Nước Mỹ: Nhìn lại nền giáo dục

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 03/03/2011. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 5743

“Trẻ em Hoa Kỳ bị tụt hậu”

Không hẳn là như vậy. Bất cứ ai đang tìm dấu hiệu của sự suy giảm của Hoa Kỳ ở đầu thế kỷ 21 dường như chẳng cần nhìn đâu xa ngoài kết quả khảo sát giáo dục quốc tế gần đây nhất. Là một tiêu chuẩn quốc tế được theo dõi nhiều nhất trong lĩnh vực này, Chương Trình Giám Định Học Sinh Quốc Tế (Program for International Student Assessment, PISA) cho thấy học sinh trung học Hoa Kỳ xếp hạng thứ 30 trong số 65 quốc gia về môn toán, hạng thứ 23 về khoa học, và hạng thứ 17 về hiểu biết. Trong khi đó, học sinh Trung Quốc của thành phố Thượng Hải, đứng đầu bảng xếp hạng ở cả ba môn – và đây là lần đầu tiên họ đi thi.

Khi kết quả được loan báo trong tháng Mười Hai năm ngoái, Bộ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ Arne Duncan nói với tờ Washington Post “Đối với tôi, đó là một tiếng chuông báo thức rất to. Có bao giờ chúng ta thoả mãn khi thấy người Hoa Kỳ chỉ đứng trung bình trong bất cứ điều gì? Có phải đó là khát vọng của chúng ta? Mục tiêu của chúng ta tuyệt đối nên là dẫn đầu thế giới về giáo dục.” Những kết quả này đã chứng tỏ một nhận thức là Hoa Kỳ phải đối mặt với “thời điểm Sputnik” như Tổng Thống Barack Obama đã đề cập đến trong bài diễn văn thường niên trước Quốc Hội Hoa kỳ.

Trong thực tế, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đã từng có thời điểm Sputnik này kể từ lúc … có vệ tinh Sputnik. Sáu tháng sau khi Liên Xô phóng vệ tinh làm rung chuyển thế giới vào năm 1957, một bài phóng sự trong tạp chí Life đã cảnh báo người Hoa Kỳ về một “cuộc khủng hoảng trong giáo dục.” Một bài viết có ảnh minh họa đi kèm cho thấy một cậu bé 16 tuổi ở Chicago ngồi qua các lớp học dễ dãi, đi chơi với bạn gái của mình, và tham dự những buổi tập bơi lội, trong khi đối tác của cậu bé ở Moscow – một người muốn trở thành nhà vật lý – đã dành sáu ngày một tuần để làm thí nghiệm hóa học và vật lý lớp cao và nghiên cứu văn học Anh và Nga. Bài học đó rất rõ ràng: Giáo dục là một cuộc thi quốc tế và cũng là một cuộc thi trong đó thua sẽ mang hậu quả thực sự. Mối lo sợ rằng trẻ em Hoa Kỳ đang lẽo đẽo đằng sau trong cuộc thi vẫn còn tồn tại ngay cả khi các đối thủ thi đua đã thay đổi, nhà khoa học hoả tiễn vừa chớm nở người Moscow bị thay thế bằng một kỹ sư tương lai ở Thượng Hải.

Thành tích mới nhất của các thí sinh Hoa Kỳ 15 tuổi này chắc chắn không phải là điều đáng khoe khoang. Nhưng trình độ của học sinh Hoa Kỳ chỉ là nguyên nhân cho hoảng sợ lộ liễu nếu người ta tin tưởng vào giả định rằng thành tích học đường là một cuộc thi tài bù trừ giữa các quốc gia, một cuộc chạy đua vũ trang trí thức trong đó thắng lợi của các quốc gia khác nhất thiết phải là sự mất mát cho Hoa Kỳ. Ngoài cái bản năng cạnh tranh của người Hoa Kỳ, không có lý do nào cho Hoa Kỳ tự đánh giá quá gay gắt khi chỉ thuần túy dựa vào vị trí của họ trong thứ hạng quốc tế. Trong ngôn ngữ tuyệt đối, miễn là học sinh Hoa Kỳ không đi thụt lùi, vị trí tương đối của Hoa Kỳ trong bảng kết quả thi thố toàn cầu ít quan trọng hơn là liệu quốc gia này có cải thiện việc dạy dỗ và học hỏi đủ để xây dựng nguồn nhân lực cần thiết cho họ hay không.

