Cùng chia sẻ kinh nghiệm du học

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 07/10/2010. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 5742

Bạn Hiếu Nguyễn

Gần đây tôi có đọc một số bài viết của các bạn trẻ Việt Nam về kỷ niệm du học của mình trên xứ Mỹ. Các bài này có vẻ mang xu hướng tiêu cực về việc du học ở vùng đất này. Tôi đã đến đất Mỹ với tư cách là du học sinh. Theo trải nghiệm của bản thân mình, quãng thời gian đó rất khó quên, tuy có khó khăn nhưng cũng tràn đầy niềm vui và sự thú vị. Sau đây cũng là câu chuyện của tôi và cũng là các cách thức tôi đã làm để học tiếng Anh tốt, hoà nhập nhanh, tránh trầm cảm, và một số kinh nghiệm khác.

Muốn du học ở Mỹ dễ dàng thì trước tiên cần phải nói tiếng Anh tốt. Muốn tiến triển nhanh trong bất cứ ngoại ngữ nào thì cũng cần phải sử dụng nó nhiều. Tôi đến du học nước Mỹ vào năm 2005 tại trường Green River Community College để học hai năm đầu của chương trình cử nhân của Mỹ. Trường của tôi nằm ở bang Washington và cách thành phố Seattle 45 phút chạy xe. Tôi được trường xắp xếp ở chung nhà với một gia đình người Mỹ. Việc ở chung với người Mỹ trong thời gian đầu giúp tôi tiến bộ trong tiếng Anh, giao tiếp, và cuộc sống ở Mỹ rất nhanh. Trong thời gian đó, cũng có một số bạn bè du học người Việt Nam của tôi đã không theo sự xắp xếp của trường và tư ý dọn ra ngoài ở với các gia đình người Việt. Hầu hết các bạn này về sau tiếng Anh cũng tiến bộ rất chậm vì suốt ngày sử dụng tiếng Anh rất ít. 

Một mặt không kém phần quan trọng nữa là tôi làm bạn rất nhiều với các sinh viên quốc tế đến từ các nước khác nhau. Vì tiếng mẹ đẻ khác nhau nên chúng tôi luôn sử dụng tiếng Anh để nói chuyện, việc này cũng làm tiếng Anh của tôi khá lên. Ngược lại, các sinh viên Việt bên này hay đi thành từng nhóm và rất ít khi giao tiếp với các sinh viên quốc tế và người Mỹ. Hậu quả của việc ít nói tiếng Anh và nói tiếng Việt là các bạn học được rất ít tiếng Anh và cách giao tiếp của Mỹ.

Bên cạnh ngôn ngữ, một vấn đề khá nghiêm trọng mà nhiều du học sinh gặp phải khi mới sang đây là sự trầm cảm. Họ trầm cảm do nhiều lý do như xa nhà, xa người thân, đất nước lạ, văn hoá lạ, con người lạ. Để tránh trầm cảm thì sinh viên nên có các hoat động ngoài giờ ngoài việc học. Tôi đã tham gia một số câu lạc bộ sinh viên của trường để giết thời gian và tìm thêm bạn. Trường Green River cũng hay tổ chức các chuyến du ngoạn giá rẻ cho sinh viên và tôi có tham dự vài lần. Giá mỗi lần đi chơi như vậy chỉ từ 10-20 đô, chỉ bằng một phần năm số tiền bỏ ra nếu tự đi. Ngoài ra, vào các cuối tuần ngày thứ bảy, tôi và một số người bạn thân, một cô Thụy Điển gốc Phi và một cô người Hàn Quốc, thường hay bắt xe buýt lên Seattle để đi chơi và ăn uống. Giá cả của Seattle cũng không quá đắt đỏ, xe buýt thì chỉ có $1.50 một vòng đi lúc bấy giờ và ăn no cũng chỉ cần $10.00 là cùng. Ngược lại, một vài người bạn của tôi chỉ nằm nhà cả ngày vì than nhớ nhà hoặc sợ đi bộ. Khi trầm cảm mà làm vậy chỉ thêm trầm cảm mà thôi.

