Nguyễn Ngọc Tư: Sách cũ. Và người

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 06/06/2010. Đăng trong Giải trí. Lượt xem : 4694

(Minh họa: Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của ‘Cánh đồng bất tận’ và nhiều truyện ngắn khác mà mình rất thích)

Mùa thu 1998, Thương tặng cháu Nguyễn…
Hà Nội, Bản tặng Nguyễn…
Láng Trung, gửi Nguyễn chút vu vơ thơ đầu tay…

Tôi gặp lại những lời đề tặng này khi chuyển tủ sách từ cơ quan về nhà. Chúng khiến cho công việc tưởng như đơn giản chỉ là bỏ sách vào mấy cái bao và chất những cái bao ấy lên một chiếc xe lôi trở nên không đơn giản. Việc tưởng một ngày dài ra cả tháng. Tưởng vẫn đang đứng với đống sách bụi bặm lấm lem hóa ra mình quay lại những nơi rất xa.

Hội trường với những khoảng hành lang dài. Nhà khách với phòng ăn, và gian sảnh rộng. Hay trên những chuyến xe bus đưa đám đại biểu văn nhân qua lại hai nơi đó. Có người lụi hụi đặt cuốn sách trên đùi, nguệch ngoạc ký tặng và trao cho tôi. Mười năm, tôi vẫn nhớ bó nắng chiều chiếu xiên qua gương mặt lung linh vẻ tự hào pha chút bẻn lẻn, hồ hởi pha chút ngập ngừng, rạng rỡ lẫn chút bùi ngùi…

Mười năm, ký ức gương mặt người bị phủ sương mù, nếu có ảnh tác giả ở bìa thì cảm giác quen cũng mờ nhạt, nhưng những cảm xúc của bạn khi tặng sách thì tôi vẫn nhớ. Như một nỗi ám ảnh. Sao mà họ giống nhau đến kỳ lạ ở cái hồn nhiên lại hơi run rẩy, thanh thản mà cũng lúng túng… Tôi nhớ cả cái cách mình ấp úng nhận chúng (mà không có gì cho đi), lật vài trang vờ như lơ đãng, cố cho những ngón tay trôi qua nhanh những trang đầu, với vài dòng lẻ loi, “Tri ân người vợ thương khó đã giúp tôi hoàn thành tập thơ này”, hay “Cảm ơn Hội cựu chiến binh, Chi bộ xã X đã nhiệt tình ủng hộ cuốn sách…”. Cảm giác ngậm ngùi lan ra từng chân tóc, và cái âm thanh vỡ ra của ảo tưởng về nghề bắt đầu rập rờn trên sống lưng, không đợi đến trang cuối cùng, ở những dòng cuối cùng, “in 500 (hay 300) cuốn…”.

Ngồi giũ bụi mớ sách cũ, thấy nỗi ngậm ngùi cũ rơi ra, những bạn bè chung chuyến xe, chung phòng nghỉ, hay cùng một bàn ăn khi đó giờ thỉnh thoảng lại gặp trên những tờ tạp chí. Biết họ đang lần đi tới cùng mình, lòng cũng bớt hoang mang. Nhưng có quá nhiều cái tên lâu rồi không thấy lại, tự hỏi họ đi đâu về đâu ?! Họ đã bình an từ bỏ văn chương thơ phú mịt mù, chuyên chú làm thầy giáo, kỹ sư, giám đốc, thợ ảnh, thợ cấy… hay vẫn còn lụi hụi, cặm cụi đi trên con đường bất tận đó, xiêu vẹo xơ rơ vì bị niềm đam mê vắt kiệt từng ý nghĩ, từng hơi thở ?! Những tiểu thuyết, bài thơ đã là giấc mơ quá vãng hay vẫn còn sức mạnh ma mị níu chân ai ?! Người vợ của thi nhân còn gánh rau ra chợ bán để dành dụm tiền in sách cho chồng ?