Và qua kết quả này, mặc dù chắc chắn cần sự tiến bộ đáng kể, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ trông không có vẻ thất bại một cách tệ hại như vậy. Trình độ của học sinh Hoa Kỳ về khoa học và toán học đã thực sự cải thiện một cách khiêm tốn kể từ kỳ thi quốc tế lần trước vào năm 2006, nó đã tăng đến mức trung bình về khoa học của các quốc gia đã phát triển trong khi vẫn còn nằm dưới mức trung bình chỉ một chút về môn toán. Điểm về kiến thức của thí sinh Hoa Kỳ, nằm giữa nhóm các quốc gia đã phát triển, hầu như không thay đổi từ kỳ thi tương đương gần đây nhất vào năm 2003. Mong đợi nhiều tiến bộ nhanh hơn có lẽ sẽ là điều không thực tế. Như Stuart Kerachsky, Phó ủy viên của Trung tâm Quốc gia về Thống kê Giáo dục đã nói, “Trong giáo dục, kim đo không di chuyển rất xa và rất nhanh.”

“Hoa Kỳ từng có học sinh thông minh nhất thế giới.”

Không đúng như thế. Ngay cả khi Hoa Kỳ ở đỉnh cao của sự thống trị địa chính trị và sức mạnh kinh tế, học sinh Hoa Kỳ chưa từng bao giờ có vị trí nào gần đầu lớp. Năm 1958, Quốc hội Hoa Kỳ phản ứng lại cuộc phóng vệ tinh Sputnik [của Liên Xô] bằng cách thông qua Đạo Luật Giáo Dục Quốc Phòng để cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên đại học để học toán, khoa học, và ngôn ngữ ngoại quốc, đi kèm với sự chú ý hết sức về việc nâng cao tiêu chuẩn cho những môn này trong các trường học Hoa Kỳ. Nhưng khi có kết quả từ cuộc thi toán học quốc tế lớn đầu tiên vào năm 1967, nỗ lực này dường như không đem lại nhiều khác biệt. Nhật Bản đứng đầu trong 12 quốc gia, trong khi Hoa Kỳ về gần chót.

Cho đến đầu thập niên 1970, trong số các quốc gia công nghiệp, học sinh Hoa Kỳ đã đứng đội sổ 7 trong 19 kỳ thi thành tích học tập và chưa bao giờ đứng đầu hoặc thậm chí thứ nhì trong bất cứ kỳ thi nào. Mười năm sau, “Quốc Gia Nguy Cơ”, một báo cáo quan trọng vào năm 1983 của Ủy Ban Quốc Qia về Chất Lượng trong Giáo Dục, đã trích dẫn thành tích này và các thất bại học vấn khác để ủng hộ lời tuyên bố cứng rắn của họ rằng “nếu một sức mạnh thù địch nước ngoài cố gắng áp đặt trên Hoa Kỳ một thành tích giáo dục tầm thường mà nó đang hiện diện ngày hôm nay, rất có thể là chúng ta xem đó là một hành động gây chiến. “

Mỗi chu kỳ khủng hoảng và tự phạt mới mang theo nó một nhóm nhà cải cách mới quảng bá một giải pháp mới cho những tai ương học đường Hoa Kỳ. Chẳng hạn, một cuốn sách được xuất bản vào năm 1961 của Arthur S. Trace Jr có tựa đề Những Gì Ivan Biết Mà Johnny Không Biết cho rằng học sinh Hoa Kỳ đã bị thụt lùi sau các đồng môn Xô Viết của họ vì họ không học đủ ngữ âm và ngữ vựng. Mối lo ngại ngày nay cũng không khác gì khi các chuyên gia giáo dục từ mọi tầng lớp chính sách lợi dụng thứ hạng toàn cầu tồi tệ của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ để biện hộ cho những ý tưởng yêu thích của họ. J. Michael Shaughnessy, Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Giáo Viên Toán Học cho rằng cuộc thi PISA mới nhất “nhấn mạnh sự cần thiết cho hợp nhất hóa suy luận và sự đào tạo ý thức trong việc giảng dạy toán học của chúng ta.” Randi Weingarten, vị lãnh đạo của Liên Đoàn Giáo Viên Hoa Kỳ quả quyết rằng kết quả đó “cho chúng ta biết … rằng nếu quý vị không đầu tư một cách thông minh vào giáo viên, không tôn trọng họ, hoặc không cho họ liên quan vào việc ra quyết định như các quốc gia hàng hàng đầu thì học sinh là người phải trả giá.”

