Thời tiết Melbourne có gì lạ?
Bốn mùa trong một
Ai đã từng ở Úc nói chung và Melbourne nói riêng đều biết rõ Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, là nơi có khi thời tiết bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thay đổi trong cùng một ngày.
Trong khi thời tiết và mùa trong năm trôi tuần tự từ Xuân sang Hạ rồi đến Thu và sau cùng là Đông, thời tiết Melbourne trong ngày cứ, nói theo người Melbourne, “đảo lộn tứ lung tung, chẳng biết đâu mà lần”
Những hôm tiết trời nóng bức, nhiệt độ có khi hơn 400 C, rất nhiều người đổ ra biển để mong hưởng bầu khí dễ chịu hơn trong thành phố. Tuy ra biển khi trời đang nóng như vậy nhưng ‘dân Melbourne chính hiệu’ cũng thường phải ‘thủ’ sẵn trong xe áo lạnh, và đây là điều khiến nhiều người phương xa ngạc nhiên.
Lạ?
Hiện tượng thay đổi nhiệt độ tại Melbourne rất lạ, nhất là khi bạn đứng tại bờ biển vào lúc hai luồng khí nóng và lạnh giao nhau. Có những lúc, thường là vào xế chiều, nhiệt độ đang khoảng 40 độ và khi ngoài khơi trời vẫn lặng im thì bỗng nhiên, bạn mơ hồ cảm nhận là trong không khí có cái gì đó khang khác vì trước mặt, có khi cách chưa tới một km không khí như đặc quánh lại, chập chờn giống lúc nhìn qua màn lửa. Thế rồi, gần như chỉ trong vòng một phút, nhiệt độ chỗ bạn đứng đang từ khoảng 40 độ đột ngột giảm xuống 30 rồi có khi chỉ hơn 200C một chút.
Không hiểu có phải là quy luật hay không mà rất nhiều khi kèm với cái nóng nung người là những cơn gió thổi rất mạnh. Chẳng hạn trong vụ cháy rừng gây thiệt hại nhất về nhân mạng ở Úc, khiến 208 người thiệt mạng vào tháng Hai năm ngoái, vào khoảng xế trưa, khi nhiệt độ lên cao nhất là 46.40 C thì cũng là lúc gió vần vũ thổi tung bụi đất, uốn oằn cây cối. Hiện tượng gió thổi mạnh cộng với nhiệt độ cao ngất khiến Melbourne và bang Victoria rất dễ bị làm mồi cho hỏa hoạn. Thời gian tiểu bang dễ bị hỏa hoạn nhất là từ cuối tháng Mười tới khoảng tháng Tư. Trên đường từ Melbourne đi Sydney hoặc xuống Adelaide, người ta sẽ phải qua không biết cơ man nào đồi hoặc đồng cỏ chỉ còn trơ những cuống lúa mì vàng úa. Đây không phải là màu vàng tươi kiểu màu nắng Van Gogh từng thể hiện trong các họa phẩm của mình mà là màu vàng nâu, pha sắc hơi xám.
Nhân nói tới nắng, người từ Việt Nam tới Úc lần đầu hẳn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy có những khi mặt trời ở Úc to cỡ hơn gấp đôi mặt trời Việt Nam, to như ‘cái nia sàng gạo’. Nhiều lúc như vậy, mặt trời rất sáng nhưng không đến nỗi chói chang khiến mắt nhìn bị nhức. Theo giải thích khoa học, sở dĩ có hiện tượng này là vì Úc nằm ở miền cực Nam địa cầu trong khi Việt Nam ở gần đường Xích đạo, do đó, góc nhìn từ Úc lên mặt trời khác với góc nhìn từ Việt Nam.
