Du học và những chia sẻ

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 28/05/2010. Đăng trong Chia sẻ. Lượt xem : 10899

 Bài 1: Tị nạn giáo dục: Còn đi nhiều, đi trống rỗng, đi hết…

Nhà văn Dạ Ngân nói nếu cứ đùa dai với truyền thống hiếu học thì sẽ còn chuyện học sinh đi du học hết.

Du học để “tị nạn giáo dục”

nha-van-Da-NganCác ông bố, bà mẹ hiện đại ở các đô thị đang có xu hướng “ấn” con đi du học càng sớm càng tốt? Xu hướng này phản ánh điều gì về tâm lý và sự thay đổi trong xã hội hiện nay?

Xin đừng quên người Việt mình rất chăm con, bất đắc dĩ người ta mới chịu xa con sớm và họ biết rõ, con mình sẽ “lóng ngóng” ở xứ người một thời gian dài.

Nhưng tại sao có tâm lý đua nhau cho con đi sớm ? Là vì cung cách của nền giáo dục không còn khiến người ta an tâm.

Tính hiếu học của người Việt đang bị thách thức. Những người có tiền không dại gì để con mình chịu đựng sự thể nghiệm mãi của những nhà cải cách và phải học theo kiểu “nhồi sọ” ở trường, lại còn phải học thêm học nếm mãi.  

Ở khía cạnh giáo dục, chị lý giải hiện tượng này như thế nào?

Ngày nay, nhiều người Việt ra nước ngoài là để tị nạn giáo dục.

Tình hình đã mười mươi như vậy, nhưng hình như phía vĩ mô không muốn thay đổi. Làm giáo dục mà không triết lý giáo dục thì sao thiết kế được?

Sao các môn xã hội không có sức hấp dẫn mà còn khiến HS bội thực, ngán ngẩm? Các em không thích môn văn, không yêu môn sử, không thiết tha môn địa, không “vào” với môn đạo đức công dân? Vậy thì giỏi toán và giỏi các môn tự nhiên để làm gì, để làm người Việt ngô ngọng hay làm rô – bốt?

hs-truong-kiem-lien

HS Trường Tiểu học Kim Liên trong lễ khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi thấy bất an với kiểu làm sách giáo khoa, tôi ngạc nhiên với sự im lặng của chính các thầy cô trong ngành giáo dục. Họ biết cả đấy, họ chán đấy mà họ không làm gì, không ai lên tiếng, họ sợ họ hèn hay họ đã chai lì cả rồi?

Nếu tôi là một quan chức trong ngành giáo dục thì chắc chắn tôi sẽ từ chức. Không làm gì nổi nữa, chỉ có cách cho con cho cháu “tị nạn” mà thôi.

Không phải chép văn mẫu đã là “được làm người”

Một gia đình có con trúng học bổng Singapore năm 14 tuổi đã phấn khích thốt lên: “ôi, cháu tôi đã được làm người”…

“Ôi, cháu tôi được làm người” là một câu nói có vẻ quá lên nhưng bên trong nó có sự thật đó chứ!

Hãy xem trường điểm và trường chuyên đã làm cho cha mẹ các em phải chạy chọt và gây thêm ách tắc giao thông như thế nào? Hãy xem tuổi thơ của các em nhỏ đang được chơi hay đang bị học kiểu “nhồi thức ăn cho ngỗng”? Một cô cháu họ của tôi kể, trong thực hành môn Văn lớp 4 của con nó có thứ đề đại loại: “Hãy viết một bức điện tín”. Chính tôi đã từng giúp cho đứa cháu ngoại học lớp 5 ở Hà Nội làm đề ngoại khóa là “Hãy viết suy nghĩ của em về chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không?”.  

Có phải bắt các em làm chính trị gia hay làm công dân sớm? Sao không để cho các em tiểu học được phát triển tự nhiên cả trong tình yêu đất nước, gia đình, thầy cô và tiếng Việt mà cứ làm cho chúng chán ngấy lên vậy?

Cho con du học là xu hướng đã có từ thời thuộc Pháp, để con cái được học cái văn minh, được sống và được thụ hưởng môi trường văn hóa cao. Tại sao người ta thích cho con đi Singapore, đảo quốc ấy có đúng là thiên đường ở châu Á mà chúng ta đang mơ ước không? 

