Để thành công trên con đường du học, vượt qua những cú sốc ban đầu chính là sự cố gắng và tinh thần cầu thị. Đó là chia sẻ của nhiều vị khách mời trong chương trình tọa đàm “Dạy và học báo chí, truyền thông tại nước ngoài”, được tổ chức tại Hà Nội tháng 7.2013 vừa qua.
“Đánh vật” với lịch học
Tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, giáo dục bằng phương pháp tự học được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam đã quen với việc được giảng viên đưa sách tham khảo, yêu cầu làm bài tập tại giáo trình này, đọc nội dung tại sách kia…
Nhưng tại Anh, Mỹ, hay Úc… phương pháp tự học bắt sinh viên phải tự đào sâu và mày mò thực tế. Giảng viên chỉ đưa đề tài, còn việc thực hiện thế nào, tài liệu ra sao, trình bày thế nào là … tự sinh viên làm.
ThS Vũ Lan Hương, từng học cao học tại Trường ĐH Northwestern Chicago (Mỹ), hiện đang công tác tại Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, ở Mỹ, các giáo sư không dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc mà dạy từ thực tế, từ những sản phẩm “lỗi”, những sai lầm của sinh viên.
“Ngày đầu tiên đi học, tôi được “ném” ngay vào thực tế. Họ yêu cầu tôi làm một video theo chân một bạn đến trường dạng phóng sự, cho dù tôi chưa bao giờ làm video. Có những ngày giá lạnh, tuyết phủ dầy, một con bé lẽo đẽo cầm máy quay đứng giữa đường và bắt đầu lảm nhảm… một mình. Tự quay, tự dựng cho bài tập của mình. Mọi thứ cứ rối tung…”, chị Hương nói.
Cũng theo ThS Vũ Lan Hương, lịch học dầy đặc, căng thẳng và dồn dập. Một ngày phải đi từ 8 giờ sáng và về nhà lúc 19 giờ tối. Bên cạnh đó, còn phải đọc 400 – 500 trang sách để tìm tài liệu cho bài học là chuyện quá….bình thường.
“Tôi bắt đầu đi học vào những năm 2009, Mỹ là một nơi tôi hi vọng mọi thứ đều tốt vì đất nước này có môi trường giáo dục hàng đầu thế giới, nhưng trong 1 tháng đầu tiên ở Chicago, tôi chỉ có một mong muốn là được về nhà. Tôi tự dằn vặt mình là tại sao mình lại chọn con đường này, mệt mỏi và khó khăn thế? Tôi phải “đánh vật” thật sự với học hành. Thế nhưng sau 2 tháng, tôi mới thấy mình học được nhiều kinh khủng!”, chị Hương cho biết.
Anh Nguyễn Xuân Hồng, ThS Truyền thông, ĐH Monash, Úc (hiện là Phó Phòng tiếng nước ngoài – Cổng thông tin điện tử Chính phủ) chia sẻ thêm, hiện nay việc thực hành, kiểm tra, đánh giá những luận văn, luận án, khoa luận tốt nghiệp của Việt Nam còn khá “lập lờ” trong các tài liệu tham khảo.
“Nhưng mọi thứ đều phải làm một cách “chuẩn xác” ở các quốc gia như Úc hay Anh. Mọi trích dẫn đều phải cụ thể rõ ràng, đừng mơ có thể qua mặt được giảng viên, vì họ đọc rất nhiều và nhớ rất lâu…. Chưa hết, các đề tài và luận văn đều yêu cầu nội dung mới, khác biệt. Người ta nghiên cứu nhiều rồi, việc tìm được một đề tài mới rất khó, rồi tìm nguồn tài liệu trong một cái thư viện khổng lồ càng khó hơn”, anh Nguyễn Xuân Hồng nói.
Đối mặt với những “vấn đề muôn thủa”
Ngôn ngữ cũng là một trong những “vấn đề” nan giải cho các du học sinh. Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ và khá tự tin với vốn tiếng Anh của mình nhưng anh Nguyễn Xuân Hồng thật thà cho biết: “Nhiều khi lên lớp không thể nghe thấy họ nói gì”.
Lý giải cho việc này, anh Hồng cho rằng, cũng giống ở Việt Nam, ở Úc, tiếng Anh cũng có nhiều giọng “địa phương” mỗi người lại có những cách nói khác nhau và họ nói … nhanh. Do đó, nhiều khi không thể nghe được những bài giảng và chỉ biết cầu cứu bạn bè.
Một vấn đề nữa, là việc đảm bảo sức khỏe trong thời gian học. Chia sẻ vấn đề này, ThS Vũ Lan Hương cho biết, đã có những khoảng thời gian khủng hoảng với câu hỏi thường trực: Ngủ hay nấu ăn? Đôi khi khi khẩu vị và ẩm thực trở thành một nỗi sợ hãi.
“Suất ăn của người nước ngoài quá lớn và họ quen với đồ ăn nhanh như bánh mỳ, xúc xích và không dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng – tôi ngày nào cũng vật lộn với 2 lựa chọn, ngủ hay là nấu cơm”, chị Hương chia sẻ.
Tinh thần cầu thị là chìa khóa thành công
Làm thế nào để thành công trên con đường du học, vượt qua những cú sốc ban đầu để thành công. Tất cả những khách mời trong chương trình đều rút ra kết luận: Sự cố gắng và tinh thần cầu thị.
Để giải “bài toán” trên, ThS Đinh Trần Trung Hậu (học cao học tại ĐH City London, Anh), hiện đang là Trợ lý thông tin của Hãng tin AP tại Việt Nam, cho rằng điều quan trọng là phải biết kiên trì và không nản chí. Đồng thời theo ThS Hậu, các giáo sư luôn tìm cách cho người học có thể hiểu được những gì họ nói tốt nhất. Tuy nhiên, người học phải nói, phải đưa ra ý kiến và nhất là đừng ngần ngại trao đổi, nhưng cũng đừng quá ỷ lại vào người khác…
Tuy nhiên, đặt chân đến những vùng đất mới luôn kèm theo sự háo hức, kỳ vọng và cả những hoài bão. Thế nhưng không phải chuyến đi nào cũng suôn sẻ và không phải “chân trời” nào cũng màu hồng.
Nhưng những gì mà bạn học được tại những quốc gia phát triển không những sẽ giúp bạn có tầm nhìn mới, mà còn kiến tạo thêm những giá trị thật sự trên chặng đường bạn đi.
Vì thế, thay vì than thở trước những khó khăn, các du học sinh có thể cố gắng bằng 150% sức mạnh và ý chí. Thành công chỉ dành cho những người biết kiên trì cố gắng…
Dạ Thảo
Nguồn: Một Thế Giới (motthegioi.vn)