Du học – con đường rèn luyện ‘tự thân vận động’

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 12/11/2011. Đăng trong Thông tin Du học. Lượt xem : 4247

 

Hòa lẫn trong đám đông, Mai nổi bật với đôi mắt to và rất sáng. Nếu chỉ dựa vào bề ngoài khó có thể hiểu được tại sao cô kế toán trẻ này luôn được bạn bè phong là ‘anh hùng lao động’. Dù là phận ‘liễu yếu đào tơ’ nhưng những gì Mai làm được trong quá trình đi du học khiến nhiều đấng nam nhi sức dài vai rộng cũng phải nể phục.
Mai cảm thấy rất bình thường khi phải đi một mình về nhà lúc nửa đêm.

Để tự trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt cho mình trong suốt 3,5 năm học tại Úc, Mai từng làm việc từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Một ngày của Mai thường bắt đầu với công việc ở hàng bánh mì vàaltkết thúc ở một nhà hàng nào đấy vào lúc 11 giờ đêm. 
Chị bạn ở cùng nhà Mai từng nói: “Em làm như vậy có nhiều quá không, đêm về còn học nữa, em kiệt sức mất thôi…”
“Nhiều, kiệt sức. Chưa bao giờ Mai thấy mình làm nhiều quá cả, chỉ là cố gắng thêm một chút…”, Mai nói. “Không hiểu động lực nào lúc đấy khiến mình không cảm thấy mệt mỏi bao giờ. Hôm nào mệt lắm tối về đi ngủ, ngày hôm sau mình lại thấy bình thường.” 

Bất ngờ hơn khi biết Mai hoàn toàn không bị bắt buộc phải tự túc về kinh tế. Không xuất thân từ gia đình quá giàu sang nhưng trước khi đi Úc, cô cũng là một tiểu thư ‘lá ngọc cành vàng’, chỉ cần lo mỗi việc học. 
Mai cho biết: “Khi cho con đi du học thì gia đình nào cũng phải chuẩn bị sẵn tài chính cho con rồi. Tuy nhiên với mức thu nhập ở Việt Nam và khoản dành dụm mà bố mẹ để cho mình đi du học thì với mình, đó là một tài sản lớn. Chính vì vậy, trong thời gian học ở đây, mình tự nhủ rằng, nếu có thể đi làm đỡ được bố mẹ phần nào mà không ảnh hưởng tới việc học thì mình làm.”

Chính với suy nghĩ như vậy, Mai đã tự lo chi phí sinh hoạt sau ba tháng sang Úc và sau một năm đầu tiên thì cô có thể tự trả được cả tiền học phí hơn 10 nghìn đô Úc/năm. Mai tự nhận là mình may mắn và luôn có duyên với các công việc làm thêm: “Sang Úc được ba tuần, Mai đã xin được công việc đầu tiên là đi làm cắt chỉ. Sau đó tìm được việc bán hàng ở chợ Victoria vào cuối tuần, rồi chuyển hết cửa hàng bánh mì này đến nhà hàng khác. Hình như chưa lúc nào mình không có việc làm cả, cứ chuẩn bị nghỉ chỗ này thì lại kiếm được chỗ khác.”

Một người bạn của Mai kể trông mảnh dẻ vậy mà khi bán bánh mì, hàng ngày Mai phải một mình thay những bình nước 20 lít cho cửa hàng và làm việc rất siêng năng. Từ một cô gái sợ bóng tối và rất sợ ma, Mai cảm thấy rất bình thường khi phải đi một mình về nhà lúc nửa đêm. Có người hỏi Mai rằng có quá mạo hiểm và cần thiết không khi điều kiện của Mai hoàn toàn không bắt buộc cô phải như thế. Mai trả lời: “Mình đã tính trước nên luôn thuê nhà ở gần trạm xe buýt để chỉ phải đi bộ một đoạn ngắn thôi. Hơn nữa, mình đã xác định ngay từ đầu là sẽ tự lập.”

