Trợ giúp quốc tế đối với lũ lụt ở Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 17/01/2011. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 5705

Diễn biến lũ lụt

Trận lũ lịch sử tại tiểu bang Queensland đã xóa sổ hơn 20.000 hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực Brisbane, Ipswich và Lockyer Valley. Tính đến ngày 16/1, số người thiệt mạng đã lên đến 18 người và con số mất tích là 14 người. Hiện các đội cứu hộ vẫn đang tiếp tục công tác tìm kiếm.

Thị trưởng thành phố Brisbane, ông Campbell Newman, đang lên tiếng kêu gọi người dân quay trở lại làm việc để bắt đầu quá trình khôi phục kinh tế. Ông cho rằng các dịch vụ thiết yếu nên được hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân về thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp ở Brisbane đã mở cửa trở lại sau trận lũ nhưng các dịch vụ bị cắt giảm bởi bùn đất vẫn còn bám ở khắp mọi nơi và làm tắc nghẽn các ống thoát nước. Một số doanh nghiệp cho biết nếu có thể tiếp tục bám trụ công việc kinh doanh sau trận lũ lần này thì họ sẽ chuyển trụ sở tới những khu vực cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người dân sống ở gần các con sông lại có quan điểm trái ngược và họ vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nơi ở của mình từ bao nhiêu năm qua.

Các con đường cao tốc cũng đã đi vào hoạt động trở lại giúp cho quá trình phân phối thực phẩm ở khu vực phía Tây và trung tâm bang Queensland trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Vào cuối tuần qua, một đội quân tình nguyện khoảng 24.000 người đã đi đến những khu vực bị lũ lụt để giúp đỡ các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp bắt đầu công việc dọn dẹp đống ngổn ngang tàn dư sau cơn lũ.

Trong khi đó ở phía Bắc tiểu bang Victoria, một trận lũ lớn nhất trong lịch sử từ con sông Campaspe đã tràn xuống thành phố và nhấn chìm rất nhiều nhà cửa, kể cả ở ở khu vực trung tâm thành phố. Thị trưởng Campaspe, ông Neil Pankhurst, cho biết nước lũ có thể đạt mức kỉ lục 9,8 mét.

Đã có 13.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng nặng nề và 3.000 người buộc phải đi di tản. Thêm vào đó, 34 thị trấn xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, trong đó khu vực Rochester và Charlton chịu thiệt hại nặng nề nhất và đã hoàn toàn bị cô lập trong biển nước.

Theo dự đoán, hàng trăm ngôi nhà tại khu vực Horsham có thể sẽ bị lũ lụt tấn công sau khi mực nước ở con sông Wimmera đạt đỉnh vào sáng nay, ngày 17/1. Hàng trăm bao cát đã được vận chuyển đến vùng này nhằm chuẩn bị đối phó với lũ. Theo ước tính, con số thiệt hại có thể lên đến hàng chục triệu đô-la. Cho đến nay, vẫn còn khoảng 3.000-4.000 hộ gia đình bị cắt điện.

Đáp trả ân tình

Hậu quả nặng nề của trận lũ vừa qua tại Queensland đã khiến cho người dân ở nhiều nước trên thế giới vô cùng xúc động.

Đã có khoảng 60 nước và các tổ chức quốc tế mở rộng vòng tay giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt ở Queensland. Chính phủ Úc cho biết hiện nay nước Úc đang bị ‘lụt’ vì các khoản viện trợ nước ngoài.

Một số quốc gia láng giềng trong khu vực như Papua New Guinea đã cung cấp khoản viện trợ trị giá 4 triệu đô-la cho Úc, còn chính phủ Đông Timor cũng ủng hộ 500.000 đô-la. Phát ngôn viên của Đông Timor, ông Agio Pereira, cho biết đó là một hành động nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa hai quốc gia.

Ông nói: “Trong suốt quá trình đấu tranh giành lại tự do kéo dài 24 năm của Đông Timor, nước Úc đã ủng hộ rất mạnh mẽ, vì vậy, người dân Đông Timor không thể khoanh tay đứng nhìn khi xảy ra trận lũ lụt khủng khiếp, tác động nặng nề tới rất nhiều người dân Úc. Mặc dù Đông Timor không có nhiều tiềm lực về kinh tế nhưng vẫn thực hiện phương châm ‘của ít lòng nhiều’.