Nhưng chị có nghĩ rằng bọn trẻ sẽ có những tổn thương tâm lý vì xa bố mẹ từ khi còn quá nhỏ?

Tôi không có con nhỏ nhưng tôi đã khuyến khích và đóng góp cho cháu ngoại của tôi vào trường quốc tế từ đầu cấp II. Vì sao? Vì ở đó nó được học chương trình giảm tải, nó được học tiếng Anh bằng phương pháp đúng và không phải làm văn mẫu.

A ha! Riêng việc không phải làm văn kiểu học thuộc lòng và chép nguyên xi văn mẫu đã là “được làm người” rồi. Nó học văn một cách hào hứng và tiếng Việt của nó dậy hương là vì nó được làm văn theo suy nghĩ của mình. Cả nhà xúm nuôi một đứa bé, cực nhưng mà vui, không bị sốc, không bị stress vì “né” được nhiều “ngón hành hạ” của ngành giáo dục trong nước.

Các trường ở Singapore họ hay nhảy vào các trường điểm và trường chuyên của chúng ta để “hớt váng” từ năm lớp 9 hoặc lớp 10.

“Con trai tôi đi làm thạc sĩ ở Úc bằng nguồn ngân sách, gia đình đóng góp 30% chi phí ăn ở (khoảng 200 triệu đồng). Về nước, nó được bổ nhiệm phó giám đốc một Sở, lương và phụ cấp 3 triệu đồng tháng, không đủ nuôi thân. Bà con và bạn bè tôi chép miệng: “Có ai sống tử tế bằng lương, có chức và rồi sẽ có lộc, lo chi”.

Chính sách vậy có khuyến khích được người ta về nước không, có “chiêu hiền đãi sĩ” không và nếu cứ bài ca thản nhiên lương và lậu thì xã hội tiếp tục bất an, làm sao lành mạnh được…”

Số đi du học tự túc thì đủ lứa tuổi. Các em phải chịu thiệt thòi nhưng nền giáo dục của các nước văn minh rèn người khá hay. 

Theo tôi, đi từ đầu cấp III là vừa, cho đi sớm hơn là sẽ có hậu quả.

Con mình nuôi lớn mà người ta “dùng”

Việc mỗi gia đình tự lo cho tương lai của con cái như vậy sẽ tạo ra một nguồn nhân lực tốt cho đất nước?

Rõ ràng là nhân tài sẽ thất thoát. Con cái mình nuôi lớn mà người ta dùng, toàn là người thông minh và nhiều người tài đấy chứ. Có đau không, có ức không? Đành chịu.

Các vị ở trên cao có xót không, xót sao không tìm cách và không thay đổi? 

Liệu gia đình và chính các em HS đó có phải trả cái giá nào không? 

Đừng có mà đùa dai với truyền thống hiếu học của người Việt. Sẽ còn đi nhiều, đi trống rỗng, đi bằng hết, nếu những người cầm trịch của chúng ta không giật mình thì sẽ không cứu vãn được làn sóng tị nạn này đâu.

Rồi sẽ có thêm những thế hệ Việt kiều không biết tiếng Việt, quê hương đất nước xa vời. Đừng nghĩ người Việt sẽ cố kết tình quê hương và đất nước như cộng đồng người Tàu. Chúng ta là những người Việt trần ai, rất dễ bời rời và mất gốc khi ở xứ người. 

Xin cảm ơn chị!

Nhà văn, nhà báo Dạ Ngân sinh năm 1952,  từng tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du. Là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết nổi tiếng. Trong đó, đặc biệt và gây tiếng vang nhất là tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. 

Phù Sa (Thực hiện)


 

Bài 2: Dạy con biết nói thật để đi học xứ người

Giỏi Toán, tiếng Anh cũng chưa đủ để con du học… từ thuở 13. Các ông bố, bà mẹ tiếp tục đầu tư dạy con biết nói thật, biết chia sẻ, biết đàn ca, thể thao. Có những bà mẹ cá tính đã gạt bỏ hiếu thắng để lắng nghe con, nhiều ông bố tranh thủ thời gian cuối tuần lái xe đưa con đi làm từ thiện. 

day-con-noi-that

Học giỏi chưa đủ, muốn đi du học cần nhiều kĩ năng khác (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Chị Hạnh làm ở phòng đối ngoại một ngân hàng cổ phần. Cô con gái của chị đang học lớp 8 một trường dân lập ở  quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài việc hướng dẫn con học, chị còn dắt con dự hầu hết các hội thảo về du học, tham gia các bài kiểm tra của các trung tâm ngoại ngữ lớn… để lấy kinh nghiệm.

