1

Chính trường Australia bấp bênh trước Quốc hội “treo”

Gửi Email bài này

Hàng triệu cử tri Australia thức dậy sau cuộc tổng tuyển cử liên bang hôm 21/8 đã không thể chứng kiến một kết quả bầu cử ngã ngũ. Đây là điều hiếm thấy trong cuộc đời nhiều người trong số họ.

Quốc hội "treo" - hiện tượng hiếm

Tính đến hết tối 24/8, Ủy ban bầu cử Australia (AEC) cho biết với hơn 78,8 % số phiếu đã được kiểm, Công Đảng cầm quyền do đương kim Thủ tướng Julia Gillard dẫn dắt và liên minh Tự do - Quốc gia đối lập do ông Tony Abbott đứng đầu cùng giành được 71 ghế. Đảng Xanh giành được 1 ghế, 3 ghế thuộc về các ứng viên độc lập.

Thủ tướng Julia Gillard bỏ phiếu tại Melbourne hôm 21/8. Ảnh: THX

Con số trên tiếp tục thay đổi từng giờ và trong vòng ít nhất 1 tuần nữa, người ủng hộ của mỗi phe tiếp tục nín thở bởi AEC còn phải đợi kiểm thêm 2 triệu lá phiếu vắng mặt và chuyển qua bưu điện mới có thể công bố kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, các nhà phân tích chính trị đều khẳng định cả Công Đảng và liên minh Tự do - Quốc gia không thể đạt được 76 ghế cần thiết trong tổng số 150 ghế Hạ viện để tự đứng ra lập chính phủ đa số. 

Khi cử tri quay lưng với Công Đảng

Cuộc tổng tuyển cử bất phân thắng bại lần đầu tiên tại Australia kể từ năm 1940 cho thấy sự thất vọng lớn của công chúng đối đối với Công Đảng. Các nhà quan sát chính trị cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến hơn 400.000 cử tri quay lưng với Công Đảng để chuyển qua ủng hộ phe đối lập.

Cử tri Australia xếp hàng bỏ phiếu Ảnh: wsws

Thứ nhất là sự không hài lòng trước những mâu thuẫn bên trong Công Đảng. Nhiều người dân Australia, nhất là cử tri bang Queensland, vẫn còn khó chịu hoặc thậm chí căm ghét cách đối xử và phế truất phũ phàng cách đây mới 2 tháng của các thành viên Công Đảng đối với một vị Thủ tướng như ông Kevin Rudd - người từng được người dân Australia bình chọn là yêu mến nhất trong 20 năm qua.

Nhiều cử tri cũng thừa nhận họ quay sang bỏ phiếu cho phe đối lập bởi khó có thể đặt niềm tin vào một đảng chia rẽ tới mức “phó tướng” Lulia Gillard lại có thể tổ chức “đảo chính” thành công, lật đổ “tướng” đương quyền. Những vụ rò rỉ thông tin về lập trường của Thủ tướng Julia Gillard khi còn làm "phó tướng" của ông Kevin Rudd càng gây tổn hại đến hình ảnh của Công Đảng.

Thứ hai là sự thất vọng của cử tri về các chính sách quan trọng của Công Đảng, đặc biệt là chính sách biến đổi khí hậu và thuế khai khoáng. Sụt giảm uy tín của Công Đảng bắt đầu xảy ra khi ông Kevin Rudd vào năm 2010 quyết định ngưng thực hiện lộ trình cắt giảm khí thải nhà kính, vốn là lời cam kết giúp ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Các cử tri đánh giá động thái này cho thấy Công Đảng không có lập trường vững vàng và thiếu tầm nhìn.

Bên cạnh đó, cử tri còn chán nản vì những tranh cãi xung quanh kế hoạch “siêu thuế” đánh vào ngành khai thác khoáng sản của Công Đảng. Mặc dù bà Julia Gillard đã thay đề xuất “siêu thuế” từ 40% xuống còn 30%, song nhiều người dân Australia, nhất là những người sống ở các bang giàu tài nguyên như Tây Australia và Queensland, vẫn lo sợ sẽ thất nghiệp khi chính phủ mới đánh thuế khắc nghiệt. Vì vậy, họ chọn giải pháp “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Thứ ba là những thành tích của thủ lĩnh phe đối lập gây ấn tượng sâu sắc với cử tri. Mới lãnh đạo Đảng Tự do từ tháng 12/2009 song ông Tony Abbott đã vận hành một cách xuất sắc một đội ngũ đoàn kết. Cùng lúc, trong một chiến dịch tranh cử được đánh giá là quyết liệt và bài bản, ông đã tung ra liên tiếp mấy đòn hiểm nhằm vào điểm yếu của Công Đảng: công kích nhằm vào Kevin Rudd khiến nội bộ Công Đảng thêm rối ren; công kích xoáy vào ý định xây dựng “trại tị nạn ở khu vực” của bà Julia Gillard. Ông Tony Abbott hiểu rằng chính sách tị nạn là vấn đề rất nhạy cảm ở Australia và cử tri không dễ gì bỏ qua cho những chính sách đối ngoại được xem là “thiếu chuyên nghiệp” của lãnh đạo đất nước tương lai.

