Tin tức
7 Loài Săn Mồi Ăn Thịt Rắn Độc Như… ’Ăn Kẹo’
Nhím với gai đâm lợi hại, lửng mật ong có răng nanh sắc nhọn cùng khả năng ‘chết đi sống lại’, cầy mangut ‘biết bỏ bùa mê’…là những kẻ săn rắn cực kì thiện nghệ có thể giết chết cả các loài rắn độc kịch độc trong giới tự nhiên.
1. Nhím Hedgehog
Ít ai nghĩ một loài động vật chậm chạp như loài nhím Hedgehog lại có thể giết chết một con rắn độc.
Đơn giản vì nó có một loại áo giáp lợi hại nhờ vào chính bộ lông đầy gai nhọn, cộng với khả năng miễn dịch nọc độc của rắn gấp 35-45 lần so với lợn Guinea và chịu được lượng độc asen gấp 25 lần con người.
Nhờ đó Hedgehog có thể tấn công gây thương tích rồi tiếp cận và cắn nát cổ con rắn. Nhưng nếu bị rắn cắn vào mõm, nhím cũng có thể tử vong.
2. Lửng mật ong (Ratel)
Lửng mật ong ‘khét tiếng’ với khả năng giết chết rắn một cách nhanh chóng từ phía sau nhờ vào hàm răng nanh sắc nhọn, nó “ngấu nghiến” một con rắn dài 1,5 m chỉ trong 15 phút. Ngoài ra, Ratel còn miễn dịch với nọc độc của rắn hổ mang, một chất độc tấn công vào hệ thần kinh.
Kinh ngạc loài này nếu bị rắn cắn bất tỉnh, sau 2-3 giờ nó có thể hồi phục và ăn con rắn đã giết chết. Thậm chí nó còn sử dụng lượng độc của con rắn đã ăn để giết chết con rắn khác.
3. Cầy mangut (Mongoose)
Loài vật này có thể giết chết một con răn hổ mang chúa dài tới 3 mét nhờ vào khả năng né đòn mổ, quấn của rắn cực kỳ nhanh và cắn tấn công rất chính xác.
Bộ lông dày của nó giúp chống lại chất độc từ rắn gấp 20 lần so với loài chuột. Đặc biệt, trước khi chính thức tấn công, con cầy thường ‘mê hoặc’ con rắn bằng cái nhìn chằm chằm và làm cho rắn trở nên bất động.
Tuy không miễn dịch hoàn toàn với nọc độc nhưng cầy cũng có thể hồi phục trở lại và ăn con rắn như lửng mật ong.
4. Chim Diều (Secretarybird)
Chim Diều còn được gọi là chim diều ăn rắn vì rắn là con mồi ưa thích của chúng. Với lợi thế đôi chân dài, chim Diều thường giết chết rắn bằng cú đá mạnh và chính xác. Nó thường quắp con rắn lên trên không rồi quăng vào đá làm cho rắn chết.
5. Rắn săn…rắn
Có tới hàng trăm loài rắn lại chuyên đi săn và ăn thịt các loài rắn khác. Đáng kể có rắn Musurana ở Nam Mỹ thường giết rắn độc bằng răng nanh, rắn hổ mang chúa-một loài rắn có nọc độc cực mạnh cũng chuyên săn rắn là những con hổ mang khác và rắn vua ở Bắc Mỹ là một loài rắn cực kì đáng sợ ngay cả khi nó không có nọc độc nhưng con mồi ưa thích lại là rắn chuông độc chết người.
6. Chim đại bàng (Circaetus)
Cũng đáng sợ không kém chim Diều, chim đại bàng là một loài chim ăn thịt. Con mồi yêu thích của nó là rắn và các loài chim khác.
