 12061

Sang Úc làm việc theo diện Visa 457

Hơn một thập niên qua kinh tế Úc tăng trưởng liên tục, với ngành khai mỏ bước vào thời kỳ bùng phát các dự án lớn. Điều này dẫn đến nhu cầu thuê mướn nhân công gia tăng.

Trên bình diện quốc gia, Bộ Di trú Úc đang thực hiện chương trình di dân có tay nghề nhằm giúp công ty, hãng xưởng tuyển dụng chuyên gia, thợ lành nghề từ nước ngoài vào Úc. Bộ Di trú tin rằng lao động có tay nghề người nước ngoài sẽ khỏa lấp những chỗ trống mà quá trình đào tạo nhân lực trong nước không đáp ứng kịp. Đây là mục tiêu chủ yếu của diện Visa 457, với mục đích bổ sung lao động có kỹ năng cho các ngành, các vùng đang phát triển ‘nóng’ của Úc.

Kỹ sư, thợ nghề từ nhiều nước trên thế giới được sang Úc làm việc theo diện Visa 457. Trong đó có gần 500 thợ lành nghề người Việt, chủ yếu làm việc cho khách sạn, nhà hàng, hoặc làm công nhân xưởng hàn.

Ấn Độ là nước dẫn đầu vùng Châu Á trong chuyện cung cấp thợ lành nghề cho thị trường nhân dụng của Úc. Theo thống kê mới nhất của Bộ Di trú, trong một năm qua, tính đến tháng 4/2011, có 6.770 chuyên gia gốc Ấn đã được nhập cảnh vào Úc. Đứng thứ nhì là Philippines với 1.660 người. Thứ ba là Trung Quốc với 1.200 người. Theo sau là Malaysia và Nhật Bản, mỗi nước có 700 người.

Trước đây nước Úc từng có phong trào ‘nhập cảng’ lao động thô sơ từ Trung Quốc trong cơn sốt vàng tại tiểu bang Victoria hồi thế kỷ 19. Các nhà phân tích cho rằng sẽ chẳng bao lâu, lao động Trung Quốc lại một lần nữa xuất hiện tại những nơi ‘thâm sơn cùng cốc’, với máy xúc và xe ben, góp phần làm giàu cho giới tài phiệt, hay chủ các tập đoàn kinh doanh khoáng sản của Úc.

Clive Palmer, một tỷ phú khai khoáng khác, là người có nhiều mối giao dịch với Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng 700 lao động Trung Quốc trong dự án khai quặng Sino Iron, tại tiểu bang Tây Úc. Đây là dự án liên doanh giữa một công ty Trung Quốc với ông Clive Palmer.

Tỷ phú Palmer cũng tuyên bố sẽ tuyển ít nhất 600 kỹ sư, thợ mỏ Trung Quốc trong dự án khai thác than khác có tên là Galilee ở Queensland trị giá 8 tỷ đô-la và sẽ thuê mướn khoảng 6.000 nhân công. Dự án này do ông Palmer đầu tư chung với Tập đoàn Khoáng sản và Luyện kim Trung Quốc (MCC), với việc xây dựng chính (khoảng 60%) sẽ do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.

Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay các thợ lành nghề người Việt đã được đưa sang Úc lao động với ba nhóm nghề chính là đầu bếp, thợ làm bánh, và thợ hàn.

Khi được nhận làm việc, lao động có tay nghề người Việt sẽ được trả lương từ 45 đến 50.000 đô-la, chưa trừ thuế. Sau khi đóng thuế thu nhập và trừ chi phí ăn ở, tiêu xài, bình quân mỗi tháng người lao động Việt Nam ở Úc có thể dành dụm được 1.000 đô-la.

Lợi ích từ dòng lao động đến từ nước ngoài

Bà Gina Rinehart, người phụ nữ giàu nhất nước Úc với tài sản khoảng 9 tỷ đô-la, sở hữu nhiều vỉa quặng rộng lớn tại vùng Pilbara (Tây Úc), kêu gọi Chính phủ Úc nới lỏng luật lệ di trú để các lao động phổ thông gốc Á có thể được đưa đến làm việc ở những vùng ‘khỉ ho cò gáy’ ở Tây Úc, Queensland, Bắc Úc… nhằm phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên.

Nước Úc khi ấy, bà Reinhart lập luận, vừa có cơ hội phát triển vùng thôn quê hoang dã, vừa giúp được các thành phần lao động nghèo từ Á Châu: “Làm được như vậy chính là giúp gia đình của những người này có phương tiện kiếm miếng cơm, manh áo, có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con cái ốm đau”.

Một lý do khác để tuyển nhiều lao động Trung Quốc làm việc tại Úc, theo tỷ phú hầm mỏ Clive Palmer, đó là vì Úc không có đủ thợ lành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc bùng phát kỹ nghệ khai khoáng.