Bên cạnh đó, Nữ hoàng Anh cũng đã quyên góp cho nạn nhân lũ lụt ở Queensland với tư cách cá nhân; Hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc đóng góp 50.000 đô-la; Indonesia góp 1 triệu đô-la. Phát ngôn viên của Indonesia cho biết: “Indonesia là một đất nước thường xảy ra thiên tai và đã rất nhiều lần chúng tôi nhận được viện trợ nhân đạo của Úc. Vì vậy, số tiền trợ giúp lần này thể hiện sự thông cảm và chia sẻ của Indonesia trước những mất mà mà người dân Queensland đã phải gánh chịu. Với tư cách là nước láng giềng, chúng tôi mong muốn có thể trợ giúp được Úc một cách tối đa có thể. Không chỉ riêng với Úc mà với các nước khác trong hoàn cảnh tương tự thì Indonesia cũng sẵn lòng giúp đỡ. Về khía cạnh nhân đạo, đây là một cách thức mở rộng hợp tác và bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những nạn nhân”.

Úc cũng đã nhận lời trợ giúp của Mỹ trong việc tái kiến thiết mà theo dự đoán sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Đại sứ Mỹ Jeffrey Bleich cho biết Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, nhất là sau khi khu vực New Orleans trải qua cơn bão Katrina khủng khiếp vào năm 2005. Ông nói: “Việc dự đoán lũ lụt để xây dựng những căn nhà kiên cố hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại đồng thời nâng cấp hệ thổng cảnh báo là điều rất quan trọng”.

Bên cạnh đó, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Bhutan, kể cả Sri Lanka cũng đề nghị trợ giúp Úc mặc dù chính quốc gia này đang phải trải qua thảm họa lũ lụt. Sri Lanka đóng góp một số lượng trà lớn để có thể pha được 200 ngàn cốc trà cho các nạn nhân lũ lụt nhằm an ủi họ, còn New Zealand đã nhanh chóng gửi một lực lượng đặc nhiệm ứng phó trong trường hợp nguy cấp sang trợ giúp Úc cùng với 1.600 đôi ủng cao su nhằm giúp các nạn nhân tránh rắn độc và có thể là cá mập sau khi nước lũ rút đi.

Trước tấm thịnh tình của các quốc gia trên thế giới, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd bày tỏ sự xúc động và cho biết những nghĩa cử cao đẹp đó khiến Úc cảm nhận như đang được ở trong vòng tay của một đại gia đình thế giới.

Ông nói: “Khi trên thế giới xảy ra thảm họa thì không chỉ có chính phủ mà cả người dân Úc cũng sẵn lòng trợ giúp các nạn nhân một cách hào phóng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hầu hết các nước trên thế giới đều biết điều đó nên khi nước Úc gặp khó khăn thì họ cũng sẵn sàng giang tay giúp đỡ để đáp trả lại. Hiện nay cả Thủ tướng Julia Gillard và tôi cũng đang bị ‘lụt’ bởi sự trợ giúp về mặt tài chính cũng như những lời động viên, chia sẻ từ lãnh đạo các nước trên thế giới”.

Thiên tai trên thế giới

Không chỉ có Úc mà cả Brazil cũng phải trải qua trận lũ lụt khủng khiếp nhất trong lịch sử ở phía Đông Bắc, gần thành phố Rio de Janeiro vào rạng sáng ngày 12/1 vừa qua đã khiến cho ít nhất 610 người thiệt mạng. Thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nova Friburgo với 274 người bị chết và hàng chục khu phố hiện vẫn đang bị cô lập bởi lũ dữ. Một người dân cho biết đã nhìn thấy một nhóm người bị chôn vùi dưới lớp bùn đỏ trong chiếc xe ô tô của chính họ. Ở khu vực xảy ra thiên tai, xác các nạn nhân nằm la liệt. Những người tham gia cứu hộ nhận định rằng con số thương vong còn có thể lên đến 1000 người. Chính phủ Brazil đã tuyên bố quốc tang kéo dài trong ba ngày để tưởng niệm những nạn nhân xấu số, còn chính quyền thành phố Rio de Janeiro thì cho biết từ hôm nay, thứ Hai ngày 17/1, thành phố này sẽ bắt đầu tuần tưởng niệm các nạn nhân.

Bên cạnh đó, vào ngày 15/1, một trận lũ lớn và lở đất đã xảy ra ở Sri Lanka và cô lập hàng trăm ngàn người dân trong biển lũ, ước tính con số cụ thể có thể lên đến khoảng một triệu người. Chính phủ Sri Lanka đã xác nhận số người thiệt mạng tính tới thời điểm này là 23 người, hơn 273.000 người bị mất nhà cửa và hơn một triệu người phải đi sơ tán. Hàng ngàn người khác vẫn đang trong vòng nguy hiểm và con số thương vong tiếp tục gia tăng. Lực lượng quân đội, không quân và hải quân nước này hiện đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và vận chuyển nhu yếu phẩm, thuốc thang tới người dân ở những khu vực bị cô lập.

(Bayvut)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115