Làm thêm – áp lực từ phía gia đình

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 17/03/2010. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 5692

lam-them

Làm thêm ở Preston. (Ảnh minh họa – Phạm Khoa)


 

“Đi làm cho giống con người ta”

Nhiều gia đình ở Việt Nam nghĩ rằng làm thêm là điều hiển nhiên và dễ dàng khi cho con em đi du học. Làm thêm đang được xem là ‘mốt’ và là niềm tự hào của nhiều gia đình. Bên cạnh đó, có phụ huynh còn đánh đồng việc cho con em sang nước ngoài du học với việc kiếm tiền, hay ‘gồng mình’ cho con em sang nước ngoài du học bằng được rồi… tính sau!

Chị Lan, nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), có con gái đang học ở NMIT – một trường TAFE (trường nghề) tại Melbourne, cho biết để lo cho con sang Úc học, gia đình chị đã phải dốc hết số tiền tích lũy và vay mượn thêm bạn bè, do đó chị đã làm công tác tư tưởng cho con gái phải kiếm được việc làm thêm khi sang tới Úc. Theo chị Lan, làm thêm sẽ giúp gia đình đỡ gánh nặng tài chính trong thời gian du học và có thể kiếm được phần nào bù đắp lại khoản tiền ban đầu đã chi ra cho con gái đi học.

Không đến nỗi phải làm thêm để ‘vớt vát’ như chị Lan, nhiều phụ huynh khác lại xem làm thêm là thể hiện sự có ích của con cái, còn không làm thêm là…vô dụng!

“Mỗi lần gọi điện về nhà là mỗi lần bị tra tấn tinh thần”, Tuân, sinh viên Đại học Swinburne, bức xúc. Tuân cho biết mẹ bạn có quen đối tác cũng có con đi du học nước ngoài, đợt nghỉ Tết vừa rồi con của bác ấy về nước chơi và mang theo 2-3 ngàn đô Úc về chơi Tết, thế là từ đó mẹ bạn lấy câu chuyện này để so sánh xa gần. “Đôi khi thực tế bên này rất khác mà cha mẹ ở xa không hiểu hết, riết rồi mình hết dám điện thoại về hỏi thăm gia đình vì sợ bị áp lực”, Tuân giãi bày.

Trường hợp bạn bè của cha mẹ từ nước ngoài về chơi rồi được hứa hẹn giúp đỡ khi cha mẹ gởi gắm cũng gây nhiều phiền toái không kém. “Sang đây mới thấy ai cũng bận việc riêng của mình, hứa hẹn cho vui chứ không phải là như vậy, đôi khi điện thoại hỏi thăm cũng thấy kì vì nhiều người nghĩ rằng mình xin xỏ này nọ, riết rồi cảm giác như mình làm phiền người ta trong khi cha mẹ thì ép phải liên lạc”, Hân, Đại học LaTrobe tại Melbourne, cho biết.

Giống như Hân, Thanh – tân sinh viên ngành kinh tế đối ngoại tại LaTrobe cũng lâm vào hoàn cảnh khó xử không kém. Mới chân ướt chân ráo đến Melbourne, Thanh nhận được chỉ thị từ Việt Nam là dọn xuống khu… Sunshine ở để tiện việc đi làm. Theo Thanh, mẹ của bạn có người bạn là chủ nhà hàng ở Sunshine và giữa hai người đã có hứa hẹn về việc giúp đỡ Thanh khi bạn sang Melbourne học. “Gọi điện thì chú cứ ậm ờ mà mẹ thì cứ hối thúc, trong khi khoảng cách từ LaTrobe đến Sunshine đâu phải là ngắn, mất hơn bốn tiếng đi-về. Dọn nhà xuống đó cũng là cả vấn đề, rồi còn việc học nữa, chắc là khó chu toàn”, Thanh than vãn. Giờ Thanh lo lắng không biết nói sao cho mẹ hiểu về tình cảnh của mình.

Nỗi lòng người trong cuộc

Thoăn thoắt tính tiền, Hải, sinh viên một trường đại học ở Melbourne, cho biết ngày làm việc của bạn bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm. Hải tâm sự, biết là ảnh hưởng nhiều đến việc học nhưng trước áp lực từ gia đình, không thể không làm thêm. Hải nói nguồn ‘viện trợ’ từ gia đình đã bị cắt kể từ tháng 6 năm ngoái nên bắt buộc phải làm thêm để chi tiêu cho các khoảng sinh hoạt cần thiết hàng ngày. “Viện trợ không còn, làm thêm cũng thành làm chính, năm nay thằng em lại sang học đại học, cha mẹ khẳng định chỉ có thể lo phần học phí, còn sinh hoạt phí cho cả hai thì chị em mình phải cáng đáng, không biết chịu nổi đến bao lâu”. Kể cho tôi nghe kết quả học kì vừa rồi, Hải bày tỏ sự chán nản “điểm không cao, lẹt đẹt kiểu này không biết sau này xin việc sẽ như thế nào”.