alt

(Hình: Khuôn viên trường đại học hàng đầu Yale của Mỹ)

Nếu ý thức phi lịch sử của người Mỹ về suy giảm toàn cầu của họ khiến các nhà giáo dục nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo mới, đó là điều tốt đẹp nhất. Nhưng đừng mong đợi bất cứ ai trong họ để đưa đất nước trở lại thời hoàng kim của giáo dục – vì không có.

“Học sinh Trung Quốc giỏi hơn học sinh Mỹ.”

Chỉ đúng phần nào. Các hàng tin to nhất từ kết quả PISA gần đây có liên quan đến thành tích hạng nhất của học sinh Thượng Hải, và các nhà bình luận và hoạch định chính sách Hoa Kỳ không tránh khỏi cám dỗ lập lại câu truyền miệng không thể tránh được “người Trung Quốc đang vượt mặt chúng ta.” Một bài xã luận của báo USA Today viết “Trong khi Thượng Hải xuất hiện ở hạng nhất đã có thể là một cú sốc, thứ hạng tầm thường của Hoa Kỳ không có gì là bất ngờ.”

Năng lực giáo dục của Trung Quốc là có thực. Hổ Mẫu không phải là huyền thoại – Học sinh Trung Quốc tập trung ráo riết vào bài vở của họ, với sự hỗ trợ gia đình mạnh mẽ – nhưng những kết quả cụ thể này không nhất thiết đưa ra bằng chứng thuyết phục cho sự yếu kém của Hoa Kỳ. Thượng Hải là một trường hợp đặc biệt và khó mà đại diện cho cả nước Trung Quốc; thành phố đó là một nam châm thu hút tài năng từ khắp Trung Quốc và được ân hưởng đầu tư rộng rãi của chính phủ trong giáo dục. Ngược lại, kết quả điểm thi của Hoa Kỳ và các quốc gia khác phản ánh trình độ của cả một phần tiêu biểu đại diện cho thanh thiếu niên toàn quốc. Với một đất nước bao la có nội địa nghèo hơn và ít được giáo dục hơn so với các thành phố ven biển, điểm thi của Trung Quốc có thể sẽ giảm đi nếu họ thử một cuộc thi thố tương tự.

Thế các quốc gia hàng đầu lâu năm như Phần Lan và Nam Hàn mà thí sinh của họ đã một lần nữa đậu điểm cao thì sao? Các quốc gia này chắc chắn xứng đáng hưởng tiếng tăm cho các thành tựu giáo dục cao. Trong một số lĩnh vực, ví dụ như tầm quan trọng của tuyển chọn cẩn thận các giáo viên giỏi, họ cũng có thể cung cấp những bài học hữu ích cho Hoa Kỳ. Nhưng các quốc gia này không có vấn nạn nào giống như di dân đến đều đều, chủ yếu là người Châu Mỹ La Tinh có con em đi học trong những trường công cộng ở Hoa Kỳ. Và thật không may, hậu cảnh nhân khẩu về chủng tộc, sắc tộc, và kinh tế xã hội của Hoa Kỳ – những thứ mà Phần Lan hay Nam Hàn không có – tương quan chặt chẽ với sự khác biệt về trình độ chán nản trong giáo dục. Học sinh da trắng gốc Âu Châu và gốc Á Châu ở Hoa Kỳ cũng đạt được trình độ cao trong các kỳ thi quốc tế này như học sinh từ các quốc gia có điểm cao như Canada và Nhật Bản, trong khi thanh thiếu niên gốc La Tinh và Phi Châu – bao gồm hơn một phần ba các học sinh Hoa Kỳ được thử thách – chỉ đạt được số điểm như những học sinh tương ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.

Dĩ nhiên, giải thích không có nghĩa là biện hộ. Hoa Kỳ có bổn phận cung cấp cho tất cả các công dân một nền giáo dục có chất lượng cao; giải quyết khoảng cách về trình độ ở Hoa Kỳ nên là một nhu cầu đạo đức. Nhưng so sánh theo kiểu gây hoang mang với các quốc gia có những thử thách khá khác biệt với những thử thách của Hoa Kỳ thì cũng không giúp được gì. Hoa Kỳ nên lo lắng ít về con cái của họ so sánh làm sao với trẻ em ở Helsinki hơn là làm sao học sinh ở Bronx so vai với các bạn bè cùng lứa của chúng trong Quận Hạt Westchester.

