Về Việt Nam làm việc: du học sinh chuẩn bị gì?

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 26/10/2009. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 7408

Theo Công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự SHD, thực tế thị trường lao động Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự cao cấp cho các ngành nghề.nghe-nghiep

Các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang có xu hướng chào đón du học sinh làm việc chính thức cũng như thực tập tại Việt Nam nhằm thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động tiềm năng này về nước làm việc.

Phối hợp với Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam Quốc tế (ISC), Tập đoàn Intel vào đầu tháng 10 vừa qua cũng ‘bay’ sang tận đất Úc (Melbourne và Sydney) để săn tìm nhân lực cho nhà máy mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Các vị trí từ giám đốc, quản đốc đến hàng nghìn kỹ thuật viên lành nghề đang được Intel săn lùng ráo riết để đáp ứng con số 3.000 nhân sự cho nhà máy mới được đưa vào hoạt động vào năm 2010.

Đối tượng chính mà Intel nhắm tới trong đợt tuyển dụng lần này là các du học sinh năm cuối sắp tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cô Marina, phụ trách nhân sự khu vực Châu Á, cho biết Intel cũng quan tâm đến việc ‘chào mời’ các đối tượng du học sinh Việt Nam hiện đang làm việc tại nước ngoài trở về nước.

Vậy thì các du học sinh Việt Nam tại Úc có ý định về nước làm việc đã và đang chuẩn bị gì?

Trực tiếp

Ngân ở Úc đã được bảy năm rưỡi. Cô theo học chương trình cử nhân chuyên ngành Tiếp thị (Marketing) tại trường Đại học Deakin, sau đó tiếp tục bậc cao học tại Đại học Monash. Vừa đi học vừa đi làm, Ngân hiện đang làm việc cho một công ty chuyên về xây dựng và tài chính.

Ngân cho biết cô đi làm đã được ba năm, công việc tương đối ổn định nhưng không liên quan nhiều đến chuyên ngành tiếp thị đã được học. Ngân đang dự định năm sau về Việt Nam làm việc.

“Ngành Marketing đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cao, bên cạnh đó là vốn hiểu biết nhất định về nền văn hóa của nước đó. Vì vậy, để làm đúng chuyên ngành này ở Úc thì du học sinh gặp nhiều khó khăn hơn nhiều so với sinh viên bản xứ.”

Do ở Úc quá lâu nên Ngân hiện không có nhiều mối quan hệ tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho năm sau về nước làm việc, hiện Ngân đang trong quá trình liên hệ với các công ty trong nước và nộp hồ sơ xin việc (CV). Ngân chia sẻ: “Đầu tiên là Ngân phải xác định xem mình thích công việc gì, công ty nào và lên danh sách tên các công ty. Sau đó Ngân tìm hiểu thông tin về các công ty đó trên mạng Internet, rồi gọi điện đến công ty và liên hệ trực tiếp bộ phận nhân sự (HR) để tìm việc.”

Khi được hỏi liệu cô có tự tin vào những thế mạnh của mình khi quay về Việt Nam làm việc, Ngân trả lời: “Nếu nói về kinh nghiệm thực tế chuyên ngành thì Ngân chưa có. Tuy nhiên, nếu qua thời gian đào tạo, cùng với kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng làm việc khác đã được tích lũy trong thời gian làm việc tại Úc thì Ngân sẽ tự tin hơn. Khi bắt đầu làm việc thì ai cũng như ai, mình chưa có kinh nghiệm thực tế thì chấp nhận học hỏi thôi.”

Khác với Ngân, Hồng Nhung chỉ mới đến Úc được gần hai năm. Nhung đang học học kỳ cuối chương trình cử nhân chuyên ngành Thương mại Quốc tế tại trường Đại học La Trobe theo chương trình 2+2 giữa Đại học Ngoại thương TP.HCM và Đại học La Trobe. Chuẩn bị về Việt Nam, Nhung cho biết: “Tôi có nhiều mối quan hệ với bạn bè trong nước, vì vậy khi trở về, việc đầu tiên tôi làm là liên hệ với bạn bè của mình và thông tin về những kỹ năng cũng như thế mạnh mà mình có được. Tôi tin rằng bạn bè sẽ giới thiệu cho tôi một công việc phù hợp. Trước khi sang Úc du học, tôi đã từng tham gia thực tập tại bộ phận nhân sự của một công ty nước ngoài. Vì vậy, tôi cũng nắm được các thông tin cơ bản về môi trường làm việc ở Việt Nam. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc với những người mình quen trong quá trình thực tập để cập nhật tin tức về thị trường lao động Việt Nam.”

Trực tuyến

Tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, sau ba năm làm việc, Lan ‘khăn gói’ lên đường sang Úc học tiếp chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học New South Wales. Xác định ngay từ đầu là sẽ quay về nước làm việc, trong quá trình học tập tại Úc, qua bạn bè và các phương tiện truyền thông, Lan thường xuyên tìm hiểu về thị trường lao động Việt Nam để cập nhật những yêu cầu của các công ty trong nước đối với công việc thuộc chuyên ngành Lan đang học. Từ đó, cô chủ động ‘nâng cấp’ mình để chuẩn bị cho ngày về.

Bước vào học kỳ cuối, Lan bắt đầu ‘chiến dịch’ săn việc qua các trang web việc làm như Vietnamwork. Ngoài việc liên hệ với các công ty tuyển dụng, cô còn tạo hẳn một hồ sơ cá nhân trực tuyến để ‘quảng cáo’ bản thân. Trước khi kết thúc chương trình học khoảng một tháng, Lan đã nhận được công việc quản lý tại một công ty đa quốc gia ở TP.HCM. Lan cho biết toàn bộ quá trình phỏng vấn được thực hiện trực tuyến và qua điện thoại.

(Nguồn Bay Vút)

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115