Trong khi đó, Lan, sinh viên một trường TAFE ở Sydney, than thở sang Úc đã ba năm mà như… dậm chân tại chỗ. Lan cho biết tháng Ba này sẽ nhập học… kì đầu, ba năm qua coi như bỏ đi. Bận bịu với công việc thu ngân cho Safeway, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất ở Úc, với lương 22-23 đô Úc/giờ, Lan dường như sao nhãng hẳn chuyện học cho đến khi bị nhà trường đình chỉ. Tất tả lo luật sư để xin kéo dài visa, chuyển trường, Lan gần như đuối sức khi nghe đến hai chữ ‘làm thêm’. Cám dỗ của đồng tiền làm cho bạn gần như quên đi nhiệm vụ chính của mình khi lên đường sang Úc du học. Ấy thế mà bạn vẫn là niềm tự hào của gia đình vì đã có thành tích… làm thêm đáng nể trên, Lan chua chát cho biết.

Trường hợp như Lan và Hải là hai “hậu quả nhãn tiền” dễ thấy khi công việc làm thêm đã trở thành việc làm… chính! Còn nhiều trường hợp éo le khác nữa mà phụ huynh trong nước không thể nào biết hết được. H.Trang, Đại học LaTrobe, chưa hết bàng hoàng khi kể về kinh nghiệm bán hàng ở chợ Preston. Trang kể có lần bị một ông khách bản xứ vào làm dữ đòi trả hàng, đạp đổ mấy giá quần áo và còn đập tay lên bàn thu ngân như muốn ăn tươi nuốt sống bạn. Còn Liêm, Đại học Monash, lắc đầu ngoày ngoậy khi nghe nói đến đi làm nông trại (làm farm). Nhóm của Liêm năm ngoái đi làm nhưng bị chủ thầu quỵt gần hết số tiền công mà vẫn không biết làm sao. Thấp cổ bé họng, chuyện sinh viên làm thêm bị chủ ăn chặn, quỵt tiền công là nguy cơ có thật mà sinh viên du học phải đối mặt. Luật của Úc quy định sinh viên nước ngoài không được làm quá 20 giờ/tuần là nhằm đảm bảo chất lượng học tập của sinh viên. Thế nhưng, nhiều sinh vẫn ‘xé rào’ quy định làm quần quật cả tuần, chỉ xuất hiện trên giảng đường vào ngày kiểm tra, nên khi bị chủ bắt chẹt cũng không biết làm sao mà kiện. Có lẽ nắm được yếu điểm này nên chủ thuê mướn tha hồ bắt nạt sinh viên bằng cách ép giá lao động, trong khi đó sinh viên thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên vì không kiếm được việc làm ban ngày nên đành ‘nhào’ vào các công việc chân tay ban đêm như đóng gói, ủi đồ… bất chấp nguy hiểm. Trang, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học LaTrobe, làm nhân viên giặt ủi ở khu Richmond kể nhiều lúc ra khỏi chỗ làm là 11 giờ đêm mà thấy lạnh người, tuy nhiên vì công việc khó kiếm nên bạn đành chấp nhận. Bên cạnh những nguy hiểm rình rập, việc bị la mắng, thậm chí bị chửi tục, trong lúc làm cũng là một nguy cơ khó tránh. Phụ bán cá ở chợ V, Giang, Đại học Swinburne, ‘biến’ ngay sau vài ngày thử việc vì chịu không nổi những lời tục tĩu của chủ. “Đôi khi về nhà bị stress nặng phải nghỉ học sau những lần bị tra tấn tinh thần”, Giang kể về hậu quả của những ngày phụ bán cá.

Việc đưa con em sang nước ngoài du học rồi trông chờ hoàn toàn sự tiếp nối hành trình đó bằng việc kiếm tiền ở nước sở tại là rất mạo hiểm. Làm thêm nên đưa về đúng ý nghĩa đích thực của nó là công việc kiếm thêm thu nhập bên cạnh khoản chu cấp căn bản từ cha mẹ, người thân. Gia đình nên chuẩn bị thật kĩ tài lực trước khi quyết định cho con em sang xứ người học tập. Nếu giảm bớt áp lực làm thêm, du học sinh sẽ có nhiều thời gian đầu tư vào việc học hơn là ngày nào cũng mãi xoay quanh cơm áo gạo tiền – vòng lẩn quẩn không có hồi kết thúc. “Phải xác định rõ giữa việc học và làm, mình không phản đối chuyện làm thêm nhưng đừng vì vài đồng trước mắt mà có thể bỏ lỡ cả chặng đường dài phía trước”, T.Long, Đại học Monash, chia sẻ.

Nguồn Bay Vut