Giá trị gia đình ở Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 09/03/2011. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 4562

Gia đình là số một

Khác với các ông chồng ở Việt Nam thường hay la cà quán xá, bia rượu với bạn bè sau giờ làm việc và chỉ chịu về nhà khi thành phố đã lên đèn thì các ‘đức lang quân’ ở Úc lại rất ‘nghiêm chỉnh’. Mỗi khi tan sở, họ hầu như không mấy khi tụ tập bạn bè hay nhậu nhẹt.

Một điều khiến phụ nữ Việt ở Úc hết sức hài lòng là chồng họ thường chia sẻ công việc nhà với vợ một cách tự nguyện chứ ít khi phó mặc hoàn toàn cho vợ. Tất cả mọi công việc, từ ‘đao to búa lớn’ như sửa nhà, sửa đường nước… cho đến cắt cỏ, dọn vườn và thậm chí là đi chợ, nấu nướng, rửa bát… phần lớn đều có sự tham gia của các đức lang quân. Anh Vinh, một cựu du học sinh đang sinh sống cùng gia đình ở thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria còn đề ra một quy định rất ‘nịnh vợ’ là vợ anh không bao giờ phải đụng tay đến những công việc ‘bẩn’ như cọ nhà vệ sinh hay đổ rác!

Việc giúp đỡ vợ lại càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa khi một thành viên mới trong gia đình chào đời. Chị Lan, một người mẹ trẻ vốn là một cựu du học sinh không giấu được niềm hạnh phúc khi chia sẻ: “Mỗi khi đi làm về, chồng tôi giành làm mọi việc cho em bé như tắm rửa, thay bỉm, thậm chí là mỗi đêm thức dậy vài lần để pha sữa cho con”.

Không chỉ có chị Lan mà nhiều cựu du học sinh khác cũng bày tỏ niềm vui khi chồng mình luôn có ý thức giúp đỡ vợ trong mọi công việc gia đình. Một chị cho biết: “Một số bạn gái cùng lứa tuổi của tôi ở Việt Nam bảo rằng họ rất mệt mỏi vì ngoài công việc ở cơ quan thì hầu như họ phải làm toàn bộ việc nhà và gần như ngày nào cũng phải đợi cơm chồng vì đi nhậu về muộn”.

Không chỉ có giới trẻ mà cả những người đàn ông trung tuổi và lớn tuổi ở Úc cũng có suy nghĩ rất thoáng về việc chia sẻ công việc nhà với vợ. Chú Nhuận, ngoài 60 tuổi, cho biết chú chưa bao giờ nề hà khi làm bất cứ công việc nhà nào vì “ở Úc không có người giúp việc nên chồng giúp đỡ vợ là lẽ đương nhiên”.

Trải qua gần 40 năm chung sống nhưng vợ chồng chú Nhuận vẫn luôn hạnh phúc vì họ biết cách san sẻ gánh nặng cuộc sống với nhau.

Không ăn ‘phở’

Một trong những lí do khiến đàn ông Việt ở Úc rất ‘ngoan’ là do “hoàn cảnh xô đẩy” (theo cách nói vui của anh Vinh). Anh Vinh cho biết vì có ít bạn bè, hơn nữa dân công sở lại không có thói quen la cà hàng quán sau giờ làm nên anh chỉ còn cách… về thẳng nhà để “vui thú vợ, con” và tự mình trở thành ô-sin ‘xịn’ cho gia đình.

Ngoài ra, xu hướng ăn ‘phở’ (cặp bồ) đối với đàn ông ở xứ sở chuột túi cũng không mấy phổ biến: “Mấy cô Tây cùng công ty thì chả bao giờ thèm để ý đến cánh đàn ông châu Á chúng tôi rồi. Còn đi ‘vui vẻ’ ở những chỗ khác thì tốn kém lắm. Thôi đành về nhà với ‘cơm’ vậy”, anh Vinh tếu táo giải thích cho ‘sự ngoan’ của mình.

Vì bị hạn chế về mặt ‘vui chơi, giải trí’ nên thời gian biểu hàng ngày của anh khá giống nhau: Sáng đi làm, chiều về đón con, giúp vợ nấu nướng, rửa bát, dọn nhà, tắm rửa cho con rồi… đi ngủ. Còn những ngày cuối tuần thì đôi khi gia đình đi chơi, mua sắm hoặc đến thăm bạn bè.

Tập trung toàn lực về kinh tế

Một ưu điểm khác của cuộc sống ở Úc là các cặp vợ chồng trẻ, nhất là du học sinh hoặc cựu du học sinh có thể tập trung kinh tế hoàn toàn để chăm lo cho gia đình và con cái. Nguyên nhân là do phần lớn họ đều có ít người thân, họ hàng, bạn bè nên không phải bận tâm nhiều về các mối quan hệ hoặc không phải ‘dốc cạn hầu bao’ mỗi khi mùa cưới đến gần.

