Sinh viên-học sinh Việt Nam cần nâng cao hơn nữa khả năng tự học-kỹ năng mềm
Với bất kì quốc gia nào trên thế giới, thanh niên, học sinh, sinh viên chính là chủ nhân tương lai, là lực lượng nòng cốt để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tại Việt Nam, lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên được các thế hệ cha anh và toàn xã hội đặt nhiều hy vọng vào sự đóng góp của họ. Tuy nhiên thanh niên, sinh viên Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng tự học, tự rèn luyện để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Nhân ngày Truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1), phóng viên VOV ghi lại ý kiến của một số sinh viên chia sẻ kinh nghiệm cũng như những mong muốn của mình trong học tập và rèn luyện.
Thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tích vẻ vang, những nỗ lực vượt bậc của nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên, nhiều thanh niên vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm, như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm…Vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa biết tận dụng thời gian để học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao khả năng tự học. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Bạn Nguyễn Thị Khánh Ly, sinh viên khóa K34, Học viện Báo chí tuyên truyền nhận xét: “Có 1 bộ phận nhỏ sinh viên hiện nay hơi thụ động. Họ chưa chủ động trong việc nắm bắt kiến thức cũng như chủ động ngay trong cơ hội của mình. Việc đi học ở trên lớp hoặc phải do thầy cô đốc thúc, hoặc do gia đình chứ không phải do chính bản thân. Ngoài ra, còn một điểm yếu nữa em nghĩ đó là vấn đề tiếng Anh, đó cũng chính là vấn đề của em cũng như nhiều sinh viên bây giờ gặp phải.”
Theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo, hiện cả nước có trên 2,3 triệu sinh viên đại học, cao đẳng và hàng triệu học sinh phổ thông các cấp. Tuy còn có những hạn chế vừa nêu, song có thể nhận thấy một điểm chung nhất là phần lớn thanh niên, sinh viên, học sinh hiện nay ý thức rõ vai trò của mình trong việc học tập, tiếp thu kiến thức.
Đó cũng là chia sẻ của bạn Đỗ Thị Hải Yến, sinh viên sinh năm thứ 3, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải: “Vai trò của sinh viên hiện nay thì phải học tập thật tốt, tiếp thu những cái mới, những tiến bộ của nước ngoài để áp dụng vào phát triển đất nước. Ngoài việc học tập ở trường, bọn em cũng có những chương trình phát triển tài năng, sáng tạo của sinh viên, như nghiên cứu khoa học để phát triển tài năng, sáng tạo để sau này ứng dụng trong tương lai.”
Không chỉ học tập ở trường, nhiều sinh viên còn chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thêm các kiến thức qua mạng internet, hoặc học tập thêm những kiến thức, kỹ năng mềm.
Theo bạn Đỗ Thị Bích Ngọc, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, yêu cầu về nguồn nhân lực ngày càng cao, nếu sinh viên chỉ có kiến thức nền tảng trong trường học thì sau khi tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm.
Bạn Ngọc cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, thì sinh viên Việt Nam ngoài việc học tập ở trên lớp thì còn phải tích cực và chủ động hơn trong các công tác xã hội và những hoạt động để phát triển kỹ năng mềm của mình và dành nhiều thời gian trau dồi về ngoại ngữ của mình. Bởi vì hiện nay có rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đã không được làm đúng với ngành nghề của mình thì em thấy rất là phí công sức học tập. Ngoài ra còn rất nhiều sinh viên thất nghiệp. Em coi như đấy là động lực để mình cố gắng hơn trong học tập.”
Đồng tình với Đỗ Thị Bích Ngọc, bạn Hoàng Mạnh Cường, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng, muốn có kỹ năng mềm thì sinh viên phải hiểu rõ và không ngừng tự học, tự mình tham gia các hoạt động thực tiễn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm:
Cường nói: “Em thấy học sinh sinh viên bây giờ phải năng động thì mới học được. Phải tham gia nhiều hoạt động kỹ năng mềm và học thêm, còn kiến thức ở trường học thì không đủ ra trường đi làm. Em đang cố gắng học tập những kỹ năng mềm giao tiếp, tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, tham gia vào nhiều hoạt động và các chương trình và nhóm cộng đồng, để tăng khả năng làm việc nhóm”.
TheoVOV