7. Tê tê Armadillos
Nhờ lợi thế bộ vẩy cứng sắc nhọn, loài tê tê Armadillos hoàn toàn có thể giết chết con rắn bằng cách dùng cạnh vẩy cứng cắt đứt thân con rắn.
theo đất việt
Những Con Vật Tự Nhiên ‘Khủng’ Nhất…
Lợn rừng có bắp đùi to như lốp xe tải, khỉ đột nặng gần 400 kg, mực dài hơn 10 mét, vua cá trích dài 17 mét,…là những con vật đạt được những chỉ số cân nặng, chiều dài đáng kinh ngạc trong thế giới tự nhiên hoang dã.
Con lợn rừng to nhất hành tinh với biệt danh Hogzilla II có cân nặng gần 450 kg, chiều dài khoảng 2,8m, bắp đùi ngang ngửa với lốp xe tải và khủng hơn cả con lợn quái vật theo huyền thoại của người dân Alabama. Nó bị bắn chết vào năm 2004. |
Con khỉ đột Phil to nhất nặng 390 kg, cao 1,76m tại St Louis Zoo, nặng hơn cả những con linh trưởng khổng lồ ở vùng đồng bằng Gorilla, thường cao 1,9m nhưng chỉ nặng 250 kg. |
Con mực khổng lồ bị bắt vào năm 2007 tại ngoài khơi biển Nam Cực, nặng 495 kg và dài hơn 10 mét. |
Cá voi xanh là loài vật bự nhất trên toàn hành tinh, nó từng đạt được cân nặng 210 tấn và dài gần 40 mét. |
Đây là loài hổ Siberia-một loài hổ to nhất, chúng có cân nặng trung bình khoảng 200 kg. Tuy nhiên, những con đực có thể nặng đến 340 kg. |
Đối với loài sói, hiện kỷ lục cân nặng có thể thuộc về một trong hai loài sói: Mackenzie Valley Wolf (Canis lupus occidentalis) nặng 70 kg hoặc Eurasian Wolf (Canis lupus lupus) nặng 76 kg. |
Một con cá trích có chiều dài nhất 17 mét từng được phát hiện ở Thụy Điển đầu năm 2013. Nó được mệnh danh là ‘vua cá trích’. Loài cá trích còn được tin là tổ tiên của một số loài rắn biển. |
Con vật lớn nhất trên đất liền thuộc về những con voi Bush Châu Phi với chiều cao trung bình từ 3 mét-3,3 mét, nặng 5,4 tấn-5,8 tấn. Hiện con voi lớn nhất cao gần 4 mét và nặng 10,9 tấn. |
Gấu nâu Kodiak đồng hạng cân với gấu trắng bắc cực. Những con gấu này thường cao 1,5 mét khi đi bằng bốn chân còn lúc đứng lên có có thể cao 3 mét. Chúng thường nặng khoảng gần 1 tấn. |
Cá mặt trời là loài cá có xương lớn nhất. Chúng thường ít xuất hiện, con trưởng thành nặng khoảng hơn 1 tấn. |
Danh hiệu loài chim lớn nhất thuộc về đà điểu. Thông thường loài chim không bay này nặng từ 63 kg-132 kg, cao 2,7 mét, chạy nhanh 45mph, riêng con đực có thể nặng tới 154 kg. |
Dơi nâu vàng (Acerodon jubatus), là loài dơi lớn nhất, trọng lượng chỉ nặng 1,5 kg nhưng sải cánh dài đến 1,8 mét. |
Con vật cao nhất thuộc về hươu cao cổ với chiều cao tối đa được ghi nhận đến nay hơn 6 mét. |
trích Đất Việt
Tìm cơ hội với ẩm thực
Đến Úc năm 2010, tôi vào học tại Đại học Swinburne "bếp chuyên nghiệp". Một năm sau học tại William Angliss Institute (WAI). WAI là học viện lớn, có uy tín về những ngành dịch vụ. Tôi đăng ký học quản trị ẩm thực, hệ cử nhân 4 năm. Cái tên "quản trị ẩm thực" dễ khiến người ta lầm tưởng với ngành kiểu "nhà hàng khách sạn", thực chất nó là ngành chuyên biệt. Ở Việt Nam và nhiều nước khác thường gọi chung là "nhà hàng khách sạn", nhưng tại WAI, ẩm thực được tách riêng vì còn có những mảng như nhà hàng, cà phê... Các môn học gồm: kinh doanh, nhân sự, luật, kinh tế.