Chị Lan cho biết: “Làm được đồng nào là bỏ túi lo cho gia đình, con cái đồng đó chứ không phải chia ra để đi đám cưới, đám ma, rồi bao nhiêu mối quan hệ khác. Chính vì thế mà tôi cũng không phải lo lắng về việc chồng mình có thể lập quỹ ‘đen’.

Gia tăng hòa khí gia đình

Các gia đình trẻ ở Úc rất ít khi xảy ra va chạm giữa mẹ chồng-nàng dâu vốn được coi là một mối quan hệ khá nhạy cảm.

“Mẹ chồng tôi thỉnh thoảng mới sang thăm cháu hoặc một năm chúng tôi mới đưa con về Việt Nam thăm ông bà một lần thì làm sao có thể xảy ra va chạm được? Hơn nữa vì không có người thân nên mỗi lần bố mẹ chồng sang thăm là chúng tôi mừng lắm và cứ muốn giữ các cụ ở lại lâu hơn mặc dù visa chỉ có hạn”, chị Lan nói. Chị cho biết thêm đôi khi giữa chị và mẹ chồng cũng xảy ra một số mâu thuẫn trong cách chăm sóc trẻ nhưng rồi sau đó hai người lại nhanh chóng làm lành với nhau vì họ đều biết quý trọng những giây phút ngắn ngủi bên nhau.

Ngoài ra, cuộc sống ở Úc rất thanh bình, môi trường trong sạch, đồ ăn, thức uống chất lượng và tương đối rẻ so với đồng lương. Tất cả những yếu tố đó cũng khiến cho cuộc sống gia đình trở nên thoải mái, dễ chịu và ít áp lực hơn về nỗi lo ‘cơm áo, gạo tiền’ nên các cặp vợ chồng trẻ thường ít khi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Nói cách khác là quan hệ của họ ít bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Nỗi niềm

Mặc dù có khá nhiều cựu du học sinh Việt cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở Úc và muốn định cư lâu dài ở đất nước này vì các giá trị gia đình luôn được đảm bảo nhưng chính vì êm ả quá nên cuộc sống đôi khi lại trở nên buồn tẻ, nhất là đối với những người trẻ. Họ than thở rằng “đời sống văn hóa, tinh thần của họ không được phong phú như ở Việt Nam”.

Vợ chồng chị Hoa là một trong số những cặp được cho là khá ‘văn minh’ vì thường đi đến sàn nhảy vào cuối tuần để thư giãn mặc dù anh chị có hai con nhỏ. Chị cho biết ngay từ khi cậu con trai lớn mới được một tuổi thì anh chị đã thường đưa bé đi nhảy cùng và chỉ về nhà lúc hai giờ sáng.

Chị nói: “Cuộc sống ở nước ngoài buồn quá, quanh đi quẩn lại chỉ có công việc với chăm sóc gia đình nên vợ chồng tôi quyết tâm đa dạng hóa đời sống tinh thần của mình bằng cách đi nhảy vào cuối tuần. Bên cạnh việc thỏa mãn sở thích bản thân, chúng tôi còn có cơ hội gặp gỡ, làm quen và giao lưu với nhiều người bạn mới”.

Chị cho biết thêm mỗi khi có đoàn ca sĩ Việt Nam sang Melbourne biểu diễn, anh chị đều cố gắng thu xếp thời gian để đi xem. “Kể cả các show biểu diễn của các ca sĩ hải ngoại chúng tôi cũng thích đi để hòa nhập hơn vào cộng đồng”, chị nói.

Bên cạnh đó, một trong những nỗi niềm mà các cựu du học sinh Việt Nam sinh sống ở Úc thường gặp phải là việc thiếu người tâm sự để giải tỏa những khúc mắc trong cuộc sống.

Chị Hoa giãi bày: “Mỗi khi gia đình lục đục thì tôi vô cùng ức chế vì không có người chia sẻ. Bạn bè ai cũng bận túi bụi với cuộc sống riêng nên họ không có nhiều thời gian để lang thang cafe và lắng nghe tâm sự của mình, trong khi đó thì có những vấn đề khó có thể tâm sự được với gia đình và người thân ở Việt Nam”.

Vì vậy, giải pháp tốt nhất của chị Hoa là hạn chế tối đa việc xảy ra bất đồng quan điểm trong gia đình và luôn chủ động nói chuyện, làm lành với chồng mỗi khi ‘cơm không lành, canh không ngọt’.

“Sống ở Úc đã rất buồn vì không có người thân bên cạnh nên vợ chồng tôi cũng chẳng muốn giận nhau lâu vì giận rồi thì lấy ai để mà nói chuyện, tâm sự?”, chị thở dài.

Theo Bay Vút

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115