1

Khi các ‘tín đồ’ của shopping đi săn hàng

Gửi Email bài này

Đối với những người nghiện mua sắm ở Úc thì shopping là cả một nghệ thuật bởi đôi khi họ có thể mua được những sản phẩm hàng hiệu với giá rất ‘mềm’.

DFO - nơi hàng được bán trực tiếp từ kho hàng của hãng đến người tiêu dùng. (Bay Vút)

Giá rẻ đến… sững sờ

Khoảng 5 năm về trước, phần lớn các cửa hàng ở Việt Nam đều áp dụng chính sách giữ nguyên giá bán sản phẩm mà họ cho là hợp lý và vẫn có thể đem lại lợi nhuận kinh doanh cho dù chúng đã tồn kho từ năm này qua năm khác. Hiện nay, nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá (sale) đã được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm, từ quần áo, hàng gia dụng cho tới các sản phẩm có giá trị cao như hàng điện lạnh, ô tô, xe máy…Các đợt giảm giá thường bắt đầu từ tháng 11 cho tới gần Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, các trung tâm bán hàng giảm giá cũng dần phổ biến hơn trong vòng 2 năm trở lại đây.

Cho dù ở bất kỳ thị trường hoặc đất nước nào thì khuyến mãi, giảm giá cũng là một hình thức kích thích tiêu dùng vì nó tạo cho khách hàng niềm hứng khởi với ý nghĩ rằng họ đã tiết kiệm được nhiều tiền mặc dù trên thực tế thì họ đã chi tiêu khá nhiều cho việc mua sắm. Úc cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Hầu hết những người đã sống ở Úc thường khá quen thuộc với hệ thống bán hàng giảm giá trực tiếp từ kho hàng của các hãng tới tay người tiêu dùng (Direct Factory Outlet - DFO). Đặc điểm của DFO là tuy bán hàng giảm giá nhưng các mặt hàng toàn là các thương hiệu nội địa nổi tiếng hoặc hàng hiệu của thế giới. Đến với DFO ở khu vực Essendon phía Tây Bắc thành phố Melbourne, bang Victoria, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các nhãn hiệu danh tiếng trên thế giới như Tommy Hilfiger, Guess… hoặc những thương hiệu được biết đến rộng rãi ở Úc như Saba, Oroton, với mức giá giảm từ 20% đến 90% so với giá gốc mà chẳng cần chờ tới mùa sale.

Chị Anh, một ‘tín đồ’ của mua sắm và là khách hàng rất quen thuộc của DFO Essendon cho biết: “Tôi thích shopping ở đây vì tôi luôn mua được hàng hiệu với giá rẻ bất ngờ. Tôi thường chỉ phải trả 15-20 đô-la Úc cho một cái quần hoặc áo với giá trị có khi lên tới 400-500 đô-la”.

Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể tìm được món ‘hời’ như chị Anh bởi vì chị hầu như có mặt 7 ngày/tuần ở DFO. Chị đi nhiều tới nỗi mà những người bán hàng cũng nhớ mặt chị và luôn giới thiệu cho chị hàng mới về hoặc hàng tiếp tục giảm giá. Về phía chị Anh, chị cũng nhớ giá của hầu hết các mặt hàng mình thích nên nếu giá của chúng vẫn còn quá cao thì chị thường ‘ rình’ cho tới khi nó được giảm tiếp. Có lần, chị hồ hởi khoe: “Tôi thích cái đầm hiệu Review nhưng mặc dù đã sale rồi nó vẫn còn tận 50 đô. Hôm nay nó mới xuống còn 20 đô và chỉ còn duy nhất một cái size 8, đúng kích cỡ của mình Thế là tôi ‘chộp’ ngay”.

Đối với những người không có thời gian và thói quen đi mua sắm đều đặn như chị Anh thì có thể chọn những dịp giảm giá lớn trong năm để mua. Ở Úc, hai mùa sale lớn nhất diễn ra vào cuối năm tài chính (cuối tháng 6, đầu tháng 7 hàng năm) và vào dịp Giáng sinh và năm mới. Những dịp sale này thu hút một số lượng rất lớn người tiêu dùng thuộc nhiều thành phần khác nhau.

Ngoài ra, có một hình thức sale khác tuy không phổ biến thường xuyên nhưng cũng có thể giúp khách hàng mua được các mặt hàng có giá trị với mức giá rất hấp dẫn. Đó là “Closing down Sale” - khi các cửa hàng chuẩn bị đóng cửa và cần nhanh chóng thanh lí tất cả các mặt hàng tồn đọng với giá rẻ. Lợi ích của hình thức mua sắm này ngoài vấn đề giá cả còn là sự phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, kích cỡ của các sản phẩm.

Bác San - một khách du lịch thường xuyên tới Úc hồ hởi cho biết: “Tôi thường ở Melbourne khoảng 6 tháng/năm vì con gái tôi sống ở đây. Ngoài việc trông cháu thì thú vui của tôi là đi mua sắm. Tôi thích nhất là mua hàng ở những cửa hàng sắp đóng cửa vì giá còn rẻ hơn cả ở Việt Nam. Có lần tôi mua được hơn chục quần bò, áo phông các loại với giá chỉ 5 đô/cái, tính ra chỉ khoảng 100 nghìn đồng Việt Nam, tha hồ mà làm quà”.

Ngoài ra, bác San cũng nhắm vào một số mặt hàng quần áo bị lỗi vì chúng thường giảm giá tới 80-90% và chỉ khoảng 5-10 đô/cái. Với kinh nghiệm bán hàng nhiều năm ở Ba Lan nên với bác San, việc chỉnh sửa những lỗi đó khá đơn giản vì chúng thường chỉ là hỏng khóa và “chỉ cần dùng kìm bấm vài cái là cái khóa trở lại bình thường”...

(theo Bayvut)

Đóng