Trong khoảng từ tháng 12 tới tháng Tư, nếu có dịp vào nhiều khu rừng tiểu bang, bạn sẽ thấy lá khô dòn tan vỡ vụn dưới gót giày. Đây là mùa dễ cháy nhất trong năm, chẳng thế mà người ta vẫn thường bảo ‘mùa cháy rừng lại về’ khi tiết trời bắt đầu trở nóng và nhất là vào tháng 12, lúc không khí có mùi vị đặc trưng khó tả trong lúc gió nóng bắt đầu phần phật thổi vào thành phố. Mùi đặc trưng đó có lúc mơ hồ nhưng nhiều khi rõ rệt tới nỗi có người gọi là ‘mùi mùa Hè Melbourne’.
Thay đổi
Mùa lạnh nhất trong năm là mùa Đông, kéo dài từ đầu tháng Sáu tới hết tháng Chín. Tuy gọi là lạnh nhưng cái lạnh Melbourne không thấm vào đâu so với cái lạnh của nhiều nơi tại Âu Châu hay Bắc Mỹ. Ngay tại Melbourne không có tuyết nên muốn xem hoặc ‘chơi’ tuyết, người ta phải lên những vùng núi cao, cách Melbourne từ hơn 100 tới khoảng 300 km. Những nơi thường có đông người chơi tuyết nhất là Lake Mountain, có độ cao 1530m, Mt Buffalo (độ cao 1695m), Mt Baw Baw (1564m), Falls Creek (1860m), Hotham (1861m), Mt Buller (1804m), còn những nơi như Mt Donna Buang (1250m) hoặc Dinner Plain (1575m), Mt St Gwinear (1514m) hay Mt Stirling (1747m) thì không có mấy người, nhất là người Việt, thăm viếng.
Nếu mùa Hè, Xuân hoặc mùa Đông là ba mùa người ta có thể có nhiều sinh hoạt thú vị như tắm biển, chơi tuyết thì mùa Thu có lẽ là mùa êm đềm nhất đồng thời khá thích hợp cho những chuyến dã ngoại hoặc cắm trại. Thử tưởng tượng lúc tiết trời chỉ vào khoảng trên dưới 200C và khi đường phố bắt đầu ngập lá vàng, còn gì thích thú cho bằng rời thành phố, tạm gác những lo lắng của nợ áo cơm hay những lo toan đời thường, mang lều chõng vào rừng sâu hoặc lên núi hay ra biển dựng trại. Những đêm tiết Thu gió thổi nhẹ tay đèn pin, tay bịch thức ăn đi tìm Kangaroo hay Koala hoặc Wombat để cho chúng ăn. Bên tiếng tí tách của lửa hồng, tiếng thỏ chạy hòa lẫn tiếng Kokaburra hay những loài chim đêm bay ngang lâu lâu làm rơi xuống lều vắng vài ba âm thanh buồn làm chùng cả không gian và khiến thời gian lãng đãng trôi mau. Cuộc sống thật là tuyệt vời!
Có lẽ không hẳn ngẫu nhiên mà rất nhiều thi, nhạc hoặc họa sĩ ở nhiều phương trời khác nhau đã lấy mùa Thu làm nền cho tác phẩm của mình. Và có lẽ cũng không hẳn ngẫu nhiên khi nhiều tác phẩm nghệ thuật hoặc nhiều cuộc tình, có mùa Thu làm nhân chứng đã trở thành những tác phẩm bất hủ.
Nếu trong nhạc phẩm Thu Quyến rũ, Đoàn Chuẩn thốt lên “Mùa Thu quyến rũ anh rồi” thì có lẽ nhiều người nhận định “Không những mùa Thu mà tất cả các mùa khác của Melbourne cũng đã quyến rũ tôi rồi”.
Thế nhưng nói như thế liệu quá tham hay không?
Muốn trả lời câu hỏi này, mời bạn tới Melbourne. Phải nhớ ở càng lâu càng tốt nhé bạn!
Nói nhỏ bạn nghe nhá: có người đã sống tại Melbourne gần ¼ thế kỷ và từng có dịp bươn chải một vài nơi trên địa cầu, bị thành phố này hớp hồn tới nỗi có người hỏi gã có muốn sang sống những nơi khác hay không, gã lắc đầu quầy quậy trả lời: “Melbourne là số một”.
(Nguồn Bay Vút)