Chưa hết, con chị còn tham gia các cuộc thi giải toán trên mạng, các cuộc thi cờ vua, thi toán, thi vẽ… mà trường hoặc ngành giáo dục tổ chức.

Lý do mà chị đưa ra là: khi làm hồ sơ đi du học, nhiều khi những chi tiết tưởng là nhỏ nhặt đó lại quyết định thắng thua.

Cho rằng, với người nước ngoài thì bảng điểm chỉ có giá trị tham khảo, nhưng chị vẫn yêu cầu và kèm cặp con phải đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Ngoài ra, chị cũng tính nước “chắc ăn”: quan hệ tốt, hay giúp đỡ các cô để con mình có một học bạ thật đẹp.

“Một lần đi họp phụ huynh, thấy cô giáo chủ nhiệm của con kêu đau lưng, mình lại quen một bác sĩ chữa bệnh này rất giỏi, thế là nhiệt tình chở cô đi. Từ đó, cô rất quý bé nhà mình. Nhưng mình không cho nó biết. Con mình dành khá nhiều thời gian cho môn tiếng Anh thì không thể môn nào cũng giỏi đều được” – chị Hạnh kể.

tre-con-thuc-hien-giac-mo-nguoi-lon

Trẻ con đang thực hiện ước mơ của người lớn? (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Còn chị Thoa ở đường Hoàng Quốc Việt cũng cho rằng, để chuẩn bị cho con du học thì còn phải dạy con trung thực, có suy nghĩ độc lập.

“Xem trên ti vi, nhiều em học sinh được phỏng vấn trả lời hết sức già dặn và không… tin được. Môi trường giáo dục ở ta khiến trẻ con thường không dám nói ra suy nghĩ thật của mình!” – chị giải thích.

Chị cố gắng động viên con nêu chính kiến và phải nói thật. “Tôi là người hiếu thắng, muốn con phải đúng ý mình, nhưng có lúc phải gạt đi để khuyến khích nó”.

Có lần, bạn đến chơi, đầu tóc ăn mặc rất nhí nhố, chị rất cáu, rồi mắng con. Nhưng con giận, rồi bảo thấy thế là đẹp, đừng ép phải theo ý mẹ. Cu cậu còn lý sự, quan trọng là bạn ấy tốt, chơi với nhau thấy hợp. “Thế thì mình cũng phải chịu, đành từ từ phân tích chứ cũng không thể áp đặt được” – chị Thoa kể.

Trên diễn đàn webtretho còn lưu câu chuyện của một học sinh săn được học bổng toàn phần ở Singapore. Em sang được 6 tháng, học bổng đủ để không phải lo gì về tiền nong, lại được cấp thêm để đủ tiêu vặt. Vậy nhưng, nhặt được ví có 400 USD của bạn lại không trả. Camera ghi lại được hình, bố mẹ em học sinh này được mời sang đền số tiền mà trường đã bỏ ra trong 6 tháng. Sau đó, cả nhà cùng nhau… về..

Một bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm: “Cả ban giám hiệu bay sang để tuyển học sinh giỏi, tài năng thật sự. Họ quan sát kỹ lắm, từng hành vi một, từ lúc bố mẹ chở đến xách cặp vào cho con. Khi cháu đỗ vào vòng phỏng vấn, họ hỏi tại sao lại không tự xách cặp…”.

Mẹ laida… trên webtretho tư vấn thêm: “Chuẩn bị cho con tính tiết kiệm cũng rất cần thiết, em thấy nhiều cháu học giỏi cho là thành tích lớn, cha mẹ sẵn tiền cho con tiêu xả láng, sang kia quen tiêu xài nên chi phí cha mẹ cho là rất lớn.

Còn anh Cường có con đang học lớp 4 một trường có tiếng ở huyện Từ Liêm thì cùng với nhiều phụ huynh khác thỉnh thoảng lái xe ô tô đưa các con đi làm từ thiện. Theo anh, đó là cách để con biết quan tâm đến người khác. Tất nhiên, đó cũng là một lợi thế để sau này con anh đi du học.