Không có tiếng vọng nào. Chỉ tôi đứng trước tủ sách – gia tài của mình, đặt những câu hỏi vu vơ và ngơ ngẩn. Tần ngần giở ra, tần ngần đọc lại, tần ngần nghĩ ngợi. Một mình với sách, mà không có cảm giác trống. Có quá nhiều câu chuyện nằm ngoài câu chuyện mà cuốn sách chuyển tải. Của một tối cô bạn cùng phòng lí nhí hỏi, “Ba lô Nguyễn còn chỗ không, mình muốn… tặng bạn cuốn sách mới in…”. Của buổi trưa chộn rộn trong nhà ăn, người tặng sách đã làm rơi sách vào nồi canh, một góc giấy giờ vẫn còn ố loang. Của sáng trời mưa xiên vào sảnh, bạn viết lời đề tặng đến đâu nước làm nhòe lâm thâm đến đó. Của chuyến xe bus lượn qua góc đường, đến nỗi chữ ký đổ tháo chảy dài ra. Của những bưu kiện dán chi chít tem, kín bưng trong mấy lớp giấy gói phẳng phiu.

Sách không phải của bạn bè viết, không đề tặng cũng cất tiếng rầm rì. Mấy cuốn này là của Ng, chắc thấy tôi viết quê òm nên gởi hàng loạt sách Tây, có cuốn hiện đại đến mức đọc tới lần ba vẫn chưa hiểu (bạn ngạo lắm nên sách bạn chọn cũng ngạo). Mấy cuốn này là của Nh, theo như bạn nói thì sách có mùi… nhang khói, bạn toàn đi… xin để tặng lại tôi, chủ đề loạn xà ngầu, “nghe nói đói sách mà, thôi, có gì dùng nấy đi…”. Mấy cuốn này thì lục lọi tủ sách nhà K, bỏ vào túi xách rồi mới kêu bạn tặng, cho… chắc ăn (ai nỡ lòng đòi lại). Hay những cuốn sách văn học cổ điển của anh Th mà đôi lần anh phải đưa sách (cùng người) ra tận bến xe vì chúng quá chừng… nặng.

Lúc đó, tôi không nghĩ cái cười xòa hồn nhiên của anh, chiếc xe xùng xèng của anh (hay lời đề tặng, gương mặt, khung cảnh, giọng nói, thời tiết… diễn ra khi những cuốn sách được trao từ tay này qua tay khác) làm cho những cuốn sách đó nặng thêm, dày thêm. Chúng đã sống, đã gợi nhiều cảm xúc trước khi tôi lần giở những trang đầu tiên, những dòng chữ đầu tiên. Nhiều lúc, cầm chúng trên tay, nghe trĩu, nghe mình ngưng lại, nghe thời gian nhợt nhạt, chậm chạp đi qua. Nghe mấy đồng nghiệp thò đầu vào cái phòng không thể lộn xộn hơn, nắc nỏm, trời ơi, sách nhiều lắm sao mà thấy lui cui lâu vậy ?

Dạ. sách nhiều. Nhưng nhớ tào lao còn nhiều hơn. Ngay khi không còn cuốn sách nào còn lại ở phòng này, tôi sẽ về nhà và… nhớ tiếp. Ngay khi nằm đọc một cuốn sách khá đẹp có lịch sử ráo hoảnh, đơn điệu là tôi tự đi mua, trời không nắng không mưa, không có chữ ký hay vếc xước nào trên giấy thì vẫn có vài niềm nhớ bâng quơ.

Thí dụ như nhớ những cuốn sách đầu tiên tôi đã đọc, nặng và dày, giấy thì đen, mực lem nhem. Mỗi khi sang trang thấy chữ như phai đi, giấy sắp rã ra rồi, mắc xót. Lâu lâu kiếm được mấy cuốn sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng, “gặm” thiệt sướng, tới bây giờ vẫn nhớ “Những ngọn cờ trên tháp”, “Ti – mua và đồng đội”…

Thí dụ như nhớ chỗ đọc sách đầu tiên. Tối và vắt vẻo trên cao. Người cậu bà con xa kê những cây đòn tay cũ thành một cái gác nhỏ chứa sách. Tôi đã từng ở trên đó từ sáng tới chiều, mặc kệ ai đi qua đi lại bên dưới. Có bữa qua nhà cậu, tôi trèo ven vách lên, đọc miết, đến lúc tụt xuống ra về chẳng ai hay biết. Chủ nhân của mớ sách và “căn gác” không cầu thang đó bây giờ đi rất xa trên quan trường.

Mỗi khi nhớ người, tôi vẫn nghĩ đó sẽ là một ông quan tốt, vì những cuốn sách mà ông đã đọc và chia sẻ cho tôi từ thuở thiếu thời.

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115