Các môn chuyên ngành sẽ có nhiều kiến thức và thực tế liên quan đến ẩm thực: những kiểu nhà hàng, cách ăn uống, dinh dưỡng và ảnh hưởng của nó đến việc kinh doanh, những trường phái ẩm thực...
Ví dụ, môn luật sẽ đưa ra những luật ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ăn uống. Nghiên cứu văn hóa ẩm thực không phải là môn học chính, vì còn có chương trình học ẩm thực cao cấp, văn hóa ẩm thực phương Tây.
Tuy nhiên, trong đó có học về sự đa dạng văn hóa, bao gồm: ẩm thực, luật lệ, truyền thống, cách xử lý vấn đề đa dạng văn hóa. Thậm chí giáo viên có thể tự đưa ra những kiến thức bên ngoài cho sinh viên cập nhật và nghiên cứu thêm xu hướng ẩm thực mới.
Ẩm thực vốn chứa đựng trong nó cốt cách văn hóa, tính "địa phương" rất cao. Sinh viên quốc tế theo học tại đây rất đông, mang theo nhiều nét đặc sắc về ẩm thực nước mình, làm nên một môi trường học tập đa dạng.
WAI có hệ thống cơ sở rất tốt. Tất cả các bếp đều được tổ chức chuyên nghiệp với phòng bánh, phòng sôcôla, nơi học pha cà phê, bếp mặn, bếp ngọt đúng tiêu chuẩn công nghiệp.
WAI còn có hai nhà hàng ăn mở cửa phục vụ khách. Giáo viên là những đầu bếp hay quản lý trong ngành, đi làm nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm. Thư viện của WAI rất nhiều sách, văn bản điện tử.
Tùy thuộc yêu cầu về đề tài, bài luận hoặc những ước mơ tương lai mà sinh viên tự nghiên cứu. Tại Úc, cơ hội việc làm cho người học quản trị ẩm thực rất nhiều, lương cũng khá cao vì nghề này tính lương theo giờ. Nếu đi làm vào ngày cuối tuần, lương có thể tăng gần 200%.
Với một ngành khá chuyên biệt như quản trị ẩm thực, việc thực hành là rất quan trọng. Chính phủ Úc đòi hỏi có số giờ hoặc số buổi làm theo quy định nên nếu chỉ thực tập ở nhà hàng của trường sẽ không đủ, sinh viên phải đi làm thêm bên ngoài, cũng là để tích lũy kinh nghiệm.
Năm thứ ba là năm thực tập, sinh viên được phép thực tập ở bất cứ nơi nào hoặc cơ sở kinh tế nào ở trong hoặc ngoài nước Úc. Kết thúc thời gian thực tập, sinh viên phải chứng minh mỗi học kỳ đã thực tập 500 giờ, phải làm hai bài luận và báo cáo dựa trên cơ sở dữ liệu của trường và thực tế.
Tôi chọn trở về Việt Nam thực tập vì nhìn thấy cơ hội cho mình và vì những dự định tương lai. Với tôi, ẩm thực Việt có sức hút mạnh. Lúc ở Úc, tôi giới thiệu cho người bản xứ rất nhiều món Việt Nam, như gỏi gà, bò tái chanh...
Họ rất thích bởi ẩm thực Việt chú trọng chất tươi. Kỳ thực tập còn giúp tôi thu thập nhiều dữ liệu về tình hình ngành ẩm thực tại Việt Nam, có ích cho dự định trở về sau khi tốt nghiệp.
Ở Việt Nam, tư tưởng "ăn no" đã dần nhường chỗ cho "ăn ngon" và ngày càng có nhiều nhà hàng có phong cách chuyên nghiệp xuất hiện. Trên truyền hình cũng có nhiều game show về nấu ăn.
