Cuộc sống của những người không biết tiếng Anh

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 26/02/2010. Đăng trong Thông tin Anh ngữ. Lượt xem : 13803

cuoc-song-cua-nhung-nguoi-ko-biet-tieng-anh

Những người không biết tiếng Anh không gặp nhiều khó khăn khi sống ở Úc vì cộng đồng người Việt ở Úc tương đối lớn. (Nguồn ảnh: Bay Vút)


Không cần tiếng Anh

Gần nhà tôi ở có chị hàng xóm người Việt tên là Châu. Chị là người Sài Gòn chính gốc, năm nay vừa tròn 40 tuổi. Chị sang Úc từ năm 2004 theo diện hôn nhân. Tuy đã ở Úc gần 6 năm nay và đi làm trong một hãng may nhưng tiếng Anh của chị lại ‘một chữ bẻ đôi’ không biết. Vì thế, chị bị phụ thuộc vào chồng rất nhiều, kể cả việc đi lại vì thậm chí chị còn không biết cách đi xe buýt hoặc tàu điện. Chồng chị năm nay ngoài 50 tuổi, trước đây đã từng có một đời vợ và một đứa con riêng trong khi bản thân chị chưa lập gia đình lần nào. Vì vậy, anh rất yêu chiều và chăm chút cho vợ ‘từng li từng tí’, tất cả mọi công việc trong gia đình phần lớn đều do anh gánh vác.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, Phương sang Úc theo chồng được gần 5 năm. Trước đây, chồng Phương làm việc trong lĩnh vực truyền thông và anh hoàn toàn lo được cho cuộc sống của hai mẹ con chị. Mọi công to việc lớn trong gia đình đều do anh tự xoay sở nên Phương không phải lo lắng về tiền bạc. Công việc hàng ngày của chị đơn giản chỉ là ở nhà nội trợ, dọn dẹp nhà cửa và đưa đón con đi học. Tạm hài lòng với cuộc sống, Phương cho phép mình có những ngày thảnh thơi ‘vô lo’ và chị chưa bao giờ nghĩ đến việc đi học tiếng Anh.

Xuân là một cô gái thuộc thế hệ 8X quê ở Cần Thơ với dáng người tròn lẳn của con gái vùng sông nước và làn da ngăm ngăm rắn rỏi. Xuân cũng sang Úc theo chồng từ năm 2007. Chồng cô làm công nhân trong một hãng kính mắt phía Tây thành phố Melbourne với thu nhập ổn định hàng tháng nên Xuân chỉ có nhiệm vụ trước mắt là sinh con, còn lại mọi việc ‘từ từ sẽ tính’. Sau khi sinh con được hơn một năm, chồng Xuân xin cho cô đi bán hàng quần áo 3 ngày/tuần cho một gia đình người Việt vốn là bạn của anh. Vì vậy, tuy sang Úc đã gần ba năm nay và có được một ngôi nhà rộng hơn 300 mét vuông mới xây như mơ ước nhưng cô gái đến từ miền quê ‘gạo trắng nước trong’ này vẫn chưa ‘xóa mù’ được tiếng Anh.

Cả Châu, Phương và Xuân đều có thể dễ dàng sống ở Úc dù không biết tiếng Anh vì cộng đồng người Việt ở đây tương đối lớn. Họ làm thuê cho chủ Việt, đi chợ Việt, sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt nên không gặp mấy khó khăn trong cuộc sống.

Khó hòa nhập

Tuy nhiên, Châu thường than thở với tôi: “Sống ở xứ này nhưng không biết Anh văn nên chị như người câm, điếc vậy. Bởi vậy nên chị toàn phải làm công cho chủ Việt không hà, họ trả lương rẻ rề mà không có chế độ gì hết trơn”. Nhiều lúc chị cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ vì “mình không thuộc về thế giới này”. Trừ phi nói chuyện với người Việt ra, còn lại ai nói gì chị cũng chỉ… cười trừ. Cái sự nhàn nhã mà chị tận hưởng suốt mấy năm qua hóa ra cũng gây cho chị không ít phiền toái.

Nhớ lại lần đầu khi chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng nhưng chưa có thường trú Úc (PR), chị rất lo lắng vì điều đó đồng nghĩa với việc mẹ con chị sẽ không được hưởng bất kì quyền lợi gì từ phía chính phủ. Tuy nhiên, gần đến ngày sinh, chị nhận được điện thoại của Bộ Di Trú Úc thông báo là chị đã có PR. Vì không biết tiếng Anh nên chị chỉ bập bẹ được từ “sorry” (xin lỗi) rồi dập máy và những lần sau đó cũng vậy. Tuy nhiên, chồng chị lại không hay biết điều này. Do quá sốt ruột nên sau đó anh đã gọi điện cho Bộ Di Trú và bị nhân viên ở đây ‘sạc’ cho một trận vì làm mất thời gian của họ. Họ còn yêu cầu anh lần sau phải đăng kí dịch vụ phiên dịch tiếng Việt cho chị Châu.