Clare Bateman từ Port Headland (vùng có mỏ quặng sắt lớn nhất của Úc) tự nhận là người theo chủ thuyết kinh doanh tự do và cho rằng Úc cần ‘nhập cảng’ những gì nước này thiếu để phục vụ cho việc kinh doanh tiến triển phát đạt.

“Nếu Úc thiếu thợ mỏ, nên nhìn sang nước khác để tìm người. Họ có thể là người Phi, người Mã Lai, hoặc người Trung Quốc, chuyện này chẳng có gì mà ầm ĩ”, Clare nêu ý kiến.

Clare cho rằng: “Công nhân đến từ đâu cũng vậy, một khi có việc làm tại Úc, họ đều phải đóng thuế thu nhập, góp công sức để phát triển lãnh vực họ đang làm”.

“Nhập gia tùy tục. Những người này sẽ sống và làm việc theo luật Úc. Chuyện họ gốc gác từ đâu tôi không mấy quan tâm”.

Những lo ngại

Ở một chiều dư luận khác, chuyện ‘nồi cơm’ công ăn việc làm của người Úc đã và đang ‘sẻ phần’ cho lao động Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung khiến một số người Úc lo ngại.

Michael Brookes, một người ở Sydney, quan tâm đến tương lai của công nhân Úc thời khan hiếm việc làm: “Thời gian qua có rất nhiều hãng xưởng ở Úc nhận công nhân ngoại quốc vào làm ở thời điểm kinh tế Úc cực thịnh. Tôi thừa nhận nhiều người đến từ Trung Quốc làm việc cần cù. Khi kinh tế suy trầm, mọi sự chậm lại, chủ phải giảm nhân công, công nhân Úc lại bị sa thải trước chứ không phải dân Trung Quốc nhập cư”.

Michael đề nghị, khi thiếu công nhân có thể tuyển người nước ngoài vào Úc làm việc nhưng nên có điều khoản trong hợp đồng ‘đưa’ họ về nước trước nếu có xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Viviane Leyland, sống ở Perth (Tây Úc), cho biết các xưởng hàn ở Tây Úc hiện tràn ngập công nhân Trung Quốc (có nơi chiếm đến 80%) và kể chuyện chồng cô bị mất việc vì công nhân ngoại quốc: “Chồng tôi là thợ hàn, bị nghỉ việc hai lần trong năm do kinh tế đình đốn. Bây giờ thật khó kiếm việc cho thợ hàn vì các sếp Úc chỉ nhận thợ Trung Quốc thay vì người Úc”.

Lý do dẫn tới hiện tượng trên, theo Viviane, là chủ có thể trả công nhân nước ngoài lương thấp, tiền đóng bảo hiểm thấp hơn người bản xứ.

Dee Smithan, sinh sống ở vùng Newcastle, một trong những nơi có mỏ than lớn nhất nước Úc, phân tích vì sao lao động Trung Quốc lại đổ sang Úc ngày càng nhiều: “Các dự án khai khoáng ở Úc do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thì họ thường dùng công nhân đưa từ Trung Quốc sang để khi muốn tiết kiệm nguyên vật liệu hay làm ẩu công đoạn nào đó sẽ không bị ai thưa kiện”.

Cửa đã hẹp hơn

Hiện nay, trước các tiêu chuẩn đòi hỏi mà phía Úc đặt ra khá cao đối với các ứng viên di dân Châu Á đang muốn sang Úc làm việc theo diện Visa 457 (gồm chứng chỉ, bằng cấp ngành nghề chuyên môn phải được phía Úc công nhận, phải có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, trình độ Anh ngữ phải đạt tối thiếu 5.0 trong cuộc thi IELTS), cánh cửa xem ra đã nhỏ hẹp và ‘khó vào’.

Nhiều dự án khai mỏ tại Úc đang chậm khởi công vì thiếu công nhân, từ lành nghề cho đến bán kỹ năng. Một phần lý do dẫn đến hiện tượng này là vì thủ tục giấy tờ cho phép ‘nhập’ công nhân ngoại quốc thường nhiêu khê và mất thời gian.

Thêm nữa là một vấn đề khác: trong khi thị trường lao động Úc vừa cần lao động kỹ năng lẫn bán kỹ năng thì một số quốc gia, đi đầu là Trung Quốc, đã tìm cách đưa lao động bán kỹ năng, thậm chí lao động không tay nghề vào Úc.

Điều này khiến dư luận tiếp tục lo ngại tình trạng lao động nước ngoài đổ xô tràn lan đến Úc.

(theo Bay Vút)















    Đồng ý chia sẻ thông tin cho Du Học SET, các trường và đối tác để nhận thông tin liên quan đến du học.
    Tôi đồng ý các điều khoản và chính sách bảo mật thông tin của Du Học SET.