Phù Sa (Thực hiện) 


 

Bài 3:Tâm sự của người mẹ có con du học ở tuổi 11

Tôi đã đọc bài “Sốt du học từ trong bụng mẹ” và bài gần đây nhất là “Dạy con biết nói thật để đi học xứ người”. Tôi rất cảm phục ý chí cầu tiến của các bậc phụ huynh trong 2 bài viết này. Xin được chia sẻ tâm sự của tôi khi có con du học ở tuổi 11.

Con tôi vượt từ kém lên xuất sắc như thế nào?

hoc-sinh-ha-noi-gio-tan-truong

HS Hà Nội giờ tan trường. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi đã 40 tuổi, có con trai duy nhất, cháu năm nay vừa tròn 12 tuổi. Ước mơ của tôi là cùng chồng nuôi con ăn học thành tài, du học cầm bằng tốt và về Việt Nam làm việc.

Khi con vào lớp 1, tôi chọn trường tiểu học quốc tế, để cháu vừa học văn hóa Việt Nam và được học tăng cường văn hóa ngôn ngữ nước khác.

Những ngày đầu lớp 1, con tôi thuộc diện phụ đạo vì học kém.  Lý do này vợ chồng tôi biết vì không cho cháu học và biết chữ trước khi vào lớp 1.

Cháu thua kém hoàn toàn các bạn cùng trang lứa trong lớp. Chồng tôi bỏ thời gian 3 tháng sưu tầm các băng đĩa tự học và buộc cháu học 30 phút/ ngày sau khi đi học về.

Sau 6 tháng, cháu trở thành học sinh xuất sắc của lớp và khối. Khi học lớp 3, cháu đã nghe và hiểu Tiếng Anh trên kênh truyền hình cáp. Về học hành, cháu rất giỏi. Các hoạt động dã ngoại được nhà trường kèm cặp nên mọi thứ không có gì lo lắng.

Trang mới khi du học ở tuổi 11

Về học lực, cháu học lớp 5 ở Việt Nam, ra nước ngoài dự tuyển vào lớp 6. Cháu theo kịp chương trình học và không gặp khó khăn gì trong học tập. Đa số học sinh Việt Nam học rất tốt.

Tiếng Anh là ngôn ngữ tất yếu khi du học, nhưng không phải là chuẩn mực đánh giá chỉ số thông minh, tư duy tương lai nghề nghiệp 1 đứa trẻ. Mà là toán học logic, khả năng suy luận vấn đề, tổng hợp sự kiện, kiến thức xã hội, hoạt động cộng đồng, kỹ năng sống cũng như kinh nghiệm sống.

“Bản lĩnh, tình yêu đối với cha mẹ người thân là yếu tố quyết định sự vượt khó của 1 đứa trẻ khi du học.”

Các hoạt động cộng đồng cháu tham gia rất tốt vì được đào tạo ở trường tiểu học Việt Nam.

Du học, cháu được chơi nhiều hơn học. Học và chơi, chơi và học. Cách học như người lớn. Sống như người lớn: tách con cái ra khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình. Đứa trẻ tự giải quyết những vấn đề sinh hoạt của bản thân mà không có cha mẹ bên cạnh. Họ có những buổi cắm trại ngoại khóa mà cha mẹ cam kết không can thiệp liên hệ con cái trong thời gian này. Đây là khó khăn du học sinh “nhí” Việt Nam.

Việc học giỏi tham gia dự tuyển vào trường chuyên lớp chọn cũng như ở Việt Nam.

“Và tôi đã khóc…”

Con trai tôi những ngày đầu xa mẹ khóc nhiều vì va chạm cuộc sống thực tại.

Ở Việt Nam, có vòng tay che chở của mẹ, ăn ngủ, cơm áo, gạo tiền, đi chơi, mua sắm, áo quần, bệnh đau,v.v… đều có mẹ. Cháu không thể hòa nhập nhanh chóng. Sự phân biệt chủng tộc cũng xuất hiện rất rõ trong các trường tiểu học ở nước ngoài. Cháu bị sốc thật sự.

