Bỗng dưng bạn thấy mất dần đi sự tự tin với sự lựa chọn trước mắt của mình. Một vài bài kiểm tra điểm thấp cứ xuất hiện khiến bạn mất phương hướng, lung lay trong kì thi tới.
Những lúc như vậy bạn trở nên sợ hãi, thất vọng hay bất lực vì không thể thay đổi? Dưới đây là một vài trường hợp khiến bạn bỗng dưng thấy “sợ” và cách để bạn lấy lại sự tự tin vốn có của bản thân trong học tập.
Đừng sợ vì điểm kiểm tra kém
Một vài bài kiểm tra gần đây điểm bỗng dưng thấp thậm tệ, mặc dù bạn đã học bài rất cẩn thận. Điều đó khiến bạn bị hụt hẫng, lo lắng tình hình học tập đang đi xuống và có thể bạn sẽ không có khả năng đỗ vào trường đại học như mơ ước. Đừng quá lo lắng! Có thể do tâm lý lúc làm bài của bạn chưa tốt hoặc do kiến thức bạn vẫn chưa nắm chắc đấy thôi. Hãy bình tĩnh xem kĩ lại bài kiểm tra và lời phê của giáo viên, nếu vẫn còn thắc mắc và chưa hiểu rõ mình thiếu sót ở đâu thì đừng ngại hỏi trực tiếp họ. Các giáo viên luôn sẵn sàng giải đáp bất cứ thắc mắc nào của học sinh miễn là nó phục vụ cho việc học của các bạn.
Từ lúc đi học tới giờ bạn luôn tự đặt ra mục tiêu cho mình để lấy đó làm động lực học tập, nhưng vào một ngày “không đẹp trời”, bạn bỗng thấy chán học, không muốn động tới sách vở nữa. Bài tập thì cứ chất đống theo từng ngày. Có thể do sợ bị phạt nên bạn gắng gượng làm, tuy nhiên, cái gì làm trong tình trạng ép buộc cũng đều không mang lại kết quả tốt.
Đừng sợ vì... bạn đang tự nhát mình
Bạn thấy sợ, sợ rằng nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì bạn sẽ không thể ôn luyện được tốt và hậu quả tồi tệ nhất sẽ xảy ra: bạn trượt đại học! Đừng quá lo lắng. Những lúc thế này, bạn không nên quá sốt ruột tìm lại niềm hăng say trong học tập mà nên nghỉ ngơi. Việc bỗng dưng chán học có thể là do sức ép học hành quá căng thẳng, do đó nghỉ ngơi là một cách hiệu quả nhất để đầu óc được thư thái, chỉ khi đó động lực học tập mới trở về với bạn.
Đừng sợ tác động từ bên ngoài
Bạn mong muốn vào trường này nhưng gia đình, bố mẹ lại muốn bạn vào trường khác. Bạn đã làm cả hai hồ sơ với hi vọng sẽ được thi trường mình thích. Nhưng thời gian này bố mẹ cứ nhắc hoài khiến bạn liên tục gặp stress. Bạn trở nên sợ hãi khi nghĩ tới việc mình không thể thuyết phục được bố mẹ. Đừng quá lo lắng! Với bạn, điều quan trọng nhất lúc này chính là ôn luyện cho tốt.
Quá lo lắng sẽ khiến bạn mất tập trung trong học tập, chán nản và buồn bực sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp cho bạn. Sẽ chẳng bố mẹ nào mong muốn điều đó. Do đó, để chứng tỏ mình thích hợp với ngôi trường mình chọn thì bạn nên cho bố mẹ thấy niềm vui khi được đặt chân vào ngôi trường đó chính là động lực học tập của bạn và kết quả học tập tốt chính là minh chứng cho điều đó.
Đừng sợ vì những cái nằm phía trước
Nhà trường vừa dán bảng thông báo điểm thi thử đại học. Bạn không thể tin vào mắt mình khi bạn chỉ được 16điểm/3 môn. Bạn không phải một học sinh xuất sắc nhưng cũng không phải một học sinh trung bình và kết quả này như một cú giáng mạnh vào sự tự tin vốn có của bạn. Bạn thấy thất vọng và bất công. Sự xấu hổ với bạn bè, cha mẹ, thầy cô khi thông báo số điểm khiến bạn tự ti và quan trọng hơn là bạn thấy sợ, nhụt chí. Đừng lo lắng! Kết quả thi thử không nói lên tất cả khả năng của bạn.
Thời điểm này các bạn vẫn chưa hoàn thành xong 100% chương trình học, cộng chưa có nhiều thời gian ôn luyện, chưa được va chạm nhiều với các đề thi mức độ khó như đề thi đại học, do đó việc bị điểm thấp không có gì là lạ. Hãy bình tĩnh tìm ra điểm yếu của mình ở phần nào để bổ sung kiến thức. Biết đâu, sau lần thi thử với số điểm thấp này bạn lại học hỏi được nhiều điều về cách làm bài, cách trình bày và lần sau tên bạn lại đứng ở vị trí cao hơn thì sao.
Đừng sợ tình yêu...
Một ngày đẹp trời, một cơn gió tình yêu thổi đến với bạn vào cái thời điểm nước rút. Những tình cảm trong sáng nhen nhóm lên trong bạn, có cảm giác vui vui nhưng cũng lo sợ. Bạn sợ yêu sẽ làm ảnh hưởng tới việc học tập vì đây là lúc rất “nhạy cảm”, chỉ cần lơ là một chút thôi là bạn sẽ phải trả giá ngay. Đừng quá lo lắng! Trước tiên, bạn nên xác định xem điều quan trọng với bạn lúc này là gì?
Bạn có thể dung hòa được việc học và việc yêu không? Điều đó liệu có làm ảnh hưởng tới việc học của bạn không? Nếu yêu, bạn sẽ phải làm gì để vẫn duy trì được phong độ học tập của mình? Sau khi trả lời hết được những câu hỏi đó, bạn sẽ biết mình phải làm gì.
Nếu bạn sợ, bạn đã là người thua cuộc
“Sợ” là một cảm giác rất bình thường với những teen sắp đối mặt với kì thi sắp tới. Mỗi người có một lý do để sợ khác nhau. Thế nhưng, đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh tìm ra phương án giải quyết và bạn sẽ sự lựa chọn riêng của mình để nhanh chóng lấy lại được sự tự tin vốn có của bản thân.
Các bài viết liên quan:
- Lựa chọn thành phố để du học Úc như thế nào là phù hợp?
- Du học SET vinh dự nhận giải “Loyal Partner” từ trường Đại học Wollongong
- Những sự thật về việc làm thêm ở Úc mà du học sinh nên biết | Du Hoc SET
- Bật mí cách cân đối chi tiêu hiệu quả cho du học sinh | Du học SET
- Thanh Trần: “Những điểm cộng của việc đi làm thêm khi đi du học” | Du học SET