Ngành tóc và nấu ăn chưa mất hết cơ hội
Từ ngày 1/7/2010, những thay đổi trong chương trình nhập cư vào Úc theo diện tay nghề sẽ chính thức có hiệu lực với một danh sách được cắt giảm đi 220 nghề. Chính phủ Úc khẳng định đây không phải là một động thái nhằm cắt giảm số người nhập cư, tuy nhiên nó đảm bảo những người nhập cư đáp ứng được nhu cầu lao động tại đất nước này.
Đáng chú ý là nghề làm tóc và nấu ăn sẽ không còn là những nghề được đăng ký xin thường trú tại Úc. Có nhiều phản ứng trái chiều từ những người làm việc trong các nghành nghề bị cắt giảm trước những thay đổi trên. Trong khi đó các cơ sở giáo dục khẳng định số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học liên quan đến các ngành nghề trên đã giảm đi trông thấy.
Jay, một thợ làm tóc đến từ Hàn Quốc đang làm việc tại Melbourne nói: “Tôi sang Úc đã được ba năm và muốn trở thành một thợ làm tóc. Tôi nghĩ đúng là có một số người sang đây chỉ vì mục đích lấy được thị thực thường trú tại Úc, còn những người như tôi thực sự chỉ mong muốn được trở thành thợ làm tóc ở đây mà thôi.”
Trong năm 2007-2008, chính phủ Úc đã cấp 41 nghìn visa nhập cư theo diện tay nghề. Trong số đó, hơn 5.000 visa được cấp cho những người làm việc trong ngành làm tóc và nấu ăn… giống như Jay đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, danh sách các ngành nghề được ưu tiên nhập cư đã bị cắt giảm từ 400 nghề xuống chỉ còn 180 nghề. Kỹ sư quang tuyến, nha sĩ, kỹ sư hóa học cũng như thợ mộc, thợ sửa khóa, thợ cắt tóc, thợ nấu ăn và 218 ngành nghề khác đều đã bị loại khỏi danh sách. Lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất dường như là lĩnh vực giáo dục.
Ảnh hưởng tới việc kinh doanh giáo dục
Theo ông Ian Wilson, Giám đốc Điều hành Học viện Đào tạo ngành Khách sạn Hostec International, thì học viện này bắt đầu nhận sinh viên quốc tế từ hai năm nay. Năm vừa qua, học viện đã tiếp nhận được 700 sinh viên và dự định kỳ tiếp theo sẽ tuyển 350 sinh viên cho chương trình đào tạo nghề nấu ăn.
Tuy nhiên, Học viện Hostec đã buộc phải đóng cửa hai cơ sở vì học viên không còn mặn mà với ngành nghề đào tạo của trường. Đó không phải là một trường hợp cá biệt. Từ khi có danh sách các ngành nghề được ưu tiên nhập cư mới, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký theo học các lớp học làm tóc và nấu ăn sụt giảm thê thảm. Khắp nước Úc, các cơ sở giáo dục buộc phải cắt giảm nhân viên, trong đó một số học viện vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn sinh viên quốc tế đã buộc phải tuyên bố phá sản và đóng cửa.
Andrew Smith, Giám đốc Điều hành Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Tư thục Úc cho rằng sự thay đổi trong danh mục ngành nghề thiếu hụt lao động tại Úc có thể phá hủy cả nền giáo dục của nước này. “Chắc chắn là sự lựa chọn của sinh viên chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác nhau và tất nhiên trong thâm tâm một số sinh viên nước ngoài thị thực thường trú cũng là một trong số các yếu tố ấy,” ông Smith đánh giá.
Trước khả năng nền giáo dục Úc sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách này ông Smith khẳng định một số cơ sở giáo dục tư thục đã phải hứng chịu hậu quả, họ buộc phải sa thải nhân viên và đang đau đầu với việc làm sao có thể tồn tại. Ước tính trong 18 tháng tới tác động từ việc thay đổi chính sách này sẽ khiến khoảng 33 nghìn công dân Úc mất việc, nước Úc sẽ thất thu khoảng 3,8 tỷ đô-la nếu tình trạng này còn tiếp diễn.
Lao động có tay nghề vẫn có thể nhập cư
Tuy nhiên, một số cơ sở hoạt động trong các ngành nghề bị cắt giảm lại hoan nghênh những thay đổi mới này. Nhiều người như bà Mirella Heuperman, Giám đốc phụ trách hoạt động của Học viện Thiết kế tạo mẫu Tóc Biba ở Melbourne cho rằng mặc dù thực trạng thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề ở cả ngành tóc và nấu ăn là hoàn toàn có thật nhưng chương trình nhập cư theo diện tay nghề sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể trong tình hình này. Bà Heuperman thừa nhận kế hoạch mới chưa thực hoàn hảo nhưng đó là một bước tiến bộ rõ ràng. “Tôi biết nhiều người sang Úc với mong muốn phát triển kỹ năng nghề nghiệp nhưng cũng để lấy được thị thực thường trú tại Úc. Và không ít cơ sở đào tạo hứa hẹn rằng nếu sinh viên học tại trường mình thì họ chắc chắn sẽ được thường trú tại Úc. Xét trên phương diện kinh tế, việc thay đổi chính sách này có lẽ chưa phải là tốt nhưng trên khía cạnh ngành nghề thì đây là một quyết định rất sáng suốt bởi lẽ không ít sinh viên quốc tế sang Úc học tập, một khi lấy được bằng cấp và được phép thường trú thì họ lại không tiếp tục theo nghề làm tóc nữa,” bà Heuperman lý giải.
Quy định mới thực chất sẽ tạo thuận lợi cho những người chủ đứng ra bảo lãnh cho lao động nhập cư nhưng sẽ khắt khe hơn đối với những sinh viên quốc tế muốn nhập cư vào Úc.
(theo Bayvut)