“Hoa Kỳ không còn thu hút được những nhân tài chói sang nhất”

Không đúng. Trong khi người Mỹ lo lắng về trình độ tiểu học và trung học của họ trong nhiều thập niên, họ có thể thoải mái tự an ủi với sự nhận thức là ít nhất không ai sánh kịp với hệ thống giáo dục đại học của họ. Nhưng hôm nay, các nhà lãnh đạo của đại học Hoa Kỳ lo lắng rằng các quốc gia khác đang bắt kịp, trong số những thứ khác, thị trường sinh viên quốc tế, mà đối với họ, Hoa Kỳ từ trước đến giờ là thỏi nam châm lớn nhất thế giới. Các con số dường như kiểm chứng được điều này. Theo thống kê gần đây nhất, phần sinh viên ngoại quốc của Hoa Kỳ đã giảm từ 24 phần trăm vào năm 2000 xuống chỉ còn khoảng dưới 19 phần trăm trong năm 2008. Trong khi đó, các nước như Úc, Canada, và Nhật Bản đã thấy thị phần tăng từ mức độ từ năm 2000 của họ, mặc dù vẫn còn kém xa con số của Hoa Kỳ.

alt

(Hình 2: Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ)

Sự phân bố quốc tế của sinh viên di động rõ ràng là đang thay đổi, nó phản ánh một thị trường giáo dục đại học toàn cầu ngày càng cạnh tranh. Nhưng số sinh viên ngoại quốc hiện nay ở Hoa Kỳ đông hơn cả số sinh viên cách đây một thập niên – 149.000 sinh viên đông hơn trong năm 2008 so với năm 2000, tăng 31 phần trăm. Điều gì đã xảy ra đơn giản chỉ là ngày càng có nhiều sinh viên nói chung đi du học ở ngoài quê hương của họ. Một số 800.000 sinh viên mạo hiểm ra ngoại quốc vào năm 1975, con số này đạt đến 2 triệu vào năm 2000 và tăng vọt lên 3,3 triệu trong năm 2008. Nói một cách khác, Hoa Kỳ có một phần nhỏ hơn của chiếc bánh, nhưng chiếc bánh đã trở nên to lớn hơn nhiều.

Và ngay cả với phần có suy giảm của họ, Hoa Kỳ vẫn còn nắm 9 phần trăm của thị trường nhiều hơn đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ, đó là Anh Quốc. Về hậu đại học quốc tế, các đại học Hoa Kỳ là một hấp lực đặc biệt mạnh mẽ trong các lĩnh vực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh tương lai của nền kinh tế của một quốc gia: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học. Trong những bộ môn như khoa học máy tính và kỹ thuật, hơn 6 trong mỗi 10 sinh viên thạc sĩ trong các chương trình ở Hoa Kỳ đến từ nước ngoài.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không có gì phải lo lắng. Mặc dù đơn ghi danh từ các sinh viên quốc tế vào các trường hậu đại học Hoa Kỳ đã phục hồi từ sự suy giảm nặng nề sau biến cố 9/11 dốc, số sinh viên ngoại quốc đậu bằng thạc sĩ khoa học và kỹ thuật tại các trường đại học Hoa Kỳ gần đây đã giảm lần đầu tiên trong năm năm. Đại học Hoa Kỳ đang đối diện với sự cạnh tranh đang tăng lên từ các trường đại học ở các quốc gia khác, và chính sách thị thực không thân thiện cho lắm của Hoa Kỳ có thể càng thúc đẩy sinh viên ngoại quốc đi học nơi khác. Đó là một mất mát cho Hoa Kỳ, khi nói về những lợi ích cho cả đại học và nền kinh tế của họ để thu hút những nhân tài giỏi nhất và sáng nhất từ khắp nơi trên thế giới.

“Các trường đại học Hoa Kỳ đang bị qua mặt.”