Điều tôi quan tâm nữa là ở Việt Nam hiện tại, "đầu bếp" không còn là danh từ chỉ người nấu nướng đơn thuần, mà còn có nghĩa là người quản lý bếp của những nhà hàng hay khách sạn lớn.
Yên Café, nơi tôi thực tập, cho tôi không gian để sáng tạo các loại bánh, đồ ngọt không chú trọng hình thức mà tập trung vào hình ảnh tự nhiên.
Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam cũng dần thay đổi. Trước đây chúng ta cần "no" hơn "ngon" nên chỉ trả tiền cho lượng, chất lượng thức ăn chỉ ở mức tương đối.
Sau này sẽ không như vậy mà bao gồm nhiều thứ trong giá tiền một món ăn, không chỉ là nguyên liệu mà còn là sự sáng tạo của đầu bếp, thời gian để nấu.
Tôi thấy được tiềm năng của thị trường ẩm thực Việt, thực khách hiện tại bao gồm những người có tư tưởng mới, họ đi học, đi làm, sống ở nước ngoài, tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, điều đó tạo điều kiện kinh doanh cho những người trẻ táo bạo, chịu làm cái mới lạ.
Trong chuyến du lịch Sapa mới đây, tôi thấy có một quán cà phê do người nước ngoài làm chủ nhưng nhân viên là những cô gái người dân tộc thiểu số và họ pha cà phê, nấu ăn rất ngon.
Khách chủ yếu là người nước ngoài, nhưng cũng không ít người Việt tìm đến, cho thấy thị hiếu của người Việt đang thay đổi, nên xu hướng kinh doanh cũng sẽ thay đổi theo. Đó là cơ hội cho những người trẻ chúng tôi.
(Nguồn: DNSG)
Không Được Tạm Hoãn Nghĩa Vụ Quân Sự
Đó là điểm mới trong thông tư liên tịch bổ sung, sửa đổi một số điều thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT - BQP - BGDĐT về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ vừa được Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT ban hành.
Theo đó, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, trung cấp nghề... Trước đây, thí sinh nhận giấy báo nhập học ĐH, CĐ báo cáo với ban chỉ huy quân sự trước 10 ngày so với thời điểm giao nhận quân và thí sinh nhận giấy báo nhập học trung cấp, CĐ nghề báo cáo chậm nhất sau ba ngày nhận được lệnh gọi nhập ngũ là được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu nếu chỉ nhận được giấy báo nhập học vào các trường hoặc nhận giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ trong cùng một thời điểm, phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Ngoài ra, công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có giấy báo nhập học vào các trường trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý để thông báo cho nhà trường bảo lưu kết quả trúng tuyển đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Ngày 5-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Tiến - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ GD-ĐT - cho hay một điểm mới của thông tư là những người đang theo học khóa đào tạo tập trung đầu tiên nhưng bỏ học để chuyển sang học khóa đào tạo của trường khác sẽ không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.
“Báo cáo ở một số địa phương cho thấy có hiện tượng để tránh lệnh gọi nhập ngũ, thanh niên tạm đăng ký một trường CĐ nghề hoặc trường trung cấp vì không hề phải qua thi tuyển và đến năm sau lại tiếp tục đăng ký một trường khác để có giấy báo nhập học. Thông tư liên tịch không cho phép những trường hợp như vậy được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Riêng trường hợp trúng tuyển vào ĐH, CĐ thông qua thi tuyển sinh sẽ xem xét cho tạm hoãn gọi nhập ngũ theo đúng quy định” - ông Tiến nói. Những điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 7-3-2013.
Theo tuổi trẻ
Thần Đồng Y Khoa Gốc Việt ở Mỹ
James Nguyễn trở thành thần đồng của ngành y khoa Mỹ với nhiều thành tích xuất chúng khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn học phổ thông.