Sự thích nghi tùy theo bản lĩnh từng đứa trẻ và có sự hướng dẫn gia đình: con trai tôi tự làm những việc mà ngày ở Việt Nam cháu chưa bao giờ làm: nấu cơm, chiên trứng để ăn (khi người lớn vắng nhà), phơi áo quần, rửa chén, chuẩn bị thức ăn mang vào lớp (không có trường nội trú như ở Việt Nam), đi siêu thị mua thức ăn chuẩn bị cho ngày mai và tuần tới.

Điều cơ bản là đứa trẻ phải biết điều tiết chi tiêu của bản thân, biết cách xài tiền một cách tiết kiệm nhất, biết giữ tiền biết tiêu tiền hiệu quả. Cháu phải tính toán từng cent để mua hàng trong siêu thị phù hợp túi tiền từ hộp trứng, bánh mì, que kem, vé xe buýt, hàng khuyến mãi, hàng củ, hàng mới, hàng giá rẻ, hàng giá cao.. Nói chung, mua sắm có tư duy như một người lớn.

Trẻ con du học có người giám hộ nhưng không phải lúc nào người giám hộ ở bên cạnh 100% thời gian. Bản lĩnh, tình yêu đối với cha mẹ người thân là yếu tố quyết định sự vượt khó của đứa trẻ khi du học.

Vậy thì “chuẩn bị cho con du học từ trong bụng mẹ” và “dạy con biết nói thật để đi học xứ người” là đúng nhưng khiếm khuyết.

Các bà mẹ, ông bố nên cân nhắc khi cho con du học bằng mọi giá. Sự du học của một đứa trẻ kéo theo thay đổi toàn bộ tâm tư tình cảm gia đình.

Con cái tuổi vị thành niên gắn liền cha mẹ, giúp trẻ trưởng thành toàn diện: học tập, tư duy, tình cảm, tình yêu thương gia đình và trách nhiệm… Trẻ còn có tuổi thơ, tuổi được sự chăm sóc của gia đình và xã hội. Đưa con sang phương trời xa lạ, trẻ phải tự lập. Dù không phải cơm áo gạo tiền mà là sự quan tâm yêu thương gắn bó hằng ngày của người thân đã không còn, trẻ sẽ bị vấp ngã những cú ngã đầu đời. Trẻ chỉ biết khóc, cam chịu, cố gắng… Vậy thì cho con du học để làm gì?

Mẩu chuyện nhỏ: con trai tôi cầm 4 đô la Úc (vì trẻ con không được giữ tiền) mua 1 hộp bánh mì giá rẻ gần nhà. Đến nơi, bánh mì giá rẻ không còn, chỉ còn bánh mì giá mắc, cháu không đủ tiền cùng lúc cháu nhặt được vé xe buýt còn hạn sử dụng. Cháu lên thẳng siêu thị xa hơn để mua 1 hộp bánh mì giá rẻ, nhanh chóng lên xe về nhà, vừa cầm bánh mì vừa ăn kẹo vì còn dư tiền. Tôi đã khóc khi hay tin này.

Phương (TP.HCM)


 

Bài 4: ‘Sốt’ du học từ trong bụng mẹ

Lời tòa soạn: Trên một diễn đàn nổi tiếng về trẻ thơ của Việt Nam lưu truyền câu chuyện về một gia đình đã mừng phát khóc khi đứa con 14 tuổi của họ được nhận vào học một trường ở Singapore. Trong cơn phấn khích, ông bà cậu học sinh đã thốt lên: “Cháu tôi đã được làm người rồi”. 14 tuổi, ba lô nẵng trĩu vai bước vào cánh cổng của một trường phổ thông danh tiếng nước ngoài, em học sinh này đã trải qua một quá trình “khổ luyện” đầy gian khó với sự góp sức bền bỉ của ông bà, bố mẹ và cả họ hàng.

Nuôi con cái thành những “siêu nhân” đội vòng nguyệt quế du học từ lúc còn trong bụng mẹ đang trở thành một xu hướng phổ biến của nhiều gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.

o-to-cho-be-den-truong
 

Ô tô chen chúc đưa bé đến trường, mang theo bao ước mơ của bố mẹ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Thế nào… con cũng sẽ đi Tây
Trong thang máy của một khu chung cư ở Mỹ Đình (Hà Nội), cậu nhóc mới chỉ học lớp 2 khá nhanh nhẹn, chỉ tay từ bảng quảng cáo, cho đến những hình vẽ, con số in trên các bảng. Người mẹ đang cặn kẽ giải thích và đặt câu hỏi với con, tất cả đều bằng tiếng Anh, thậm chí có lúc là tiếng Pháp.

