‘Thiếu thốn tương đối’ trong người trẻ Việt Nam

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 29/09/2009. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 7410

du_hoc_sinhGần đây nhiều người bắt đầu làm quen với thuật ngữ ‘thiếu thốn tương đối’. Theo giáo sư Trần Nam Bình tại Đại học New South Wales, Úc, đây là một thuật ngữ bắt nguồn từ kinh tế học. Thiếu thốn tương đối là thiếu thốn so với những người xung quanh, dẫn tới tâm lí ghen tỵ.

Khi tìm hiểu về vấn đề này trong người trẻ Việt Nam trong quá trình hội nhập, giáo sư Trần Nam Bình chia ra hai nhóm. Nhóm A gồm những người trẻ Việt Nam tự so sánh với nhau. Nhóm B là giới trẻ Việt Nam so sánh với giới trẻ quốc tế. Theo ông, ở nhóm B có sự lạc quan khi hội nhập sẽ làm giảm khoảng cách hiện nay giữa giới trẻ Việt Nam và giới trẻ quốc tế, bởi vì ở giới trẻ Việt Nam sự năng động, khả năng ‘bắt chước’ cũng như sáng tạo rất nhanh. Ngược lại, giáo sư bày tỏ sự bi quan đối với nhóm A khi hội nhập và điều này sẽ làm tăng khoảng cách sẵn có giữa những người trẻ Việt Nam, nhất là giữa giới trẻ thành phố và thôn quê.

Tìm hiểu thêm về sự phân loại của giáo sư Trần Nam Bình và khái niệm ‘thiếu thốn tương đối’, dễ nhận thấy ở nhóm A hiện nay đang có một khoảng cách ‘tương đối’ khá rõ nét giữa những bạn trẻ Việt Nam du học ở nước ngoài và những người học trong nước. Bay Vút đã có cuộc trao đổi ngắn với một số bạn thuộc nhóm khảo sát này để tìm hiểu vấn đề: đâu là ‘thiếu thốn tương đối’ trong hành trình du học với người trẻ Việt Nam .

Bạn Minh Phương, sinh viên năm thứ hai Học viện Ngoại giao phân tích các lí do của tình trạng bực bội và ghen tị của nhiều bạn trẻ trong nước với bạn bè họ học ở nước ngoài. “Có hai lí do chính dẫn tới điều này. Thứ nhất, đi du học mang đến cho người trẻ rất nhiều cơ hội. Trước hết, đó là họ có cơ hội được đi đi xa, được tiếp cận với một nền văn hóa mới mẻ để khám phá. Thêm nữa, du học nước ngoài là cơ hội để các bạn trẻ được hưởng nền giáo dục tốt hơn trong nước. Xa hơn nữa, với những kiến thức thu được cùng với cách tư duy hiện đại thì ở đâu các bạn cũng có thể tự tin tạo dựng một cuộc sống tốt.”

“Lí do thứ hai là sự thiếu tự tin ở bản thân của giới trẻ Việt Nam. Các cơ hội mà những người đi du học có được đã dẫn đến tâm lý ganh tỵ của những người học trong nước. Nhiều bạn trẻ ảo tưởng cao khi nghĩ về việc đi du học. Họ tin rằng ở một nơi có đời sống cao và một nền giáo dục tốt như các nước phát triển thì cơ hội thành công cũng dễ dàng hơn. Cảm giác tự ty đến khi ở trong nước họ phải đối mặt với một nền giáo dục trì trệ. Họ phải chật vật, cố gắng từng ngày để hoàn thành 4 năm đại học bằng nhiều cách có thể để rồi khi ra trường họ cũng chưa chắc là mình sẽ làm gì.. Chính những lầm tưởng về du học cũng khiến cho các bạn trẻ trong nước mất tự tin vì nghĩ rằng khả năng ngoại ngữ hiểu biết và bằng cấp của mình kém hơn … nên đã dẫn đến tâm lý ganh tị”.

Thực tế cho thấy, đa số ‘người trong nước’ cho rằng, ‘người ngoài nước’ (các du học sinh) được hưởng lợi thế hơn mình về nhiều thứ nhưng đôi khi, điều này cũng chỉ là ‘tương đối’ vì không phải du học sinh nào cũng có được tất cả những lợi thế này như mọi người vẫn lầm tưởng.

Bạn Phương Lan, một du học sinh ở Anh cho biết thêm: “Đúng là nếu có điều kiện học ở nước ngoài, ở những trường danh tiếng thì sinh viên sẽ có cơ hội tốt để học hỏi. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng tận dụng được những ưu thế này. Theo quan sát của cá nhân tôi, có thể không phải tất cả, nhưng tôi thấy người đi học nước ngoài hình như chủ động hơn trong khi những người học trong nước hơi thiếu điều. Ngược lại, du học sinh sẽ thiếu kinh nghiệm thực tế về môi trường, xã hội Việt Nam”.

Thử đi tìm một lời giải thích bước đầu cho cái ‘thiếu thốn tương đối’ giữa hai nhóm đối tượng kể trên, có một điểm dễ được cái bạn trẻ hiện nay chia sẻ – đó là chính là vấn đề giáo dục. Bạn Thùy Linh, một sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường đã nói rõ về điều này: “Theo tôi nguyên nhân căn bản đó là sự thiếu tin tưởng vào nền giáo dục Việt Nam. Bởi thực ra thì sự tự ti hay ghen tị cũng xuất phát từ sự thiếu tự tin vào bản thân. Với một nền giáo dục yếu kém như Việt Nam thì khó ai dám tự tin vào những gì mình đang học. Thực tế cho thấy sinh viên Việt Nam hiểu biết ít hơn sinh viên các nước phát triển khác về cả kiến thức sách vở lẫn kiến thức xã hội. Mà thiếu hiểu biết là nguyên nhân dẫn đến thiếu tự tin. Sinh viên trong nước không tự tin vào những gì họ đang lĩnh hội được từ nhà trường cũng như chính bản thân họ”.

Việc mở rộng đầu tư hơn nữa vào các chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam đi du học ở các nước có nền giáo dục phát triển là một điều rất cần thiết.. Dầu vậy, dường như việc xóa đi cái tự ti của mỗi sinh viên và xây dựng cho họ sự tự tin vào những gì đã được học, dù ở bất cứ đâu, trong nước hay quốc tế, để rồi từ đó họ có thể vững vàng xây dựng cuộc sống của mình, ắt hẳn mới là cái đích khó khăn của giáo dục.

Đó cũng là điều không hẳn cứ chỉ chi nhiều tiền mà đạt được.

Nguồn Bay Vút

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115