James Nguyễn - Ảnh: nhân vật cung cấp
|
Thần đồng James Nguyễn được Đại học (ĐH) Santa Ana, ở bang California của Mỹ, vinh danh trong bảng vàng nhờ những dấu ấn đáng kinh ngạc. Anh tốt nghiệp trường này khi mới 14 tuổi, năm 16 tuổi trở thành phụ giảng ngành sinh lý học. Trả lời phỏng vấn mới đây qua thư điện tử, James chia sẻ về quá trình học tập và những dự định tương lai.
Chủ tịch HĐQT ĐH Santa Ana, ông Pete Maddox
Từ điểm kém đến siêu thành tích
James có thể kể lại quá trình học tập của mình, tại sao anh chọn ngành y?
- Thuở nhỏ, tôi khá nghịch ngợm khi đi học và toàn bị điểm kém. Nhà trường liên tục mời mẹ tôi lên để than phiền. Tôi thường gây chuyện đánh nhau hoặc làm phiền người khác như vẽ lên áo khoác của bạn bè, gấp máy bay giấy rồi phóng lên trong khi giáo viên đang viết trên bảng...
Một ngày nọ, tôi về nhà với cánh tay bị gãy khiến mẹ tôi liên tục dò hỏi do ai gây ra. Suốt đêm đó, bà chẳng ngủ để chờ đến khi trời sáng rồi chở tôi đến trường, tìm hiểu nguyên nhân. Đến nơi, bà lập tức gặp cô hiệu trưởng và yêu cầu được biết ai làm tôi gãy tay. Đáp lại, cô hiệu trưởng nói: “Nếu là bà, tôi sẽ chẳng muốn biết nguyên nhân. Con bà gãy tay nhưng một bạn học của em bị đánh thẳng vào mặt khiến một mắt sưng vù. Mẹ của cậu học sinh đó đang muốn gặp bà để yêu cầu thanh toán hóa đơn thuốc men. Bà có muốn gặp phụ huynh đó không”.
Mẹ tôi chẳng biết nói gì rồi ra về. Sau vụ đó, giáo viên xếp tôi ngồi vào một góc và chẳng thèm đoái hoài tới. Sau vài tuần bị phạt như thế, tôi cảm thấy cô đơn, buồn tủi và trở nên chán nản. Tôi nói với mẹ tôi nhiều lần về cảm giác của mình nhưng bà cũng chẳng muốn nghe. Sau đó, tôi giải thích cho mẹ hiểu rằng tôi chẳng muốn đến trường nữa và lý do khiến tôi chẳng muốn đi học là vì không hứng thú với chương trình đào tạo. Cho nên, bà đến lớp để quan sát xem điều tôi nói có đúng hay không.
Quả thực bà đã sốc khi nhận ra điều tôi nói là sự thật, chương trình dạy không tương đương với khả năng của tôi. Mẹ tôi cố gắng thuyết phục cô hiệu trưởng rằng nhà trường đã đặt tôi ngồi “sai lớp” nên tôi chán rồi trở thành nỗi phiền toái của mọi người. Cuối cùng, cô hiệu trưởng cũng đồng ý sẽ cho tôi thử ở một lớp học danh dự để xem tôi có đủ sức theo không trước khi chấp nhận để tôi chuyển sang lớp này. Kể từ đó, tôi toàn đạt điểm loạt giỏi và không còn gây rối nữa.
Điều này khiến mẹ tôi vô cùng lấy làm lạ, khi con trai bà chưa bao giờ đạt nổi điểm khá ở lớp thường thì làm cách nào đạt được toàn điểm giỏi trong một lớp danh dự. Mẹ cảm thấy có điều gì đó đặc biệt nên muốn tôi thử sức với những chương trình cao hơn. Năm 1998, bà tìm đến ĐH Santa Ana và được Chủ tịch Hội đồng quản trị Pete Maddox đồng ý kiểm tra năng lực của tôi. Chỉ với bài đánh giá duy nhất, tôi được phép nhập học và hoàn toàn đạt điểm loại giỏi. Tôi nhập học trường này khi mới 12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, tôi tốt nghiệp chương trình sau ĐH của Trường UCI (University of California, Irvine - NV).
