Nỗi lo Tiếng Việt

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 22/01/2010. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 5201

vietnamese-language

Trong môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất tại Úc, sử dụng tiếng Anh được xem như yếu tố bắt buộc để trẻ hòa nhập vào cuộc sống tại đây. (ABC)

Việt Nam: tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt?

Ngay từ lớp 1, Đăng đã được ba mẹ gửi vào học ở một trường quốc tế tại TP.HCM. Đăng học tại đây đến hết cấp 2 thì được bố mẹ cho sang Úc học tiếp. Bố của Đăng cho biết khi sang Úc học, Đăng không gặp khó khăn gì nhiều về kiến thức cũng như tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh vì Đăng đã được học trong môi trường tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, mấy ai biết rằng tiếng Việt của anh chàng không được tốt cho lắm. Mẹ Đăng từng than vãn rằng: “Đăng nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, chắc chị phải đi học thêm một khóa tiếng Anh!”

Theo một bài báo đăng trên Vietnamnet gần đây, số trẻ được gia đình cho vào học tại các trường quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM đang tăng lên. Lý do là vì các bậc phụ huynh mong muốn con em mình có điều kiện rèn luyện tiếng Anh, phát triển khả năng tư duy và sáng tạo trong môi trường học tập quốc tế. Tuy nhiên, do sự hạn chế của chương trình đào tạo mà học sinh không có điều kiện để học chương trình tiếng Việt nhiều tại trường. Từ đó dẫn đến việc một số em học trường quốc tế nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Một vị phụ huynh lớn tuổi đã phát biểu rằng: “Tôi có hai đứa cháu – một đứa 7 tuổi, đứa kia 10 tuổi. Chúng nó đều đang học tại một trường tiểu học quốc tế. Tại trường, hai đứa nói tiếng Anh thường xuyên. Ở nhà, chúng cũng xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh. Thậm chí khi chơi với nhau, chúng nó cũng nói tiếng Anh với nhau. Mẹ của chúng không biết nói tiếng Anh nhưng chúng vẫn nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh! Nhìn chúng nó và nghĩ về tương lai, tôi không biết liệu chúng có thể nói tiếng Việt rành rẽ hay không khi mà điểm tiếng Anh của chúng luôn được 10 trong khi điểm tiếng Việt chỉ được 5 hoặc 6.”

Tuy hiện tượng nói trên chưa phải là phổ biến, nó chỉ xảy ra ở một bộ phận gia đình kinh tế khá giả có điều kiện cho con học trường quốc tế, nhưng nó cũng phản ánh phần nào nỗi suy tư của các bậc cha mẹ về tiếng Việt của con cái. Sống trong môi trường tiếng Việt nhưng nỗi lo này vẫn tồn tại.

Úc: Cùng chung nỗi suy tư

Trong một buổi nói chuyện giữa một nhóm bạn thân đang sinh sống tại Úc, một cặp vợ chồng trẻ nêu lên vấn đề dạy con nói tiếng Việt. Mai và Việt đều là du học sinh, sau khi kết thúc chương trình học thì ở lại Úc làm việc và chọn Úc làm quê hương thứ hai. Cả hai hiện đang có một bé trai năm tuổi. Vấn đề được đặt ra ở đây là có nên ép bé học tiếng Việt hay không. Mai kể: “Mai đặt ra quy định là ở ngoài muốn nói tiếng gì thì nói nhưng cứ bước chân về nhà là phải nói tiếng Việt. Nói tiếng Anh là bị phạt.”

Lời kể trên của Mai vô tình khơi lên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những cặp vợ chồng trẻ trong nhóm. Có người bảo rằng Mai làm như vậy là sai sư phạm, cứ nên để con cái phát triển tự nhiên, không nên ép buộc. Người khác thì lý luận rằng nếu ép buộc thì con cái sẽ có tâm lý không thích học và đối phó, học chỉ vì sợ hoặc muốn làm cha mẹ hài lòng. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó khi nỗi sợ không còn, con cái có quyền tự do và độc lập riêng, nhất là ở môi trường nước ngoài, thì tất cả những sự ép buộc đó chỉ là vô ích, đôi khi còn gây tác dụng ngược. Lời khuyên được đưa ra ở đây là hãy để con cái tự lựa chọn, cảm nhận được cái hay cái đẹp của tiếng Việt và thật sự muốn tìm hiểu về nguồn cội của mình.