Ngày 24/8, ông Tony Abbott tiếp tục “đá xoáy” vào “cuộc nội chiến” về chính sách thuế má, nhập cư, biến đổi khí hậu… trong Công Đảng để tự tin tuyên bố rằng chỉ liên minh Tự do - Quốc gia mới có thể thiết lập chính phủ bền vững. 

Chính trường “chia mấy vầng trăng” ?

Các nhà phân tích chính trị cảnh báo rằng Quốc hội “treo” sẽ châm ngòi bất ổn chính trị ở một quốc gia vốn nổi tiếng ổn định như Australia. Sau khi trải qua cuộc tổng tuyển cử khốc liệt, cả Công Đảng và phe đối lập đang ráo riết xúc tiến các cuộc thương lượng phức tạp nhằm vận động hậu thuẫn từ các nghị sỹ độc lập và nghị sỹ Đảng Xanh để có thể thành lập chính phủ liên minh. Hai phe đã trở lại vạch xuất phát với cơ hội ngang nhau.

Lãnh đạo đối lập Tony Abbott (phải) cùng vợ và con gái phát biểu trước những người ủng hộ trong ngày bầu cử tại Sydney. Ảnh: ABC News

Bà Julia Gillard, thủ lĩnh Công Đảng, nhanh nhảu khẳng định rằng Công Đảng giành được phiếu phổ thông nhiều hơn nên có sự ủy nhiệm để lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, ông Tony Abbott cũng lập luận y như bà Gillard, đồng thời cáo buộc Chính phủ khi mất đi đa số của mình thì cũng mất luôn tính hợp pháp và ổn định.

Tuy nhiên, số lượng ghế cuối cùng mà Công Đảng và liên minh Tự do - Quốc gia giành được cũng như nhượng bộ chính sách mà mỗi bên đưa ra mới ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định ủng hộ ai của các nghị sỹ độc lập và nghị sỹ Đảng Xanh, những người bỗng đóng vai trò nắm giữ cán cân quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử lần này.

Theo các nhà phân tích, trong trường hợp đạt được thỏa thuận, Australia sẽ có một chính phủ thiểu số lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Trong tương lai, chính phủ kiểu này sẽ ở thế bấp bênh bởi luôn phải đàm phán vất vả với các nghị sỹ độc lập, các đảng phái nhỏ hoặc phe đối lập trước khi thông qua bất cứ dự luật nào.

Một số chính trị gia và học giả đang chỉ trích gay gắt ý tưởng phá bỏ thế bế tắc bằng cách tạo dựng một chính phủ có đầy đủ đại diện Công Đảng, liên minh Tự do - Quốc gia, Đảng Xanh và các nghị sỹ độc lập. Lúc đó, chính trường Australia không khác “một vầng trăng bị chia nhiều mảnh”, bởi chỉ riêng Công Đảng và liên minh Tự do - Quốc gia đã bất đồng với nhau trong hầu hết các chính sách.

Trong trường hợp thương lượng bất thành thì Quốc hội “treo” của Australia có thể khiến Chính phủ kế tiếp tê liệt và việc phải tiến hành bầu cử mới trong vòng 18 tháng tới là điều không thể tránh khỏi. Đây là “kịch bản ác mộng” đối với người dân và thị trường chứng khoán Australia.

Nếu Công Đảng có thể đứng ra lập Chính phủ mới, danh tiếng của họ vẫn bị sứt mẻ. Ngược lại, một cuộc cải tổ các vị trí chủ chốt trong Công Đảng chắc chắn sẽ xảy ra.

Với phe đối lập, thủ hòa trong trận đấu với Công Đảng cầm quyền cũng đã chứng minh khả năng lãnh đạo của ông Tony Abbott cũng như củng cố thêm vị trí dẫn dắt liên minh Tự do - Quốc gia của ông này. Khi ấy, ông Tony Abbott rất có thể trở thành “ngư ông đắc lợi” nếu một cuộc bầu cử kế tiếp xảy ra.

(theo vietnamnet)

Đóng