Tôi đã chọn ngành y khoa theo đúng mong muốn của mình trước đó khi một bác sĩ cứu sống cha tôi trong một cơn đau tim. Tôi ngưỡng mộ các bác sĩ và muốn nối bước họ chăm sóc sức khỏe cho người khác.
James (hàng đầu tiên, thứ 3 từ phải sang) và các nghiên cứu sinh ở Đại học Arizona chụp hình cùng vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: nhân vật cung cấp
|
Muốn cưới vợ Việt
Công việc của anh hiện tại thế nào và anh có dự định gì trong tương lai?
- Hiện nay, tôi còn 6 tháng nữa sẽ hoàn thành chương trình đào tạo về tim mạch tại ĐH Arizona. Tôi sẽ chuyển sang Texas để tham gia khóa đào tạo kéo dài 2 năm về tim mạch can thiệ(interventional cardiology) ở ĐH UTSA (University of Texas, San Antonio).
Tim mạch can thiệp là một chuyên ngành điều trị cho các bệnh nhân bị đau tim do nghẽn động mạch vành. Trong trường hợp đó, tôi sẽ mở lại động mạch vành. Khi hoàn thành khóa đào tạo tại Texas, tôi sẽ quay về và cố gắng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt.
James có muốn chia sẻ thêm về cuộc sống của mình?
- Tôi rất biết ơn những gì cha mẹ đã làm cho tôi. Hiện giờ, tôi vẫn đang độc thân nên mong muốn sẽ tìm được một cô gái Việt Nam xinh đẹp để cưới làm vợ, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống.
Cám ơn anh!
Nhân tài xuất chúng
James Nguyễn (30 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Hồi thập niên 1970, gia đình anh đến nước này và định cư tại thành phố Garden Grove thuộc bang California. Thuở nhỏ, James luôn là một học sinh nghịch ngợm và thành tích học khá bết bát. Thế nhưng, sau khi được mẹ phần nào hiểu được năng lực thực sự của anh, James không ngần ngại khẳng định mong muốn chinh phục những đỉnh cao tri thức.
Sau gần 20 năm, ông Pete Maddox, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Santa Ana, vẫn chưa thể quên được ấn tượng lần gặp đầu tiên khi James mới 12 tuổi. Ông Maddox nhớ lại: “Ngay lần đầu gặp, James đã nói cậu ấy muốn nhập học ĐH Santa Ana. Cậu chỉ ra những mục tiêu học tập và muốn nhanh chóng làm điều đó. Thế nhưng vấn đề là James chỉ mới 12 tuổi. Kiến thức trung học chưa đủ để cậu từ một học sinh lớp 7 trở thành sinh viên đại học.
Chúng tôi thảo luận về mục tiêu của James, về những rắc rối của cậu ở nhà trường phổ thông cũng như khó khăn của bậc ĐH. Thế nhưng, cậu chẳng hề nản chí. James biết rõ bản thân muốn gì, và quan trọng hơn là cậu sẵn sàng vượt qua thử thách để đạt mục tiêu”. James còn trình bày rõ nguyện vọng trở thành bác sĩ tim mạch và đã khiến ông Maddox tin tưởng vào năng lực của anh. Vì thế, ông đưa James gặp một tiến sĩ ở Santa Ana để “kiểm tra chất lượng”. Cuối cùng, James được nhập học tại ĐH Santa Ana vào năm 12 tuổi. Anh không hề khiến ông Maddox thất vọng khi tốt nghiệp trường này vào năm 14 tuổi với thành tích xuất sắc.
