Du học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Anh
Bạn Đào Thu Hương, đang theo học khóa Cao học Đầu tư tại Đại học Birmingham cho biết: Các phần của khóa học rất thực tế, hữu ích và thú vị. Mỗi thành viên trong lớp của tôi có những kinh nghiệm làm việc khác nhau, từ kinh tế, tài chính, kế toán tới kỹ sư…, do đó tạo ra sự đa dạng trong lớp. Khóa học này tạo cơ hội cho tôi làm việc theo nhóm với các bạn đến từ nhiều nước như Pakistan, Ai Cập, Ấn Độ hay Nigeria. Việc này là một thử thách không nhỏ, nhưng cũng rất thú vị bởi tôi có thể học nhiều giọng nói khác nhau và thói quen làm việc khác nhau. Hiện tôi đang ở học kỳ 2, với nhiều môn học nâng cao về đầu tư. Cho tới nay, tôi hoàn toàn thỏa mãn với lựa chọn khóa học Cao học Đầu tư tại Đại học Birmingham và tin chắc mình sẽ còn học được nhiều hơn nữa từ khóa học. Đào Thu Hương trong một buổi thuyết trình tại Đại học Birmingham.
Chắc chắn là việc du học sẽ đem lại những điều mới mẻ và lạ lẫm, đặc biệt là với những người đi du học lần đầu. Đối với tôi, đây không phải là lần đầu đi du học, nhưng cảm giác hào hứng vẫn như vậy. Du học có nghĩa là phải sống tự lập, do đó việc quản lý thời gian và chi tiêu là rất quan trọng. Đối với tôi, khóa học tại Anh khá nặng vì tôi có ít nhất 5 buổi lên lớp mỗi tuần. Cuộc sống do đó trôi qua rất nhanh. Tuy nhiên, dù bận rộn nhưng tôi vẫn sắp xếp được thời gian đi du lịch sang các thành phố khác như Oxford, Glasgow hay Edingburgh vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ. Giao thông thuận tiện, người dân mến khách và phong cảnh đẹp khắp nơi khiến tôi càng ham thích du lịch và thưởng thức cái đẹp của nước Anh. Bạn Hà Thị Phương Thảo, tốt nghiệp bằng giỏi khóa Thạc sỹ về Tài chính và đầu tư tại Đại học Bristol, niên học 2008 – 2009 cho biết: Nước Anh là một trong những nước có nền kinh tế và giáo dục hàng đầu tại thế giới, điều đó đã được minh chứng bởi số lượng học sinh và sinh viên sang sinh sống và học tập tại đây đang ngày một tăng cao. Hà Thị Phương Thảo (giữa) cùng bạn bè quốc tế tại ĐH Bristol.
Hồi mới sang, sau một vài ngày đầu tiên như “sống như ở trên mây”, em đã bắt đầu thấm thía dần với cuộc sống xa quê hương, gia đình và bè bạn. Để bắt đầu bằng cuộc sống hoàn toàn mới, em đã mở rộng mối quan hệ của mình bằng cách sang bắt chuyện và giao lưu với những sinh viên trong cùng tòa nhà nơi em ở. Kết quả đã nằm ngoài dự đoán của em, không chỉ là những cái bắt tay xã giao lịch sự thông thường, những “người hàng xóm” tốt bụng đã giúp đỡ chỉ bảo em một cách tận tình giúp em dần lấy lại sự tư tin trong cuộc sống xa nhà. Sau khi ổn định được chỗ ăn, chỗ ở thì khó khăn kế đến là chuyện học hành. Em nghĩ rằng rào cản về ngôn ngữ là một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên nước ngoài như tụi em. Để có thể tiếp thu được những bài giảng ở trên lớp, chúng em phải thu âm bài giảng của thầy giáo lại sau đó tối về nghe đi nghe lại hàng chục lần, chỗ nào không hiểu thì vào thư viện đọc thêm sách, hoặc là sang đến giờ học kế tiếp thì nhờ thầy giáo giảng lại. Phải sau gần một học kỳ lặp đi lặp lại như vậy, chúng em mới dần quen được cách thức học tập ở đây. Cứ như vậy, ngày lên giảng đường, chiều tới thư viện, tối về nhà đọc sách và làm bài tập. Và sau một năm học tại đây không chỉ dành được tấm bằng thạc sỹ tài chính và đầu tư, em còn học được rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Đặng Anh Hào, tốt nghiệp Trường St Andrews năm 2009, bằng cao học hạng ưu, chuyên ngành tài chính ngân hàng cho biết: Có thể nói, St Andrews là môi trường học tập hoàn hảo cho bất kỳ ai thực sự muốn chuyên tâm vào học hành và nghiên cứu. Thứ nhất, bạn sẽ được học trong một ngôi trường danh tiếng và có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Ở St Andrews, có rất nhiều sinh viên đến từ Đức hay Nhật, là những người nổi tiếng về cẩn thận, thực dụng nhưng cũng rất thông minh. Thứ hai, yêu cầu đầu vào chặt chẽ của trường như 6.5 hay 7.0 IELTS – tùy từng chuyên ngành và 13.5/20 bạn mới được tính là vượt qua các kỳ thi giữa kỳ hay cuối kỳ, St Andrews thực sự tạo nên sự khác biệt. Cũng chính vì các yêu cầu khắt khe mà chất lượng mặt bằng chung của sinh viên ở St Andrews là rất cao. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ họ: kỹ năng học, khả năng tư duy độc lập, khả năng làm việc theo nhóm… St Andrews có tất cả 3 thư viện, nằm cách nhau không xa, luôn đáp ứng được nhu cầu về không gian cũng như về tư liệu học tập. Khác với các trường khác, ở St Andrews, có những quyển sách bạn có thể mượn 1 năm để nghiên cứu và có đến 20 lần gia hạn. Sinh viên ở St Andrews cũng có thể làm thẻ thư viện ở các trường đại học lân cận như Dundee, Abertay… Có một điều là St Andrews nằm cách biệt so với các thành phố khác nên việc đi lại, du lịch sẽ có thể làm bạn gặp khó khăn. Ở St Andrews có một bến xe buýt nhỏ, chỉ phục vụ một số tuyến đường đi sang các thành phố lớn như Dundee (mất 45 phút), Edinburgh (2h30 phút), Glasgow (3h). Để đi du lịch các thành phố khác, bắt buộc bạn phải xuống một trong ba trung tâm lớn kể trên, tiếp tục cuộc hành trình của mình. Bên cạnh đó, việc mua sắm đặc biệt là thực ăn không thực sự thuận lợi. Xung quanh thị trấn chỉ có 3 siêu thị. Nếu như bạn muốn ăn đồ Việt Nam, bắt buộc cuối tuần bạn sẽ phải lên chợ Tàu ở Dundee để mua gia vị, đồ nấu như nước mắm, hạt nêm… Một việc khó khăn của thị trấn đó là chỗ ở giá nhà cho thuê rất đắt nên việc thuê của người dân địa phương là không dễ dàng. Theo ý kiến chủ quan, đăng ký ở KTX của trường sẽ giúp bạn ổn định cuộc sống cũng như học tập. (Theo Dân Trí)
|