Úc tiếp tục thu hút du học sinh Việt Nam
Ngành công nghiệp giáo dục Úc đã đóng góp 18,5 tỉ đô Úc vào nền kinh tế nước này trong năm 2009. Phần lớn số tiền này là từ học phí, các chi phí ăn ở, mua sắm, sử dụng các dịch vụ do sinh viên quốc tế trang trải.
Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ sinh viên đông nhất trong tổng số sinh viên quốc tế tại Úc thì Việt Nam là nước có số sinh viên tăng nhanh nhất. Việt Nam hiện cũng là một trong sáu nước có số lượng sinh viên đang học tập ở Úc đông nhất với khoảng 19 ngàn người. Việt Nam tiếp tục là một thị trường đầy tiềm năng cho các tổ chức giáo dục Úc giới thiệu các chương trình của mình. Từ tháng Tư năm 2009 đến tháng Tư năm nay, số sinh viên Việt Nam du học Úc đã tăng lên gần 22%.
Những thông tin có tính tiêu cực đề cập tới các vụ tấn công nhắm vào sinh viên Ấn Độ du học ở Úc cũng như những báo cáo về tình trạng sinh viên du học bị bóc lột trong vấn đề lao động không cản được số lượng đông đảo sinh viên nước ngoài đổ vào Úc.
Chi phí rẻ và dễ xin visa
Thanh Nguyễn đến Úc vào năm 2001 để theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hệ thống Đa Truyền thông (Multimedia) tại trường Đại học RMIT ở thành phố Melbourne. Sau khi tốt nghiệp, anh ở lại Úc và hiện đang làm việc cho một công ty phát triển công nghệ thông tin.
Thanh Nguyễn cho biết anh rất vui khi sống tại Úc vì mọi người ở đây đều rất thân thiện, môi trường học tập tốt, sinh viên có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho việc học, ví dụ như hệ thống thư viện, và giáo viên cũng tốt. “Khi tôi về Việt Nam, mỗi lần nói chuyện về việc đi du học, phần lớn bạn bè của tôi đều nhắc đến Úc. Các trường đại học Úc thực hiện chiến lược quảng cáo ở Việt Nam rất hiệu quả. Họ mở nhiều đại lý, chi nhánh và văn phòng tại Việt Nam để cung cấp thông tin về du học tại Úc.”
Phần lớn sinh viên Việt Nam chọn Úc vì chi phí rẻ hơn Mỹ hoặc các nước Châu Âu. Bên cạnh đó, quá trình xin visa đến Úc cũng dễ dàng hơn so với một số nước khác. Từ tháng Bảy năm 2009 đến tháng Ba năm nay, hơn 6.500 sinh viên Việt Nam đã được cấp visa đến Úc.
“Tôi đã từng xin visa du học tại Anh trước khi quyết định đi Úc. Visa của tôi đã bị từ chối, vì vậy sau đó tôi đã xin visa đi du học Úc”, Thanh Nguyễn nói.
Những khó khăn – nhà ở và việc làm
“Úc là một đất nước phát triển, vì vậy khi đến Úc sinh viên Việt Nam nghĩ rằng tiêu chuẩn về nhà ở sẽ cao hơn nhiều so với đất nước họ. Tuy nhiên, có một điều khá buồn cười rằng hầu hết chúng tôi khi đến đây đều nhận ra rằng tiêu chuẩn nhà ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn ở Úc trong hầu hết các trường hợp”, Hằng Lê cho biết.
Hằng Lê hiện là Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại Melbourne. Cô đến Úc vào năm 2008 và đang học tại trường Đại học Melbourne. Theo Hằng, các giảng viên đại học ở Úc có trình độ rất cao nhưng khi ra khỏi lớp học, các sinh viên phải đối mặt với vấn đề nhà ở. Để tiết kiệm tiền, Hằng cho biết nhiều sinh viên đã thuê hẳn một căn nhà và chuyển phòng khách thành phòng ngủ cho thêm người ở. Họ chấp nhận ở chật chội vì mối quan tâm hàng đầu của họ là học tập.
Bên cạnh nhà ở, tìm việc làm bán thời gian với tiền lương tốt cũng là một trong những khó khăn mà sinh viên Việt Nam gặp phải.
Hằng kể: “Tôi có bạn bè hiện đang học tại Mỹ và phần lớn những người này có thể tìm được những công việc tương đối tốt. Trong khi đó, phần lớn bạn bè của tôi ở Melbourne chỉ tìm được những công việc với mức lương thấp như bồi bàn, dọn dẹp hay bán hàng. Thường thì họ chỉ được trả khoảng 8-10 đô Úc một giờ.”
Vấn đề an toàn
Tuy nhiên, nhìn chung Úc vẫn đang là điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên Việt Nam. Ngoài các lý do được nêu ở đầu bài viết, Úc tương đối an toàn hơn so với một số nước khác, chẳng hạn như Mỹ. Truyền thông Việt Nam thường đưa nhiều tin tức về các vụ khủng bố xảy ra ở Mỹ và điều đó khiến họ lo lắng.
So với Anh, Úc cởi mở hơn với các nền văn hóa khác nhau. “Úc là một quốc gia đa văn hóa, vì vậy sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để thích nghi với môi trường quốc tế mà không phải lo ngại vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử”, Hằng nói.
Bang Victoria gần đây bị báo chí Ấn Độ mô tả là một nơi đầy bạo lực và phân biệt chủng tộc sau sự việc một sinh viên Ấn Độ bị đánh đến chết vào tháng Một vừa qua và hàng loạt các vụ tấn công khác vào sinh viên Ấn Độ tại Melbourne. Chỉ trong vòng một năm cho đến tháng Tư năm nay, số lượng sinh viên Ấn Độ đăng ký theo học ở các trường học Úc đã giảm gần 5,5%.
Trước tình hình đó, một số sinh viên Việt Nam cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề an ninh và an toàn tại Úc. Tuy nhiên, Hằng cho biết: “Các sinh viên Việt Nam không nên lo lắng về điều này. Nhiều bạn đang ở Việt Nam chuẩn bị đi du học đã hỏi bạn bè hiện đang học tập tại Úc và nhận được câu trả lời rằng không cần phải lo về điều đó, ở đây an toàn hơn nhiều.”
Nguồn Bay Vút