Sau đó, thần đồng này chuyển sang UCI (University of California, Irvine - NV) để học tiếp về ngành y và lại tốt nghiệp xuất sắc khi mới 16 tuổi. Cũng trong năm này, James trở thành trợ giảng. Năm 19 tuổi, James vào ngành y của ĐH St George và 4 năm sau trở thành bác sĩ nội trú thuộc Bệnh viện khu vực Orlando ở thành phố Orlando, bang Florida. Trong giai đoạn 3 năm làm bác sĩ nội trú tại đây, James hoàn thành một nghiên cứu được đánh giá hạng ưu ở cuộc thi giữa các trường y của nước Mỹ.
Trong Hội nghị nội khoa 2009, nghiên cứu này vượt qua 420 bài trình bày khác để giành giải nhất. Năm 26 tuổi, James trở thành bác sĩ nội trú trưởng của khoa nội tại Bệnh viện UMC thuộc ĐH Arizona ở Tucson rồi nghiên cứu sâu về tim mạch tại đây cho đến nay. Năm 2011, phát biểu trong buổi vinh danh James vào bảng vàng của ĐH Santa Ana, ông Maddox tuyên bố: “Chẳng có cơ hội nào lớn hơn cho trường (ĐH Santa Ana - NV) và cộng đồng so với việc chúng ta phát hiện những người trẻ như James Nguyễn để giúp anh ấy theo đuổi con đường học tập cho riêng mình”.
Tuyển Dụng – Khởi Đầu Mới Cùng SET Education…
Bạn đang tìm kiếm một môi trường lành mạnh có mức thu nhập hấp dẫn ?
Bạn muốn có nhiều cơ hội đào tạo nước ngoài ?
Bạn muốn tiếp xúc xã hội trong môi trường học thuật cao cấp ?
SET Education là nơi lý tưởng để bạn có thể tìm đến và trải nghiệm ở các vị trí làm việc toàn thời gian Quận 5, tp HCM và tp. Hà Nội:
- Nhân viên tư vấn du học – Counsellor.
- Trợ lý tư vấn – Counselling Assistant.
Mô tả công việc:
Nhân Viên Tư Vấn Du Học:
- Tư vấn cho khách hàng các khóa học, trường và thủ tục liên quan đến việc xin visa du học các nước nói tiếng Anh (Úc, Mỹ, Canada, Anh, Newzealand, Singapore, Mã Lai).
- Tiếp nhận và xử lý các công việc trên giấy tờ, email, điện thoại.
- Biết tìm kiếm và tạo thêm nguồn khách hàng mới.
Nhân Viên Trợ Lý Tư Vấn:
- Thu nhận và xử lý các công việc giấy tờ: điền thông tin theo form định sẵn, lưu trữ thông tin, email và liên hệ công việc với các đối tác, khách hàng.
- Hỗ trợ nhân viên tư vấn trong việc chăm sóc khách hàng và tiếp nhận giấy tờ.
Yêu cầu:
- Tốt nghiệp cao đẳng, đại học (ưu tiên các ngành như ngoại ngữ, báo chí, xã hội...).
- Trình độ Anh ngữ tốt ở 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) tương đương IELTS 5.5+ cho tư vấn và 5.0 cho trợ lý tư vấn
- Có khả năng giao tiếp tốt.
- Thành thạo MS Office, khả năng typing tốt, biết xử lý các vấn đề liên quan đến web.
- Có kinh nghiệm ở các lĩnh vực liên quan về dịch vụ, tư vấn.
- Các ứng viên phù hợp sẽ được đào tào để trở thành nhân viên tư vấn chuyên nghiệp.
SET Education với chính sách lương thưởng thỏa đáng, luôn đề cao đến việc phát triển và nâng cao đời sống nhân viên, sẽ là nơi xứng đáng để bạn hợp tác. Các ứng viên vui lòng gửi CV theo mẫu Form CV-SET tới địa chỉ mail nam.nguyen@set-edu.com hoặc liên lạc anh Nam qua số: 0918 118 119 để biết thêm chi tiết.
Thời gian nhận hồ sơ đến hết tháng 3/2013.
