Doanh nghiệp Úc cần nhân viên hiểu biết về Châu Á

Được viết bởi Set Education. Đăng ngày 09/03/2011. Đăng trong Điểm tin. Lượt xem : 4334

Theo một báo cáo về đầu tư thương mại ở Châu Á dựa trên kết quả cuộc khảo sát 380 công ty Úc do Tập đoàn Công Nghiệp Úc và Asialink thực hiện cho thấy, khả năng nói được các ngôn ngữ Châu Á là chìa khóa giúp Úc đạt được mục tiêu đưa ngân sách thoát khỏi thâm hụt vào năm 2012.

Ông Heather Ridout – Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Úc, nhận định: “Điều đáng ngạc nhiên nhất là các doanh nghiệp Úc đang ngày càng quan tâm mạnh mẽ hơn tới khu vực Châu Á. Các chủ doanh nghiệp thực sự nhìn thấy tương lai của họ trong việc gắn kết chặt chẽ với Châu Á và đang đặc biệt tập trung vào khu vực tiềm năng này”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác với Châu Á là điều thiết yếu đối với Úc. Theo ước tính, cho đến năm 2030, tổng GDP của các nước Châu Á, trừ Nhật Bản, sẽ tương đương với tổng GDP của các nước G7. Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và Indonesia sẽ có mức GDP cao hơn Đức.

Hiện tượng này giúp lý giải vì sao 55% các công ty tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẽ tuyển thêm nhân viên để mở rộng thị trường theo kế hoạch. 90% các công ty cho rằng hoạt động thương mại ở Châu Á đang tiến triển tốt hơn mong đợi.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là nước thu hút sự chú ý nhiều nhất của các doanh nghiệp Úc. Điều này đồng nghĩa với việc Úc còn cả chặng đường dài để khai thác các cơ hội ở những nước Châu Á khác. Số liệu thống kê cho thấy 74% các công ty tham gia khảo sát quan tâm tới việc mở rộng kinh doanh trong khu vực, 50% các công ty đã có kế hoạch thực hiện mục tiêu này trong vòng 12 tháng tới.

Bên cạnh Trung Quốc thì 12 nền kinh tế Châu Á khác, trong đó có Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan cũng thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp Úc.

Tuy nhiên, rào cản khá lớn giữa Úc và các nước Châu Á vẫn đang tồn tại, trong đó một ví dụ điển hình là 65% thành viên hội đồng quản trị của các công ty Úc không có kinh nghiệm về Châu Á. Vì vậy, vấn đề cấp bách là tuyển dụng thêm các nhân viên có thể nói được ngôn ngữ và có hiểu biết về văn hóa, hệ thống luật pháp cũng như tình hình chính trị của các nước Châu Á trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó thì hệ thống giáo dục Úc ngày càng thụt lùi trong vấn đề giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Châu Á.

Bà Jenny McGregor, Giám đốc điều hành tổ chức Asialink cho biết nếu việc giảng dạy ngôn ngữ Châu Á, đặc biệt là tiếng Indonesia, tại Úc tiếp tục thụt lùi nhanh chóng như hiện nay thì trong vòng 8 năm tới hầu hết các học sinh trung học sẽ không còn có nhu cầu học tiếng Indonesia nữa.

Hiện tại, trung tâm Asianlink có khoảng 250 học sinh lớp 12 đến từ các nước không nói tiếng Trung Quốc đang theo học tiếng Trung. Mặc dù có ý kiến cho rằng ngày càng có nhiều người theo học tiếng Trung phổ thông (Mandarin) nhưng trên thực tế, số lượng sinh viên theo học ngôn ngữ này là rất ít ỏi.

“Số lượng 250 người theo học tiếng Trung trên khắp nước Úc không thể đáp ứng được hết nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng những nhân viên biết nói ngôn ngữ này”, bà Jenny McGregor cho biết.

Động thái của chính phủ

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo trên, Bộ trưởng Thương mại Úc Craig Emerson thừa nhận việc dạy và học ngôn ngữ Châu Á đang trên đà suy giảm. Tuy nhiên, ông cho rằng việc giúp ngân sách chính phủ thoát ra khỏi tình trạng thâm hụt vào năm 2012 vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Tiến sĩ Emerson dẫn chứng khoản đầu tư 60 triệu đô-la của Chính phủ Úc để tài trợ Chương trình Ngôn ngữ và Nghiên cứu Châu Á trong trường học vào năm 2010 đã bị bị chỉ trích là thiếu hiệu quả vì không đạt được mục tiêu mong đợi. Ông cũng cho biết khoảng 2/3 số sinh viên của chương trình học bổng Australian Award trị giá 5000 đô-la Úc hiện đang học tại Châu Á trong khi tính đến cuối năm 2010 đã có tới 485.000 ngàn sinh viên Châu Á hiện đang theo học các khóa học chất lượng cao ở Úc.

Bản báo cáo được đưa ra với mục đích kêu gọi chính phủ Úc tiếp tục có biện pháp thúc đẩy việc dạy và học ngôn ngữ Châu Á, đồng thời kêu gọi thực hiện Chiến lược Nhân lực Sẵn sàng Hợp tác với Châu Á (Asia Ready Workforce Strategy and Advisory Panel) cũng như việc thành lập Ban tư vấn về vấn đề Châu Á. Bên cạnh đó, Úc cũng cần có một nhà lãnh đạo tư tưởng dưới sự hậu thuẫn của thủ tướng nhằm hoạt động vì mục đích chung đồng thời đưa ra một chiến lược hành động quốc gia về vấn đề này.

Theo Bay Vút

(AUS)(+61)450321235
(VN) 0909809115