Nghe nhạc Mozart làm cho trẻ thông minh hơn?
Từ lâu nay, rất nhiều người tin rằng nghe nhạc cổ điển sẽ giúp các em bé trở nên thông minh hơn. Khái niệm này đã được phổ biến rộng rãi và nước Mỹ thậm chí phân phát miễn phí các đĩa nhạc cổ điển cho các em bé sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều học giả vẫn còn hoài nghi về khái niệm này, một giả thuyết xuất phát từ một nghiên cứu đánh giá khả năng tranh luận chứ không phải trí thông minh tổng thể.
Một nghiên cứu mới đây của Úc phát hiện thấy hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh ‘hiệu ứng nhạc Mozart’.
Giả thuyết cho rằng nhạc Mozart có tác dụng làm tăng trí thông minh ở trẻ em xuất hiện năm 1993 khi một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí ‘Nature’ phát hiện thấy thanh thiếu niên thực hiện một số bài kiểm tra tốt hơn sau khi nghe một bản nhạc của Mozart: Bản Sonata dành cho hai đàn piano cung Đô trưởng. Đây là một nghiên cứu nhỏ với sự tham gia của chỉ 36 sinh viên và thiếu niên, không phải là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu này có ảnh hưởng khá sâu rộng.
Bằng cách nào đó, kết quả nghiên cứu trở thành quan niệm của một số người: họ cho rằng nhạc Mozart làm cho trẻ em thông minh hơn. Thông tin này được các nhà tiếp thị nhanh chóng nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của các bậc cha mẹ.
Một cuộc nghiên cứu do Úc thực hiện mới đây phủ nhận hiệu quả của nhạc Mozart. Trên thực tế, phát hiện của nghiên cứu này là hoàn toàn trái ngược.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho rằng việc cho trẻ nhỏ nghe nhạc Mozart là một ý tưởng hay. Chỉ có điều thể loại âm nhạc này không có tác động lâu dài tới trí thông minh của trẻ. Một số bà mẹ cho biết họ đã hiểu điều này.
“Tôi đã cho các con tôi nghe nhạc cổ điển và nhạc rock-n-roll từ lúc còn trong bụng mẹ và trong những năm đầu đời. Hiện giờ, chúng tôi vẫn thường nghe nhạc ở nhà. Tôi nghĩ rằng nói chung âm nhạc rất có ích”, một bà mẹ chia sẻ. “Tuy nhiên, tôi không hề biết rằng âm nhạc làm tăng trí thông minh của trẻ. Tôi nghĩ rằng việc nghe nhạc chỉ giúp bọn trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Âm nhạc là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Mặc dù vậy, tôi không chắc liệu âm nhạc có làm bọn trẻ thông minh hơn không.”
Bà Patricia Rosas, một bà mẹ làm việc 17 năm tại một trung tâm chăm sóc trẻ em, cũng tán đồng với ý kiến trên.
“Tôi thường bật nhạc nhẹ khi chúng tôi làm một việc gì đó liên quan đến nhận thức như giải câu đố hoặc viết lách. Nhạc nhẹ làm nền khiến cho bọn trẻ nhẹ nhàng và bình tĩnh hơn”, bà Rosas cho biết. “Tuy nhiên, ADN và tính cách của trẻ là những yếu tố thuộc về tư chất và đứa trẻ phát triển phụ thuộc vào những yếu tố này. Một số trẻ năng động hơn những đứa trẻ khác. Khi được bốn tuổi, bé gái thường có khả năng tập trung lâu hơn bé trai. Tuổi cũng là một yếu tố quyết định nhưng yếu tố âm nhạc không làm cho trẻ thông minh hơn.”
Bà Patricia Rosas cho biết bà thường bật nhạc cổ điển cho các con nghe vì bà thích loại nhạc này. Mặc dù vậy, các con trai bà vẫn gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ. Bà Patricia Rosas cho rằng tính cách và lối sống có ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của đứa trẻ.
Ông Jakob Pietschnig từ Đại học Vienna, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết âm nhạc có tác dụng nâng cao các chức năng nhận thức trong thời gian ngắn bởi âm nhạc giúp cho não năng động hơn và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
“Đó là sự khác biệt giữa việc khả năng nhận thức có được kích thích hay không. Đó là một phát hiện trong cuộc sống hàng ngày. Bạn sẽ gặp điều này trong mọi tình huống của cuộc sống. Bạn sẽ cảm thấy chán nản hoặc không. Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ khả năng nâng cao nhận thức lâu dài của âm nhạc”, ông Jakob Pietschnig nhận định.
Cũng theo ông Jakob Pietschnig, nhiều người đã vững tin vào khái niệm cho rằng âm nhạc có tác dụng tăng cường trí thông minh bởi dường như đó là tin tức tốt lành.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người tin vào giả thuyết này trong thời gian dài bởi vì trên thực tế đó là điều khá tuyệt vời để mọi người tin tưởng”, ông Jakob Pietschnig nói. “Về cơ bản, tôi nghĩ rằng mọi người muốn tin rằng chỉ cần nghe nhạc cổ điển thì đứa trẻ sẽ trở nên thông minh hơn hoặc con người có khả năng làm việc hiệu quả hơn. Đó là điều nhiều người muốn tin và đó chính là lý do khiến giả thuyết tưởng tượng này tồn tại trong một thời gian dài như vậy.”
Ông Jakob Pietschnig cho rằng âm nhạc, đặc biệt là nhạc Mozart, là thể loại âm nhạc mà trẻ em nên nghe. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ không nên kỳ vọng quá cao về tác dụng của âm nhạc.
“Nhạc của Mozart thực sự hay và nhạc cổ điển nói chung rất hấp dẫn. Mọi người không nên ngừng nghe nhạc chỉ vì nó không thể nâng cao khả năng nhận thức. Tôi cho rằng mọi người nên nghe nhạc nhưng không nên kỳ vọng rằng mình có thể trở nên thông minh hơn nhờ âm nhạc”, ông Jakob Pietschnig đưa ra lời khuyên.
Theo Bayvut