Ngoài hai vấn đề chính trên, tôi cũng có một số kinh nghiệm khác cho các em có dự định đi du học. Thứ nhất là đừng nên vội vàng ra ở riêng. Khi mới qua Mỹ, lựa chọn kinh tế nhất là ở với host family/ home stay. Khi ở theo chương trình này, sinh viên sẽ được nấu cho ăn ba bữa và có thể được đưa đón đi học mỗi ngày. Việc ở riêng rất tốn kém vì sinh viên phải tự đi chợ, nấu ăn, trả tiền dịch vụ như điện, nước, internet, và tiền phòng. Cụ thể hơn, lúc đó tôi phải trả $500 một tháng cho host family, và giá phòng ở ngoài là $450 cho một căn hộ một phòng chưa tính tiền ăn và các dich vụ. Thế nhưng, chỉ có một số trường có dich vụ home stay. Trong trường hợp đó thì sinh viên nên ở ký túc xá trường vì gần trường và trả ít tiền dịch vụ. Mướn phòng chỉ kinh tế và rẻ khi sinh viên ở chung hai, ba người trở lên trong một phòng ngủ.

Môt lời khuyên thứ hai là nếu các bạn đừng nên vội mua xe hơi nếu được học tập ở thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt. Mua xe hơi là cần phải mua bảo hiểm hàng tháng, mua xăng, và trả tiền bảo dưỡng. Đó là chưa kể đến trả tiền để đậu xe hoặc sửa chữa các trục trặc bất ngờ. Số tiền này ít nhất là hai, ba trăm đô một tháng. Trong khi đó, vé tháng cho các phương tiện công cộng chỉ chừng hai trăm đô trở lại. Các phương tiện này chạy rất đúng giờ nên sinh viên cũng chẳng sợ trễ học. Sử dụng phương tiên giao thông công cộng là một cách tiết kiệm tiền rất tốt cho sinh viên.

Vào đoạn kết, tôi cũng xin nói rõ ở đây là quá trình du học vui nhiều hay buồn nhiều cũng tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi sinh viên, và đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi. Các bạn rút kết ra ít hay nhiều bài học phù hợp từ bài viết này hay không là tùy bản thân mỗi người. Du học Mỹ có nhiều cái khổ như tốn kém, phải xa gia đình, quê hương trong một thời gian khá dài và phải tự lập 100%, nhưng đất nước Mỹ có một nền giáo dục bậc nhất thế giới và nhiều cơ hội tốt cho những sinh viên học tập, làm việc chăm chỉ. Chúc các bạn thành công trong con đường du học.

Tái bút: Bản thân tôi không chống lại việc sinh viên Việt họp thành các câu lac bộ để giúp đỡ lẫn nhau trong và ngoài trường học. Tất cả các giá cả trong bài viết này là giá cả của năm 2005-2006 ở bang Washington. Giá cả có thế thay đổi theo thời gian và theo từng tiểu bang.


Bạn SHMS LTH

Những điều bạn nói trên là hoàn toàn đúng. Mặc dù mình đang học ở Thụy Sĩ nhưng mình cũng từng có 1 tháng du học hè ở Mỹ. Theo mình thấy thì các bạn VN thường có xu hướng gần người Việt hơn là người bản xứ nên có nhiều bạn qua dăm ba năm rồi mà Tiếng Anh cũng chẳng tiến được bao nhiêu. Việc tăng cường giao tiếp với học sinh quốc tế khác giúp ích rất nhiều điều cho các bạn nhất là khoản Tiếng Anh. Nếu bạn may mắn gặp được một số người bạn tốt thì bạn có thể tham gia các hoạt động học nhóm, đi chơi hay thể thao nhằm nâng cao sự linh động cũng như khả năng giao tiếp xã hội. Việc giao tiếp nhiều sẽ giúp bạn có được niềm vui trong lúc học và cũng có lợi rất nhiều khi đi làm. Việc tạo được một mối quan hệ tốt luôn giúp bạn thăng tiến trong mọi công việc.

Còn việc xe cộ thì còn tùy vào nhu cầu của bạn. Xe bên Mỹ rất là rẻ, nếu bạn không phải dân chơi sành điệu thì cũng cam chịu chạy những chiếc xe bình thường như Ford hay là Toyota. Giá thấp nhất từ 17.000 $ cho đến 30.000 $ là cùng. Thậm chí bạn mua lại xe của người khác có thể cũng nhận được những mức giá hấp dẫn hơn. Có thể tìm kiếm trên Ebay hoặc một số trang rao vặt khác. Nếu siêng năng thì tìm hiểu bạn bè trong trường có ai muốn thanh lý xe không (Có một mẹo này nhưng có lẽ ít người đồng ý, thường thì tìm những bạn nhà khá giả, có tính đua đòi càng tốt thì chuyện họ thay xe như thay áo cũng thường tình). Nên nhớ là nếu nhu cầu của bạn không đòi hỏi đến xe cộ thì việc dùng phương tiện giao thông công cộng như bạn Hiếu nói là rất cần thiết. Bạn có thể dành số tiền đó cho nhiều mục đích bổ ích khác.

