Chuyện nước người: Tình xóm giềng kiểu…Úc!

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 08/04/2010. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 5716

“Cứ một trăm người Việt lớn tuổi sang Úc chơi thì có đến 99 người xin đổi vé máy bay về Việt Nam sớm dù phải bù thêm tiền vé”, nhân viên một đại lý bán vé máy bay ở vùng Richmond (Melbourne) kể. “Một cặp vợ chồng nọ kể rằng con cái thì đi làm suốt từ sáng đến tối mới về, nhìn tới nhìn lui thấy nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, đường phố không bóng người, bóng xe. Buồn!”.

Úc là một trong số những nước có diện tích đất rộng nhất thế giới (xếp thứ 6) nhưng tổng số dân theo thống kê năm 2009 chỉ có hơn 21 triệu người với mật độ dân số là 2,6 người/km2. Khu dân cư và thương mại, văn phòng được quy hoạch tách biệt nhau nên khi người dân đi làm hết thì đường phố tại những khu dân cư trở nên vắng lặng, thỉnh thoảng mới có đôi ba bóng người.

Tưởng chừng như nhà nào biết nhà đó, chẳng ai biết ai nhưng đừng nghĩ rằng sẽ không ai để ý đến những hành động khác lạ xảy ra trong khu vực. Một bóng người lạ lảng vảng cạnh nhà nào đó sẽ ‘được’ những người hàng xóm xung quanh chú ý ngay. David sống tại Melbourne kể lại: “Cách đây một năm, tôi lái xe đến vùng Elsternwick và vô ý đụng phải một chiếc xe khác khi đang lùi xe. Sau đó, tôi đi lòng vòng xung quanh đó để tìm chủ nhân chiếc xe nhưng không thấy ai cả. Trời cũng nhập nhoạng tối, tôi lại có việc gấp nên đi luôn, dự định vài ngày sau sẽ trở lại để tìm hiểu thêm. Thế nhưng chưa kịp quay lại thì tôi đã nhận được giấy báo của công ty bảo hiểm xe. Họ mô tả lại chính xác thời gian và địa điểm tôi gây ra vụ đụng xe và bảo rằng có một người dân trong khu vực đã ghi lại số xe của tôi.”

‘Bà con xa không bằng láng giềng gần’

Do tính chất đất rộng người thưa, mật độ dân số thấp nên hầu hết các bang của nước Úc đều có chương trình Neighbourhood Watch (Canh phòng xóm phố). Mục đích của chương trình này là nhằm giảm thiểu tội phạm và tăng cường sự an toàn trong cộng đồng.

(Minh họa: Tình làng nghĩa xóm đặc thù kiểu Úc!)

Ngoài ra, hàng năm, vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Ba, nước Úc còn có một ngày gọi là Neighbour Day (Ngày Hàng xóm) để thắt chặt tình hàng xóm giữa các gia đình trong mỗi cộng đồng. Neighbour Day bắt đầu hình thành ở thành phố Melbourne vào tháng Ba năm 2003 sau cái chết của một người phụ nữ lớn tuổi tại bang Victoria. Bà Elsie Brown đã chết trong căn nhà của mình ở vùng ngoại ô nhưng mãi hai năm sau người ta mới phát hiện ra cái chết của bà. Khi các nhân viên cảnh sát phá cửa vào nhà thì mới phát hiện ra bà Brown đã nằm chết khô trên chiếc ghế sô-pha. Người ta ước đoán rằng bà Brown đã chết vào khoảng tháng Một năm 2001. Trong khoảng thời gian đó, hệ thống khí đốt (gas), điện, nước và điện thoại tất cả vẫn hoạt động bình thường.

Vào ngày Neighbour Day, mỗi gia đình được phát một mẫu giấy để điền tên, số điện thoại của mình và sau đó trao đổi với những nhà xung quanh. Người ta cũng thường tổ chức các buổi BBQ ngoài trời để tụ tập trò chuyện. Tuy nhiên, chỉ một lời chào, mời nhau một tách trà hay tặng một trái chanh trong vườn nhà mình cũng khiến tình hàng xóm thêm thắt chặt vào dịp này.

Ông Peter, nhân viên của hội đồng khu vực Glen Eira (City of Glen Eira), cho biết những mối liên hệ hàng xóm tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bản thân mỗi người dân trong những tình huống khẩn cấp hay những lúc đi xa, tăng cường sự an toàn cho trẻ em và các hộ gia đình cũng như sự thoải mái về tinh thần khi sống trong một khu vực có những người hàng xóm dễ thương và thân thiện.

Neighbour Day

Tuy nhiên, theo ông Peter, tình hàng xóm không chỉ được gây dựng trong một ngày mà cần cả một quá trình. Ngoài ra, điều đó còn tùy thuộc vào tính cách và quan điểm của mỗi người. Xã hội thay đổi đã ảnh hưởng nhiều đến nếp sống, người ta không còn có thể bỏ ngỏ cửa sau như những ngày xa xưa. Rồi sau một ngày làm việc mệt nhọc, còn gì sung sướng hơn khi được trở về nhà, đóng cửa lại, thưởng thức sự yên bình của riêng mình và bỏ lại thế giới bên ngoài khung cửa.

Cô Sue, người dân vùng Frankston, kể lại trước đây, khi còn ở khu vực nhà cũ, thậm chí cô không nhớ nổi tên của những người hàng xóm xung quanh. Thêm vào đó, cô nghĩ thời buổi hiện nay người ta thay đổi chỗ ở liên tục nên hình thành những mối quan hệ lâu dài cũng chẳng ích lợi gì. Thế nhưng, khi chuyển sang vùng đang sống hiện nay, mọi việc trở nên khác hẳn. Những lời chào hỏi thân thiện của những người xung quanh, những buổi BBQ hay một vài hoạt động cộng đồng đã khiến cô cảm thấy cuộc sống vui hơn.

“Tất nhiên là mọi thứ không thể thay đổi trở lại giống như trước đây, cái thời mà mọi người không phải lo lắng khi bỏ ngỏ cửa sau nhưng ta vẫn cảm thấy ấm áp khi biết rằng còn những ai đó đang kiếm tìm và xây dựng những mối quan hệ hàng xóm thân tình”, ông Peter nói.

(Theo Bay Vút và các tin tổng hợp trên mạng)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115