Uống cà phê ở Melbourne

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 29/01/2010. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 6931

cafe-melbourne

Cà phê ‘đường phố’ đã trở nên quen thuộc với người dân Melbourne (ABC)


Cà phê… ‘nhanh’

Một buổi sáng mùa đông trời còn tối tù mù, lạnh căm căm, luyến tiếc tạm biệt cái chăn bông ấm áp, chân thấp chân cao lọ mọ đến trường, tôi tấp vào một quán nhỏ trên đường ‘sắm’ cho mình một ly cà phê ‘take away’* nóng hổi. Từng ngụm cà phê đăng đắng hòa cùng vị sữa béo ngậy đủ để xua tan cơn buồn ngủ luôn thường trực mỗi khi đông đến. Chẳng riêng gì mình mà nhìn xung quanh thấy bạn bè cũng có một ly ‘take away’ giống vậy.

Vào đến công sở, lại cũng thấy người người… cà phê, không cà phê mua ở căng-tin thì cũng cà phê tự pha. Cà phê nhanh, cà phê uống liền, không cần phin ‘ngắm’ từng giọt nhỏ xuống.

Một ngày mới bắt đầu.

Đi họp, dự hội thảo bao giờ cũng có khoảng 10 phút nghỉ để uống trà và cà phê (tea/coffee break). Trà, cà phê cùng bánh quy xen lẫn tiếng trò chuyện, giao lưu rộn rã, hòa với hương cà phê thơm ngát.

Cà phê… ‘đường phố’

Kathy, cô hàng xóm người Úc, nói với tôi rằng Melbourne là “thủ đô cà phê của nước Úc”. Chẳng biết đúng hay sai, chỉ biết cô ấy đưa ra dẫn chứng rằng cứ đến khu trung tâm thương mại của Melbourne là thấy thơm ngát hương cà phê tỏa ra từ vô số các hàng quán quanh đó. Xa hơn một chút, những khu như Richmond, St Kilda, Fitzroy, South Melbourne và Prahan có rất nhiều tiệm cà phê bình dân hơn.

Tôi có dịp đi cùng Kathy đến khu vực Flinders Lane vào một buổi sáng mùa thu. Vẫn hay đi trên con đường này hàng ngày nhưng tôi không biết rằng chỉ cần rẽ ngang một chút là có cả một thế giới khác. Journal Canteen với kiến trúc rất đơn giản, bên trong chủ yếu là bàn ghế dạng trường học với những kệ sách dễ khiến người ta liên tưởng đến một phòng đọc sách. Kết hợp bán đồ ăn trưa và cà phê, quán này được tiếng là phục vụ nhanh và chủ yếu mở vào giờ trưa. Barista 101 thì mang dáng dấp thanh lịch của Paris với cà phê là điểm mạnh chính. Bạn có thể mua đem đi hoặc đọc báo và thưởng thức tại chỗ. Kathy và tôi chọn cà phê capuchino cùng món bánh nướng xốt với quả mâm xôi và sô-cô-la trắng đặc trưng riêng. Ngon tuyệt!

Kathy cho biết trước đây, Melbourne không có nhiều quán cà phê đường phố như vậy. Phong trào này bắt đầu bùng lên vào cuối những năm 50. Chỉ tính riêng City of Melbourne, 3-4 năm trước đây đã có khoảng 400 quán cà phê đường phố.

“Tôi nhớ vào cuối những năm 50, khách sạn Oriental ở đường Collins đã thử nghiệm loại hình cà phê vỉa hè nhưng rồi lại ‘mắc kẹt’ giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối. Những người ủng hộ thì cho rằng đây là biểu tượng tuyệt vời cho sự gần gũi với thiên nhiên, hòa nhập thế giới của Melbourne, trong khi những người khác thì lo ngại nó sẽ cản trở giao thông”, Kathy kể.

Giữa mùa đông lạnh giá, vậy mà người ta vẫn ngồi tràn ra lề đường thưởng thức cà phê. Với chiếc máy sưởi bên cạnh thì chẳng phải lo gì đến cái lạnh. Kathy bảo: “Mấy đứa trẻ nhà tôi thích ra ngoài uống cà phê hơn là ở nhà dù đang vào những ngày giữa đông. Bây giờ Melbourne nhìn thật tuyệt, đường phố đông đúc giống như Châu Á, Châu Âu hay Mỹ vậy.”

Cà phê… ‘pro’

Muốn nhanh, gọn, lẹ thì bạn cứ dạo quanh Starbucks, Gloria Jeans hoặc thậm chí McDonalds. Hầu như buổi họp mặt nào bạn bè tôi cũng hẹn nhau tại Starbucks vì tiện lợi. Đi từ đầu đường đến cuối đường Swanton đã có đến ba tiệm như vậy.

Muốn ‘chuyên nghiệp’ (‘pro’) hơn thì hãy thử uống tại một quán ‘chuyên nghiệp’ và hỏi chuyện những người bán hàng. Qua lời diễn giải lại của Kathy khi đang nhâm nhi cà phê tại Flinders Lane thì “một người pha chế cà phê chuyên nghiệp sẽ làm nên sự khác biệt giữa một tách cà phê đơn giản và một tách cà phê khiến mình có cảm giác như lên thiên đường! Sau khi uống,vị thơm của cà phê vẫn còn đọng lại”. Với bàn tay tài hoa của người pha, tách cà phê còn nóng bốc khói với lớp bề mặt dịu mịn, lấp lánh được vẽ thành hình những bông hoa thật bắt mắt. “Hạt cà phê phải rang như thế nào để tạo được mùi vị tuyệt hảo, rồi khi xay phải làm sao để hương vị của cà phê không bị mất đi, đến lúc pha thì cà phê phải chảy ra giống như mật ong nóng nhỏ giọt…v.v.”

Kathy cho biết thêm: “Một người pha chế cà phê giỏi có thể kiếm được 1.000 đô/tuần chưa kể tiền boa. Thu nhập cao nhưng không phải dễ dàng. Người pha cà phê cũng giống như một nghệ sĩ vậy, họ đặt cả tâm hồn vào tách cà phê ấy”.

Tôi đang háo hức chờ một ngày trời ấm hơn sẽ la cà cùng Kathy và vài người bạn đến những quán cà phê dọc vùng biển St. Kilda. Với gió biển, hương biển, không biết vị cà phê ở đây liệu có khác chút nào không?

*take away: mua mang đi

(Nguồn Bay Vút)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115