VN-Australia: Từ cây cầu thép đến cây cầu tri thức
Khi đó, đón gió dự án xây dựng “Những chiếc cầu hữu nghị trên sông Mekong” nối Lào và Thái Lan, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi Canberra viện trợ, giúp xây dựng cầu Mỹ Thuận.
Dự án này đã được phía Australia (thời Thủ tướng Paul Keating) cam kết thực hiện từ năm 1994. Với những ai đã đi một chặng đường không dễ dàng của dự án cầu Mỹ Thuận, từ cả hai phía, họ thực sự thấm thía đây là một “biểu tượng hữu nghị” của quan hệ giữa hai nước.
Bản thân dự án được cam kết dưới thời Thủ tướng Paul Keating nhưng ngay sau đó đã gặp trở ngại khi dưới thời đảng Tự do cầm quyền, nó không phải là dự án viện trợ được ưu tiên triển khai. Công cuộc xây cầu đã có giai đoạn bị ách lại cho đến khi những nỗ lực vận động, từ cả hai phía, khơi thông.
Năm 2000, cây cầu được khánh thành. Mỹ Thuận trở thành huyết mạch quan trọng nối liền vùng ĐBSCL với các vùng khác. Ông Michael Maan đã có mặt trên cây cầu đó trong ngày khánh thành cách đây 13 năm, với biển người dân từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long cũng như miền Tây đổ về ngắm cây cầu mà họ chờ đợi từ lâu.
Ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận năm 2000. Ảnh tư liệu của Ausaid
Mang ý nghĩa giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân ĐBSCL, chỉ một năm sau khi chiếc cầu được đưa vào sử dụng, thu nhập của người dân hai bên bờ sông đã tăng lên 30%. Theo Cơ quan phát triển quốc tế Australia (Ausaid), cho đến nay, mỗi năm, cây cầu này phục vụ hơn 5 triệu lượt xe cộ lưu thông.
Đúng dịp 40 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao năm nay, một dự án ODA mới xây cây cầu thứ hai do Australia tài trợ dự kiến được khởi động. Đó là dự án cầu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), với khoản viện trợ 160 triệu đô la Úc, có biên độ tham vọng hơn là kết nối giao thông của người dân và các thị trường trong khu vực ĐBSCL với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Theo ông Layton Pike, trợ lý Tổng giám đốc Ausaid về phát triển quốc tế, đây sẽ là dự án viện trợ lớn nhất của Chính phủ nước này tại tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Đại học quốc tế đầu tiên
Với RMIT, trường đại học quốc tế 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, ông Michael Mann có lẽ là một trong những người hiểu tường tận nhất về sự trải nghiệm khởi đầu từ số 0, năm 1998.
GS Margaret Gardner, Phó chủ tịch Hội đồng đại học, giám đốc ĐH RMIT kể, đã có những suy nghĩ thời kỳ đầu cho rằng ông Maan và ban giám đốc RMIT thật “điên rồ” khi bắt đầu như thế.
“Chúng tôi đã phải khởi đầu với những cái không, đặc biệt là điểm 0 về hành lang pháp lý cho việc thiết lập một cơ sở giáo dục đại học quốc tế 100% vốn nước ngoài”.
GS Margaret Gardner: Chúng tôi đã bắt đầu từ những điểm 0 với thị trường VN
Để đi đến quyết định cho phép RMIT vào Việt Nam, chính phủ lúc đó đã phải có quyết tâm chính trị rất lớn trước những dè dặt, lo ngại của một đất nước mới bắt đầu mở cửa.
GS Peter Coloe là một cộng sự gần gũi của ông Michael Mann trong việc thành lập RMIT ở Việt Nam và liên quan đến các công việc hợp tác nghiên cứu, giảng dạy với Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Ông Coloe cho hay: “Chúng tôi đã nhận được ủng hộ về mặt chính trị rất lớn của chính phủ Việt Nam”.
Kể từ 1998 khi chính thức nhận được lời mời từ phía Việt Nam, đến năm 2000, họ bắt đầu có một cơ sở giáo dục đầu tiên tại TP.HCM. Michael Mann đã lãnh đạo RMIT Việt Nam trong những năm đầu tiên thành lập, đặt những nền móng vững chắc cho sự phát triển của trường, đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với chính phủ Việt Nam.
Đến nay họ đã có 6.000 sinh viên, với cơ sở đào tạo ở Hà Nội và TP.HCM, trở thành chi nhánh châu Á trong chiến lược phát triển của RMIT. Chưa kể, RMIT Melbourne đang có nhiều sinh viên Việt Nam theo học và là nơi đào tạo một khối lượng lớn cán bộ, công chức Việt Nam.
Trước Tết, Mai Linh, 20 tuổi, sinh viên RMIT Việt Nam, đón nhận tin vui khi chính thức được nhận vào làm việc bán thời gian ở Ernst&Young khi còn hơn 1 năm nữa mới chính thức tốt nghiệp.
RMIT ở Melbourne. Ảnh: X.Linh
“Em là người cuối cùng trong lớp xin được việc bán thời gian” – Linh nói, khi từ năm thứ hai, cô đã phải chịu một sức ép rất lớn, đó là các bạn cùng lớp “nhảy việc” đến chóng mặt.
Một đồng môn tốt nghiệp trước Linh là Đức, trong hai năm sau khi ra trường đã đi qua vài công ty tư nhân lớn, thậm chí đến năm thứ hai, cậu đã đảm nhiệm vị trí quản lý bộ phận. Đức cũng từng lắc đầu trước cơ hội làm cho HSBC trước khi trở thành một cán bộ của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương.
“Em nghĩ mình đã có những trang bị kiến thức rất tốt. Sau nhiều nơi, em muốn quay về khu vực nhà nước. Nơi đây cần nhiều cán bộ có kiến thức chuyên nghiệp” – Đức nói.
Câu chuyện xuất khẩu giáo dục của Australia vào Việt Nam không chỉ dừng ở một chiều.
Những ai trải nghiệm quan hệ có thể biết rõ một xu hướng manh nha từ những năm đầu 1990: sinh viên Việt Nam bắt đầu du học tự túc ở Australia.
Nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm tiến sĩ tại RMIT Melbourne.
Một quốc gia vừa thoát thai chiến tranh, vừa thoát khỏi cô lập, nên mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam khi đó không “đỉnh” như hiện nay. Họ đã được chấp thuận đến nước Australia du học, ngay cả khi tiếng Anh ở mức rất khởi điểm.
Nhưng đến cuối thập niên 1990, khi bắt đầu có những thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa chính phủ hai nước, yếu tố “cạnh tranh” được đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm cơ hội cho rất nhiều sinh viên Việt Nam du học, cả theo diện tự túc và học bổng.
Giờ đây, Việt Nam đứng thứ 4 trong nhóm các nước có du học sinh theo học lớn nhất ở Australia với 22.360 người.
Australia là một trong những quốc gia hàng đầu được các cơ quan bộ, ngành cũng như địa phương Việt Nam chọn gửi cán bộ đến đào tạo theo các chương trình liên kết, thỏa thuận hợp tác, trao đổi….
Một thế hệ người Việt được đào tạo bởi Australia ngày càng đông đảo.
Xuân Linh
(Nguồn: Vietnamnet)