Tết của người Việt ở Mỹ
Người Mỹ thường hay nói, tất cả những ai đến nước Mỹ đều thành người Mỹ. Còn nếu nói về “văn hoá Mỹ” thì người ta thường gọi đó là “cái nồi hầm” nhừ.
Không gì có thể cưỡng lại được trước sức mạnh hỗn hoá của văn hoá Mỹ. Nhưng đối với cộng đồng người Việt Nam thì họ lại có cách bảo vệ văn hoá của mình theo lối riêng. Họ cố gắng hoà nhập vào văn hoá Mỹ nhưng vẫn bảo vệ bản sắc của mình. Các gia đình luôn tìm cách gắn kết với nhau để giữ gìn những gì còn lại thuộc về văn hoá Việt. Tết Việt Nam trên đất Mỹ chính là một trong những nét văn hoá đẹp như vậy.
Lần trước đến thủ đô Washington DC, tôi được Tiến sĩ Trương Vũ, trưởng ban điều khiển quỹ đạo bay trong không gian của trung tâm vũ trụ NASA, đồng thời là nhà nghiên cứu văn học mời đến nhà. Bữa cơm tối hôm đó anh chiêu đãi tôi toàn món ăn Huế. Di cư qua Mỹ đã lâu nhưng anh bảo vẫn không bao giờ nguôi nỗi nhớ quê nhà. Gia đình anh vẫn thường hay làm các món ăn Huế trong các kỳ nghỉ cuối tuần hoặc những khi đón khách quý từ Việt Nam sang.
Anh bảo ăn bữa cơm với người Việt mình nếu có các món ăn của quê hương sẽ có cảm giác ấm cúng và thân thiết hơn. Cả hai anh chị đều rất thành thạo cách làm các món ăn Huế đã đành, con trai và con dâu của anh làm bác sĩ đều trưởng thành ở bên Mỹ cũng được anh chị truyền lại cách làm nên cũng rất thành thạo.
Qua Mỹ mà ăn đồ của Mỹ là chuyện bình thường nhưng được ăn món Huế trong một gia đình người Việt ở thủ đô Washington DC thì mới là “chuyện lạ”.Tôi cảm thấy như từng miếng ăn đều gợi lên ở trong lòng nỗi nhớ về đất Việt. Tôi cũng có cảm giác khi đó giữa chủ và khách càng gắn bó với nhau và hiểu nhau hơn. Bữa ăn đó không phải để no mà là ăn để rồi nhớ mãi.
Đến Washington DC lần này, tôi gặp lại anh Trương Vũ. Anh vẫn như thế, cởi mở, nhẹ nhàng, lịch thiệp, chân tình… Anh bữa nay hẹn tôi đến một quán ăn ở giữa thủ đô nước Mỹ mà chủ quán là người gốc Việt. Tôi đến thì đã thấy anh cùng đông đủ bạn bè văn chương của thủ đô Washington đón tôi ở đó.
Ăn xong tất cả lại cùng kéo đến thăm gia đình nữ nhà văn Trần Anh Thuỵ, chị từng có tiểu thuyết “Chuyển mùa” đoạt một giải thưởng được giới văn chương hải ngoại rất hâm mộ. Rồi tiếp đến là thăm gia đình Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một người rất tâm huyết giới thiệu văn hoá Việt Nam với nước ngoài. Đến nhà ai tôi cũng được tặng vài cuốn sách, trong đó có cuốn của anh Nguyễn Ngọc Bích viết về tết Việt Nam bằng hai thứ tiếng Anh – Việt: “TET – The Vietnamese New Year”.
Đối với những người Việt đã có một quãng đời sống ở Việt Nam, thì giữ lấy văn hoá để có chỗ dựa tinh thần. Họ đã sử dụng nhiều phương pháp để níu giữ nếp sống văn hoá truyền thống. Rất nhiều gia đình có bàn thờ để cúng tổ tiên. Các tập tục quan trọng khác như ma chay, cưới hỏi cũng tổ chức theo kiểu Việt, chợ búa xây dựng theo dáng chợ Việt… Bằng cách đó họ sẽ đỡ cảm thấy luôn luôn bị nỗi nhớ dày vò trong lúc bị tách ra khỏi nguồn cội.