Hượm đã. Không có gì nghi ngờ là các khát vọng nghiên cứu đang gia tăng của các quốc gia mới trổi lên đã làm xói mòn sự thống trị lâu dài của Bắc Mỹ, Liên minh Âu Châu, và Nhật Bản. Theo một tường trình của UNESCO của năm 2010, phần của Á Châu trong ngân quỹ chi tiêu trên thế giới về nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 27 lên 32 phần trăm trong khoảng 2002-2007, dẫn đầu chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, và Nam Hàn. Các trường nổi tiếng về nghiên cứu truyền thống đã thấy giảm trong cùng thời kỳ đó. Từ năm 2002 cho đến năm 2008, theo Chỉ Số Trích Dẫn Khoa Học Thomson Reuters, cơ sở dữ liệu nổi tiếng cho các ấn phẩm về nghiên cứu, tỷ lệ bài viết của Hoa Kỳ giảm thấp hơn tỷ lệ bất kỳ quốc gia nào khác, từ 30,9 xuống còn 27,7 phần trăm. Trong khi đó, số lượng các ấn phẩm của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong cùng chỉ số, cùng với số lượng bài viết khoa học từ Ba Tây, một quốc gia có các viện nghiên cứu mà 20 năm trước không ai biết đến.

Sự thay đổi trong địa lý sản xuất kiến thức này chắc chắn là đáng được chú ý, nhưng như với thị trường nghiên cứu quốc tế, Hoa Kỳ chỉ đại diện một phần nhỏ tương ứng của một chiếc bánh nở rất to. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển [R & D] trên toàn thế giới đã tăng một cách ồ ạt trong thập niên qua, từ 790 tỉ cho đến 1.100 tỉ đô la, 45 phần trăm gia tăng. Và phần có thuyên giảm của Hoa Kỳ trong chi tiêu nghiên cứu toàn cầu vẫn đại diện cho sự gia tăng lành mạnh bằng đồng đô la liên tục, từ 277 tỉ trong 2002 lên đến 373 tỉ đô la trong 2007. Trong cùng thời gian đó, chi tiêu cho nghiên cứu của Hoa Kỳ như là một tỷ lệ phần trăm của GDP đã phù hợp và rất cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đầu tư vào R & D của họ vẫn còn hơn tổng số của tất cả các nước Á Châu hợp lại.

Tương tự, phần thuyên giảm của Mỹ về các bài viết khoa học trên thế giới nghe thì có vẻ tệ theo quan điểm Hoa Kỳ. Nhưng tổng số ấn phẩm được liệt kê trong Chỉ Số Thomson Reuters đã tăng hơn một phần ba từ 2002 cho đến 2008. Ngay cả với vai trò lãnh đạo toàn cầu đang thu nhỏ, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã đăng hơn 46.000 bài báo khoa học trong năm 2008 so với sáu năm trước đó. Và dù sao đi nữa, những khám phá nghiên cứu không còn nằm trong biên giới của quốc gia nơi chúng được tìm ra – kiến thức là một sản phẩm công cộng ít dính líu với biên giới quốc gia. Những khám phá từ các cơ sở nghiên cứu của một quốc gia có thể được tận dụng bởi những nhà sáng tạo ở nơi khác. Các quốc gia không nên thờ ơ với việc gia tăng chia sẻ nghiên cứu của họ vì bước đột phá lớn có thể có tác động tích cực vượt không gian về kinh tế và khoa học. Nhưng họ cũng không nên lo sợ sự gia tăng phát minh tiên tiến ở những nơi khác.

“Thế Giới sẽ đuổi kịp”

Có thể, nhưng đừng nghĩ là nó sắp xảy ra. Và cũng đừng tin là nó có tác động. Không ai nghi ngờ là thị trường khoa bảng toàn cầu ngày càng cạnh tranh hơn bao giờ hết. Các quốc gia từ Trung Quốc và Hàn Quốc cho đến Saudi Arabia đã có một ưu tiên cấp bách xây dựng các đại học có đẳng cấp thế giới hoặc khôi phục lại thời huy hoàng của các học viện một thời tăm tiếng. Và họ đang đầu tư thật nhiều vào việc đó: Trung Quốc chi hàng tỷ đô la để gia tăng số sinh viên và cải thiện cơ sở nghiên cứu ưu tú của họ, trong khi Vua Abdullah của Saudi đã bỏ ra 10 tỉ đô la vào Đại học Khoa Học và Công Nghệ Vua Abdullah mới toanh.

