Tại sao gạo Việt chưa phổ biến ở Úc?
Bao giờ thì gạo Việt đến với cộng đồng gốc Việt ở các nước tiên tiến như Úc nhiều hơn? Ảnh nhỏ bên trái: Gạo Thái bán tại cửa hiệu tạp hóa ở Melbourne cũng có dòng chữ Việt ‘Gạo nếp thượng hạng’. (Bay Vút/ABC)
Gạo Việt thiên về lượng hơn chất?
Trong cuộc trao đổi với Bay Vút vào đầu tháng 11 năm 2010, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp và cựu Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, thừa nhận tuy Việt Nam là quốc gia sản xuất gạo nhiều vào hàng thứ nhì thế giới nhưng gạo Việt chưa thể xâm nhập được vào thị trường các quốc gia tiên tiến, phát triển cao như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp… Gạo Việt được bán chủ yếu cho Philippines, Malaysia và các nước Châu Phi, tức những nơi không cần gạo có chất lượng cao.
Từ giới tiêu thụ cho tới chuyên gia nông học hoặc người kinh doanh, buôn bán và nhập khẩu mặt hàng gạo từ Việt Nam đều thừa nhận lý do khiến gạo Việt gặp trở ngại tiêu thụ ở thị trường các nước tiên tiến là bởi có vấn đề về ‘chất lượng’ (không dẻo, thơm và đồng nhất như gạo Thái Lan).
Ông Trần Hữu Hòa, Giám đốc Thương mại Triple H, công ty chuyên nhập khẩu một số hàng hóa như hải sản, lương thực thực phẩm, trong đó có gạo, từ Việt Nam sang Úc phát biểu: “Bốc một nắm gạo Thái lên xem thì trăm hột như một. Trong khi đó gạo Việt thì hột trong, hột đục, hột dài, hột ngắn, hột mập, hột ốm. Đó là về hình thức. Về chất lượng thì trong 100 hột có 60 hột dẻo, 40 hột không dẻo bằng.”
Giải thích rõ hơn về vấn đề chất lượng, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho Bay Vút biết trong khi nông dân Thái Lan chỉ trồng giống lúa cho ra loại gạo thơm và ngon thì nông dân Việt trồng ‘hằng hà sa số’ loại lúa khác nhau và chất lượng cũng không đạt chuẩn bằng gạo Thái.
Giáo sư Xuân cho biết chính phủ Thái Lan có chính sách rất rõ ràng và minh bạch. Họ mua toàn bộ lúa ‘rặc’, tức lúa đồng nhất và chất lượng cao do nông dân làm ra và kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong suốt quá trình trồng và thu hoạch. Ở Thái Lan, ai trồng không đảm bảo chất lượng thì chính phủ không thu mua. Công nghệ xay xát gạo của Thái lại tốt hơn của Việt Nam rất nhiều. Từ đó, gạo Thái rất có uy tín và độc chiếm thị trường thế giới từ rất nhiều năm qua.
Đặc điểm của nông dân Việt là họ chỉ trồng những giống lúa nào cho sản lượng cao, từ 6, 7, 8 cho tới thậm chí 9 hoặc 9 tấn rưỡi/héc-ta. Trong khi đó, nông dân Thái chỉ trồng loại lúa nào cho ra gạo ngon, thơm chứ họ không lưu tâm tới sản lượng. Vì là loại lúa ngon nên năng suất của các giống lúa Thái không cao, chỉ khoảng 3 tấn/héc-ta. Thời gian trồng những giống lúa ở Thái cũng dài hơn giống lúa của Việt Nam khá nhiều: trong khi mọi giống lúa của Việt Nam chỉ thu hoạch trong vòng chưa tới 100 ngày thì giống lúa Thái Lan từ 120 tới 140 ngày.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay một lý do khác khiến Việt Nam không trồng lúa năng suất thấp vì diện tích trồng lúa chỉ vỏn vẹn từ 3,8 triệu tới 4 triệu héc-ta. Trong khi đó Thái Lan có diện tích trồng lúa tới 10,2 triệu héc-ta, rộng gấp hơn hai lần rưỡi so với Việt Nam.
Ngoài ra, quá trình thu mua lúa gạo tại Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “vVệc thu mua gạo ở Việt Nam phải qua nhiều trung gian và thủ tục nhập nhằng, tạo ra rất nhiều bất công và thiệt thòi cho người nông dân”.
Tìm gạo Việt ở Úc
Một thực tế là tại những cửa hàng thực phẩm ở những khu thương mại tập trung đông người Việt nhất ở Melbourne, Sydney, Adelaide, Queensland… gạo Việt gần như hoàn toàn vắng bóng! Nhiều chủ tiệm cho hay họ không thể nhập gạo Việt vào cửa hàng vì lý do “không có khách”. Riêng gạo ‘bản xứ’ Úc thì gần như không thuyết phục nổi khẩu vị của người Á Châu, trong đó có người Việt.
Thương gia Trần Hữu Hòa cho biết gạo Việt do công ty Triple H của ông nhập từ tỉnh Tiền Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sang tới Úc chỉ bán được ở vài vùng có đông người Việt như Foostcray, Richmond… và mỗi vùng chỉ có một tiệm duy nhất và “số bán ra cũng không nhiều”.