Một người hàng xóm đi cùng thản nhiên: “Người Việt cả đấy, nhưng thằng bé ấy nó học trường quốc tế”.

Ở khu chung cư này, rất nhiều gia đình có ô tô. Và cũng rất nhiều đứa trẻ ở đây, hàng ngày đến những ngôi trường “quốc tế”, hoặc nhẹ nhàng hơn là những trường dân lập có lớp tăng cường ngoại ngữ, có các chương trình liên kết, liên thông với nước ngoài với mức học phí cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Bà Nguyện ở cùng khu, hàng ngày thường đẩy xe đưa đứa cháu trai mới 2 tuổi đi dạo khắp các trường mầm non, tiểu học quanh đó.

Bà đã quá quen với cảnh cả đoạn đường bị tắc nghẽn vì ô tô chen chúc đưa các bé đến trường. Bà Nguyện nói: Tôi đang khuyên bố mẹ nó cố tìm cái học bổng đi làm tiến sĩ ở nước ngoài để thằng bé có cơ hội đi theo, hưởng thụ nền giáo dục ở Tây  từ khi còn nhỏ.

Không có gì ngạc nhiên về chuyện này, bởi nhiều bà mẹ đã viết trên các diễn đàn niềm mong ước cho con được đi du học ngay từ khi chúng còn… trong bụng mẹ. Có mẹ thì cuống quýt “con đã học lớp 6 mà vẫn chưa “định hướng” gì thì liệu có muộn không”. Lại có bà mẹ mà con mới chỉ tuổi rưỡi nhưng ngày nào cũng mong chờ đọc những bài viết của các bà mẹ khác để học hỏi kinh nghiệm.

em-be

Nhiều đứa trẻ được bố mẹ mong cho đi du học từ khi còn nhỏ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)


Nghệ thuật “bơm” con

Có một bà mẹ đã viết trên diễn đàn webtretho đại ý rằng: phải định hướng, phải “bơm” vào đầu bọn trẻ mong muốn đi du học từ nhỏ, biến ước mơ của mẹ thành ước mơ của con, để trẻ ngày đêm nung nấu, phấn đấu đi du học.

Mong ước cho con đi du học từ khi còn nhỏ, chị Hà (Mai Dịch) quan niệm: Tôi nghĩ quan trọng là làm thế nào để con mình thấy thích, nếu thích thì nó sẽ cố gắng, chứ không thể ép được.

Ngoài việc mua sách vở, đầu tư cho con học hành, chị Hà còn có “tuyệt chiêu” khác. Hàng ngày, chị đều cố  “bơm” vào đầu Tiến, cậu con trai đang học lớp 6 những câu chuyện thành đạt của các lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Chị phân tích cặn kẽ cho con điểm đặc biệt của từng người khiến họ xin được học bổng, thậm chí xây dựng thành những thần tượng cho con mình.

Khi đi học ở Pháp, chị Hà cùng bạn bè rong chơi qua khá nhiều quốc gia. Thêm vào đó, chị tìm hiểu, sưu tầm các câu chuyện về văn hóa, lịch sử… các nước trên báo chí và qua bạn bè. Với vốn sống đó, hầu như bữa cơm nào, Tiến cũng được nghe mẹ kể chuyện ở Tây, đặc biệt là về các món ăn, phong cảnh…

“Để nó thấy mơ ước được đặt chân đến những nơi đó” – chị Hà phấn khích.

Những câu chuyện kể của Tiến về việc học tập, bạn bè, vui chơi…, chị cũng dễ dàng liên hệ: “ở Tây thì…”.

Anh Minh, chuyên viên một Bộ, có con trai được học bổng ngành tài chính ở Anh cho rằng: cha mẹ phải luôn luôn “cập nhật” để định hướng đúng cho con.

“Nhiều HS ở mình rất thông minh nhưng lại không thể hiện được hết khả năng vì thiếu định hướng” – anh giải thích.

Anh đã cặm cụi học tiếng Anh từ khi Kiên – con trai anh mới học ở trường tiểu học Trưng Vương để dễ dàng theo dõi các nguồn thông tin học bổng, để trò chuyện và theo dõi xem con có phát âm chuẩn hay không.

