Du học để trở thành ‘chuyên gia’
Chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa
Hiệp, người miền Bắc, vô tình ‘lạc’ vào ngôi nhà đang có ba người ở gồm hai cô bạn Sài Gòn và một anh chàng Đà Nẵng. Bắc Trung Nam về chung một nhà. Cũng vì thế mà một loạt chuyện vui xảy ra.
Đầu tiên là sự khác nhau về giọng nói và tiếng địa phương giữa ba miền. Hiệp cảm thấy vui vui mỗi khi nghe hai cô bé người Nam hay đệm thêm ‘nghen’, ‘hén’ vào cuối câu, như là: “tụi em đi nghen, khi nào anh ra khỏi nhà nhớ khóa cửa hén”. Đặc biệt, Hiệp thích nhất là chữ “zô ziên” (vô duyên) của các bạn. Hiệp cho biết: “Từ ấy ngoài Bắc cũng dùng, nhưng khi nghe cách phát âm của miền Nam thì thấy … ngộ ngộ thế nào ấy”.
“Còn đặc điểm của cậu bạn miền Trung là nói gì cũng ‘hỉ’ một cái, ví dụ như “nóng quá hỉ?”, “hôm qua vui hỉ?”… Dần dần anh em trong nhà cũng bị lây cách nói này, như lần nọ cô bé người Sài Gòn nói: “Bếp bẩn quá hỉ, để em lau nghen?”
Đó chỉ mới là giọng đặc trưng, còn sự cố về từ vựng nữa. Một hôm cả nhà quyết định nấu canh chua. Hiệp đi chợ còn 2 cô bé Sài Gòn nhận nhiệm vụ làm bếp, cầm trên tay danh sách các thứ cần mua, Hiệp ngẩn người vì thấy ghi cần mua cá lóc và bạc hà. Lần mò hỏi han mãi mới biết người Hà Nội gọi hai thức này là cá quả và dọc mùng.
Chưa hết, đến khi món ăn nấu xong và được đem ra thưởng thức thì … “Chẳng cay gì cả”, anh chàng Đà Nẵng cằn nhằn, “Sao ngọt thế này?” Hiệp nhăn mũi. Thế là hai cô em của nhà dỗi, “lần sau đừng có hòng em nấu cho ăn nữa nghen!”.
Vậy nhưng, “cũng nhờ những lần như thế mà cả nhà có dịp bổ sung vào kho từ vựng của mình những ngôn từ mới. Đồng thời cũng tha hồ được biết và ăn đủ các món đậm bản sắc văn hóa của cả 3 miền”, Hiệp khoe.
Chuyên gia ẩm thực
Rất nhiều trong số những sinh viên Việt Nam du học tại Úc vốn là những ‘cậu ấm cô chiêu’ ở nhà, hầu như chẳng bao giờ phải xắn tay vào bếp. Ấy vậy mà khi du học, mọi thứ đã khác hẳn ở nhà. Không còn những hàng quán trước cửa, ngoài ngõ, đi du học, khi muốn ăn thì một là chạy ‘xa lắc xa lơ’ tới các tiệm, hai là thưc hiện đúng câu nói ‘muốn ăn thì lăn vào bếp.
Một khi đã lăn vào bếp thì dứt khoát là phải thử nghiệm càng nhiều càng tốt. Vậy là đủ món bún bánh cơm phở được đưa vào danh sách nấu nướng. Bất ngờ là hầu như món nào cũng thành công. Khi nấu xong, đầu bếp nào cũng xuýt xoa, tự hào rằng món ăn của mình ‘chất’ hơn hẳn ngoài quán vì có nhiều thịt, nhiều rau hơn,
Với những người đơn giản, thực đơn được lên với gà chiên mắm, bò xào hành tây, canh trứng… toàn những món nhanh gọn, dễ làm nhưng vẫn ngon. Không chỉ là nấu cho ngon, các bạn sinh viên cũng rất biết tính toán sao cho bữa ăn mỗi ngày có đủ chất dinh dưỡng. Có bạn còn kĩ lưỡng lên danh sách thực đơn cho cả tuần. Quả tình xứng đáng tầm ‘chuyên gia’.