Rồi khi chị mới sinh đứa con thứ hai, có một lần y tá bệnh viện đến thăm nhưng lúc đó chồng chị không có nhà. Chị đành phải để cô y tá vào nhà kiểm tra đứa bé. Tuy nhiên, khi cô y tá hỏi gì thì chị cũng đều lắc đầu không hiểu. Cuối cùng, cô y tá đành viết lại lời nhắn cho chồng chị với đại ý rằng những lần sau cô sẽ không đến khám định kì cho em bé nữa trừ phi chồng chị phải gọi điện báo trước là có mặt ở nhà.

Còn Phượng thì cuộc sống ‘êm đềm trướng rủ màn che’ lại sớm kết thúc vì chị li dị chồng. Từ ngày không còn người đàn ông trụ cột trong gia đình, Phượng cạy cục nhờ người quen xin cho một chân phân loại thư trong một bưu điện để bươn chải cuộc sống nuôi con nhỏ. Mặc dù không biết tiếng Anh nhưng chị vẫn có thể dễ dàng làm công việc này vì chị chỉ cần nhìn vào mã vùng trên mỗi phong thư và xếp nó vào ô đã được đánh số sẵn. Tuy nhiên, cũng không ít lần Phương rơi vào tình huống ‘dở khóc dở cười’.

Điển hình là gần đây nhất, có một người đàn ông hàng xóm gốc Ý, góa vợ tỏ ra rất quý mến Phương. Một lần, vào buổi tối, ông ta gọi điện cho Phương. Nghĩ rằng ông ta chỉ gọi điện hỏi thăm đơn thuần nên câu nào Phương cũng trả lời lõm bõm “ok” hoặc “yes”. Ai ngờ, khoảng nửa tiếng sau, ông ta ‘lù lù’ xuất hiện trước cửa nhà cô với một bông hoa trên tay và một chai rượu. Lúng túng trước tình huống bất ngờ xảy ra, Phương đành gọi điện cầu cứu một người bạn. Người bạn ấy đành phải nói chuyện điện thoại và thay mặt Phương xin lỗi người đàn ông kia. Lúc đó, ông ta tỏ ra rất bực mình vì “rõ ràng cô ta đồng ý để tôi sang mà sao bây giờ lại như vậy?”

Xuân thì phải chịu sức ép nghỉ việc và từ phía chủ cửa hàng quần áo mặc dù chồng cô và chủ cửa hàng là chỗ quen biết lâu nay vì mỗi lần có khách Tây ghé vào, Xuân đều ú ớ không giao tiếp được và lại phải gọi bà chủ ra. “Bả nói để bả bán luôn cho xong, thuê em làm gì nữa. Giờ em cũng không biết tính sao, vẫn phải trả tiền nhà cho ngân hàng hàng tháng mà con thì còn nhỏ…”, Xuân tỏ ra lo lắng.

Nỗi lo của mẹ

Chị Châu thừa nhận việc không biết tiếng Anh tại Úc là một bất lợi rất lớn, đặc biệt là trong việc nuôi dạy con cái. Hàng ngày, chị chỉ có thể đưa đón con đi học mà không thể giao tiếp được với các giáo viên về sự phát triển của bé cũng như những vấn đề cần phải uốn nắn bé để giúp bé hình thành thói quen tốt ngay khi còn nhỏ.

“Có lần, đón bé Sóc về, chị thấy trong ba lô của bé có một tờ giấy nhỏ. Chị không biết tờ giấy viết gì và chỉ nghĩ rằng nó là tờ giấy hướng dẫn cha mẹ chăm sóc bé như những lần trước nên đã ném đi. Sau này chị mới nghe một phụ huynh khác có con học cùng lớp với bé Sóc nói rằng đó là giấy mời họp. Buổi họp đó khá quan trọng vì phụ huynh sẽ được nói chuyện trực tiếp với giáo viên dạy bé và nhà trường cũng mời chuyên gia đến để nói chuyện về các giai đoạn phát triển của bé. Chị tiếc lắm mà biết sao được vì có đến đó thì mình cũng chẳng hiểu người ta nói gì, ba tui nó thì đi làm cả tuần …”, chị Châu trầm ngâm.

Phương lại tiếc rẻ: “Hiện giờ mình đang làm hai công việc một lúc, thậm chí làm cả ca đêm và phải gửi con cho một người quen trông hộ nên không có thời gian và sức lực để đi học Anh văn. Phải chi hồi chưa chia tay với ba thằng nhỏ mình chịu đi học thì giờ đỡ biết mấy, công việc của mình chắc đỡ cực hơn và con mình cũng đỡ thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc của mẹ.”

Gặp lại tôi ở khu chợ Việt, Xuân tỏ ra rất vui và cho biết hiện cô đang học thêm Anh văn ở trung tâm đa văn hóa dành cho người nhập cư. Chồng cô hứa sẽ cố gắng ‘đầu tư’ nửa năm nuôi hai mẹ con để cô yên tâm học tập. “Trước sau gì cũng phải học thôi vì mai mốt còn phải đi họp phụ huynh cho con nữa chớ? Hổng lẽ cứ dựa dẫm vào chồng hoài sao được?”, Xuân phấn khởi khoác tay chồng chia sẻ.

(Nguồn Bay Vút)