Sinh viên tìm việc làm thêm khi du học ở Australia

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 14/12/2009. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 8087

Thông thường, các bạn du học sinh Việt Nam có xu hướng chọn xin việc ở các nhà hàng Việt Nam, hoặc nhà hàng, cửa hiệu châu Á. Song, những nơi này thường chỉ thuê lao động theo dạng “casual”, tức “tạm thời”, không trả lương tối thiểu đúng như chính phủ quy định, và trả bằng tiền mặt để không phải đóng thuế, cũng không có các quyền lợi về an sinh xã hội (bảo hiểm lao động…).

Vì vậy, các bạn nên phân biệt giữa “casual job” (công việc thời vụ) và “part-time job” (việc bán thời gian)

• Casual jobs: là những việc làm tạm thời, không lâu dài, không được hưởng những quyền lợi lao động như quỹ lương hưu (superannuation), bảo hiểm lao động, làm giờ nào hay giờ đó, và thường được trả lương thấp hơn việc bán thời gian.

• Part-time jobs: việc làm bán thời gian, được hưởng các quyền lợi như nhà tuyển dụng phải đóng thêm 9% của lương nhân viên vào quỹ lương hưu (lương + 9%của lương); được đóng bảo hiểm lao động; việc làm mang tính chất lâu dài, và ổn định hơn việc thời vụ, lương tối thiểu là 12,75 đôla Australia.

Tùy theo công việc là thời vụ hay bán thời gian mà bạn sẽ được trả lương tương ứng.

Để giúp các bạn hình dung rõ hơn về lương làm thêm, xin tóm lược một số việc làm phổ biến trong cộng đồng du học sinh ở Australia hiện nay như sau:

1) Tiệm Phở Việt Nam: 6-8 đôla Australia/giờ

2) Tiệm của người Hoa: 7-9 đôla Australia/giờ

3) Tiệm Hồng Trà Trân Châu (Easyway, Chattime): 7-13 đôla Australia/giờ

4) Tiệm Donut King: 11-14 đôla Australia/giờ

5) Tiệm Mc Donald: 9-13 đôla Australia/giờ (chủ yếu thuê người dưới 21 tuổi)

6) Tiệm KFC: 10-14 đôla Australia/giờ (chủ yếu thuê người dưới 20 tuổi)

7) Tiệm Starbuck: 12-14 đôla Australia/giờ (rất khó để xin vào, vì ai cũng muốn vào làm)

8) Licensed Restaurants: 14-18 đôla Australia/giờ (Phục vụ đồ uống có cồn – cần RSA)

9) Nightclubs (CLB đêm): lương thay đổi tuỳ theo vị trí (Làm việc ở nightclub, thường chỉ làm vào tối thứ sáu, thứ bảy, vì ngày thường ít ai đi chơi ở các CLB đêm này).

  a) Glassy (dọn ly): 15 đôla Australia/giờ

  b) Bartender: 16-22 đôla Australia/giờ tuỳ khả năng.

  c) Office (văn phòng): 17 đôla Australia/giờ

  d) Dancer: 18 đôla Australia/giờ

  e) Lái xe Limosine: 18 đôla Australia/giờ (cần bằng lái Australia)

10) University tutor (trợ giảng): 26 đôla Australia/giờ

11) University Librarian (làm trong thư viện): 21 đôla Australia/giờ

Bạn cần có bằng RSA (viết tắt của Responsible Service of Alcohol) để làm việc ở những nơi có phục vụ rượu bia. Bạn có thể chọn học trong lớp RSA hoặc học qua mạng (chi phí 95 đôla Australia và mất khoảng 1 ngày học). Đăng ký tại hầu hết các trường TAFE (trường dạy nghề).

Sinh viên quốc tế muốn đi làm, phải xin lại working visa (giấy phép làm việc cho SV nước ngoài) khi sang Australia (còn gọi là work permit), xin tại cơ quan Di Trú (DIAC), tốn chi phí 55 đôla Australia (những bạn có visa sau tháng 4 năm 2008 thì không cần xin thêm giấy phép làm việc, vì giấy phép đã được cấp kèm theo visa); và bạn phải đăng ký Mã Số Thuế (Tax File Number_TFN). Trong học kỳ, bạn bị giới hạn làm việc từ 20 giờ trở xuống, ngoài ra vào kỳ nghỉ thì được phép làm toàn thời gian.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn chuẩn bị du học, và những du học sinh Việt Nam đang có ý định tìm việc làm thêm hình dung rõ hơn về thực trạng lương, loại hình việc làm và tránh bị “bóc lột” sức lao động.

(Theo Tuổi Trẻ)

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115