Đây là một vài trải nghiệm mà mình biết về cuộc sống ở Mỹ. Tất nhiên là ở Châu Âu cũng khác đôi chút nhưng mình cũng muốn đóng góp ý kiến thôi. Thân !!!

Bạn Quynh Van

Cuộc sống du học sinh không phải là màu hồng, và cũng không phải ai cũng có tiền mua xe ô tô dù ô tô ở US không đắt. Tôi đang sống tại UK thực ra cs cũng quen rồi, bây giờ cũng chẳng thấy buồn nữa dù tôi vẫn đang sống 1 mình cùng với sv các nước khác chứ không sống với sv việt nam.

Lời khuyên cho các bạn đi du học là để hòa nhập nhanh nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, ví dụ như nấu ăn chỉ cần bạn nấu 1 món ăn việt nam rồi góp chung với các bạn sẽ vui hơn và sẽ học hỏi được nhiều hơn về văn hóa các nước khác (chú ý tránh những thức ăn mà họ không ăn được do tôn giáo, do văn hóa) Cũng không nên gặp người VN nhiều vì dùng nhiều tiếng việt sẽ không tốt, có gì khó khăn thì nên hỏi ở trường, tôi thấy ở các trường họ giúp đỡ sv quốc tế nhiệt tình trong mọi vấn đề, như thế sẽ tăng khả năng tiếng anh. Dù thế nào chỉ cần cố gắng và không nản chí thì sẽ thành công. Quan trọng nhất là phải có sức khỏe tốt để học tập và phải tránh xa sự lôi kéo của các bạn khác như đi bar, night club …. Chi tiêu một cách hợp lý và tiết kiệm sẽ giúp bạn quản lý tốt tài chính sau này.


Bạn Cành cây nhỏ

Mình đi học tại Úc cũng rút ra được 1 số điều như sau:

Home stay chỉ tốt về mặt tiện nghi, và vì mình k có khả năng tự sống 1 mình ( lạ chỗ, k biết đường xá, k biết tự mua đồ sinh hoạt vv… ) Bạn nghĩ xem, homestay cho 1 người năm 2005 vào khoảng $800 ( đô la Úc ), còn nếu ra share 1 phòng thì chỉ tầm $75 x 4 tuần = $300 + $300 tiền ăn uống ( ăn thoải mái luôn ) mình có thể thấy sự chênh lệch rất rõ ràng ( chưa kể người chủ home stay cho ăn gì thì ăn nấy, k dc đòi hỏi đâu nhé ). Nên theo mình nếu bạn nào có tính tự lập cao, nên ra ngoài ở, tốt nhất là share với bạn người nước ngoài để tiếng Anh mau tiến bộ.

Mình đồng ý với bạn là tiếng Anh rất quan trọng khi đi du học, và đồng ý 2 tay 2 chân về việc kết bạn với người nước ngoài ( đặc biệt là người bản xứ ) và mình nghĩ việc tham gia những hoạt động của trường nếu có thời gian rảnh rỗi là ý kiến hay, nhưng chưa chắc ai cũng có thời gian để làm điều đó.

Về việc mua xe, mình đồng ý với bạn, tiền mua xe thì ít mà tiền phụ trội nảy sinh hàng năm mới là nhiều… Nhưng nói đi thì cũng nên nói lại, nếu bạn học những ngành đòi hỏi phải đi đây đó làm ( thường thì bạn sẽ được trường giới thiệu cho những chỗ để thực tập ăn lương thấp hơn 1 chút so với làm chính thức ) và nếu có thể cân đối được (có đồng ra đồng vào) thì việc sắm 1 chiếc xe cũng là điều cần thiết thôi bạn àh. Theo quan niệm của mình, việc thành công hay k ở xứ người, chủ yếu là do bản thân mình cố gắng dù bằng hình thức nào, và cần 1 chút lucky nữa. Đôi điều cùng bạn! Thân!

Tổng hợp


(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115