Giảng đường không phải là tất cả…
Sắp bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, nó chờ đợi cái ngày đứng trước một hội đồng khoa học và bảo vệ thành công đề tài nó theo đuổi năm năm trời. Nó tự nhủ: cái ngày trọng đại ấy, nó sẽ mời ba mẹ và bạn bè tới dự. Đã đi đi qua cánh cổng giảng đường Bách khoa ngót ngét năm năm, nó học được nhiều điều từ sách vở nhưng ngay chính bản thân nó còn nghi ngờ khả năng thực hành của mình. Nó từng nghe thầy cô nói nhiều về cái chuyện: “Học là một điều nhưng thực tiễn lại là một điều khác” nên nó lo lắm, lo nhất là về kinh nghiệm.
Thằng bạn của nó tốt nghiệp trước nó hai tháng, giờ vẫn đang lao đao tìm việc chỉ vì nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm. Cái bộ hồ sơ của thằng bạn đã được nó đánh giá là có chất lượng nhất trong đống hồ sơ của nhóm. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ có hết nhưng chỉ có khả năng thực tiễn, khả năng nghe nói anh văn thì lại không có. Vậy là lại thất bại mỗi lần xin việc…Nó nhận ra một điều: học chưa đủ cần phải hành nữa.
Lang thang cả buổi chiều trên mạng, nó chỉ tâm đắc nhất câu nói: “Đại học giống như một ngôi nhà, bao bọc bạn thêm một thời gian nữa trước khi “ném” bạn vào cuộc đời. Còn đối với ai đó – người mà chẳng may bị ném vào cuộc đời sớm hơn, sẽ ngã nhiều hơn, vấp váp nhiều hơn, tự học hỏi nhiều hơn,…nhưng không có nghĩa là cuộc đời họ sẽ bị dập tắt và không thể thành công”. Từ trước tới nay trong cái đầu nhỏ bé của mình, nó chỉ nghĩ: “Chỉ những người học đại học là giỏi”. Cho đến một ngày, chính cái ý nghĩ đó đã đè bẹp nó.
Nó thầm khâm phục cậu bạn hồi cấp ba của nó. Cậu ấy không chọn con đường học đại học như nó. Hồi đó vì không đủ điểm và không đủ năng lực để thi tiếp đại học vào năm sau, cậu bạn đã chọn học trung cấp nghề. Lựa chọn ngành học vừa sức học của mình, cậu ấy đã tiến bộ nhanh chóng trong trường. Trong quá trình học không ngừng phấn đầu và giờ đây đã trở thành một người thợ lành nghề với nhiều kinh nghiệm, có thể xin việc ở một nơi phù hợp với mức lương xứng đáng.
Trong số bạn bè của nó, người học đại học có, người học cao đẳng có, người học trung cấp nghề có và những người chọn trường đời làm hành trang cho mình cũng có. Ai cũng có một thời mơ mộng với nhưng hoài bão, ước mơ cho riêng mình. Thời học sinh, ai cũng ước ao sẽ được bước vào cánh cổng đại học. Nhưng khi đi qua thực tế, mọi ước mơ đó được định hình lại.
Cũng giờ này năm năm về trước, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có kết quả. Mỗi người có niềm vui, nỗi buồn riêng. Nó háo hức sắp xếp hành trang chuẩn bị lên đường nhập học. Bạn nó cười trong ngày chia tay: “Mày ráng học tốt nha, tao ở nhà phụ ba mẹ, làm ruộng thôi”; “Mày đi học nhớ điện về cho tao thường xuyên nhé, tao ôn lại một năm, năm sau tao vào thành phố thi, mày đưa tao đi thi nhá”,…Người khóc, người cười, người quyết tâm lại cho lần thi năm sau,..nhưng tất cả cùng chung một ý chí quyết tâm và không ngừng cố gắng.
Đối với nó: Đại học là nơi để cá nhân có thể phát huy khả năng theo những ngành học khác nhau. Nhưng nếu học đại học ra mà không vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn đó là một nhược điểm lớn. Bạn có thể tùy vào năng lực của chính bản thân mình để chọn cho cá nhân mình một hướng đi tốt nhất. Rớt đại học không phải là điều tồi tệ nhất. Chúng ta có thể làm lại, có thể cố gắng thật nhiều cho kỳ thi năm sau. Hãy chọn một ngành học, một cấp đào tạo phù hợp với năng lực của bản thân mình.
Giảng đường đại học không phải là tất cả…điều quan trọng là phải phù hợp với trình độ của mình. Trường đời cũng có thể làm nên nhân tài nếu bạn không ngừng cố gắng.
(nguon MT)