Khác với nhiều nhà, anh Minh cho con  xem khá nhiều trận đấu của giải bóng đá ngoại hạng Anh, từ đó nuôi dưỡng cho cậu bé niềm yêu thích xứ sở sương mù này, cũng như môn học tiếng Anh.

Xa nhà càng sớm… càng tốt

sot-du-hoc

Nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng chi cả chục triệu mỗi tháng cho con học tập theo “chuẩn quốc tế” để có cơ hội đi du học. 
(Ảnh chỉ có tính minh họa)


Theo anh Minh, muốn định hướng được con, phải đặt ra mục tiêu như: du học có học bổng, du học ở đâu? ngành gì?… rồi lên kế hoạch để giúp con thực hiện càng sớm, càng chi tiết càng tốt.

Tự coi là thành công với cậu con trai, song anh Minh cho biết, cô con gái tên Thu, đang học lớp 4 sẽ có kế hoạch hoàn hảo hơn cậu anh, vì được bố mẹ định hướng từ khi mới bước chân vào lớp 1.

Có một cái “mốt” khá lạ là rất nhiều gia đình định hướng cho con đi du học ngay từ nhỏ, thậm chí là từ cấp… 2, với quan niệm: đi càng sớm… càng tốt, tìm học bổng khi càng nhỏ tuổi thì càng dễ.

Chị Hiền – công chức một cơ quan lớn ở Hà Nội thường xuyên dành thời gian ở cơ quan để vào internet đọc các thông tin về du học, các loại học bổng. Con trai mới đang học lớp 7, gia đình chị đã định hướng cho con đi du học.

Chị muốn con đi học ở châu Âu. Nhưng nếu muốn đi ngay từ cấp 3 thì hầu như chỉ có các học bổng của Singapore. Sau khi nghiên cứu, chị thấy rằng học cấp 3 ở Singapore là tiền đề rất tốt để con dễ dàng xin học bổng ở châu Âu khi lên đại học.

Vì thế, chị lên một danh sách các trường học ở Hà Nội hay được nhận nguồn học bổng của các trường học ở Singapore như trường Raffles, trường nam sinh Joephs, trường NJC…, và thuộc vanh vách yêu cầu, thời điểm phỏng vấn… của các trường.

“Cho con học ở trường điểm, bọn trẻ đều có định hướng đi du học nước ngoài thì nó mới cố gắng” – chị quan niệm.

Với sự định hướng của mẹ, sau khi học đối phó các môn khác xong, cậu con trai tên Vũ quay ra học tiếng Anh và làm toán tiếng Anh dưới sự kèm cặp của bố.

Đương nhiên, dù ông bố dù từng là học sinh giỏi toán, mà muốn dạy được Vũ, cũng phải mất thời gian nghiên cứu thêm các sách Toán, sách luyện IQ đặt mua từ Singapore, Úc… và từ điển toán Anh – Việt…

Còn anh Minh thì kể kinh nghiệm: “Tham khảo các học bổng, tôi thấy người ta ra đề thi không khó lắm, mà cái chính là khả năng tiếng Anh và các kĩ năng trả lời phỏng vấn. Do đó, không cần phải học chuyên để cắm đầu vào chạy đua tìm cách giải hết các dạng bài…” – anh Minh nói.

“Nhiều người tích lũy tiền để mua nhà, sắm này sắm kia, du lịch đây đó… nhưng mình đổ hết đầu tư cho con. Bây giờ, có gặp bạn bè, cái hãnh diện không phải là sành điệu này nọ mà là con cái học hành thế nào, đầu tư cho học hành của con cái mới là cái lâu dài” – anh Minh tự hào.

Phù Sa (Thực hiện)


 

Bài 5: Du học xa gặt “sàng khôn” lớn

360 sinh viên, giảng viên tại các trường Đại học tại Hà Nội đã đối thoại với các chuyên gia hàng đầu của Coca-Cola về những thông tin, kỹ năng cần thiết trước khi lên đường du học và trước khi ra trường trong chuỗi hội thảo “Kỹ năng thành công”.

