Những lưu ý giúp đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia
Nên điều chỉnh cơ cấu đề thi
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định, đề thi năm nay tăng thêm câu hỏi khó. Đề năm ngoái hơi dễ, phổ điểm 7 và 8 quá nhiều. Nhiều thí sinh đạt điểm 22 khiến trường khó xét trúng tuyển.
Đồng ý quan điểm này, thầy Dương Văn Cẩn, giáo viên Vật Lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, cơ cấu đề thi năm 2016 nên thay đổi theo hướng 40% câu dễ và 60% câu khó.
Thầy Cẩn nêu vấn đề: “Ở môn thi Vật lý THPT quốc gia 2015, cả nước chỉ có 1 học sinh được điểm 10, quá nhiều học sinh trên 6 điểm. Phổ điểm để cạnh tranh vào đại học chỉ còn từ điểm 7 đến điểm 9. Phổ hẹp như vậy sẽ làm tăng tính may rủi, khó phân loại thí sinh”.
GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi cũng cho rằng, cần phân hóa tốt hơn, mở rộng phổ điểm xét tuyển đại học, tránh trùng điểm, các trường khó tuyển sinh.
Rút kinh nghiệm từ đề thi THPT 2015
Với môn Toán, thầy giáo Lê Bá Trần Phương phân tích: “60% số câu hỏi dễ giúp thí sinh có nhiều cơ hội lấy điểm. Tuy nhiên, các em phải nắm vững kiến thức cơ bản để giành điểm tối đa phần này”.
Để không mất điểm ở phần câu hỏi dễ, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Về nội dung kiến thức, các câu hỏi trong đề thi vẫn là những dạng bài quen thuộc. Giải các câu hỏi này, ngoài kiến thức cơ bản, thí sinh phải biết phối hợp các kỹ năng, phương pháp với nhau.
Ví dụ, thí sinh phải biết kết hợp kỹ năng giải phương trình với nhân liên hợp và phương pháp hàm số (câu số 9 đề thi THPT 2015).
Trong đề thi Vật lý THPT quốc gia vừa qua, số lượng câu hỏi về đời sống và thực tiễn đã tăng lên. Ví dụ: Câu hỏi xác định điện áp của mạng điện dân dụng Việt Nam, ứng dụng của sóng điện từ của trạm phát ở Trường Sa… Những câu hỏi này không quá khó, trong quá trình học, thí sinh cần liên hệ thực tiễn là có thể xử lý được.
Bên cạnh đó, đề thi xuất hiện nhóm câu hỏi mang tính vận dụng cao hơn, như bài toán đọc dữ kiện liên quan đến đồ thị. Để xử lý dạng bài này, thí sinh cần rèn luyện các bài toán về đồ thị và hiểu bản chất hiện tượng.
Trước đây, kiến thức trong đề thi Vật lý tập trung ở lớp 12, nhưng vài năm gần đây, đề thi đã hỏi cả kiến thức lớp 10, 11. Ví dụ, trong đề thi 2015 có nhiều câu hỏi cần dùng kiến thức về chuyển động biến đổi đều trong chương trình lớp 10.
Ở môn Hóa học, đề thi có nhiều thay đổi về bố cục câu hỏi và dung lượng kiến thức. Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, người có nhiều bài giảng online về môn này, số lượng câu hỏi dễ trong đề thi đã tăng lên, đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp thí sinh thuận lợi về tâm lý khi làm bài. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến sự chủ quan và mất tập trung với những câu hỏi khó ở cuối.
Thầy Ngọc nêu ra một số điểm mới của đề thi Hóa học năm 2015: Số lượng câu hỏi dễ nhiều hơn; Kiến thức tập trung ở lớp 12 thay vì trải đều cả 3 năm phổ thông; Câu hỏi khó tập trung ở lớp 12; Thêm nhiều câu hỏi tương ứng các chất trong đời sống.