Trên khía cạnh kinh doanh, ông Hòa cho hay trong khi người nhập gạo Thái được ‘gối đầu’ thì công ty ông không được hưởng ưu đãi này khi nhâp gạo Việt. Các công ty xuất khẩu của Thái Lan có tiềm lực ‘trường vốn’ và gạo lại là mặt hàng bán chạy nên họ sẵn sàng cho khách hàng, tức người nhập khẩu, hoãn trả tiền một phần hoặc toàn phần và cứ đến đợt hàng kế tiếp mới thu tiền đợt cũ. Trong khi đó công ty nhập gạo Việt phải thanh toán ngay cho mỗi đợt hàng nhập từ Việt Nam.
Chị Trần Lê Nhi, cư dân vùng Springvale, một trong các tụ điểm chính của người Việt ở tiểu bang Victoria, cho biết đã có lần chị đã mua và ăn thử gạo Việt thì thấy gạo Việt không dẻo bằng gạo Thái. Tuy nhiên, vì khẩu vị của gia đình chị Nhi là không thích ăn gạo dẻo mà chỉ muốn ăn gạo rời và cũng vì muốn ủng hộ hạt gạo từ quê hương nên chị vẫn mua gạo Việt. Gần đây, chị Nhi cho hay gia đình đã quay trở lại dùng gạo Thái vì phát hiện trong bao gạo Việt có sạn.
Ông Lê Huy, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc Châu, cho biết qua kinh nghiệm từ công ty nhập khẩu thực phẩm mà ông làm chủ, thì “khi nhập khẩu gạo của Thái chúng tôi an tâm hơn vì gạo Thái dễ dàng vượt qua tiêu chuẩn kiểm dịch gạo nhập từ nước ngoài của Úc. Ông cũng thừa nhận số lượng gạo nhập từ Việt Nam vào Úc rất ít và chỉ “chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất như mì, bún, bánh phở hoặc để sản xuất cho gia súc ăn chứ ít khi bán ra thị trường.”
Trong vấn đề nhập khẩu, gạo Việt còn gặp bất lợi về giá vận chuyển. Trong khi giá cước một container 20 feet, chứa từ 8 tới 10 tấn gạo, xuất phát từ Việt Nam là 1.500 đô-la thì gạo Thái chỉ khoảng từ 1.200 tới 1.300 đô-la.
Một lý do khác khiến nhiều người ngần ngại kinh doanh mặt hàng gạo từ Việt Nam là chuyện nhiều người cung cấp bên Việt Nam chưa ý thức được dịch vụ hỗ trợ thương gia sau khi giao hàng. Ví dụ như nếu gặp đợt hàng giao chưa đúng quy định (như tỷ lệ hột gạo bị gẫy hoặc vỡ quá nhiều, gạo bị pha trộn nhiều…) thì theo nguyên tắc người cung cấp phía Việt Nam có trách nhiệm phải giảm giá hoặc bù trừ cho đợt hàng kế tiếp. Tuy nhiên, việc đền bù hoặc xử lý này thường khó khăn và nhiều khi ‘tranh cãi’ kéo dài không có hồi kết.
Vì nhiều lý do vừa nêu, việc đưa gạo Việt sang Úc gặp nhiều truân chuyên. Ông Hòa cho hay cách nay khoảng bảy năm, một số người đã thử nhập gạo Việt vào bán tại Úc lần đầu tiên nhưng cuối cùng bị thua lỗ. Mãi tới hôm nay, đường đi của gạo Việt đến Úc vẫn còn trong giai đoạn chập chững, thăm dò. Ông Hòa cho hay trước đây gạo do công ty ông bán tại Úc có tên ‘Hương Lài’ nhưng kể từ tháng 11 năm 2010 đã đổi tên thành gạo ‘Sài Gòn’ để “người mua biết đây là gạo Việt và mong sao họ ủng hộ sản phẩm từ quê nhà.”
Vẫn hy vọng
Dù sao đi nữa, vẫn có nhà kinh doanh tìm cách đưa gạo Việt sang thị trường Úc dù hạt gạo nước này rõ ràng ‘thất thế’ nhiều so với gạo từ nước láng giềng Thái Lan.
Thương gia Trần Hữu Hòa khẳng định “ưu điểm lớn nhất của gạo Việt là giá rất rẻ”. Mỗi bao gạo Việt (25kg) rẻ hơn bao gạo Thái khoảng 10 đô-la. Trong khi gạo Thái giá từ 45 tới 50 đô-la/bao thì gạo Việt chỉ khoảng 38 đô-la/bao. Ông Hòa cũng cho hay gạo Việt ‘lợi cơm’ (nở nhiều hơn khi nấu chín) so với gạo Thái.
Dầu vậy, có lẽ còn rất lâu vị trí độc chiếm thị trường của gạo Thái mới bị lung lay bởi gạo Việt và vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, không biết bao giờ gạo Việt mới có thể có mặt tại thị trường các quốc gia tiên tiến và phát triển cao, trong đó có Úc.