Vào ĐH bằng NV2: Nhiều chỉ tiêu, nhưng không dễ
Lấy điểm sàn vẫn không có TS
Năm nay, trường ĐH Văn Hiến dành đến 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2 bậc ĐH với điểm xét tuyển bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp – Trưởng phòng đào tạo – thì: “Việc xét tuyển năm nay xem chừng sẽ khó khăn bởi tuy số lượng TS tham gia xét tuyển NV2 đông nhưng các trường ĐH công lập cũng tham gia rất nhiều. Điểm xét tuyển NV2 nhiều ngành của các trường ĐH công lập thậm chí cũng chỉ bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT nên số lượng TS nộp đơn vào trường vì thế chưa chắc sẽ cao”. Điều lo ngại của trường ĐH Văn Hiến hoàn toàn có cơ sở. Trường có nhiều ngành giống như Văn Hiến là trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng xét tuyển NV2 nhiều ngành và dành nhiều chỉ tiêu. Điểm sàn NV2 của trường cũng chỉ lấy từ 15 – 16,5.
Bắt đầu từ tuần này, các trường ĐH-CĐ sẽ gửi giấy báo trúng tuyển (đối với TS trúng tuyển NV1) và giấy báo điểm thi (đối với TS không trúng tuyển NV1). TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại nơi nào sẽ đến nơi đó để nhận giấy báo trúng tuyển hoặc giấy báo điểm thi. Từ ngày 25.8 – 10.9, TS bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường kèm theo lệ phí xét tuyển 15.000 đồng/hồ sơ. Đăng Nguyên |
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – cũng chung nhận định. Ông cho rằng các trường ĐH công lập sẽ “hút” TS khiến các trường ĐH ngoài công lập không tổ chức thi khó tuyển đủ chỉ tiêu. Trường trông chờ vào việc xét tuyển NV3 rất nhiều bởi lúc này mới là lúc các trường ĐH công lập không xét tuyển NV2 nữa và “cửa” cho trường sẽ rộng mở hơn.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Văn Lang – cho biết: “Là một trong những trường ĐH không thi tuyển có số lượng TS nộp đơn vào khá ổn định nhưng năm nay trường cũng xác định có thể sẽ khó khăn hơn về nguồn tuyển. Dù vậy trường vẫn đặt trọng tâm vào NV2, không trông chờ nhiều vào việc xét tuyển NV3”.
Trong số các trường ĐH không tổ chức thi tuyển, có lẽ chỉ có trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) ít lo lắng hơn cả. Ông Nguyễn Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo của trường này xác nhận chỉ riêng số lượng TS đỗ NV1 vào trường (thi nhờ trường khác) đã lên đến hơn 1.300 người. Trường chỉ cần tuyển vài trăm TS nữa là đủ chỉ tiêu nên có thể sẽ không xét tuyển NV3 nữa.
Trường ĐH Kinh tế – Công nghệ Long An càng khó khăn hơn. Năm nay, trường tuyển 1.250 chỉ tiêu cho cả hai bậc ĐH và CĐ. Mặc dù được áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh cho ĐH vùng (cộng điểm lệch mỗi khu vực 1 điểm) nhưng lãnh đạo trường cho biết chắc chắn phải đợi đến NV3.
Trong trường hợp các trường xét tuyển đủ chỉ tiêu thì điều này cũng không bền vững. Thạc sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Công tác sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, giải thích: “Bình quân hằng năm khoảng trên 30% TS vào ĐH-CĐ bằng con đường không phải NV1. Thậm chí có trường chỉ tuyển được 10-20% NV1, còn lại cố gắng để tuyển đủ chỉ tiêu bằng NV2, 3. Ưu điểm nổi bật của việc xét tuyển NV2, 3 là giúp TS có điểm thi cao không rớt ĐH. Nhưng có một thực tế diễn ra nhiều năm nay ở các trường là TS vào ĐH bằng NV2, 3 chỉ có ý định “tạm trú 1 năm” để năm sau thi vào trường khác đúng với nguyện vọng”.
23 điểm vẫn không có cơ hội trúng tuyển
Từ 13 điểm đã có thể đậu ĐH khối A nhưng nhiều TS có điểm từ 22-23 vẫn còn loay hoay tìm cơ hội xét tuyển NV2. Mặc dù năm nay đề khối A được đánh giá là khá khó nhưng trường ĐH Ngoại thương vẫn lấy điểm trúng tuyển là 24. Những TS dưới điểm này buộc phải tìm đến NV2 nhưng năm nay các trường ĐH (phía Nam) có chung nhóm ngành với ĐH Ngoại thương đều không xét NV2 mặc dù điểm chuẩn khối A dưới 20 như ĐH Kinh tế (19), ĐH Tài chính – Marketing (16,5)… Kể cả những ngành liên quan của các trường ĐH khác, điểm chuẩn NV1 khoảng 17 cũng đều khóa sổ NV2. Đại đa số những trường hoặc ngành xét NV2 đều là ngành ít TS thi tuyển hoặc có điểm thi quá thấp nên điểm xét tuyển thường ngang điểm sàn hoặc nhỉnh hơn một chút. Nhưng trên thực tế không nhiều TS có điểm thi trên 20 chọn học NV2 ở các trường này.
Đây là bài học kinh nghiệm cho những TS muốn dự thi khối A vào trường ĐH Ngoại thương: phải cực kỳ giỏi mới mong trúng tuyển. Nếu không, bố mẹ các em sẽ rơi vào cảnh con người ta chỉ điểm dưới 20 mà đã mở tiệc ăn mừng tưng bừng, trong khi đó con mình được 22, 23 điểm mà vẫn chưa đậu ĐH.
(theo Thanhnien)