Môn Ngữ văn, tiến sĩ Phạm Hữu Cường lưu ý một số vấn đề khi làm bài. Năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi năm 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu “2 trong 1″.
Ngoài ra, do đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề thi cũng có một số thay đổi so với những năm trước đó.
Theo tiến sĩ Cường, đề thi THPT quốc gia 2015 tăng nhiều câu hỏi về thời sự và đời sống xã hội, tập trung phần đọc hiểu văn bản và nghị luận xã hội.
Ở phần đọc hiểu, thay cho yêu cầu tái hiện, đề thi kiểm tra mức độ kiến thức của thí sinh: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Câu nghị luận văn học ở phần làm văn được rút từ 5 điểm xuống còn 4 điểm.
Giảng viên môn Ngữ văn này cũng lưu ý thí sinh để giành điểm tối đa phần đọc hiểu: Nắm vững kỹ năng đọc hiểu văn bản; Nắm vững kiến thức tiếng Việt và tập làm văn; Trả lời trực tiếp đề bài theo tiêu chí đúng, đủ, ngắn gọn.
Học sinh có thể tham khảo cách phân bố thời gian làm bài hợp lý: Phần đọc hiểu: 30 – 40 phút; Phần nghị luận xã hội: 50 – 60 phút; Phần nghị luận văn học: 80 – 90 phút.
Theo cô giáo Nguyệt Ca, giáo viên dạy tiếng Anh, đề thi môn này ở mức trung bình, khó hơn đề thi tốt nghiệp và dễ hơn khá nhiều so với đề thi đại học hàng năm. Phần câu dễ của đề bám khá sát kiến thức SGK. Các câu khó cũng không quá “đánh đố” mà chủ yếu rơi vào phần kiểm tra kĩ năng đọc hiểu. Một số phần kiến thức mà học sinh sợ như thành ngữ, cụm động từ, cụm giới từ… cũng đều rơi vào các cụm từ quen thuộc, hoặc có một số từ xung quanh để đoán nghĩa.
Phổ điểm học sinh có thể đạt: khoảng 30% số câu rất dễ, rơi vào các điểm ngữ pháp – từ vựng quen thuộc để học sinh học lực yếu – trung bình có thể dễ dàng đạt được. Số câu trung bình chiếm khoảng 40% và mức khó chủ yếu rơi vào dạng bài đọc hiểu (2 bài) và một số câu trong phần viết lại câu.
Trong đề có 2 câu nhắc đến bệnh dịch MERS và “kình ngư” Ánh Viên, đều là các sự kiện vừa xảy ra trong vòng 1 tháng gần kỳ thi. Phần đọc hiểu cũng là các vấn đề đang nóng bỏng của thế giới nói chung, giúp học sinh bổ sung thêm kiến thức xã hội.
Đánh giá về đề thi môn Sinh học 2015, nhiều giáo viên và thí sinh cho rằng đề dài và khó hơn đề thi mọi năm, đồng thời cũng khó hơn đề minh họa. Thầy Bùi Hữu Bến, giáo viên dạy môn Sinh học trường THPT Nam Đông Quan (Thái Bình) nhận định: Về cơ bản, đề môn Sinh học năm 2015 dài, độ khó cao hơn hẳn so với đề thi các năm trước đó. Học sinh trung bình khá chỉ có khả năng làm được khoảng 20 – 25 câu, các câu còn lại yêu cầu tư duy cao.
Phần lý thuyết chỉ có một vài câu dễ, một số câu dài và khó. Phần bài tập, tỷ lệ câu hỏi về dạng đếm câu đúng sai nhiều hơn hẳn so với đề thi đại học những năm trước. Dạng bài này đưa ra rất nhiều dữ kiện, đòi hỏi thí sinh phải đếm và nhận định được có bao nhiêu câu đúng sai. Chỉ cần nhầm lẫn một câu, bài tập đó coi như không có điểm. Ngoài ra, có thêm phần câu hỏi liên quan kiến thức thực hành.
(Source: Zing.vn)