“Con Sâu Làm Rầu”…Lễ Nhậm Chức Của Tổng Thống Mỹ
Năm 1841 thời tiết đón chào Tổng thống thứ 9 của nước Mỹ khắc nghiệt tới mức, William Henry Harrison, vì từ chối mặc áo khoác và đội mũ khi đọc bài diễn văn nhậm chức dài nhất lịch sử Mỹ, đã bị viêm phổi và qua đời 32 ngày sau đó.
Rõ nhất là lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng tống Ronald Reagan, vào tháng 1/1985. Khi đó, nhiệt độ giảm xuống -15 độ C, buộc ông phải chuyển buổi lễ ngoài trời vào trong nhà, khiến 14.000 khách khứa và công chúng ở bên ngoài “chưng hửng”.
Nhưng bỏ qua yếu tố thời tiết, người Mỹ luôn say mê với lễ nhậm chức của Tổng thống, mà theo quy định của hiến pháp, diễn ra vào giữa trưa ngày 20/1.
Năm nay, ngày 20/1 rơi vào chủ nhật, nên buổi lễ dành cho công chúng sẽ diễn ra vào 21/1, một ngày hứa hẹn sẽ rất đẹp đối với Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, do đây là ngày nghỉ để tưởng nhớ anh hùng đấu tranh nhân quyền Martin Luther King.
Tổng thống Obama sẽ chính thức tuyên thệ nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1, trong một buổi lễ kín cùng với người đứng đầu Tòa án Tối cao John Roberts.
George Washington, tổng tư lệnh quân đội đầu tiên của Mỹ, tuyên thệ nhậm chức tại New York vào năm 1789. Sau khi các nhà lập pháp chuyển thủ đô tới Washington vào năm 1800, tất cả các tổng thống sau đó đều tuyên thệ ở Tòa nhà Quốc hội, được gọi là Đồi Capitol.
Hầu hết các buổi lễ được diễn ra ở cánh đông của tòa nhà Quốc hội, nhưng Reagon đã thay đổi truyền thống vào năm 1981 và chọn cánh tây, nơi có thể thấy được cảnh đẹp tuyệt vời của công viên quốc gia National Mall, với các nhà bảo tàng và đài tưởng niệm.
Công cuộc xây dựng đã bắt đầu từ trước ngày bầu cử 6/11 vừa qua, để mở rộng các khu vực khách khứa dõi theo lễ nhậm chức. Dự kiến, các khu vực này có sức chứa khoảng 1.600 người, gồm tất cả các thành viên quốc hội, nội các của Obama, tòa án tối cao, quân đội, thị trưởng các bang và các nhà ngoại giao.
Năm 2009, khoảng 1,8 triệu người đã “vây” kín đồi Capital và công viên quốc gia để dõi theo lễ nhậm chức lịch sử đầu tiên của Obama.
Dự kiến năm nay con số này giảm mạnh, với ước tính là khoảng 600-800 ngàn người.
Buổi lễ năm 2009 diễn ra khoảng 1 tiếng, trong đó ông Obama có bài phát biểu dài 20 phút.
Nữ hoàng nhạc pop Beyonce, người đã hát trong buổi tiệc nhậm chức của Obama năm 2009, cũng sẽ tham gia trình diễn, cùng các ca sỹ Kelly Clarkson và James Taylor trong năm nay.
Sau bài phát biểu của Obama, các quan khách sẽ có buổi tiệc trưa ở tòa nhà Quốc hội.
Obama và đệ nhất phu nhân Michelle sau đó sẽ đi trên xe limousine từ Tòa nhà Quốc hội xuống đại lộ Pennsylvania để về Nhà Trắng, nơi họ sẽ duyệt đội danh dự các nhóm dân sự và các đội diễu hành.
Vào buổi tối, vợ chồng đệ nhất Mỹ sẽ chủ trì hai bữa tiệc nhậm chức, một cho các quân nhân và một cho công chúng. Vé tham dự các sự kiện giờ đã “cháy”.
trích từ dântri