Chuyên gia tài chính
Một câu cửa miệng quen thuộc của không biết bao nhiêu sinh viên du học là: “Dạo này đang nghèo”. Làm sao để không nghèo? Thế thì phải biết tính toán.
Thật vậy, hoàn cảnh đã khiến cho nhiều bạn dần trở nên rất giỏi giang trong việc cân đối thu chi và tiết kiệm. Tâm, sang Úc được hơn nửa năm, tâm sự: “Khác với thời mới sang, thấy gì cũng thích, cũng mua. Giờ thì mình đã có hẳn sổ sách ghi nhận những khoản chi hằng ngày để sau khoảng một tuần thì xem lại và rút kinh nghiệm”.
Không kỹ lưỡng ghi chép như Tâm, nhưng Trí, sang Úc được một năm rưỡi, cũng có những cách hiệu quả để kiểm soát ngân quỹ của mình: “Hằng tháng mình để một khoản tiền cố định trong tài khoản và chỉ cho phép mình tiêu trong số đó, phần còn lại bỏ vào tiết kiệm. Nhờ vậy mà mình luôn để dành được một số tiền ổn định hằng tháng”.
Chuyên gia tâm lý
Đi xa nhà, ai cũng có nhiều tâm trạng. Chính vì vậy mà nhu cầu được chia sẻ cũng nhiều hơn. Thế là nhiều bạn bỗng dưng biến thành các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Về chủ đề tư vấn thì mênh mông. Có bạn mới sang, nhớ nhà quay quắt nên cứ đếm ngày về. “Trong tình huống này, mình hay nói mấy bạn cứ yên tâm, đó chỉ là cảm giác ban đầu. Khoảng tháng thứ ba trở đi thì sẽ thấy thời gian trôi nhanh vèo vèo. Thậm chí đến khi gần về lại thấy tiếc”, Hiền, một chuyên gia ‘gỡ rối tơ lòng’ chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng có bạn ở nhà vốn quen được chăm sóc, nâng niu. Nay sang đây thì việc gì cũng phải tự chủ động và chia sẻ trách nhiệm chung nên cảm thấy không quen. Khi sai sót và được nhắc nhở, các bạn dễ cảm thấy mình bị xúc phạm và đâm ra khép kín hơn.
“Với những bạn như vậy, mình nên thông cảm vì các bạn vẫn mang tâm lý con cưng. Thay vì khó chịu, chỉ cần nhỏ nhẹ nhắc nhở và nói cho các bạn hiểu rằng: đời sống sinh viên thì chuyện gì cũng thẳng thắn như thế, xong rồi thôi chứ không hề để bụng”, Hiền bổ sung thêm.
Dĩ nhiên, trong các cuộc tư vấn thì không thể thiếu một đề tài nóng hổi: tình yêu. Du học sinh có đủ kiểu yêu: có bạn yêu xa vì thế mà chỉ được gặp nhau qua màn hình máy tính, có đôi vốn là ‘người Bắc – kẻ Nam’, sang đây mới gặp rồi ‘kết’ nhau, sau đó lại lo lắng không biết sau này về nước sẽ thế nào, hoặc giả những bạn lỡ mềm lòng với một anh chàng hoặc cô nàng người nước ngoài (có thể là sinh viên Úc hoặc sinh viên quốc tế), lúc bấy giờ thì đành “kệ, tới đâu thì tới” như lời của nhiều người trong cuộc chia sẻ.
Những trăn trở nói trên của nhiều bạn du học sinh cũng chính là lý do khiến các ‘chuyên gia’ tư vấn tâm lý tha hồ được phát huy tài năng. Quả thật khi có người để bày tỏ, sẻ chia thì ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng hơn, nhất là trong hoàn cảnh xa nhà như thế này.
…
Nếu bạn đang là một du học sinh, hãy xem mình đạt đến trình độ chuyên gia nào rồi?
(Nguồn Bay Vút)