Cách tổ chức và kế hoạch cho cuộc sống của cô bạn này phải nói là ‘gần hoàn hảo’. Điều này được thể hiện qua cách Mai tiết kiệm chi phí ăn, ở bằng cách đứng ra thuê nhà rồi tổ chức cho sinh viên thuê lại. Việc chọn học cao đẳng (TAFE) hai năm rồi mới chuyển tiếp lên học đại học 1,5 năm với lý do “muốn có bằng để xin đi làm lấy kinh nghiệm trước khi vào đại học”, cô cũng đã thực hiện được. 
“Học kỳ cuối năm TAFE, Mai xin được đi làm kế toán, việc tình nguyện, không lương nhưng khi vào đại học thì bắt đầu xin được việc làm đúng chuyên môn và có thu nhập”, Mai kể.


Không lầm bước

Đi làm nhiều như vậy nhưng kết quả học tập không bị giảm sút. Kinh nghiệm làm việc chỉ là những công việc lao động phổ thông và chưa có bằng cấp lại nhưng vẫn xin được việc làm tình nguyện đúng chuyên môn. Mọi người xung quanh luôn tò mò hỏi bí quyết của Mai, cô hóm hỉnh bảo: “Có quí nhân phù trợ”.
Thực ra ‘quí nhân’ là những người bạn luôn ở bên Mai nhắc nhở cô những lúc quan trọng nhất. Mai chia sẻ rằng cô luôn biết ơn một người bạn học cùng lớp đã giúp cô không sao nhãng việc học trong thời gian mải đi làm quá. 
“Bạn ấy rất khéo. Khi thấy maltình không chú ý đến trường lớp bạn ấy vờ hỏi mình là bài tập chuẩn bị nộp làm đến đâu, rồi bạn ấy hỏi mình xem nên làm như thế nào. Mình biết bạn ấy học rất khá và không cần sự giúp đỡ của mình, chẳng qua là bạn ấy muốn nhắc mình phải học bài đi”, Mai kể.
Ngay cả chuyện đi tìm việc làm kế toán nếu không có người anh họ luôn nhắc và hướng dẫn thì chưa chắc Mai đã có được cơ hội đi thực tập và đủ kiên nhẫn để theo đuổi mục đích của mình. 
“Thời gian ấy mình đang kiếm được 350-400 AUD mỗi tuần. Tự nhiên phải cắt thời gian để đi làm không lương. Thu nhập giảm đi trong khi vẫn phải chi trả mọi chi phí như mọi khi. Cảm giác khó chịu lắm.”
Mai cho biết những lúc muốn bỏ cuộc, anh họ của cô luôn hỏi: “Em sang đây để đi học hay đi kiếm tiền? Em có muốn làm việc văn phòng không hay chỉ muốn bán bánh mì thôi?” 
“Mình lại choàng tỉnh và nhớ ra mục đích ban đầu của mình”, cô nói. “Tại Úc để kiếm sống không quá khó, thực ra mình có thể làm được nhiều tiền hơn nữa nhưng xác định được giới hạn để cân đối với việc học mới là khó.”


Được và mất
alt

Những năm tháng vất vả của Mai cuối cùng đã được bù đắp. Giờ đây không chỉ có công việc ổn định, Mai lo được cho em gái đi du học, bảo lãnh gia đình nhập cư sang Úc và mua được nhà riêng cho mình. Cô bạn trẻ này hạnh phúc với ‘niềm vui Mai An Tiêm’: “Nhìn lại cả chặng đường, Mai tự hào vì những gì mình có hiện giờ đều do chính đôi tay mình làm ra.”
Tuy nhiên, bản nhạc nào cũng có những nốt lặng… 
“Có lúc cũng tiếc hay buồn một chút thì chỉ là biết mình đã mất một cái gì đó. Quãng đời sinh viên mình đã không được chơi nhiều như các bạn cùng trang lứa”, Mai tâm sự. “Mình cũng từng bỏ qua một số cơ hội tình cảm vì không có nhiều thời gian. Giờ bạn bè đều đã có đôi, mình thì chỉ mới bắt đầu…”

Sưu tầm

(AUS)(+61)450321235
(VN)0909809115