Nhưng Hoa Kỳ không chỉ có một số ít đại học ưu tú như hầu hết các đối thủ cạnh tranh bề ngoài kể trên, họ có nhiều trường nổi tiếng. Một bản tường trình của tổ chức Rand Corp trong năm 2008 cho thấy gần hai phần ba các bài viết được trích dẫn nhiều nhất trong khoa học và công nghệ đến từ Hoa Kỳ, và bảy trong 10 người đoạt Giải Thưởng Nobel làm cho các đại học Mỹ. Và Hoa Kỳ chi tiêu khoảng 2,9 phần trăm GDP cho giáo dục hậu trung học, khoảng gấp đôi tỷ lệ phần trăm chi tiêu của Trung Quốc, Liên Minh Âu Châu, và Nhật Bản trong năm 2006.

alt

(Hình 3: Trường Đại học California, Los Angeles – thường được gọi là UCLA)

Nhưng trong khi thứ hạng trọng tâm của các đại học tăm tiếng Hoa Kỳ khó có thể bị hoàn toàn đảo ngược, nó sẽ dần dần bị lay chuyển trong những thập niên tới. Các quốc gia Á Châu nói riêng đang có tiến bộ đáng kể và cũng có thể tạo nên một số trường đại học giỏi trong nửa thế kỷ tới, nếu không muốn nói sớm hơn. Ví dụ, ở Trung Quốc, các trường như Đại Học Thanh Hoa và Đại Học Bắc Kinh ở Bắc Kinh và Đại Học Fudan và Đại Học Shanghai Jiao Tong ở Thượng Hải có thể đạt được sự nổi tiếng thực sự trên sân khấu thế giới.

Nhưng về lâu dài, vị trí chính xác của các quốc gia trong phân cấp đại học sẽ càng ngày càng ít liên quan khi sự hiểu biết của người Hoa Kỳ về “chúng ta” là ai và “họ” là ai dần dần thay đổi. Mức độ di động của sinh viên và ban giảng huấn chưa từng có trong lịch sử đã trở thành một đặc tính xác định giáo dục đại học toàn cầu. Hợp tác khoa học xuyên biên giới, được đo bằng số lượng bài viết bởi đồng tác giả từ các quốc gia khác nhau, đã tăng gấp đôi trong hai thập niên. Những quốc gia như Tân Gia Ba và Saudi Arabia đang bắt đầu một nền văn hóa học tập xuất sắc tại các đại học của họ qua thiết lập quan hệ đối tác với các đại học ưu tú Tây Phương như Duke, MIT, Stanford, và Yale.

Khái niệm một trường đại học thực sự phải được kết nối đến một địa điểm cụ thể như thế nào cũng đang được xem xét lại. Dù thừa nhận có những kết quả lẫn lộn, các đại học Âu Mỹ, từ Texas A & M cho đến Sorbonne, đã thu hút được nhiều sự chú ý bằng cách tạo ra khoảng 160 chi nhánh ở Á Châu và Trung Đông, một số được khai trương trong thập niên qua. Đại Học New York gần đây đã đi một bước xa hơn bằng cách mở một khuôn viên cho toàn ban nhân văn ở Abu Dhabi, một phần của những gì mà Viện Trưởng John Sexton hình dung như là một “mạng lưới đại học toàn cầu.” Như Phó Viện Trưởng Nigel Thrift của Đại Học Warwick gợi ý, một ngày nào đó, chúng ta có thể thấy sự sát nhập hoàn toàn giữa các đại học – và có lẽ cuối cùng nó sẽ là đại học tương đương với các tập đoàn đa quốc gia.

Trong thời đại toàn cầu hóa giáo dục sắp đến, chẳng ai để ý đến báo động Sputnik của thời Chiến Tranh Lạnh, sự hoảng sợ Thượng Hải của ngày nay, và các diễn tiến không tránh khỏi đang ẩn hiện từ phía chân trời. Cuộc đua giáo dục quốc tế mà người ta nên thắng là một cuộc đua phát triển khả năng trí tuệ mà Hoa Kỳ và mọi người khác cần phải có để đáp ứng những thách thức ghê gớm của thế kỷ 21 – và người nào đến đích đầu tiên sẽ không quan trọng như chúng ta từng lo sợ.

Ben Wildavsky, Giáo sư cao cấp về nghiên cứu – chính sách thuộc Kauffman Foundation

(Theo X-cafe)

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115