Ông bộ trưởng Australia duyên nợ với Việt Nam

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 01/03/2013. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 3339

“Đã có những tranh cãi về cuộc chiến tranh Việt Nam, dù Australia từng gửi quân trợ giúp đồng minh. Nhưng chúng tôi – đảng Lao động, lúc đó đứng ở phía phản đối một cuộc chiến nhằm vào người dân. Hơn cả, chủ quyền của một quốc gia phải được tôn trọng”.

Điểm nhấn

Thưa Bộ trưởng, ông cảm nhận đâu là điểm nhấn của những đổi thay tích cực lẫn thành quả trong 40 năm quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam?

Chúng ta có thể nhìn thấy những thay đổi, đó là sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam, số người dân thoát nghèo, nền kinh tế hội nhập với thế giới cũng như mức tăng trưởng GDP ổn định mà các bạn đã đạt được. Quan hệ đối tác giữa hai nước trên nền đó đã được tăng cường trên các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, giáo dục, trao đổi các đoàn cấp cao…

Quan hệ nhân dân giữa hai nước cũng được xây đắp, phát triển trên các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, kinh tế… Để củng cố, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác về sáng tạo, nghệ thuật, trao đổi các hoạt động văn hóa… 2013 sẽ là năm chúng tôi chú trọng khai thác kết nối quan hệ ở góc cạnh này. Một loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã được chuẩn bị cho năm kỷ niệm đặc biệt giữa quan hệ hai nước.

Thời kỳ làm Bộ trưởng giáo dục và đào tạo, việc làm, ông đã xúc tiến việc hợp tác trên lĩnh vực này như thế nào, để đến hôm nay nó trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác thành công nhất giữa hai nước?

Năm 1994, tôi có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng giáo dục và đào tạo, việc làm. Khi đó chúng tôi rất trông đợi phát triển quan hệ giáo dục với Việt Nam. Với nhu cầu phát triển kinh tế, mở cửa đất nước, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc xây dựng một trường đại học quốc tế. Và đối tác hợp tác mở trường đại học đầu tiên đó là Australia.

bao6

Australia giúp Việt Nam mở trường đại học quốc tế đầu tiên từ cuối những năm 1990

Trường đại học quốc tế không chỉ nhằm nhu cầu giáo dục thuần túy mà còn quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển tay nghề, phát triển quốc gia. Quả thực không dễ dàng với Chính phủ khi mời một đơn vị giáo dục nước ngoài tham gia thực hiện những mục tiêu về giáo dục và đào tạo cho người dân nước mình.

Nhưng đó là quyết định quan trọng, để không chỉ định hướng phát triển hệ thống giáo dục mà còn mở rộng cho nhiều người dân được tham gia đào tạo, giáo dục. Tôi cũng nghĩ điểm cạnh tranh được Việt Nam cân nhắc đó là Australia có chất lượng xuất khẩu giáo dục tốt, thành công, không đắt đỏ như châu Âu hay những trường nằm trong hệ thống giáo dục đầu bảng của Mỹ… Một trong những lý do nữa mà Việt Nam có sự hợp tác trân trọng với chúng tôi xuất phát từ thiện chí công nhận và thiết lập quan hệ song phương từ sớm với Việt Nam cách đây 40 năm.

Với kinh tế – lĩnh vực lõi của quan hệ, ngoài những cơ chế hợp tác song phương bắt đầu khởi động từ 1990 với hiệp định hợp tác kinh tế thương mại đầu tiên được ký kết, đến nay, hai bên đã bước vào những sân thương mại khu vực lớn hơn. Hiệp định xuyên Thái bình dương (TPP) đang là đích chung, song không thể không kể đến bản FTA giữa Australia và New Zealand ký với ASEAN năm 2009 dưới thời kỳ ông làm Bộ trưởng Thương mại. Việt Nam và Australia chia sẻ lợi ích thế nào từ bản hiệp định thương mại được cho là toàn diện nhất mà khu vực này đàm phán thành công?

Quả thực đó là một bản hiệp định thương mại khu vực rất toàn diện, gồm thương mại về hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, lao động, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế.

Nó cũng thể hiện sự chấp thuận những phát triển khác biệt của các quốc gia ASEAN khi những cam kết, lợi ích không chỉ nhắm theo cơ chế “vùng” mà còn lợi ích cho từng quốc gia. Có những thách thức về môi trường cạnh tranh từ những cơ chế thương mại đa phương như thế này nhưng nó sẽ tạo động lực để các nền kinh tế vận hành năng động.

Tôi cho rằng đây là một FTA quan trọng, làm cho môi trường đầu tư của ASEAN, trong đó có từng nước như Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, là cơ hội để mỗi nền kinh tế củng cố sức mạnh của mình và thu hút FDI. Nền kinh tế theo đó sẽ tăng trưởng nhanh, thị trường trở nên rộng lớn hơn…

Sau FTA, TPP là cơ hội mở rộng hơn nữa cơ chế thương mại đa phương ngoài vùng. Rõ ràng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn hơn nữa, mở cửa hơn nữa môi trường kinh tế. Việc thực hiện các cam kết sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các DN, nhất là DN xuất khẩu. Đồng thời các DN cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu và máy móc giá rẻ của Australia.

Việt Nam trong tầm nhìn

bao7

Theo Bộ trưởng Simon Crean, cộng đồng người Việt rất năng động, có nhiều đóng góp cho Australia

Là Bộ trưởng phát triển vùng và chính quyền địa phương, ông có dịp tiếp xúc với các cộng đồng khác nhau ở Australia. Ông đánh giá thế nào về cộng đồng người Việt Nam?

Cộng đồng người Việt đông đảo, rất năng động trong cuộc sống. Họ có nhiều đóng góp quan trọng, tuyệt vời không chỉ về kinh tế mà cả cho sự đa dạng văn hóa của Australia.

Những hiểu biết của họ về tập quán, văn hóa, về Australia sẽ giúp thiết lập kết nối thương mại giữa hai nước.

Sau 4 thập kỷ thiết lập quan hệ song phương, đánh giá của ông về vị trí của Việt Nam trong tầm nhìn của Australia hiện nay?

Việt Nam có vai trò quan trọng trong tầm nhìn của chúng tôi.

Xuân Linh

(Nguồn: Vietnamnet)

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115