Bác sĩ Việt và kỳ thi y khoa cấp liên bang ở Úc

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 09/10/2010. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 13195

Một ca mổ tại Úc. Trở lại ngành nghề cũ là một trong những ước mơ cháy bỏng của nhiều người, trong đó có các bác sĩ người Việt khi họ tới Úc (ABC)

 

Chuyện thiếu, thừa bác sĩ ở Úc

Nhiều năm qua, nước Úc lâm vào tình trạng mất cân đối lượng y bác sĩ phục vụ tại các vùng miền. Ở các thành phố lớn tại Úc, số bác sĩ tương đối nhiều nhưng nhiều vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thì lại rất khan hiếm bác sĩ!

Để giải quyết tình trạng ‘thiếu-thừa’ này, chính phủ Úc đã có chủ trương đón nhận lượng bác sĩ tốt nghiệp từ các quốc gia khác đến Úc làm việc. Điều cần lưu ý là để được phép đến và làm việc tại Úc, các bác sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài này phải ký một cam kết theo đó họ chỉ được phép hành nghề với một số điều kiện cụ thể. Chẳng hạn như phải làm việc ở vùng có nhu cầu cần thiết (areas of need – chủ yếu là những vùng sâu, vùng xa trên khắp nước Úc).

Theo Giáo sư Richard Murray (trưởng khoa Y Đại học James Cook), tại những vùng nông thôn nơi tiểu bang Queensland có tới hơn 50% số lượng bác sĩ có gốc gác nước ngoài đang làm việc. Còn tại những vùng nông thôn của tiểu bang Tây Úc cũng như nhiều tiểu bang và vùng lãnh thổ khác ở Úc, số bác sĩ đến từ nước ngoài chiếm từ 29% tới 44%.

Theo quy định mới được công bố, tất cả những bác sĩ từ nước ngoài đến Úc giai đoạn gần đây (cho đến trước thời điểm năm 2008) nay phải tham dự một kỳ thi khảo sát liên bang và nếu không đậu, họ sẽ không còn được phép hành nghề tại Úc nữa.

Trả lời phỏng vấn ABC, bà Susan Douglas, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ được đào tạo từ nước ngoài (Australian Doctors Trained Overseas Association – ADTOA), nhận định rằng xét về phương diện nghề nghiệp mà nói, bất cứ bác sĩ nào không còn được phép hành nghề thì cũng giống như họ bị ‘kết án tử hình’.

Tuy nhiên, theo bà Joanna Flynn, chủ tịch Hội đồng Y khoa Úc, việc các bác sĩ đến từ nước ngoài nay phải trải qua đợt sát hạch nghề nghiệp cấp liên bang là một điều cần thiết để họ chứng tỏ có kiến thức và khả năng đủ để làm việc tại nước Úc.

Theo tìm hiểu thêm của Bay Vút, kỳ thi sát hạch cấp liên bang vốn ra đời từ đầu thập niên 80 ở Úc là một kỳ thi rất khó khăn đối với mọi bác sĩ đến từ nước ngoài, trong đó bao gồm những bác sĩ có gốc gác từ Việt Nam, vốn đã đặt chân đến nước Úc từ hơn ba thập niên qua theo dòng chảy di cư.

Đường phấn đấu của các bác sĩ gốc Việt tại Úc

Khi đến xứ chuột túi, muốn được công nhận và chính thức hành nghề, các bác sĩ gốc Việt có hai hướng lựa chọn.

Đầu tiên là họ phải đi học đại học y khoa trở lại (có thể chỉ cần học lại từ năm thứ hai hoặc thứ ba đại học). Ông Nguyễn, một bác sĩ gốc Việt kỳ cựu từng hành nghề ở Adelaide và hiện đang sống tại Melbourne, cho biết lợi điểm của việc đi học lại là “gần như chắc chắn đậu” vì người Việt được tiếng chăm chỉ, siêng năng học hành. Tuy nhiên, bất lợi của con đường này, cũng theo lời bác sĩ Nguyễn, là “nó dài quá, mất ít nhất cũng 6, 7 năm ròng” trong khi nhiều bác sĩ bấy giờ khi sang Úc đã ở ngưỡng tuổi “thập tam”.

Hướng thứ hai là các bác sĩ phải trải qua một kỳ thi y khoa cấp toàn liên bang (mà người Việt gọi là ‘thi nhảy’) với hai phần thi kiến thức chuyên môn, tiếng Anh (thi viết) và thi lâm sàng (trực tiếp khám, chuẩn đoán và đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân ở cả bốn khoa: nội, ngoại, sản và nhi cho hội đồng chấm điểm).

Theo quy định bấy giờ, các bác sĩ đã tốt nghiệp ở nước ngoài đến Úc sẽ được cấp Bằng Hành nghề có giới hạn (LR-Limited Registration), kèm theo được sự bảo trợ của một người thầy trong ngành y thì họ sẽ được hành nghề trong hai năm. Tuy nhiên, trong hai năm này, bác sĩ phải tiếp tục thi đậu bằng y khoa liên bang nếu không sẽ không được phép hành nghề nữa.

Bác sĩ Nguyễn nhớ lại các bác sĩ người Việt sống tại Adelaide khi ấy muốn ‘thi nhảy’ đã tụ tập tại nhà một người trong nhóm để ôn luyện suốt từ 4 giờ sáng đến tối mịt, nhiều khi tới 12 giờ đêm. Họ đọc, thảo luận và chia sẻ cho nhau nghe bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh về các đề tài y khoa, căn bệnh, hoặc kinh nghiệm thực tế khi đi thực tập ở các bệnh viện Úc…

Các bác sĩ gốc Việt ở Adelaide lúc bấy giờ có một ân nhân là bác sĩ Ian Holden Buttfield, Giáo sư Y khoa tại Đại học Adelaide, tận tình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho họ hầu như mỗi ngày. Dù tiến trình ôn luyện gian khổ này kéo dài ròng rã suốt hai, ba năm song chả mấy ai tự tin mình sẽ thi đậu bởi kỳ ‘thi nhảy’ là cực kỳ khó, số người đỗ mỗi kỳ chỉ vào khoảng từ 2% tới 3% (hầu hết lại là những người có nguồn gốc từ những quốc gia nói tiếng Anh như Ấn Độ, Singapore, Hongkong). Dĩ nhiên đối với các bác sĩ đến từ những quốc không nói tiếng Anh như Việt Nam thì thử thách từ kỳ thi này lại càng nhân thêm gấp bội.

Tuy nhiên, năm 1981, sự kiện nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hường (từng là Trưởng khoa tim tại bệnh viện Nguyễn Văn Học, thành phố Hồ Chí Minh) thi đỗ kỳ thi y khoa liên bang đã gây ‘chấn động’ cho mọi người, là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các bác sĩ gốc Việt khác.

Rất nhiều bác sĩ người Việt thời kỳ đầu đã thành công nối tiếp qua các kỳ ‘thi nhảy’ như Lê Tấn Thành, Thái Đắc Bùi, Đinh Quốc An, Hà Quốc Ánh, Lê Quang Khánh, Ngô Thị Mỹ… để được phép tiếp tục hành nghề cứu chữa bệnh nhân trong nhiều năm qua tại Úc.

(theo Bayvut)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115