“Tam giác” không hoàn hảo

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 09/10/2010. Đăng trong Giải trí. Lượt xem : 5420

Trong các tạp chí bàn chuyện tiêu chuẩn bạn trai hay bạn gái để hẹn hò, cái tam giác không hoàn hảo này cũng được đưa ra. (iStockphoto)

Cặp ba xung đột

Tam giác đề án (tạm dịch từ ‘Project Triangle’) là một khái niệm khá phổ biến trong ngành kỹ thuật. Theo từ điển mở ‘wiki’ thì nó chỉ ba phương diện chính của các đề án mà người phác thảo đưa ra như một cơ sở để bên thi công lựa chọn.

Ví dụ như độ bền – mẫu mã đẹp – chi phí sản xuất thấp. Các phương diện này chi phối lẫn nhau và thông thường thì không thể đáp ứng được toàn bộ cùng một lúc. Về mặt giá trị, chúng là những cặp ba xung đột với nhau. Trong ví dụ này, một sản phẩm muốn vừa đẹp, vừa bền thì giá thành không thể thấp, kéo theo giá bán cũng sẽ cao. Nếu muốn giảm chi phí đầu vào thì phải chấp nhận hình thức có thể không đẹp hoặc giảm tuổi thọ sản phẩm.

Một ví dụ khác phổ biến hơn là nhanh – tốt – rẻ có thể dễ dàng bắt gặp ở một biển quảng cáo dịch vụ nào đó. Đây là các tiêu chí lựa chọn chất lượng hay giá cả của dịch vụ mà người cung cấp có khả năng đáp ứng. Trong ba thành tố này, nếu đạt được nhanh và tốt thì khó có thể rẻ. Ngược lại, nếu đã nhanh và rẻ thì khó mà tốt được.

“Chẳng hạn như bạn muốn đi làm đẹp, lại muốn vừa nhanh – vừa đẹp – vừa rẻ, thì rõ ràng là không có rồi”, chị Gấm – chủ tiệm ‘California Beauty’ cũng thừa nhận. “Từ khi mở tiệm ở Melbourne, đến khi chuyển về Sydney làm ăn, mình lúc nào cũng nói rõ với khách hàng về sự lựa chọn này. Nếu khách muốn làm kỹ và đẹp, chắc chắn giá sẽ cao hơn vì phải trả thêm chi phí công thợ, điện, nước, nguyên liệu.”

Tam giác không hoàn hảo

Thú vị là tam giác này đúng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Có người phải gọi nó là tam giác bí ẩn vì thế nào cũng có một cạnh tam giác mâu thuẫn với hai cạnh còn lại. Từ đó dẫn đến một thực tế là: chúng ta buộc phải lựa chọn hai trong số ba phạm trù mà Tiếng Anh gọi là ‘pick two’.

Trong các tạp chí bàn chuyện tiêu chuẩn bạn trai hay bạn gái để hẹn hò, cái tam giác không hoàn hảo này cũng được đưa ra. Chúng ta hay cùng thử xem nhé:

Nam: đẹp trai – kiếm nhiều tiền – trung thực, hoặc dịch là chung thủy cũng được (faithful): chỉ có thể chọn hai được thôi.

Nữ: độc thân – chín chắn – hấp dẫn – thông minh (công thức 4S: single – sane – sexy – smart): chỉ chọn được ba, không hơn.

Riêng phụ nữ thì có những bốn tiêu chí mà không thấy lý giải tại sao. Có người còn đề xuất năm tiêu chí (công thức 5S – thêm ‘sense of humour’ – vui tính).

Thế nhưng nói chung dù có là bốn hay năm thì cũng đều xuất phát từ mô hình tam giác ‘quái quỷ’ kia – cái quy luật không rõ của tự nhiên hay con người mà luôn chi phối đối tượng ở giới hạn không hoàn hảo.

Theo đó thì một người đàn ông đã đẹp trai, lại kiếm nhiều tiền thì đừng hòng anh ta… chung thủy! Tương tự, nếu muốn tìm một người phụ nữ thông minh, ‘sexy’ thì có thể là cô ấy còn độc thân, chứ chín chắn hay biết điều thì khó lắm.

Anh Thụy, giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội, đưa ra một ví dụ thế này: “Bạn rất rất mến cô gái đang ngồi đối diện mình. Mái tóc cắt tém, vầng trán cao ấn tượng, nụ cười ướt đẫm như những giọt sương ban mai còn vương trên lá, lối nói chuyện thật dí dỏm, cuốn hút, mạnh mẽ và gợi cảm. Bạn có thấy bị chinh phục không? Có lẽ là có! Mà nếu thế, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng khi cô ấy là của bạn, bạn nói gì cô ấy cũng nghe, bạn phán thế nào cô ấy cũng chịu, bạn sẽ giam lỏng được cô ấy ở nhà…”

Học cách tự bằng lòng

Gần đây, một blogger của báo The Age, anh Sam de Brito, cũng có bài viết ngắn bàn về chuyện ‘tam giác dự án’ này. Sam đưa câu hỏi cho độc giả hãy chọn hai và chỉ hai mà thôi trong số những phương án dưới đây:

Người yêu lý tưởng: thông minh – giàu tình cảm – ngoại hình đẹp

Hệ điều hành máy tính: tốc độ – hiệu quả – độ bền

Một bộ phận của chiếc xe đạp: khỏe – nhẹ – rẻ

Ở trường đại học: làm việc – ngủ – chơi

Và còn có thể kể ra rất nhiều những mô hình tam giác kiểu như thế.

Sam dẫn chuyện ở một quán cà phê, có một cô gái nói với bạn của mình rằng người yêu mà cô mong muốn phải là một chàng trai thật là ‘hot’, cơ thể cường tráng, anh ta phải có một công việc ổn, biết chung tình và có nhà riêng nữa.

Tất nhiên, người lý tưởng như thế khó mà tìm ra. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người trong số chúng ta vẫn tự tin là mình có cái ‘tam giác’ ấy, hoặc đòi hỏi đối tượng của mình phải có, hoặc lãng mạn như cô gái kia là ngồi mơ mộng, hoặc dành nhiều năm tuổi trẻ để đi tìm. Như dân gian ở ta thường nói với những người chậm trễ chuyện hôn nhân: “chắc là lại kén cá chọn canh quá đấy mà!”

Tóm lại, khi hiểu ra rồi, bạn có thể than một câu: “ôi! cái thế giới này thật đáng thất vọng, thật là hữu hạn và phi hoàn hảo”. Chúng ta phải bằng lòng và chấp nhận cái khuyết thiếu, chấp nhận cái quy luật bất cân xứng đó.

Lại trích lời dân gian ở ta, các cụ vẫn nói: ‘nhân vô thập toàn’ hay là ‘trời cho cái này thì lấy đi cái khác’. Một ví dụ cuối là nếu bạn muốn thành danh bằng học vấn, để có cơ hội tìm được việc làm tốt thì chắc bạn phải bớt chơi đi, thậm chí hy sinh vài năm tuổi trẻ, thậm chí yêu ít đi một tí để dành tâm sức giùi mài kinh sử.

Anh Thụy, người được phỏng vấn ở trên, thì kết luận một cách triết lý rằng: “Lựa chọn thì rất là thoải mái, bạn muốn lựa gì cũng được. Tuy nhiên, những thứ mà bạn chọn được sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo cả đâu. Và đó chính là sự hoàn hảo của lựa chọn đấy ạ!”

Bạn có nghĩ vậy không? Hay là phải có một cách nào chứ nhỉ?

(nguồn Bayvut)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115