Sống ở Mỹ từ những năm 50 của thế kỷ trước nên Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng sử dụng tiếng Mỹ thành thục như tiếng mẹ đẻ, anh đã dịch “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “Thơ Hồ Xuân Hương” sang tiếng Mỹ… “TET – The Vietnamese New Year” là một cuốn sách đã thể hiện rõ nhất nét đặc trưng của văn hoá người Việt. Những điều Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu trong cuốn sách khiến tôi cảm thấy các hoạt động vui chơi trong ngày Tết còn đầy đủ hơn một cái tết Việt Nam được tổ chức trong nước hiện giờ. Viết được hoàn hảo như vậy có lẽ do ông vốn là dân gốc của đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi văn hoá của người Việt.
Những người Việt ở bên Mỹ còn khao khát được người ở trong nước sang du học bổ trợ thêm sinh khí và sức sống cho văn hoá Việt với những nét tươi mới từ trong nước mang sang.
Tôi có cô bạn Nguyễn Minh Phương làm nghiên cứu sinh ở đại học Massachusett, có cuộc xum họp bạn bè nào hay trong mỗi lần lễ tết đến thăm các gia đình người Việt, mọi người lại yêu cầu cô hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Nghe cô hát quan họ mọi người Việt đều rất thích và cả người Mỹ cũng vậy. Điều này cho thấy cái lưu giữ lại lâu nhất trong ký ức của con người là văn hoá, con người dù ở đâu cũng vẫn luôn cần phải sống với những ký ức văn hoá của mình. Văn hoá còn là phương tiện để thể hiện dân tộc của mình giữa một xã hội có nhiều cộng đồng người khác nhau như Hoa Kỳ.
Tết của người Việt ở Mỹ không giống như Tết ở trong nước, bởi vì mọi người vẫn đi làm; còn người Mỹ thì họ ăn Tết theo dương lịch. Tuy vậy những người Việt sống ở xứ Mỹ vẫn có lịch Việt Nam để biết ngày tháng âm lịch và cố gắng thu xếp thời gian dù rất ít ỏi để cùng nhau thưởng thức ngày tết. Không có thời gian đến thăm nhau, họ chỉ gọi điện thoại đến để chúc mừng nhau mạnh khoẻ, thành đạt… Cha mẹ cũng lì xì cho con cái. Từng gia đình có mâm ngũ quả để thắp hương, có bánh chưng, dưa hành…
Đến dự một bữa cơm thân mật với gia đình vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Bảo và chị Nguyễn Thị Thu ở Boston, tôi đếm được trên mâm có tới mười loại thức ăn. Bún gạo tẻ trắng tinh như bún Mọc ở Hà Nội. Chả cá giống hệt chả cá Lã Vọng. Tương ớt, đậu Hà Lan. Đĩa rau sống thì có những ba thứ: cải xoong, cà chua, tàu cải (loại rau này ở Việt Nam không có). Nước chấm do chị Thu tự pha bằng nhiều loại gia vị: ớt, tỏi, xì dầu, xả, xa tế, hành lá… Món lẩu bò nhúng nước nấu nước hầm xương gà, có thêm tôm, ngô bao tử, lá xả, gia vị Thái Lan. Món đậu phụ Nhật cũng trộn tôm, râu mực, cá hồi, hào tươi.
Thức ăn trong bữa ăn pha trộn rất nhiều loại cũng giống như hợp chủng quốc vậy, nhưng món ăn Việt Nam vẫn là chủ đạo. Ba đứa con của chị Thu thì cũng có hai đứa thuần Việt, một đứa lai Tây. Giữa nhà chị có một cái bàn thờ to, chị cúng bái tổ tiên rất tử tế. Những ngày Tết Việt Nam như thế này thì chị lại thắp hương khấn vái cầu cho gia đình may mắn, tốt lành. Chị bảo là cứ mỗi lần chắp tay khấn lại nghĩ về Nha Trang, nơi chị đã sinh ra ở đó và có một tuổi thơ rất nghèo khổ, chỉ mong các cụ ở trong nước phù hộ cho mình.
Không chỉ những người có gia đình sinh sống lâu năm ở bên đó mà những sinh viên sang du học đến ngày Tết Nguyên đán cũng tìm gặp nhau để quây quần ăn Tết. Có thể nói rằng, Tết Nguyên đán của Việt Nam là một nét văn hoá đặc sắc đang hiện diện trên đất Mỹ.
(Nguồn Vietnamnet)