Mèo, chuột và ngoại ngữ
Có câu chuyện ngụ ngôn kể về lũ chuột biết mèo đang rình nên cứ nằm im không chịu ra khỏi hang. Mèo nghĩ ra kế, rướn cổ rồi sủa: “Gâu…gâu”. Cho rằng mèo đã bị chó đuổi đi nên lũ chuột kéo ra kiếm ăn. Mèo lập tức vồ lấy một chú. Vừa ăn, mèo vừa gật gù tâm đắc: “Biết ngoại ngữ có hơn”!
Chính khách và ngoại ngữ
Câu chuyện ngụ ngôn trên hóa ra có nhiều trong đời thực. Trong thế chiến 2, nhiều người lính Nga bị bắt làm tù binh đã thoát lưỡi hái tử thần vì họ biết tiếng Đức. Thời nay, các chính khách thạo vài thứ tiếng, đôi khi có những cú “vồ” ngoạn mục.
Hơn hai năm trước đây (7-8-2007), Thủ tướng Australia, John Howard, vừa kết thúc diễn văn chào mừng ông Hồ Cẩm Đào trong một bữa tiệc chiêu đãi nhân hội nghị APEC thì ông Kevin Rudd đứng lên chào bằng tiếng Trung, không phải một câu mà phát biểu mấy phút liền. Khi đó ông Rudd thuộc Đảng Lao động đang tranh cử với Đảng Tự do Australia của đương kim Thủ tướng Howard.
Một chính khách trẻ trung, mắt xanh mũi lõ, nói tiếng Trung lầu lầu, mới nghe cứ tưởng giọng của Giang Trạch Dân, đã gây ấn tượng rất mạnh cho tất cả khách đến dự. Thấy mông mình đang nóng trên ghế, John Howard hiểu đảng của mình dễ mất chiếc ghế Thủ tướng chỉ vì đối phương biết “nỉ hảo”(!)
(Minh họa: Thủ tướng Úc Kevein Rudd trong buổi gặp các chính khách người Hoa)
Đương nhiên, không phải do thạo ngoại ngữ mà Kevin Rudd đã thắng cử sau đó 4 tháng khi ông đúng 50 tuổi, nhưng riêng việc biết tiếng Trung- ngôn ngữ của một nước đông dân nhất thế giới, và rất khó học với người phương tây đã giúp ông Rudd nhiều lợi thế, nhất là trong mắt các cử tri có học vấn.
Và đương nhiên, một nguyên thủ nói tiếng nước ngoài “như gió”, hẳn nền giáo dục đất nước ấy nói chung, việc dạy và học ngoại ngữ nói riêng trong nhà trường cũng không thể dở.
Ngoại ngữ: An ninh và sự phát triển của quốc gia
Một thời Anh, Pháp, Mỹ làm mưa gió trên thế giới nên nhiều người phải học thêm những ngoại ngữ này. Khối Đông Âu và cả Việt Nam ta khi theo Liên Xô thì phải biết tiếng Nga. Xứ Mặt trời mọc giỏi, mình cũng nên học tiếng Nhật.
Ngày nay Trung Quốc đang trở thành cường quốc, đang gia tăng sức mạnh trong khu vực và trên thế giới. Chính khách nào hiểu văn hóa, lịch sử Trung Hoa và nếu biết tiếng Trung sẽ giúp xử lý những bất đồng dễ dàng hơn, đôi khi đạt được thế thượng phong trong ngoại giao.
Vụ việc gần đây liên quan đến công ty Rio-Tinto thuộc Australia bị phía Trung Quốc cáo buộc vài nhân viên cao cấp Australia làm “gián điệp”. Lý do đứng sau vụ việc này dường như do công ty Rio-Tinto đã hủy bỏ hợp đồng 19,5 tỷ đô la với công ty khai khoáng Chinalco làm người Trung Quốc không hài lòng.
Do thông thạo tiếng Trung, ông Kevin Rudd dùng lời lẽ nhẹ nhàng “kiểu Hoa” nhưng động thái dứt khoát “kiểu Tây” rằng, việc bắt giữ như thế sẽ làm tổn hại đến kinh tế và hậu quả khôn lường. Các nước tới Trung Hoa lục địa làm ăn lại dễ dàng bị buộc tội theo chỉ đạo của nhà nước. Ai còn dám hợp tác với chính thể như thế?
Không biết do sợ Rudd “nghe” được tiếng Trung hay ông hiểu văn hóa dọa dẫm có từ ngàn đời của họ mà phía Trung Quốc đã thay đổi tội danh từ “gián điệp” sang “hối lộ”, dù mấy hôm nay họ tăng cường các cáo buộc tình báo. Đối đầu với một thủ tướng thạo tiếng Trung không phải dễ.
Mới đây, anh David Dollar, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Bắc Kinh đã được Bộ Ngân khố Mỹ mời về làm đặc trách với Trung Quốc. Lý do đơn giản, David “phang” tiếng Tầu như gió.
Tổng thống Nga Putin thông thạo tiếng Đức, tiếng Anh, cũng làm cho các chính khách phương Tây nể trọng và phải đề phòng ông cựu KGB này. Để đối xử “ra môn ra khoai” với nước Nga, Tổng thống Bush không ngần ngại chọn nữ Ngoại trưởng Condi Rice từng du học ở Nga. Mỗi lần bà viếng thăm Moscow đều làm các anh Ivan bối rối vì Condi sắc sảo và yêu kiều nghe được cả tiếng lóng của đám ngư ông “kak vada – vada do kolana”.
(Trích từ: Tuanvietnam.net)