Ngay khi bắt đầu buổi hội thảo “Kỹ năng thành công” với chủ đề “Hành trang du học”, ông Lê Văn Khôi – Giám đốc Đối ngoại Coca-Cola Đông Dương đã gây chú ý bởi sự khẳng định “Du học không chỉ là màu hồng” khiến gần 300 học viên, hầu hết là đối tượng ưu tú nhận học bổng của nhà nước đang chuẩn bị đi du học khá bất ngờ bởi họ đang rất hân hoan với chuyến xuất ngoại sắp tới của mình.

Theo ông Khôi, được đi du học, đặc biệt là những đối tượng ưu tú nhận học bổng của nhà nước, không đơn thuần là may mắn hay đi trên con đường đầy hoa hồng bởi kèm theo đó là trách nhiệm rất lớn vì vậy ngay từ bây giờ, các bạn cần phải thấy những khó khăn để tự trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cần thiết nhằm nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và hoàn thành khóa học tốt nhất.

Martin-gil

Ông Martin Gil  đang trình bày kiến thức và kinh nghiệm với các bạn SV

Bên cạnh đó, du học sinh sẽ gặp khá nhiều trở ngại, từ những rắc rối có thể gặp phải trong vấn đề tài chính đến sức khỏe, khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu…

Chính các học viên cho biết, họ rất ngạc nhiên bởi chỉ qua vài trò chơi đơn giản hay trả lời một vài câu hỏi tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” của giảng viên, họ nhận ra những thứ mà họ không nghĩ sẽ mang theo như tấm ảnh gia đình, quyển sách “gối đầu giường”, những món quà nhỏ hay một vài “tài lẻ” như đàn, hát hay nấu ăn ngon sẽ là món ăn tinh thần rất lớn giúp họ vượt qua nỗi cô đơn, giúp họ dễ dàng tạo lập các mối quan hệ mới trong môi trường xa lạ.

Chị Hoàng Lan Phượng, giảng viên trường ĐH Nông Lâm, Thái Nguyên, dự định sẽ du học 2 năm tại Nhật Bản, cho biết: “Tham dự hội thảo tôi mới nhận ra mình đã bỏ qua quá nhiều các tiểu tiết, chẳng hạn như việc để nhổ một chiếc răng sâu ở nước ngoài lại đắt và phức tạp đến thế… Thật ra, những tiểu tiết ấy không khó thực hiện nhưng nếu không được chia sẻ sớm, tôi nghĩ mình sẽ gặp không ít rắc rối nếu lâm vào hoàn cảnh ấy”…

Bằng những câu chuyện thật, những ví dụ thật và kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua, những kỹ năng như “Sống tích cực”, “Tận dụng các mối quan hệ”, Mở rộng “vùng an toàn”…các chuyên gia đã chia sẻ với các bạn sinh viên một cách dễ hiểu và gần gũi. Ông Martin Gil – Trưởng Văn phòng đại diện Coca-Cola Đông Dương, khách mời đặc biệt tại hội thảo cho rằng: “Biết sử dụng kỹ năng mềm nhuần nhuyễn tức là bạn có được năng lực để mở các cánh cửa của cơ hội và thành công. Với năng lực học tập cao của sinh viên Việt Nam, tôi tin rằng các bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trên con đường phát triển sự nghiệp”.

sinh-vien-du-hoi-thao

Sinh viên chuẩn bị đi du học tại buổi hội thảo

Tại buổi hội thảo tiếp theo với chủ đề “ Hành trang cho sự nghiệp”, gần 60 sinh viên từ Đại học Ngoại ngữ và Đại Học Hà Nội tiếp tục được trang bị những “kỹ năng mềm” như: Nguyên tắc để viết một sơ yếu lý lịch, Bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, Phỏng vấn xin việc thành công… dưới sự hướng dẫn của ông Lê Văn Khôi.

Hầu hết các sinh viên khẳng định đây là lần đầu tiên họ được tham dự một hội thảo hay và lý thú như thế. Điều khiến họ bất ngờ nhất là sau buổi hội thảo, tự họ nhận ra những “kỹ năng mềm” này luôn tồn tại ngay trong mỗi người, quan trọng là bạn biết “mở” nó như thế nào.
Hội thảo “Kỹ năng thành công” đã được tổ chức trên 11 buổi cho 1400 sinh viên, học sinh ưu tú trong năm 2008. Trong năm 2009 cũng đã có 8 hội thảo được tổ chức cho sinh viên trên cả nước.

A.Vũ

Nguồn Vietnamnet Online

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115