Mai không ngờ là câu chuyện của mình lại khiến bạn bè quan tâm và tranh luận dữ dội đến thế. Mai suy tư: “Mai chỉ nghĩ vậy thôi chứ cũng không đến mức phạt con vì con không nói tiếng Việt. Tất cả cũng chỉ vì nỗi lo không biết con cái mình sau này có nói được tiếng Việt hay không. Mỗi khi ông bà sang chơi, không biết chúng có biết thưa gửi ông bà bằng tiếng Việt không hay lại những câu nói nửa Tây nửa ta.”

Tuy nhiên, trong môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất tại Úc, sử dụng tiếng Anh được xem như yếu tố bắt buộc để trẻ hòa nhập vào cuộc sống tại đây. Chưa nói đâu xa, ngay từ những năm đầu đời khi trẻ học mẫu giáo – cũng là giai đoạn mà trẻ dễ dàng tiếp thu tiếng Việt nhất, nếu ở nhà trẻ nói tiếng Việt với cha mẹ nhiều quá thì khi đến lớp cô giáo nói gì lại không hiểu (trừ phi trong lớp có cô giáo nói được tiếng Việt). Đến khi lớn lên, càng tiếp xúc với môi trường tiếng Anh càng nhiều thì khả năng học tiếng Việt lại càng chậm lại và trở nên xa vời.

Nói tiếng Việt vì yêu tiếng Việt

Dũng Neo theo cha mẹ đến Úc từ khi Dũng mới tròn 1 tuổi. Cũng như đa số thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Úc, Dũng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất.

Thế nhưng, khi lắng nghe Dũng trình bày ở phần thi hùng biện trong cuộc thi Mr & Miss MOVSA, rất nhiều tràng pháo tay đã vang lên ủng hộ nhiệt liệt cho bạn. Nhiều người ngưỡng mộ tại sao khả năng tiếng Việt của Dũng lại tốt đến như vậy, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn trong việc diễn tả trọn vẹn suy nghĩ của mình.

Dũng cho biết trước đây bạn nói tiếng Việt rất dở. Ở nhà cha mẹ cũng không ép Dũng phải sử dụng tiếng Việt.

“Dũng chỉ bắt đầu nói tiếng Việt tốt trong vài năm gần đây. Tất cả cũng chỉ vì sự yêu thích ca sĩ Đan Trường. Tình cờ Dũng có nghe một đĩa nhạc của ca sĩ này và rất thích, thế là bắt đầu học tiếng Việt và sưu tầm những đĩa nhạc của ca sĩ này. Tiếp theo đó, Dũng bắt đầu muốn tìm hiểu về Việt Nam và muốn nói được tiếng Việt. Dũng kết bạn với các bạn du học sinh Việt Nam tại đây, thường xuyên đi chơi với các bạn ấy và tham gia vào những hoạt động của các hội du học sinh Việt Nam”

Theo Dũng, chính môi trường này đã giúp bạn tiến bộ nhanh chóng trong việc học tiếng Việt và có thể sử dụng tiếng Việt hiện đại, cập nhật được những từ ngữ mới mà các bạn đang dùng. Nhờ vậy, trong trường Dũng có thể giúp các bạn du học sinh Việt Nam cải thiện tiếng Anh, còn trong công việc Dũng có lợi thế sử dụng được cả hai ngôn ngữ.

Nhưng trên hết, Dũng tâm sự: “Nhờ tiếng Việt được cải thiện mà Dũng gần gũi với ông bà hơn. Dũng sống chung với ông bà. Trước đây, mỗi lần gặp Dũng, bà thường hay hỏi Dũng có muốn ăn gì hay không, lúc đó Dũng chỉ biết cười, gật hoặc lắc đầu. Còn bây giờ thì…”

*Một số nhân vật trong bài viết đã được đổi tên

(Nguồn Bay Vút)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115